Từ những cây trồng áp dụng quy trình VietGAP mang hiệu quả kinh tế cao, người dân Thừa Thiên - Huế đã tích cực tham gia hợp tác xã (HTX) để sản xuất theo chuỗi giá trị.
Từ cây trồng hiệu quả
Thành công từ mô hình trồng rau má VietGAP, năm 2013, HTX nông nghiệp Quảng Thọ 2 (Quảng Thọ, Quảng Điền) phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông-lâm sản và thuỷ sản tỉnh Thừa Thiên - Huế mở rộng mô hình lên 30ha với 200 hộ tham gia. Đồng thời, tiến hành đăng ký nhãn hiệu “Rau má Quảng Thọ”. Đến nay, cây rau má được xem là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của người dân xã Quảng Thọ với 60ha theo chuẩn VietGAP và hơn 300 hộ thành viên trồng tập trung theo hướng sản xuất an toàn, tổng doanh thu khoảng 5 tỷ đồng/năm.
Sản phẩm Trà Rau má của HTX nông nghiệp Quảng Thọ 2.
“Rau má là cây trồng thích ứng khí hậu địa phương và khá dễ trồng, dễ chăm sóc. Bình quân mỗi tháng cắt rau má 1 lần, nếu thời tiết thuận lợi, chăm sóc tốt, mỗi năm có thể thu hoạch 12 lứa, bình quân 2,5 - 3 tạ/sào/lứa (1 sào Trung Bộ = 500m2). Với 6 sào rau má, gia đình có thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Trồng rau má theo quy trình VietGAP không khó mà thu nhập lại cao hơn nhiều so với trồng lúa”, ông Nguyễn Lương Bảo (La Văn Thượng, xã Quảng Thọ) cho hay.
Ông Hoàng Công Phong, Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ, cho biết, việc phát triển mô hình rau má theo quy trình VietGAP đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở địa phương. Rau má đã làm thay đổi cuộc sống bà con và đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh quá trình hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.
Ở TP. Huế, thanh trà là cây trồng được nhắc đến là một đặc sản. Thanh trà được trồng chủ yếu ở vùng phù sa ven sông Ô Lâu, sông Bồ, sông Hương… Nhưng khi nhắc đến “Thanh trà Huế”, người ta thường nhắc đến thanh trà Thủy Biều. Ông Hoàng Trọng Di, Giám đốc HTX Thanh trà Thủy Biều (phường Thủy Biều, TP. Huế) cho biết: Thanh trà là cây trồng chủ lực ở địa phương, cho thu nhập cao nhất so với lúa, hoa màu… Đây là cây dễ trồng, dễ chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, khoảng 5 năm sau khi trồng là cho thu hoạch lứa đầu. Bình quân thu nhập 200 triệu đồng/ha, cá biệt lên đến 400 triệu đồng/ha. Thanh trà Thủy Biều được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể năm 2007.
HTX Thanh trà Thủy Biều có nhiều chương trình, kế hoạch tạo điều kiện giúp người dân trồng giống cây đặc sản này, nhằm tăng sản lượng thu hoạch và nâng cao thu nhập, tiêu biểu là tổ chức thành công “Lễ hội Thanh trà” hằng năm. Đồng thời, phường tiếp tục quảng bá thương hiệu thanh trà đến thị trường trong nước thông qua quảng bá sản phẩm tại các lễ hội, kết hợp du lịch và xuất khẩu tại chỗ.
Ông Võ Đăng Thái, Chủ tịch UBND phường Thủy Biều, cho hay, nhà vườn phường Thủy Biều có thu nhập hơn 30 tỷ đồng từ quả thanh trà. Đây là nguồn thu nhập chính của người dân địa phương. Nhờ cây thanh trà mà đời sống bà con địa phương không chỉ ổn định mà nhiều hộ còn làm giàu, có nhà cửa khang trang, phố xá cũng đẹp hơn. Lợi thế từ hệ thống nhà vườn, nhiều hộ đã xây dựng thành những mô hình du lịch sinh thái hấp dẫn đối với du khách.
Mô hình du lịch cộng đồng từ những vườn cây thanh trà ở phường Thủy Biều, TP. Huế.
