Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 14 tháng 12 năm 2024 | 10:16

Phát huy hiệu quả vùng sản xuất rau hữu cơ của Hà Nội

Thành phố Hà Nội với hơn 10 triệu dân đang đối mặt với thách thức lớn về an toàn thực phẩm, việc cung cấp rau sạch, an toàn và bền vững là nhu cầu bức thiết. Hiện nay, trên địa bàn của thành phố có nhiều mô hình sản xuất rau hữu cơ, đủ đáp ứng cho nhu cầu của người tiêu dùng. Vì thế, cần phải phát huy hiệu quả những vùng sản xuất rau hữu cơ này, để người dân Thủ đô có sản phẩm rau sạch sử dụng.

Người tiêu dùng lo lắng về nguồn gốc lại không rõ ràng

Không khó khăn lắm khi hỏi tất cả những người nội trợ, lo bữa ăn cho từng gia đình về việc có hay không muốn sử dụng rau sạch, rau an toàn. Chắc chắn con số phải lên đến 100% người được hỏi đều trả lời: Muốn.

Chăm sóc rau trồng theo phương pháp hữu cơ tại Sóc Sơn

Chị Nguyễn Thị Hòa nhà ở sô 12 Hồ Xuân Hương (Hà Nội) là cán bộ nghỉ hưu, thường xuyên phải lo bữa ăn hàng ngày cho gia đình, điều mà chị mong muốn nhất là được sử dụng các sản phẩm thực phẩm sạch, không chỉ có thịt, cá mà cả rau xanh. Tuy nhiên, khi đi chợ truyền thống tuyệt nhiên không có cửa hàng nào rau sạch được bày bán, có bày bán thì chỉ trong thời gian ngắn sẽ xảy ra tình trạng “thật – giả” lẫn lộn. Chị cho biết, nhu cầu được sử dụng sản phẩm thực phẩm sạch là rất cao, nhưng không biết đâu là rau sạch, đâu là rau bẩn.

Một lần về HTX Dịch vụ Tổng hợp Đông Cao (Tráng Việt, Mê Linh) được nghe Giám đốc HTX Đàm Văn Đua trần tình về sản phẩm rau sạch được bà con xã viên HTX sản xuất. Theo ông Đua cho biết, nhu cầu được sử dụng rau sạch của người tiêu dùng không chỉ có riêng Hà Nội, mà các tỉnh thành trên cả nước đều tăng. Bởi nhiều vụ ngộ độc thực phẩm do ăn phải rau không đảm bảo an toàn đã xảy ra, nhẹ thì choáng, ngất, nặng thì tử vong.

Nhưng rau của HTX sản xuất ra chủ yếu được cung cấp tại các chợ đầu mối của Hà Nội và các tỉnh thành lân cận về trực tiếp lấy, sản phẩm chưa được đưa nhiều vào các kệ của trung tâm siêu thị. Đôi khi sản phẩm rau sạch của HTX Dịch vụ Tổng hợp Đông Cao còn bị đánh tráo thương hiệu, thành sản phẩm rau sạch, rau hữu cơ mang tên cơ sở khác.

Có thể thấy, sản phẩm rau hữu cơ đang được người dân trong nước và thế giới tin dùng, bởi ngoài bảo vệ sức khỏe, khi sử dụng sản phẩm hữu cơ, người tiêu dùng còn hướng đến những giá trị nhân văn khác: Bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, cân bằng sinh thái. Do đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia mở rộng diện tích trồng rau hữu cơ.

Nhiều mô hình trồng rau hữu cơ đạt hiệu quả kinh tế cao

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có mô hình sản xuất rau hữu cơ tại xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn); rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (huyện Đan Phượng); mô hình rau hữu cơ của trang trại Hoa Viên (huyện Thạch Thất); Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Việt Liên sản xuất rau hữu cơ tại phường Cự Khối (quận Long Biên)... hầu hết các mô hình sản xuất rau hữu cơ này đều phát huy hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế cao, cải thiện được cuộc sống cho bà con xã viên HTX. Các HTX sản xuất rau hữu cơ này đều ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sdanr xuất, vừa nâng cao năng suất, vừa bảo đảm chất lượng.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) Hoàng Thị Hậu cho biết, nhờ ứng dụng công nghệ, giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất nên rau hữu cơ của hợp tác xã đạt chất lượng cao. Mỗi năm cung cấp cho thị trường gần 1.000 tấn rau, củ, quả, doanh thu đạt hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra, hợp tác xã có 18 sản phẩm rau được UBND thành phố Hà Nội công nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) nên việc tiêu thụ rất thuận lợi.

