Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 10 tháng 1 năm 2023 | 11:1

Nông nghiệp Yên Bái khởi sắc

Thời gian qua, Yên Bái tập trung thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp (SXNN) sang tư duy kinh tế nông nghiệp với ba yếu tố chủ đạo là nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. Nổi bật và quan trọng nhất là thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Những mô hình "đổi mới tư duy" ở Mù Cang Chải

Gần đây, nhiều hộ dân ở huyện Mù Cang Chải mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các mô hình kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung như nuôi trâu, bò, trồng lê Đài Loan, nuôi lợn đen, gà đen bản địa...

Mô hình chăn nuôi trâu, bò bán chăn thả của anh Giàng A Hồng, bản Xéo Dì Hồ B, xã Lao Chải mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Báo Yên Bái

Đến thăm mô hình nuôi trâu, bò của anh Giàng A Hồng ở bản Xéo Dì Hồ B, xã Lao Chải, tôi được anh cho biết: "Qua tuyên truyền, định hướng của xã cũng như tìm hiểu trên báo, mạng xã hội, tôi nhận thấy, với lợi thế gia đình có đất đai rộng rãi, phù hợp cho phát triển chăn nuôi trâu, bò bán chăn thả. Bên cạnh đó, khi tìm hiểu các dạng mô hình, tôi nhận thấy, với điều kiện khí hậu, trình độ lao động của gia đình thì chăn nuôi trâu, bò là phù hợp nhất. Bởi vì, trâu, bò ít dịch bệnh hơn so với lợn, gà cũng như đầu con ít, nên khi chữa trị, phòng dịch bệnh dễ hơn; thức ăn cho trâu, bò chủ yếu là cỏ tự nhiên, cỏ trồng và rơm rạ nên chi phí thấp”. 

Từ tư duy này, năm 2020, anh Hồng tận dụng diện tích đất trống gần trang trại trồng hơn 3 ha cỏ voi, vay thêm vốn để đầu tư hơn 300 triệu đồng xây dựng chuồng trại quy mô nuôi 30 con/lứa và mua thêm 3 bò nái, 1 trâu nái nuôi cùng những con giống đã có trước. Năm 2022, sau khi xuất chuồng 4 con, hiện tổng đàn trâu, bò của anh Hồng vẫn còn 22 con, với 13 con bò và 9 con trâu. 

Ông Giàng A Lử - Chủ tịch UBND xã Lao Chải nhận xét: "Lao Chải là xã vùng cao, còn nhiều khó khăn về mọi mặt, người dân còn nghèo cả về vốn và kiến thức. Tuy nhiên, xã có lợi thế là đất đồi rộng rãi, nên phù hợp cho phát triển chăn nuôi trâu, bò bán chăn thả. Bởi vậy, những mô hình chăn nuôi hàng hóa như anh Hồng, đã góp phần thay đổi tư duy của nhân dân trong phát triển kinh tế. Đặc biệt, đây là mô hình điểm cho thanh niên học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, từng bước hiện thực hóa khát vọng về lập thân, lập nghiệp làm giàu chính đáng trên chính quê hương mình”. 

Anh Mùa A Mạnh ở bản Nả Háng Tủa Chử, xã Púng Luông, có diện tích đất rộng gần 5 ha, trước đây chỉ trồng lúa nương và ngô, nên hiệu quả kinh tế thấp đã được anh chuyển sang trồng các giống cây ăn quả mới cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Cụ thể, vào năm 2015, khi có dự án trồng lê Đài Loan, anh Mạnh đã đăng ký giống về trồng. 

Sau 6 năm cần mẫn chăm sóc theo đúng kỹ thuật cán bộ Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện hướng dẫn, năm 2022 đã có gần 1 ha lê cho thu hoạch trên 2 tấn quả, mang về nguồn thu hơn 50 triệu đồng giúp anh Mạnh có thêm động lực đầu tư cho vườn cây. 

Ở xã Púng Luông, từ mô hình của anh Mùa A Mạnh, Mùa A Tòng, khiến nhiều hộ khác thêm tự tin chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhân rộng diện tích trồng lê Đài Loan, hồng giòn, góp phần nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Ngoài ra, trên địa bàn huyện Mù Cang Chải còn hàng trăm mô hình kinh tế chăn nuôi, trồng trọt khác cũng đang khẳng định hiệu quả kinh tế rất khả quan. 

Điển hình như mô hình chăn nuôi lợn đen bản địa với quy mô đàn duy trì thường xuyên từ 60 đến 80 con, mỗi năm thu nhập trên 250 triệu đồng của anh Sùng A Páo ở bản Trống Là, xã Hồ Bốn; mô hình du lịch cộng đồng của anh Hảng A Dò ở bản La Pán Tẩn, xã La Pán Tẩn với 18 phòng nghỉ kết hợp phục vụ ăn uống, đưa khách đi trải nghiệm... cho thu nhập trên 150 triệu đồng/năm; mô hình chăn nuôi lợn lai lợn rừng với quy mô từ 30 con trở lên của anh Giàng A Cheo ở bản Cồ Dề Sang B, xã Lao Chải cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao... 

