Sau nhiều năm tập trung nguồn lực đầu tư, tỷ lệ hộ nghèo ở tỉnh đã giảm mạnh. Giờ đây, đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng cao Lào Cai, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đã có sự đổi thay.
Dền Thàng giảm nghèo bền vững
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đến hết năm 2022, xã Dền Thàng (Bát Xát, Lào Cai) đã hoàn thành 6/19 tiêu chí (theo bộ tiêu chí mới); tỷ lệ hộ nghèo còn 64,86% (trong năm giảm được 87 hộ nghèo), đạt 108,75% kế hoạch; thu nhập bình quân người dân đạt 27,8 triệu đồng/năm; tỷ lệ nhà ở dân cư đạt tiêu chuẩn 3 cứng là 58,1%; có 66,9% đường trục thôn được cứng hóa; 87,7% đường ngõ xóm được bê tông, 68,5% số hộ dân có nhà tắm, nhà vệ sinh đạt chuẩn…
Ông Nguyễn Trọng Hài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao những kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền xã năm 2022; biểu dương sự nỗ lực vượt khó của Nhân dân địa phương trong phát triển kinh tế, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Đồng thời đề nghị cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong xã tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, vượt khó, có nhiều sáng tạo trong phát triển kinh tế, nhằm năng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững, phấn đấu đạt các tiêu chí nông mới theo lộ trình đã đề ra.
Tặng quà hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn xã Dền Thàng. Ảnh: Báo Lào Cai
Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Thời gian qua, tỉnh đã huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp để hỗ trợ xã thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Trên cơ sở này, xã Dền Thàng cần tích cực, chủ động hơn nữa trong thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy mạnh công tác chỉ đạo sản xuất nông – lâm nghiệp, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.
Bảo Yên phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững
Những năm qua, huyện Bảo Yên tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và làm thay đổi diện mạo nông thôn.
Nhiều hộ dân ở Bảo Yên có thu nhập cao từ trồng cây ăn quả. Ảnh: Báo Lào Cai
Xác định mục tiêu lớn nhất của chương trình xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân nông thôn, Bảo Yên xác định nông - lâm nghiệp là lĩnh vực ưu tiên đầu tư nhằm phát huy lợi thế về đất đai, nguồn lao động. Huyện đã cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ theo hướng kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, phát huy lợi thế về địa hình, khí hậu, cảnh quan thiên nhiên và hạ tầng kinh tế - xã hội. Xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, nâng cao năng lực chế biến và bảo quản nông sản theo mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu chuẩn chất lượng và mã vùng nguyên liệu; chuyển đổi cơ cấu sản xuất, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các hệ thống kết nối, xúc tiến tiêu thụ nông sản; đa dạng hóa hệ thống kênh phân phối, tiêu thụ đảm bảo bền vững trước các biến động của thiên tai, dịch bệnh.
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bảo Yên chú trọng phát triển các cây trồng chủ lực, tiềm năng, vùng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh theo hướng mở rộng về quy mô, diện tích và nâng cao về chất lượng, đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân. Bảo Yên hiện có các cây trồng, vật nuôi chủ lực gồm: Cây quế (hơn 24.669 ha), cây chè (559 ha), cây chuối 220 ha. Cây ăn quả có gần 214 ha gồm hồng không hạt 142,1 ha, bưởi 45,2 ha, thanh long ruột đỏ 26,6 ha, được trồng tại các xã: Bảo Hà, Kim Sơn, Cam Cọn, Việt Tiến, Minh Tân. Cây dâu tằm được trồng tại 5 xã trong vùng quy hoạch gồm Kim Sơn, Cam Cọn, Bảo Hà, Việt Tiến, Nghĩa Đô; hiện có 16,3 ha và thực hiện nuôi gối lứa 170 vòng tằm, năng suất trung bình đạt 18,2 kg/vòng, sản lượng kén đạt 3.100 kg.
Đến nay, toàn huyện có tổng đàn gà đồi 573.000 con, được nuôi tại 5 xã (Bảo Hà, Thượng Hà, Điện Quan, Việt Tiến, Xuân Hòa), trong đó có 19 trang trại chăn nuôi gia cầm theo hướng công nghệ cao với hơn 60.000 con. Quy hoạch phát triển vịt bầu Nghĩa Đô tại 5 xã: (Tân Tiến, Nghĩa Đô, Vĩnh Yên, Phúc Khánh, Lương Sơn) với tổng đàn hiện có hơn 40.000 con.
