Phát triển nông nghiệp xanh, kinh tế xanh là xu hướng tất yếu, yêu cầu bắt buộc trong sản xuất hàng hoá, nhất là trong kinh tế nông nghiệp - ngành kinh tế trụ cột, luôn xuất siêu ở mức cao của nước ta hiện nay và trong điều kiện các thị trường quan trọng của nông sản Việt đều yêu cầu điều kiện này.
Nhìn chung, cơ chế, chính sách về chuyển đổi xanh, kinh tế xanh khá đầy đủ, tạo động lực để ngành Nông nghiệp và PTNT phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, phát triển nông nghiệp xanh còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn cần được tháo gỡ.
Bài 1: Thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững
Không ít khó khăn
Phát triển nông nghiệp xanh tuy đạt được những kết quả bước đầu nhưng vẫn còn tồn tại một số vấn đề cần được khắc phục như: Quy mô sản xuất nhỏ, chủ yếu là các nông hộ, thiếu liên kết, là “rào cản” cho việc ứng dụng cơ giới hóa, khoa học công nghệ, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với chế biến, thương mại nông sản, nâng cao hiệu quả sản xuất theo hướng nông nghiệp xanh, sinh thái.
Hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh thiếu đồng bộ, thủ tục xây dựng dự án, tiếp nhận cơ chế hỗ trợ còn rườm rà, phức tạp, khó tiếp cận, nhiều rủi ro. Việc lồng ghép thực hiện trong các chương trình, dự án khác như: chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng… còn gặp nhiều khó khăn.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng khối lượng phụ phẩm năm 2020 của cả nước khoảng 156,8 triệu tấn, gồm 88,9 triệu tấn phụ phẩm từ ngành trồng trọt (chiếm 56,7%); 61,4 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 39,1%); 5,5 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp (chiếm 3,5%) và khoảng 1 triệu tấn từ ngành thủy sản (0,64%). Tỷ lệ thu gom phụ phẩm trồng trọt đạt khoảng 52%, trong chăn nuôi là 75%, trong lâm nghiệp là 50,2% và thủy sản là 90%. Đây được coi là nguồn tài nguyên lớn để phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, nhưng chưa có cơ chế, chính sách hữu hiệu, đồng bộ để sử dụng hiệu quả nguồn phế phụ phẩm này.
Thiếu chế tài đủ mạnh xử lý những trường hợp sử dụng quá mức phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học, lạm dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi - thú y - thuỷ sản, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm… Trong đó có việc bán sản phẩm nông sản không đúng tiêu chuẩn sản phẩm sản xuất hữu cơ, xanh, tuần hoàn; và sản phẩm chất lượng cao, an toàn thực phẩm trộn lẫn với sản phẩm không an toàn và các sản phẩm thông thường khác.
Một trong những khó khăn lớn là đầu vào trong sản xuất nông nghiệp xanh là thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Sản xuất Kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam, Nhà nước chưa có chính sách phù hợp và đủ mạnh để khuyến khích nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Thủ tục còn cồng kềnh, rườm rà, còn thiếu quy định cụ thể về yêu cầu kỹ thuật riêng cho các thuốc bảo vệ thực vật sinh học chuyên tính cao.
Theo ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), có 2 cực khác nhau của ứng dụng khoa học - công nghệ trong nông nghiệp để phát triển nông nghiệp xanh. Một mặt doanh nghiệp đang ứng dụng các tiến bộ mới nhất nhưng mặt khác, nông dân hiện vẫn còn thu nhập thấp. “Giữa 2 cực của câu chuyện này có khoảng cách rất lớn, do đó, cơ quan quản lý trung ương lẫn địa phương, đặc biệt là những cơ quan trực tiếp chịu trách nhiệm về phát triển nông nghiệp xanh, có trách nhiệm rất lớn nhằm giúp giới thiệu, biến những thành tựu khoa học - công nghệ thành những sản phẩm có giá thành hợp lý, tiếp cận nông dân.
Nêu thực tế tại TP. Cần Thơ, ông Nguyễn Ngọc Hòe, Phó Chủ tịch UBND thành phố, cho biết, phát triển nông nghiệp xanh là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Cần Thơ từ nay đến năm 2045. Theo kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp TP Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2025, phát triển sản xuất nông nghiệp sẽ chuyển mạnh từ bề rộng sang chiều sâu gắn với tăng cường liên kết, đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất theo hướng phát triển xanh, bền vững và tích hợp đa giá trị, sản xuất theo hướng gia tăng giá trị nông nghiệp.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn gặp những khó khăn, thách thức như quy mô sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ còn chiếm tỉ trọng cao nên việc vận động người dân áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp xanh gặp không ít khó khăn. Mặt khác, nông dân còn hạn chế về kiến thức canh tác theo định hướng nông nghiệp xanh cũng như kỹ năng áp dụng công nghệ mới, điều này gây khó khăn trong việc chuyển đổi kỹ thuật canh tác nông nghiệp theo hướng xanh hơn.