Điều quan trọng là, hiệu ứng từ những mô hình kinh tế tư duy mới này, không chỉ giúp thay đổi đời sống vật chất của nhiều hộ, mà nó còn góp phần thay đổi nhận thức, tư duy, tập quán canh tác của người dân trong phát triển kinh tế.

Nhờ đó, huyện Mù Cang Chải hiện có hàng trăm mô hình kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa. Riêng lĩnh vực chăn nuôi, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh cùng với sự nỗ lực của nhiều hộ dân, toàn huyện đã xây dựng mới 298 mô hình. 

Văn Chấn tập trung sản xuất nông nghiệp hàng hóa

Với lợi thế có hơn 2.720 ha ruộng nước, hàng năm, nông dân huyện Văn Chấn tích cực đưa các giống lúa chất lượng cao, năng suất cao vào gieo cấy, góp phần bảo đảm an ninh lương thực tại chỗ và tạo ra một số vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao như: Séng cù, Chiêm hương, Bắc hương...

Gia đình ông Nguyễn Văn Thắng ở thôn Dày 2, xã Chấn Thịnh, huyện Văn Chấn mỗi năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng từ trồng cây ăn quả có múi. Ảnh: Báo Yên Bái

Đặc biệt, vùng nếp Tan xã Tú Lệ mỗi năm cung ứng ra thị trường hàng trăm tấn sản phẩm, làm nên thương hiệu cốm Tú Lệ, gạo nếp Tan Tú Lệ được nhiều người tiêu dùng cả nước biết đến, sản phẩm nếp Tan Tú Lệ được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. 

Bên cạnh đó, huyện Văn Chấn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân ở các xã: Suối Giàng, Gia Hội, Nậm Búng, Sùng Đô, Đại Lịch, Tân Thịnh có lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp đẩy mạnh phát triển cây chè bằng các loại giống mới, chè chất lượng cao như: LDP1, LDP2, chè Shan... giúp tạo sản phẩm đáp ứng cho xuất khẩu cũng như củng cố thương hiệu, tạo chỗ đứng vững chắc cho sản phẩm chè Văn Chấn.

Hàng năm, huyện luôn quan tâm, chỉ đạo phát triển cây chè Shan vùng cao, nhất là ở xã Suối Giàng, Sùng Đô; chủ động chăm sóc, bảo tồn khoảng hơn 80.000 cây chè Shan tuyết với tuổi thọ từ 200 năm tuổi đến trên 300 năm tuổi để tạo sản phẩm chất lượng duy trì thương hiệu chè Shan tuyết. 

Trong đó, quần thể hơn 500 cây chè Shan tuyết cổ thụ ở xã Suối Giàng đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam và được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp văn bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý "Chè Shan tuyết Suối Giàng”. 

Cùng với cây chè, huyện Văn Chấn còn đẩy mạnh phát triển cây ăn quả có múi với tổng diện tích hiện nay trên 1.400 ha; trong đó, có hơn 1.000 ha đang cho thu hoạch với tổng sản lượng đạt trên 9.500 tấn/năm.

Những năm gần đây, song song với việc nghiên cứu phương pháp trồng, chăm sóc để hạn chế sâu, bệnh hại, nhất là bệnh vàng lá, thối rễ thì việc chọn giống, chăm bón, thu hoạch được nhân dân đặc biệt chú trọng thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP và liên kết thành các nhóm tổ hợp tác sản xuất, hợp tác xã sản xuất... 

Toàn huyện đã có trên 100 ha cam, quýt đạt chứng chỉ tiêu chuẩn VietGAP; sản phẩm cam Đường canh của Hợp tác xã Trồng cây ăn quả và Dịch vụ tổng hợp Bình Thuận được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao và đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý "Cam Văn Chấn”. 

Đây là điều kiện quan trọng giúp các sản phẩm cam, quýt của huyện tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước. Ngoài ra, các xã: Cát Thịnh, Nậm Lành, Nậm Mười, An Lương, Suối Quyền… còn tận dụng thế mạnh về đất đai, khí hậu phát triển trồng quế, góp phần quan trọng giúp huyện nâng tổng diện tích quế lên hơn 9.000 ha với sản lượng khai thác quế vỏ hàng năm đạt trên 7.500 tấn và tận thu hơn 14.000 tấn cành lá chưng cất tinh dầu cùng hàng nghìn mét khối gỗ quế, thu về nhiều tỷ đồng cho người dân.

Từ phát triển nông nghiệp hàng hóa, đã góp phần giúp huyện nâng tổng giá trị sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản năm 2022 đạt 1.355 tỷ đồng; bình quân thu nhập đạt 34,5 triệu đồng/người; hộ nghèo giảm còn 4.959 hộ, chiếm tỷ lệ 16,07%... 

Đi đôi với phát triển sản xuất, huyện Văn Chấn cũng luôn chú trọng quảng bá, tập huấn, thiết kế nhận diện, đầu tư công cụ, máy móc hỗ trợ truy xuất nguồn gốc QR Code, website, quảng bá, giới thiệu sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. 

Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh quy hoạch vùng phát triển các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp nhằm khai thác triệt để thế mạnh tại chỗ của từng địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền nhân dân ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chế biến sản phẩm nông - lâm nghiệp để vừa gia tăng sản lượng, chất lượng và nâng cao hiệu quả kinh tế.

Hướng đến nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh

Yên Bái tập trung thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp (SXNN) sang tư duy kinh tế nông nghiệp với ba yếu tố chủ đạo là nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. Nổi bật và quan trọng nhất là thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Chế biến măng tre Bát độ xuất khẩu tại Công ty cổ phần Yên Thành. Ảnh: Báo Yên Bái

Theo đó, tỉnh tập trung cơ cấu lại lĩnh vực và sản phẩm; khuyến khích sử dụng linh hoạt đất nông nghiệp theo hướng bảo vệ và nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tạo điều kiện tập trung, tích tụ đất nông nghiệp nhằm tổ chức sản xuất theo nhu cầu của thị trường và đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng và triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ tiếp cận thông tin khoa học, kỹ thuật (KHKT), thị trường; hỗ trợ nghiên cứu chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. 

Cùng với đó, tỉnh thực hiện cải cách hành chính và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp; ứng dụng tiến bộ KHKT và công nghệ vào SXNN để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp; trong đó, chú trọng lựa chọn các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết để đưa vào cơ cấu giống cây trồng, ứng dụng, cải tiến công nghệ sinh sản trong chọn giống vật nuôi, áp dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất chăn nuôi khép kín hoặc liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn, đến chế biến; điều chỉnh cơ cấu giống cây lâm nghiệp trồng trong rừng phòng hộ theo hướng tăng loài cây trồng đa tác dụng, đa mục tiêu, các loài cây bản địa gỗ lớn, nâng cao chất lượng, hiệu quả, đảm bảo tính bền vững của rừng… 

Năm 2022, tổng sản lượng lương thực có hạt 11 tháng đạt 323.510 tấn, bằng 102,4% kế hoạch, tăng 0,42% so với cùng kỳ,vượt 2,38% kế hoạch năm 2022; Sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt 64.510 tấn, bằng 107,5% kế hoạch; Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 2.602,1 ha/kế hoạch; Trồng mới 15.861 ha rừng, bằng 102,3% kế hoạch... 

Đến nay, toàn tỉnh có trên 500 nhà máy, cơ sở chế biến gỗ, với sản lượng sản phẩm ván bóc, xẻ thanh khoảng 380.000 m3/năm; ván ép, ván ghép thanh khoảng 75.000 m3/năm; giấy đế, giấy vàng mã khoảng 35.000 tấn/năm; dăm gỗ khoảng 40.000 tấn/năm; 13 nhà máy và 120 cơ sở chế biến tinh dầu quế, trên 60 cơ sở chế biến chè đang hoạt động, 2 nhà máy chế biến tinh bột sắn, 2 nhà máy chế biến măng tre xuất khẩu... 

Cùng với cơ cấu lại lĩnh vực và sản phẩm, Yên Bái chú trọng cơ cấu lại sản xuất theo vùng. Trong đó, đối với vùng cao, tận dụng lợi thế về điều kiện địa hình, khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa dân tộc để xây dựng chuỗi cung ứng kép đặc trưng, có chất lượng như: phát triển nông nghiệp, nông thôn - du lịch; nông nghiệp, nông thôn - dịch vụ, thương mại, phát triển đại gia súc tại các huyện vùng cao, vùng có điều kiện chăn thả. 

Địa phương đã chuyển mạnh từ sản xuất nhỏ sang sản xuất hàng hóa đối với những sản phẩm đặc sản, hữu cơ gắn với phát triển nhanh các sản phẩm OCOP, bảo đảm vững chắc sinh kế cho người dân... 

Với vùng thấp, chuyển dịch mạnh cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng lâm nghiệp và chăn nuôi; chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao hơn; hình thành các vùng nguyên liệu chuyên canh nông sản theo chuỗi giá trị với một số sản phẩm chủ lực. 

Cùng với đó, mở rộng nuôi trồng tập trung, thâm canh, bán thâm canh các loại thủy sản giá trị cao tại các huyện: Yên Bình, Trấn Yên, Lục Yên, Văn Yên, thành phố Yên Bái… phát triển sản phẩm cá sạch, cá đặc sản hồ Thác Bà…; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ ở nông thôn, tổ chức lại sản xuất ở nông thôn theo chuỗi giá trị, nhân rộng mô hình liên kết trong SXNN; khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, đẩy mạnh hỗ trợ nâng cao năng lực và phát triển hợp tác xã nông nghiệp và các tổ hợp tác để phối hợp và phân công sản xuất hợp lý, hiệu quả; bảo đảm tối đa hóa và hài hòa lợi ích giữa người dân trực tiếp sản xuất với doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến, đơn vị phân phối sản phẩm và người tiêu dùng…

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top