Đến HTX sản xuất theo chuỗi giá trị
Ông Lương Trí, Giám đốc HTX Nông nghiệp Quảng Thọ 2, cho biết, để phát triển thương hiệu “Rau má Quảng Thọ”, đơn vị luôn chú trọng đến khâu sản xuất, chế biến các sản phẩm đạt tiêu chuẩn và chất lượng; trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu rau má sạch, đảm bảo quy trình VietGAP và hữu cơ. Bên cạnh đó, HTX còn chú trọng xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm trước khi đưa ra thị trường nhằm mang lại niềm tin cho người tiêu dùng. Để quảng bá và mở rộng thị trường tiêu thụ, HTX đã xây dựng cửa hàng trưng bày giới thiệu và bán sản phẩm rau má, cũng như các sản phẩm chủ lực của huyện Quảng Điền.
“Từ loại rau có giá trị thấp, nhưng khi chuyển sang sản xuất theo quy trình VietGAP, đến nay, rau má ở Quảng Thọ đã trở thành nguồn nguyên liệu cho một thương hiệu sản phẩm nông nghiệp là trà rau má và bột Matcha rau má. Các sản phẩm này đã được bán trên sàn thương mại điện tử”, ông Trí cho biết thêm.
Tại huyện Nam Đông, nhiều mô hình cây ăn quả cũng được chú trọng phát triển. Ông Nguyễn Hữu Ánh, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Nam Đông, cho biết, huyện xác định 3 loại cây chủ lực trong phát triển kinh tế vườn, gồm: Cam Nam Đông, chuối đặc sản và dứa Kaien. Đến nay, toàn huyện phát triển được gần 220 ha cam, 199 ha chuối đặc sản và khoảng 50 ha dứa Kaien. Vừa qua, hai sản phẩm chuối đặc sản và cam Nam Đông của HTX nông nghiệp Hương Hòa đã tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và đang trong quá trình chuyển lên hội đồng thẩm định của tỉnh.
“Sau khi được cấp giấy chứng nhận “Nhãn hiệu tập thể”, chúng tôi tập trung vào khâu quảng bá và truy xuất nguồn gốc bằng việc đăng ký mã QR code. Sắp tới, chúng tôi sẽ mở 3 cửa hàng chuyên giới thiệu đặc sản Nam Đông, trong đó cam là sản phẩm chủ lực. Hiện, cam Nam Đông vẫn chưa có đầu mối bao tiêu sản phẩm, nhưng luôn được tiêu thụ hết trên thị trường thông qua các kênh bán lẻ. Trong Đề án phát triển du lịch đến năm 2025, những vườn cam sẽ là địa điểm du lịch nằm trong các tour tuyến đến Nam Đông”, ông Ánh thông tin thêm.
Theo ông Trần Lưu Quốc Doãn, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh TT-Huế, mô hình HTX kiểu mới ra đời gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa chủ lực trên địa bàn tỉnh đang dần hình thành và có chiều hướng tích cực. Các HTX bước đầu liên kết với các đơn vị khác đầu tư trang thiết bị, cở sở hạ tầng để giải quyết đầu ra sản phẩm cho bà con. Từ đó, tránh được tình trạng thương lái ép giá, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho người dân địa phương, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế nông thôn.
Xác định nông, lâm, thủy sản là nhóm mặt hàng có vị trí quan trọng trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của tỉnh, thời gian qua, các cấp, các ngành, Liên minh HTX tỉnh đã xây dựng, triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại qua các hội nghị, hội chợ, diễn đàn tăng cường kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm chủ lực, đặc trưng của địa phương.
Để tiếp tục ổn định phát triển kinh tế tập thể, năm 2022, Thừa Thiên - Huế đã đặt ra mục tiêu và các giải pháp cụ thể. Nhờ đó, số lượng HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả được duy trì và từng bước tăng lên, HTX yếu giảm xuống. Một số HTX dần thích nghi với cơ chế thị trường, do có sự năng động, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh của đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt, nhất là trong điều hành, tổ chức sản xuất theo hợp đồng với đối tác, tiếp thị quảng bá thương hiệu sản phẩm phát huy lợi thế của địa phương, thúc đẩy phát triển sản xuất tạo ra giá trị gia tăng...
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.