Năm 2022, diện tích trồng rừng mới của huyện Bảo Yên đạt hơn 1.854 ha/1.200 ha, bằng 154,55% kế hoạch năm và cơ cấu cây lâm nghiệp chủ yếu là quế, trẩu, bồ đề… góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng của huyện đạt 61,5%.
Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, tính đến hết năm 2022, huyện Bảo Yên có 18 sản phẩm OCOP, trong đó 6 sản phẩm đạt 4 sao và 12 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh.
Cùng với phát triển nông nghiệp, huyện đã chỉ đạo các xã rà soát, xây dựng kế hoạch, lộ trình và triển khai thực hiện các tiêu chí xây dựng xã nông thôn thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Cùng với các cơ chế hỗ trợ của trung ương, tỉnh, huyện, nhiều xã đã có cách làm hay, sáng tạo trong công tác huy động sức dân xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên cho biết: Việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới đã huy động được các nguồn lực của trung ương, địa phương và cộng đồng dân cư để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với hoàn thiện các tiêu chí. Nhiều công trình về giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, văn hóa được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa quy mô lớn, tập trung; hình thành các mối liên kết giữa người dân với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với hợp tác xã từ các khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản đến tiêu thụ sản phẩm; giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của huyện không ngừng tăng lên theo từng năm, qua đó nâng cao thu nhập và đời sống của người dân.
Đến hết năm 2021, Bảo Yên có 7/16 xã đạt chuẩn nông thôn mới và theo kết quả rà soát 7 xã theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2022 - 2025 thì Việt Tiến đạt 7/19 tiêu chí, Yên Sơn đạt 7/19 tiêu chí, Nghĩa Đô đạt 6/19 tiêu chí, Lương Sơn đạt 7/19 tiêu chí, Tân Dương đạt 6/19 tiêu chí, Minh Tân đạt 6/19 tiêu chí, Xuân Thượng đạt 8/19 tiêu chí.
Thực tế cho thấy, trong triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, Bảo Yên đối diện không ít khó khăn, thách thức. Đó là nguồn thu ngân sách địa phương còn hạn chế, trong khi nhu cầu về nguồn lực để tổ chức thực hiện chương trình rất lớn và nguồn vốn thực hiện chương trình phụ thuộc nhiều vào ngân sách Trung ương, tỉnh. Mặt khác, hiện trạng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn còn thấp so với yêu cầu của từng tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới; nông thôn của huyện tập trung chủ yếu ở vùng địa hình phức tạp, dân cư sống không tập trung, suất đầu tư cao nên khó khăn cho việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi, điện...
Bà Trịnh Thị Duyên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Yên cho biết: Thời gian tới, Bảo Yên tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, tăng cường đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ xây dựng bao bì, nhãn mác sản phẩm...
Khởi sắc nông thôn vùng cao
Nhiều năm trước, xã Cốc Ly (Bắc Hà) gặp vô vàn khó khăn, kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, kinh tế chậm phát triển, hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao. Tuy nhiên, những năm gần đây, đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong xã, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đã có sự đổi thay.
Có được kết quả đó là do Đảng bộ và chính quyền xã đã xác định hướng đi đúng, tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước ưu tiên xây dựng hạ tầng thiết yếu như điện - đường - trường - trạm, thủy lợi… với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”.
Ảnh: Báo Lào Cai
Ông Bàn Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Cốc Ly cho biết: Xã đã lồng ghép các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và tạo thuận lợi nhất cho người dân vay vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay, xã Cốc Ly có 1.200 ha quế, duy trì gần 560 ha ngô 2 vụ và 284 ha lúa 2 vụ, gần 170 lồng cá nuôi trên lòng hồ thủy điện Bắc Hà. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn gần 30%, thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/năm; gần 60% đường trục thôn, ngõ xóm được bê tông.
Đến xã Tả Phìn (thị xã Sa Pa), chúng tôi cảm nhận rõ sự đổi thay sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới. Chủ tịch UBND xã Lý Láo Lở phấn khởi: Nổi bật nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo ở Tả Phìn là sự thống nhất, đoàn kết cao, phát huy sức mạnh tập thể, lãnh đạo Nhân dân phát triển kinh tế, trọng tâm là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tả Phìn đã hình thành rõ nét vùng kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao với vùng trồng hoa nổi tiếng của thị xã với địa lan, nhất chi mai, hồng...; vùng trồng dược liệu và nhiều mô hình du lịch cộng đồng.
