Phát triển kinh tế tập thể (KTTT), nòng cốt là hợp tác xã (HTX), luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã có trao đổi về những kết quả đạt được, khó khăn thách thức và đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của KTTT và HTX nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và PTNT) phát biểu tại Diễn đàn “Phát triển mô hình kinh tế hợp tác xã, thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững”.
Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng XHCN của Việt Nam. Ông có thể cho biết những điểm mới và mục tiêu của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể nói chung, HTX nông nghiệp nói riêng?
Phát triển KTTT, HTX là yêu cầu thực tiễn khách quan của sự phát triển, không thể không làm, không thể đứng ngoài cuộc; do đó, chúng ta phải đổi mới tư duy, bắt đầu từ nhận thức; có tầm nhìn xa, tổng thể; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, huy động mọi nguồn lực, tạo động lực theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vươn lên với các khu vực, thành phần kinh tế khác.
Nhìn chung, các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX trong Luật HTX năm 2023 đã được quy định rộng khắp, thiết thực, hy vọng sẽ giúp các HTX phát huy hiệu quả của mô hình kinh tế tập thể.
Luật HTX 2023 có hiệu lực, với cơ chế thông thoáng, phù hợp với đặc trưng của mô hình kinh tế tập thể giúp tốc độ thành lập HTX mới sẽ tăng ở một số lĩnh vực như tín dụng, tín chỉ carbon, tiêu dùng…
Luật đã mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực phát triển của HTX khi quy định về trao quyền cho HTX, liên hiệp HTX tự quyết định mức cung ứng sản phẩm, dịch vụ ra bên ngoài sau khi đáp ứng nhu cầu của thành viên cũng như đa dạng hóa hình thức huy động vốn góp của thành viên.
Luật đã hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác quản trị, điều hành HTX với việc bổ sung quy định về kiểm toán HTX, liên hiệp HTX; đa dạng hóa hình thức tổ chức quản trị, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành để phù hợp với quy mô, trình độ HTX.
Phát triển các loại hình tổ chức kinh tế tập thể từ thấp đến cao; củng cố, nâng cao vai trò của tổ chức đại diện, đã bổ sung quy định về tổ hợp tác và các chính sách hỗ trợ tổ hợp tác chuyển đổi thành HTX; quy định rõ hệ thống Liên minh HTX Việt Nam là tổ chức đại diện nòng cốt, bảo vệ lợi ích cho tất cả tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX trên phạm vi cả nước.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể, đơn giản hóa, số hóa các thủ tục về đăng ký, tổ chức lại, giải thể HTX theo hướng bổ sung quy định về xây dựng Hệ thống thông tin quốc gia về HTX. Thể chế hóa đầy đủ 8 nhóm chính sách của Nghị quyết số 20-NQ/TW để tạo động lực thúc đẩy các tổ chức kinh tế tập thể phát triển, gồm: Phát triển nguồn nhân lực, thông tin, tư vấn; đất đai; thuế, phí và lệ phí; tiếp cận vốn, bảo hiểm; ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tiếp cận và nghiên cứu thị trường; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trang thiết bị; hỗ trợ tư vấn tài chính và đánh giá rủi ro.
Trên cơ cở Nghị quyết của Đảng, Luật của Quốc hội, Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ; Chiến lược, Kế hoạch, Đề án, Chỉ thị, Kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu Chính phủ và xây dựng triển khai các Đề án để triển khai có hiệu quả lĩnh vực kinh tế hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp như:
Triển khai thực hiện phát triển HTX nông nghiệp phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 (Nghị quyết số 106/NQ-CP của Chính phủ ngày 18/7/2023). Bộ đã và đang triển khai thực hiện các Đề án: Đề án thí điểm phát triển vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ chế biến và tiêu thụ giai đoạn 2021-2025 (Quyết định 1088/QĐ-BNN-KTHT ngày 25/3/2022, Đề án 1088). Đề án nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của HTX nông nghiệp vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 854/QĐ-TTg ngày 19/7/2022,); Tổ chức sản xuất theo mô hình HTX để thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa phát thải thấp (Quyết định số Quyết định số 1490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030").
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam tham quan mô hình HTX nông nghiệp công nghệ cao Quế Sơn.