Nguồn lực tài chính cho phát triển nông nghiệp xanh cũng là một rào cản lớn. Theo ông Hòe, việc chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp xanh đòi hỏi chi phí đầu tư cao cho việc đào tạo, mua sắm thiết bị và công nghệ mới cũng như thay đổi phương pháp canh tác; việc phát triển thị trường cho sản phẩm nông nghiệp xanh và thiết lập chuỗi cung ứng hiệu quả là một thách thức, đặc biệt trong việc tiếp cận thị trường xuất khẩu; biến đổi khí hậu cũng là thách thức lớn trong quá trình phát triển nông nghiệp xanh…
Nông nghiệp xanh ở Bạc Liêu
Tỉnh Bạc Liêu đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn. Trong đó, kỹ thuật nuôi tôm tuần hoàn được nhiều doanh nghiệp áp dụng và hiện không còn lạ lẫm đối với người nuôi tôm. Mô hình này giúp giảm chi phí nuôi tôm, tôm sạch bệnh, bán được giá cao. Giới thiệu về những ao nước được bố trí theo hình zíc zắc, ông Lê Anh Xuân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ sinh học Trúc Anh (xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu), chia sẻ: “Đây là mô hình nuôi mới theo hướng tuần hoàn nước, hầu như không dùng nước bên ngoài, giúp tôm lớn nhanh hơn so với cách nuôi thông thường”.
Mô hình nuôi tôm tuần hoàn ít thay nước ở Bạc Liêu. Ảnh: C.L
Để thực hiện mô hình này, Công ty Trúc Anh dành một khoảnh nhỏ đất làm nơi gom nước thải rồi xử lý (lọc qua các lớp lưới và qua một lớp lọc sinh học), bơm nước đã xử lý lần lượt qua các ao lắng được thiết kế theo hình zíc zắc nhằm đảm bảo nước được lọc sạch hoàn toàn trước khi đưa qua ao thứ 5 rồi bơm ngược trở lại ao nuôi. Do kiểm soát tốt nguồn ô nhiễm nên từ giai đoạn nuôi tôm nhỏ tới trưởng thành không phải sử dụng kháng sinh cho tôm, cũng không tốn tiền mua hóa chất xử lý nước, từ đó tiết kiệm được chi phí. “Không dùng kháng sinh nên các bệnh trắng gan, trống ruột, mất tụy trên con tôm đều không có. Mô hình nuôi này cũng chỉ thay nước chưa tới 5% mỗi ngày, thay vì phải thay từ 20 - 30% nước như cách thông thường”, ông Xuân chia sẻ.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu, mô hình nuôi tôm theo hướng tuần hoàn nước hiện chiếm khoảng 80% số hộ nuôi, tỷ lệ thành công của nuôi tôm siêu thâm canh đạt hơn 80%. Đặc biệt, loại tôm nuôi đạt cỡ 20 con/kg đang rất phổ biến với mô hình này.
Không chỉ trong lĩnh vực thủy sản, mà trên các cánh đồng, nhiều nông dân cũng mạnh dạn chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng xanh, sạch. Dễ nhận thấy nhất là việc giảm lượng giống gieo sạ từ đầu vụ, không bón phân, phun thuốc theo “chu kỳ” cảm quan như trước mà đã có sự kiểm chứng, kiểm soát khối lượng, chỉ cung cấp các loại khoáng chất khi cây lúa cần, phun xịt thuốc khi sâu bệnh tấn công, giảm dần việc sử dụng các loại phân, thuốc hóa học, tác dụng nhanh để chuyển sang sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ sinh học.
Thực tế cho thấy, sản xuất thân thiện với môi trường rất có ích, không chỉ tạo ra sản phẩm sạch, an toàn mà còn góp phần phát triển nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên, việc mở rộng các mô hình nông nghiệp xanh đòi hỏi nhiều giải pháp phải được thực hiện đồng bộ, từ điều kiện về máy móc, thiết bị, hệ thống xử lý… phù hợp đến nguồn nhân lực vận hành các công đoạn này.
Ngoài ra, việc thiếu vốn, phương tiện sản xuất, khả năng tiếp cận và làm chủ các kỹ thuật canh tác mới, công nghệ mới, vật tư, thiết bị nông nghiệp mới đang là “trở lực” kìm hãm sự phát triển của nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn. Bên cạnh đó, quy mô sản xuất nhỏ lẻ cũng là một rào cản cho việc áp dụng hình thức sản xuất khép kín, tập trung với diện tích canh tác lớn.
Cách làm nông nghiệp xanh của Ấn Độ
Tại Ấn Độ, phân bò được sử dụng để tạo ra khí đốt sinh học, cung cấp năng lượng sạch cho các hộ gia đình, sau đó được tận dụng để bón cho đất, cải thiện chất lượng đất trồng.