Không riêng gì HTX Dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân ứng dụng công nghệ trong sản xuất rau hữu cơ, mà Hợp tác xã Sản xuất - kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) ) trong quá trình sản xuất cũng thực hiện tốt quy trình sản xuất rau an toàn, giảm tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh trong sản xuất để bảo đảm chất lượng rau an toàn.

Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất - kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh cho biết, với tổng diện tích khoảng 250ha, hằng năm, hơn 1.000 hộ thành viên của hợp tác xã tham gia sản xuất rau an toàn, sản lượng đạt hơn 30.000 tấn rau, củ, quả các loại. Để nâng cao chất lượng sản phẩm thương hiệu rau Văn Đức, hợp tác xã đã phối hợp với các hội đoàn thể, nhận hỗ trợ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) thực hiện tốt quy trình sản xuất rau an toàn, giảm tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh trong sản xuất để bảo đảm chất lượng rau an toàn.

Còn Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (huyện Thường Tín) Bùi Thị Thanh Hà thông tin, đơn vị đã đầu tư quy trình sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi khép kín với diện tích 1,15ha, liên kết với các nhóm trồng rau trên địa bàn. Việc sản xuất rau an toàn theo chuỗi giá trị không chỉ giúp hợp tác xã kiểm soát được quy trình sản xuất theo hướng an toàn, hình thành những vùng nguyên liệu ổn định, quy mô sản lượng cao, bảo đảm chất lượng sản phẩm nên các mặt hàng của đơn vị được đưa vào các kênh phân phối hiện đại.

Cung cấp rau sạch cho người Hà Nội là nhiệm vụ quan trọng. Chúng ta cần hợp tác giữa các bên để đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn, bền vững và lành mạnh, đồng thời phát huy hiệu quả vùn sản xuất rau hữu cơ hiện đang hoạt động trên địa bàn của Thành phố. Muốn làm được cần phải quản lý chặt chẽ các sản phẩm rau sạch và truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Cần quản lý sản phẩm và truy xuất nguồn gốc

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Lưu Thị Hằng đánh giá, mô hình sản xuất rau hữu cơ đạt chất lượng cao, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, được thị trường đánh giá cao về chất lượng. Do đó, thời gian tới, Chi cục tiếp tục phối hợp với các địa phương mở các lớp tập huấn tiến bộ kỹ thuật về sản xuất rau hữu cơ nhằm nâng cao kiến thức trong sản xuất; tăng cường ứng dụng chế phẩm sinh học, tác nhân phòng trừ sinh học, chế phẩm sinh học xử lý môi trường nông nghiệp, sản phẩm phân bón hữu cơ hiệu quả vào sản xuất. Mặt khác, các địa phương cần có quy hoạch, dành quỹ đất đủ lớn ở những nơi đủ điều kiện (đất, nước, không khí) để sản xuất rau hữu cơ, đẩy mạnh thu hút đầu tư trong lĩnh vực này.

Đóng gói rau an toàn tại Hợp tác xã Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (huyện Thường Tín)

Để nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp nói chung và trồng rau hữu cơ nói riêng, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 220/KH-UBND ngày 15-8-2022 về phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, đến năm 2030, diện tích rau hữu cơ toàn thành phố đạt 515ha (trong đó diện tích được chứng nhận đạt 138ha, diện tích canh tác chuyển đổi hữu cơ đạt 377ha). Đồng thời, hoàn thiện quy trình kỹ thuật theo hướng ứng dụng công nghệ cao kết hợp phát huy kiến thức bản địa, sản xuất hữu cơ gắn với chuỗi giá trị.

Để đạt mục tiêu này, ngành Nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ với quy trình kỹ thuật tiên tiến, được kiểm soát chặt chẽ; sản phẩm được cấp giấy chứng nhận theo quy định quốc gia, quốc tế về nông nghiệp hữu cơ. Bên cạnh đó, các địa phương cần có kế hoạch cụ thể hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp theo hướng đồng bộ từ hạ tầng sản xuất, tập huấn kỹ thuật đến xây dựng thương hiệu.

Có thể thấy, sản phẩm rau hữu cơ đang được người dân trong nước và thế giới tin dùng, bởi ngoài bảo vệ sức khỏe, khi sử dụng sản phẩm hữu cơ, người tiêu dùng còn hướng đến những giá trị nhân văn khác: Bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, cân bằng sinh thái. Do đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia mở rộng diện tích trồng rau hữu cơ.

 

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top