Ông có thể khái quát một số kết quả nổi bật của chương trình phát triển kinh tế tập thể, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua?
Tính đến hết tháng 10/2024, cả nước có 21.514 HTX nông nghiệp (tăng 350 HTX so với thời điểm 31/12/2023 là 20.789); trong đó trong 10 tháng đầu năm 2024 cả nước đã thành lập mới 873 HTXNN, giải thể 148 HTX nông nghiệp. Dự kiến đến hết năm 2024, tổng số HTX NN là 21.000 HTX với 14.000 HTX NN hoạt động hiệu quả (tương đương tỷ lệ 66,6%). Cả nước có 101 LHHTX nông nghiệp; có 35.500 THT nông nghiệp; dự kiến đến hết năm 2024, cả nước có 36.000 THT nông nghiệp
Tổng số 3.806.084 thành viên tham gia HTX nông nghiệp, có 578 HTX thành viên LH HTX và 1,4 triệu thành viên THT chính thức trong lĩnh vực nông nghiệp, số thành viên liên kết hiện nay đang phát triển theo quy định mới của Luật Hợp tác xã năm 2023.
Tổng số lao động làm việc thường xuyên trong HTX khoảng 1.586.435 lao động (trong đó có 365.000 lao động đồng thời là thành viên HTX), 5.032 lao động làm việc thường xuyên trong LH HTX nông nghiệp. 1,6 triệu lao động trong các THT NN.
Không chỉ tăng nhanh về số lượng, mà chất lượng và hiệu hoạt động của các HTXNN cũng đã được cải thiện. Các HTXNN cung cấp từ 7- 16 dịch vụ ở nông thôn phục vụ cho cả sản xuất nông nghiệp và phúc lợi xã hội ở nông thôn.
Nhìn chung, khu vực kinh tế tập thể, HTX đến nay đã có những tiến bộ cả về lượng và chất; đã khắc phục được tình trạng yếu kéo dài và ngày càng được khẳng định được tiềm năng, triển vọng phát triển trong tương lai. Trong thực tiễn, ngày càng xuất hiện nhiều và đa dạng các mô hình HTX hoạt động hiệu quả; trình độ cán bộ quản lý HTXNN được nâng cao rõ rệt, đội ngũ cán bộ quản lý được trẻ hóa. Qua đó, nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm hiệu quả sản xuất nông nghiệp và thu nhập của người nông dân, đóng góp chung cho thành tựu phát triển nông nghiệp, nôn thôn của ngành.
Có được những kết quả đó là nhờ ngành Nông nghiệp và PTNT xác định nhiệm vụ tổ chức lại sản xuất, xây dựng liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp và phát triển KTTT, HTX và là một trong ba trụ cột của quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới. Bộ Nông nghiệp và PTNT và các địa phương đã gắn việc phát triển kinh tế tập thể với nhiệm vụ triển khai thực hiện Cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới. Coi KTTT, HTX là công cụ, giải pháp quan trọng (trụ côt) để thực hiện các mục tiêu phát triển nông, nông thôn.
Tuy vậy, quá trình triển khai thực hiện các Nghị quyết, chương trình Đề án của Đảng và Chính phủ thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế. Tuy số lượng HTX nông nghiệp thành lập mới tăng mạnh, nhưng số lượng HTX hoạt động có hiệu quả còn thấp, thiếu bền vững; quy mô thành viên và doanh thu của các HTX nông nghiệp còn nhỏ bé. Các dịch vụ sơ chế, chế biến, bảo quản, số lượng các HTX có khả năng liên kết hiệu quả với doanh nghiệp, chế biến và tiêu thụ nông sản cho thành viên HTX và nông dân cũng chưa nhiều, mới đạt 24,5% tổng số HTX.
Thu hoạch dưa lê vàng tại HTX Nông nghiệp II Nhơn Thọ ((TX. An Nhơn - Bình Định)
Theo ông, tồn tại nào là rào cản lớn nhất khi thực hiện mục tiêu mà Đảng, Nhà nước đề ra đối với phát triển KTTT, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp?