Cách làm này vừa giúp tiết kiệm chi phí sử dụng phân bón hóa học, vừa giảm tình trạng phá rừng bởi tự tạo được khí đốt sinh học. Phân bón hữu cơ giúp cải thiện chất lượng đất, tăng khả năng giữ nước để chống chọi tốt hơn với các đợt hạn hán.
Ban đầu, người dân định kiến sản lượng mùa vụ sẽ giảm khi sản xuất với phương thức hữu cơ thay vì dùng các sản phẩm hóa học. Trong khi đó, chi phí lắp đặt hệ thống sản xuất khí đốt sinh học biogas trị giá khoảng 30.000 rupee (430 USD) cũng là trở ngại với một số hộ nông dân.
Nhờ ứng dụng các phương pháp hữu cơ trong trồng trọt, người nông dân có thể bỏ ruộng 2 tuần không cần tưới nước ngay cả trong các đợt nóng vì giờ chất lượng đất đã được cải thiện và có thể giữ ẩm được lâu hơn. Thậm chí, trên các vùng đất ẩm, lượng mưa hiếm hoi sẽ được giữ lại nhiều hơn, ngấm dần vào trong các tầng ngậm nước, giúp mạch nước ngầm được tái tạo.
Giờ đây, nông dân ở nhiều vùng Ấn Độ có thể trồng được nhiều vụ mùa hơn, ổn định hơn mà không cần dùng tới phân bón hóa học, thuốc trừ sâu hay khai thác lượng lớn nước ngầm vốn hạn hẹp. Trung bình sản lượng lúa tăng 30-40% mỗi năm kể từ khi họ chuyển đổi sang canh tác hữu cơ trong khi các chi phí cho sản xuất nông nghiệp cũng giảm 35%.
Ngoài thu hoạch 2 vụ mùa mỗi năm, nông dân Ấn Độ có thể trồng gối vụ rau, chăn nuôi gia cầm và trồng những loại cây nông nghiệp khác như yến mạch, lúa miến và ngô...
Cần đồng bộ các quy trình
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng khốc liệt, nông nghiệp xanh hay nói rộng hơn là kinh tế xanh đòi hỏi cả thế giới đều phải thay đổi về nhận thức. Bởi, sản xuất theo phương thức cũ khiến nền nông nghiệp tạo ra khí carbon, hiệu ứng nhà kính, gây ra biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu tác động ngược lại nền nông nghiệp.
Chăm sóc rau thủy canh không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học tại HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát, xã Yên Mỹ (Thanh Trì - TP. Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Quang
Nông nghiệp Việt Nam có vai trò rất quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế đất nước, nhưng nông nghiệp lại là ngành tạo ra phát thải CO2 khá lớn. Tại diễn đàn Quốc hội mới đây, đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn Hà Nội) nhận định, nếu không có kế hoạch và các hành động cụ thể đối với việc sản xuất nông sản, xuất khẩu gắn với giảm phát thải khí nhà kính thì nông sản Việt Nam khi xuất khẩu sẽ bị tính thêm thuế carbon của các nước, làm gia tăng giá xuất khẩu và mất lợi thế cạnh tranh của nông sản Việt.
Bà Lan đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu sâu sắc tác động quy định của một số quốc gia đến việc xuất khẩu nông sản, từ đó đưa ra các giải pháp ứng phó phù hợp, hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp; xây dựng chương trình nghiên cứu khoa học, các chính sách hấp dẫn để khuyến khích người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia thị trường carbon vừa để phát triển bền vững, vừa làm gia tăng giá trị ngành nông nghiệp trên cơ sở tham khảo bài học của các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ…
Nhìn nhận từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), cho rằng, nông nghiệp là lĩnh vực có nhiều rủi ro, nhu cầu vốn lớn, cần có doanh nghiệp đi đầu dẫn dắt đầu tư vào nông nghiệp. Để thu hút và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nghiệp, cần có sự điều chỉnh trong chính sách về đất đai cho doanh nghiệp. Luật Đất đai đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích, quy định về tích tụ đất nông nghiệp. Những điều này sẽ giúp dồn điền đổi thửa, tăng cánh đồng mẫu lớn để có thể sản xuất lớn.
Cùng với việc thúc đẩy tư duy kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp đa giá trị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan nhiều lần nói về nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn và giảm phát thải khí nhà kính.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, ngành Nông nghiệp hướng tới sản xuất có trách nhiệm, hiện đại, hiệu quả và bền vững. Ngành Nông nghiệp sẽ phải đổi mới tư duy sản xuất. Đó là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường. Đồng thời, chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ “đơn giá trị” sang tích hợp “đa giá trị”…
Sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái bằng việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người. Ngành Nông nghiệp sẽ hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường.
Những ngày qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi), các tỉnh, thành phố phía Bắc bị thiệt hại nặng nề. Với tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, cán bộ, đoàn viên Công đoàn và người lao động NHCSXH đã và đang dốc lòng, dồn sức cùng chung tay khắc phục hậu quả của bão lũ, chia sẻ, ủng hộ Nhân dân vùng bị thiệt hại do bão lũ gây ra.