Ngành chăn nuôi cần đặt ra yêu cầu vừa đảm bảo tăng trưởng, nguồn cung thực phẩm, đảm bảo người chăn nuôi có lãi song cũng cần phải sớm có những giải pháp quyết liệt, kịp thời để chỉ số CPI tăng ở mức hợp lý, hài hòa lợi ích giữa người chăn nuôi và người tiêu dùng, góp phần nâng cao đời sống của người dân.
Trong rổ thực phẩm, thịt lợn chiếm đến 65%.
Thịt lợn chiếm đến 65%
Tại Hội nghị Thúc đẩy Chăn nuôi lợn bền vững, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng trong rổ thực phẩm, thịt lợn chiếm đến 65% nên làm sao để ổn định được giá lợn cho nông dân, HTX, doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo CPI của cả nước là vấn đề cần đặt ra.
Thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp và PTNT cho biết, giá trị tăng trưởng của ngành chăn nuôi năm 2023 ước đạt 5,72%, đạt doanh thu trên 33 tỷ USD toàn ngành, đóng góp 26% vào GDP nông nghiệp và trên 5% GDP của cả nước.
Trong đó, chăn nuôi lợn vẫn là lĩnh vực chăn nuôi chủ lực chiếm trên 62% tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng của các loại vật nuôi được sản xuất trong nước.
Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2024, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, thắt chặt nhập khẩu, tăng cường phòng chống nhập lậu, thúc đẩy xuất khẩu, giá sản phẩm chăn nuôi tăng trên giá thành sản xuất thu hút tái đàn nên tổng đàn lợn vẫn duy trì tốc độ phát triển tốt (tăng 3% so với cùng kỳ năm 2023).
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, chăn nuôi lợn của Việt Nam được xác định là ngành chủ lực, quan trọng đã và đang chuyển dịch dần từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi tập trung, hàng hóa, quy mô lớn. Ngày càng có nhiều mô hình chăn nuôi trang trại, tập trung và hình thành các chuỗi giá trị chăn nuôi.
Một điểm đáng lưu ý đó là một con lợn nuôi 5 tháng mới được bán hoặc đến thời kỳ sinh sản. Trong khi tính đến thời điểm hiện nay, chỉ còn 5 tháng nữa là Tết. Nếu không chủ động trong chăn nuôi với các biện pháp, phương án cụ thể thì trước, trong và sau Tết, ngành chăn nuôi lợn sẽ gặp những khó khăn nhất định, từ đó ảnh hưởng đến nguồn thịt cung ứng ra thị trường và tác động rất lớn đến nền kinh tế cả nước.
Thực tiễn năm 2020 cho thấy, khi dịch tả lợn châu Phi diễn ra khiến cả nước làm lợn bị chết rất nhiều. “Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu, lợi nhuận của nông dân, HTX, doanh nghiệp, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến CPI. Trong khi CPI quyết định không nhỏ đến nền kinh tế”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh.
Do đó, làm sao ổn định được giá cả cho nông dân, HTX, doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo CPI của cả nước là một bài toán mà các cơ quan quản lý cần quan tâm giải quyết. Vấn đề giống, thức ăn, môi trường, xuất khẩu, kiểm soát dịch bệnh… cần có giải pháp đồng bộ để thúc đẩy ngành chăn nuôi lợn phát triển bền vững hơn nữa.
Tại hội nghị, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, ước tính tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 6/2024 đạt 25.549,2 nghìn con, tăng khoảng 2,9% so với cùng thời điểm năm 2023.
Chăn nuôi lợn hiện nay tập trung nhiều nhất ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc (chiếm khoảng 22,9%), tiếp đó là các vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (19,8%), Đông Nam Bộ (19,6%) và Đồng bằng Sông Hồng (19,4%), hai vùng có chăn nuôi lợn thấp nhất là vùng Tây Nguyên (9,5%) và ĐBSCL (8,8%).
Trong 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 2.535,8 nghìn tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2023 (quý II ước đạt 1.241,9 nghìn tấn, tăng 5,6%).
Ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết cùng với sự chuyển dịch mạnh mẽ về phương thức chăn nuôi từ quy mô chăn nuôi nông hộ sang quy mô trang trại, tỷ trọng thức ăn chăn nuôi công nghiệp đã không ngừng tăng lên trong thời gian qua, chiếm khoảng 75% tổng nhu cầu thức ăn của toàn ngành chăn nuôi. Tỷ trọng thức ăn tận dụng, tự chế biến, phối trộn chỉ chiếm khoảng 25%.
Đặc biệt, khi thị trường có biến động về giá, người chăn nuôi vẫn bị ảnh hưởng nhiều nhất. Do đó, để bảo đảm được lợi nhuận cho người chăn nuôi, một trong những vấn đề được Cục Chăn nuôi quan tâm là làm sao để gắn kết giữa các tác nhân nhằm phát triển các chuỗi giá trị chăn nuôi bền vững. Điều này sẽ giúp chia sẻ lợi nhuận của các nhân tố trong ngành hàng và cuối cùng là bảo đảm lợi ích của người dân, HTX khi tham gia chăn nuôi lợn.
Đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học
Theo ông Phạm Kim Đăng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, ngành chăn nuôi trên thế giới đang có nhiều biến động, dự báo vẫn tiếp tục phát triển trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Đối với chăn nuôi lợn đang có những xu thế mới và những xu thế này sẽ tác động đến ngành chăn nuôi của Việt Nam nếu muốn phát triển bền vững.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm: Dịch tả lợn châu Phi, tiêu chảy cấp, bệnh lợn tai xanh... gây thiệt hại cho chăn nuôi lợn trên thế giới thì việc áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học là hết sức cần thiết cho chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, ngành chăn nuôi cần đặt ra yêu cầu vừa đảm bảo tăng trưởng, nguồn cung thực phẩm, đảm bảo người chăn nuôi có lãi song cũng cần phải sớm có những giải pháp quyết liệt, kịp thời để chỉ số CPI tăng ở mức hợp lý, hài hòa lợi ích giữa người chăn nuôi và người tiêu dùng, góp phần nâng cao đời sống của người dân.
Ông Phùng Đức Tiến cho hay, những năm qua, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu Chính phủ ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển chăn nuôi bền vững. Đặc biệt là trong việc kiểm soát dịch bệnh và ngăn chặn hoạt động buôn lậu, nhập khẩu trái phép thịt lợn, các sản phẩm thịt lợn.
Dịp cuối năm, cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm nói chung sẽ rất lớn, nếu không chủ động từ sớm, từ xa thì nguồn cung thịt lợn sẽ bị ảnh hưởng lớn.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng nhấn mạnh, dịp cuối năm, cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm nói chung sẽ rất lớn, nếu không chủ động từ sớm, từ xa thì nguồn cung thịt lợn sẽ bị ảnh hưởng lớn. Chính vì vậy, đề nghị Cục Chăn nuôi, Cục Thú y và các địa phương cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Nông nghiệp và PTNT. Nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung là đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và kiểm soát tốt dịch bệnh. Xây dựng ngành hàng thịt lợn theo chuỗi liên kết, hài hoà lợi ích giữa các thành phần tham gia. Đồng thời, khuyến khích phát triển chăn nuôi các giống lợn đặc sản, bản địa gắn với du lịch sinh thái, tích hợp đa giá trị.
Đáng chú ý, người chăn nuôi cần phải chủ động hơn trong việc phòng chống dịch bệnh, nâng cao kiến thức và kỹ năng chăn nuôi. Việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, tăng cường vệ sinh chuồng trại, kiểm soát dịch bệnh từ đầu vào sẽ giúp giảm thiểu rủi ro và bảo vệ đàn lợn khỏi những nguy cơ tiềm ẩn. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định của thị trường thịt lợn. Sự ủng hộ và tin tưởng vào các sản phẩm thịt lợn trong nước không chỉ giúp kích cầu mà còn tạo động lực cho người chăn nuôi nâng cao chất lượng sản phẩm./.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…