Về các mục tiêu, Nghị quyết số 20-NQ/TW đã xác định rõ: Đến năm 2030 sẽ có 45.000 HTX với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp HTX với 1.700 HTX thành viên. Bảo đảm trên 60% tổ chức KTTT đạt loại tốt, khá, trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị. Đến năm 2045, bảo đảm trên 90% tổ chức KTTT hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 75% tham gia các chuỗi liên kết.
Tuy nhiên, phần lớn thành viên HTX nông nghiệp hiện là các hộ nông dân quy mô nhỏ, nguồn lực và năng lực hạn chế, chủ yếu sản xuất theo phương pháp truyền thống nên gây ra nhiều khó khăn cho HTX nông nghiệp trong việc mở rộng sản xuất kinh doanh, huy động vốn từ thành viên, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Các chủ hộ phần lớn chưa qua đào tạo nên HTX nông nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm người lãnh đạo, quản lý điều hành HTX có đủ năng lực và tâm huyết với HTX. Đồng thời HTX cũng gặp khó khăn trong triển khai giám sát hoạt động của HTX, tạo lòng tin của thành viên đối với HTX.
Năng lực cán bộ, nguồn lực hạn chế (vốn, đất, máy móc) của HTX làm cho HTX gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận tín dụng, phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh có giá trị gia tăng và cần thiết cho hộ nông dân như sơ chế, chế biến, liên kết chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ.
HTX cũng gặp nhiều khó khăn trong việc quản trị minh bạch hoạt động sản xuất kinh doanh, khó khăn trong xây dựng được dự án, phương án kinh doanh khả thi và hệ quả là các HTX không tạo được lòng tin với đối tác (nhất là doanh nghiệp đầu vào, đầu ra), chưa phát huy tốt vai trò kết nối giữa hộ nông dân với doanh nghiệp thông qua liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Nhận thức về vị trí, vai trò kinh tế tập thể, HTX của cán bộ và người dân chưa đầy đủ, chưa thực sự tin tưởng vào mô hình HTX, vẫn còn ám ảnh mô hình HTX kiểu cũ, hoài nghi mô hình HTX kiểu mới.
Công tác quản lý nhà nước với HTX nông nghiệp vẫn còn hạn chế. Thiếu đội ngũ tư vấn, nâng cao năng lực cho các HTX nông nghiệp ở địa phương (xây dựng phương án, dự án sản xuất kinh doanh, cung cấp thông tin thị trường, khoa học công nghệ, liên kết sản xuất, quảng bá sản phẩm).
Thực hiện hợp tác xã số ở xã Quảng Thọ (Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) với việc đưa sản phẩm Trà rau má đã được công nhận OCOP 4 sao của HTX lên các sàn thương mại điện tử.
Ông có thể cho biết kế hoạch và giải pháp của Bộ Nông nghiệp và PTNT trong triển khai thúc đẩy phát triển KTTT, HTX nông nghiệp thời gian tới?
Trong những năm sắp tới, để tiếp tục phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn với vai trò là trụ đỡ của ngành kinh tế, khu vực kinh tế tập thể, HTX trong nông nghiệp, nông thôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Bộ Nông nghiệp và PTNT quan tâm và tập chung chỉ đạo một số nhiệm vụ phát triển KTTT, HTX trong nông nghiệp sau:
- Đẩy mạnh công tác đào tạo nhân lực, nhất là thu hút đào tạo cán bộ, nhân lực trẻ đã qua đào tạo, có kiến thức về làm việc cho HTX, nhất là Chương trình đào tạo nghề giám đốc HTX nông nghiệp (cấp chứng chỉ nghề quốc gia); hợp tác, liên kết đưa lao động HTX nông nghiệp đi học tập, lao động nước ngoài.