Để “mục sở thị” sự đổi thay ở Tả Phìn, chúng tôi đến tìm hiểu mô hình trồng địa lan ở thôn Tả Chải và ngỡ ngàng bởi màu xanh của những vườn địa lan, cây cảnh bên những tuyến đường bê tông chạy dài tít tắp, những con ngõ dẫn vào nhà ở của người dân được vệ sinh sạch sẽ. Ông Lý Phù Chìu, Bí thư Chi bộ thôn Tả Chải cho biết: Thôn đã thành lập chi hội nghề nghiệp trồng hoa địa lan và xây dựng 2 vườn lan tập thể của chi bộ, chi hội cựu chiến binh. Từ những chính sách phát triển sản xuất cụ thể đã góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt hơn 40 triệu đồng/năm, thôn chỉ còn 2 hộ nghèo và 6 hộ cận nghèo.
Không chỉ tại Cốc Ly, Tả Phìn… mà hầu hết xã vùng cao của tỉnh đang từng ngày “thay da đổi thịt” khoác trên mình diện mạo nông thôn mới. Từ chỗ còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước, người dân đã chủ động, tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí, đưa chương trình này trở thành phong trào thi đua sôi nổi và rộng khắp.
Đến nay, toàn tỉnh có 62/127 xã duy trì và công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 4 xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao (tăng 2 xã so với năm 2021); thành phố Lào Cai hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; huyện Bảo Thắng đạt chuẩn huyện nông thôn mới; bình quân đạt 15,73 tiêu chí/xã; toàn tỉnh có 237 thôn kiểu mẫu, 177 thôn nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 31 triệu đồng/năm. Năm 2022, toàn tỉnh giảm 5,82% hộ nghèo, trong đó tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giảm 7%...
Bước chuyển vùng “lõi nghèo”
Sau hơn 1 năm tập trung nguồn lực đầu tư, tỷ lệ hộ nghèo ở 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh đã giảm mạnh.
Ưu tiên bố trí nguồn lực cao nhất cho 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh là nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm mà UBND tỉnh xác định tại Kế hoạch 239 ngày 19/5/2021. Trước đó, Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định 148 ngày 2/3/2021 về việc phân công Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh giúp đỡ các xã có tỷ hộ nghèo cao của tỉnh. Quyết định này nhằm gắn trách nhiệm của từng cá nhân cụ thể, trong đó có các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh với các xã, với tinh thần “người dân hết nghèo, xã thoát nghèo thì lãnh đạo mới hoàn thành nhiệm vụ”..
Theo Quyết định 148 của Tỉnh ủy có 8 đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trực tiếp được phân công giúp đỡ 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh. Các đồng chí được giao nhiệm vụ đã thường xuyên chỉ đạo sát sao đối với công tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 đối với 10 xã nghèo. Trong năm 2022 đã tổ chức nhiều buổi làm việc, nắm khó khăn, hạn chế của từng xã, đồng thời có những chỉ đạo kịp thời. Mỗi đồng chí lãnh đạo được giao giúp đỡ xã nghèo có những cách làm khác nhau, nhưng điểm chung nhất là sự tâm huyết, trách nhiệm, luôn đau đáu với công tác giảm nghèo, hướng về người nghèo bằng những việc làm thực chất và mang lại hiệu quả thiết thực. Năm 2022, tổng kinh phí xã hội hóa từ các hoạt động vận động giúp đỡ từ các đồng chí lãnh đạo được giao nhiệm vụ phụ trách 10 xã lên tới 2,38 tỷ đồng.
Ảnh: Báo Lào Cai
Cùng với đó, tỉnh ưu tiên từ nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ chế, chính sách cho đến đầu tư hạ tầng. Năm 2022, tỉnh đã điều động, luân chuyển 14 cán bộ, công chức (tăng 1 người so với năm 2021), trong đó Mường Khương 8 người, Bắc Hà 2 người, Bát Xát 3 người, Văn Bàn 1 người. Đến hết năm 2022, đã bố trí được 7/10 xã có cán bộ, công chức cấp huyện tăng cường về làm cán bộ đảm nhiệm các chức danh chủ chốt, gồm: Bí thư, phó bí thư đảng ủy, chủ tịch, phó chủ tịch UBND tại các xã nghèo.
Không chỉ ưu tiên bố trí nguồn nhân lực, gắn trách nhiệm người đứng đầu, tỉnh chú trọng đào tạo nghề, tạo việc làm cho người dân tại các xã nghèo. Năm 2022, đã giải quyết việc làm có thu nhập ổn định cho 663 lao động của 10 xã, tăng 300% so với năm 2021. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, gia đình được hỗ trợ vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh với tổng dư nợ cho vay tại 10 xã là hơn 276 tỷ đồng, tăng 9,96% so với cuối năm 2021. Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cho vay tại 10 xã ở mức thấp (0,3%).
Những kết quả trên đã tạo nền móng để những năm tiếp theo Lào Cai đạt và vượt mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 8% trở lên theo tiêu chí chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025 tại 10 xã; nâng thu nhập bình quân đầu người năm 2025 gấp 2 lần so với năm 2020.
Xác định phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp là “chìa khóa” đẩy nhanh công cuộc giảm nghèo tại 10 xã khó khăn nhất tỉnh, năm 2022, ngành nông nghiệp Lào Cai phối hợp với chính quyền các địa phương, đơn vị tổ chức rà soát, đánh giá tình hình sản xuất các loại nông sản chính, đồng thời triển khai thực hiện 18 danh mục dự án đầu tư phát triển sản xuất, đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, với tổng kinh phí hơn 4,6 tỷ đồng.
Nhiều dự án được triển khai đã phát huy hiệu quả, giúp người dân thoát nghèo, như dự án trồng măng sặt, chăn nuôi bò, ngựa sinh sản, liên kết trồng gừng trâu xuất khẩu ở xã Nậm Chày (Văn Bàn); dự án trồng chè Shan, chăn nuôi lợn đen sinh sản tại các xã: Lùng Khấu Nhin, Tả Thàng, Dìn Chin, La Pan Tẩn (Mường Khương); dự án phát triển cây ăn quả ôn đới, chăn nuôi bò, lợn đen bản địa, trồng dong riềng tại Pa Cheo, xã Dền Thàng (Bát Xát)…
Ông Má A Chúng, Chủ tịch UBND xã Pa Cheo cho biết: Nhờ có dự án phát triển cây ăn quả ôn đới, mô hình chăn nuôi ngựa sinh sản, chăn nuôi lợn đen bản địa mà nhiều hộ trong xã đã thoát nghèo. Trên địa bàn xã hiện có hơn 70 ha lê, trong đó hơn 6 ha đang cho thu hoạch, tạo nguồn thu hơn 4 tỷ đồng/năm; thu từ chăn nuôi lợn đen bản địa và ngựa đạt hơn 3 tỷ đồng/năm.
Pa Cheo là xã có tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu nhất trong 10 xã, đạt 14,45% (từ 79,39% xuống 64,81%, tương đương giảm 167 hộ nghèo/năm). Thu nhập bình quân năm 2022 đạt 19,2 triệu đồng/người, tăng 5,2 triệu đồng/người so với năm 2020.
Thời gian tới, xã Pa Cheo tiếp tục đưa ra các dự án hỗ trợ đầu tư vào phát triển kinh tế hộ. Khuyến khích người dân phát triển các mô hình hiện có để mở rộng thành vùng sản xuất hàng hóa; triển khai một số dự án mới như trồng cây dược liệu, phát triển cây dong riềng, trồng su su, nuôi cá nước lạnh… để nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững cho người dân.
Lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế tiếp tục được quan tâm đầu tư và duy trì ổn định về số lượng, chất lượng. Tỉnh đã thực hiện giải pháp tập trung đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu, đảm bảo đạt các tiêu chí nông thôn mới về hạ tầng vùng nông thôn ở 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Trước hết, ưu tiên nguồn lực đầu tư các công trình giao thông nông thôn, tiếp đến là hệ thống trường học, trạm y tế, công trình thủy lợi và các công trình cấp điện sinh hoạt… Năm 2022, nhiều công trình hạ tầng của 10 xã nghèo đã được đầu tư xây dựng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Xã Hoàng Thu Phố (Bắc Hà) có 98% dân số là đồng bào Mông, sinh sống tại 7 thôn, với 575 hộ. Chủ tịch UBND xã Hoàng Thu Phố Trần Văn Cường cho biết: Các chương trình, dự án triển khai tại xã thời gian qua tạo “đòn bẩy” giúp bà con phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Năm 2022 ghi dấu nhiều nỗ lực của địa phương trong công tác giảm nghèo, với tỷ lệ giảm nghèo đạt 11,09%, bằng 101,9% so với kế hoạch. Hết năm 2022, xã đạt 11/19 tiêu chí nông thôn mới.
Năm 2022 là năm thứ 2 triển khai thực hiện Kế hoạch số 239 ngày 19/5/2021 của UBND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 đối với 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo bình quân các xã là 60,95%, giảm 11,15% (giảm 676 hộ), vượt 23,91% so với mục tiêu kế hoạch.
Kết quả đạt được là nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành cùng sự vào cuộc chủ động của người dân, quyết tâm hoàn thành thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…