- Khuyến khích các HTX nông nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, chế biến và thương mại sản phẩm; tăng cường hỗ trợ hạ tầng máy móc nhất là kho tàng bảo quản, sơ chế, chế biến, đóng gói, tiêu thụ sản phẩm; ứng dụng công nghệ số, tự động vào sản xuất kinh doanh và tham gia thị trường; nâng cao năng lực thích ứng với BĐKH của các HTX, nhất là vùng ĐBSCL;
- Tập trung hỗ trợ và thúc đẩy vai trò của HTX tham gia sâu trong triển khai Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hecta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030;
- Thúc đẩy, tạo điều kiện để HTX nông nghiệp tham gia liên kết chuỗi giá trị nông sản; khuyến khích, hỗ trợ HTX nông nghiệp tham gia phát triển vùng nguyên liệu và hình thành liên kết chuỗi giá trị ngành hàng nông sản; xây dựng mã số vùng trồng gắn với phát triển vùng nguyên liệu và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
- Hỗ trợ đầu từ đồng bộ giữa hạ tầng đi đôi với tổ chức phát triển sản xuất, tạo sinh kế bền vững cho người nông dân, HTX; quan tâm đầu tư hạ tầng logistic phục vụ chế biến và thương mại sản phẩm nông nghiệp của các HTX. Hiện nay Bộ đang chỉ đạo xây dựng và triển khai một số chương trình, đề án liên quan đến phát triển hợp tác xã nông nghiệp của Bộ như: Đề án phát triển các vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và tiêu thụ nông, lâm sản giai đoạn 2021-2025; Chương trình chuyển đổi số ngành nông nghiệp; Đề án nâng cao năng lực thích ứng với BĐKH của các HTX vùng ĐBSCL; các chương trình, đề án trong khuôn khổ các Chương trình MTQG như Chương trình OCOP, du lịch nông nghiệp, nông thôn.
- Củng cố, nâng cao vai trò, năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước và hỗ trợ HTX nông nghiệp; nhất là củng cố hệ thống các Chi cục PTNT ở các tỉnh, thành phố. Phát huy vai trò của chính quyền, các hội đoàn thể chính trị ở cơ sở để tư vấn, hỗ trợ phát triển HTX ở địa phương (tổ khuyến nông cộng đồng).
Phân loại bưởi tại HTX bưởi da xanh Giồng Trôm (Bến Tre).
Ông đánh giá thế nào về vai trò của truyền thông trong thúc đẩy phát triển, nhân rộng, lan tỏa mô hình phát triển kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp?
Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực kinh tế tập thể chủ yếu do nhận thức của nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về bản chất, vị trí, vai trò của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, còn bị chi phối, ảnh hưởng bởi định kiến về mô hình hợp tác xã thời kỳ bao cấp; hoài nghi về sự thành công của kinh tế tập thể.
Vì vậy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng đặt ra nhiệm vụ và giải pháp tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể.
Xuyên suốt quá trình phát triển của KTTT, công tác tuyên truyền của báo chí, truyền thông có vai trò hết sức quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nông dân về phát triển KTTT là yêu cầu và xu thế tất yếu, đồng thời tạo sự đồng thuận trong xã hội, động viên, cổ vũ nhân dân tham gia phát triển KTTT, đặc biệt nâng cao nhận thức về vai trò và vị trí quan trọng của HTX nông nghiệp trong đổi mới tổ chức sản xuất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Cục Kinh tế hợp tác và PTNT đánh giá cao vai trò của truyền thông trong nâng cao nhận thức, phản ánh kịp thời tình hình thực tế cũng như các kiến nghị của bà con nông dân, hợp tác xã nông nghiệp gặp phải trong quá trình phát triển và mong muốn các nhà báo, cơ quan truyền thông tiếp tục đồng hành tích cực cùng khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 20 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, tuyền truyền các chủ trương chính sách, quy định, các định hướng, mô hình hay, cách làm hiệu quả và cả những tồn tại, hạn chế, phản biện từ thực tế để tiếp tục thúc đẩy phong trào phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian tới.
Không có sự thay đổi nào là dễ dàng cả. Không có chuyện ngày một ngày hai là có thể thay đổi ngay tập quán sản xuất, kinh doanh. Đây là hành trình đòi hỏi sự đổi mới không ngừng, bền bỉ mỗi ngày. Hành trình phát triển thực chất, hiệu quả của hơp tác xã nông nghiệp luôn cần đến những cái bắt tay, siết chặt tinh thần hợp tác, đồng thuận đồng lòng và cần sự đồng hành, hỗ trợ tích cực, thường xuyên liên tục của các nhà báo, cơ quan truyền thông.
Trân trọng cảm ơn ông!