Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 4 tháng 10 năm 2024  
Thứ năm, ngày 22 tháng 8 năm 2024 | 10:42

Phát triển nông nghiệp xanh: Xu hướng tất yếu

Phát triển nông nghiệp xanh, kinh tế xanh là xu thế của thời đại, trở thành yêu cầu bắt buộc trong sản xuất hàng hoá nói chung, trong hội nhập quốc tế, không chỉ tạo ra giá trị kinh tế cao cho các sản phẩm nông nghiệp bởi đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, vừa tạo điều kiện cho kinh tế nông nghiệp phát triển, vừa nâng tầm nông sản Việt...

Tuy nhiên, để thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo phát triển nông nghiệp bền vững trên cả trụ cột kinh tế - xã hội và môi trường.

Mô hình trồng nho xạ đen hữu cơ ở Thường Tín (Hà Nội).

 

Bài 1: Thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững

Nông nghiệp xanh là phương pháp tiếp cận trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm đảm bảo phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và nâng cao sức khỏe con người.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, để đạt tăng trưởng xanh, kinh tế xanh phải trên cơ sở tư duy xanh, tăng cường chuỗi liên kết giá trị sản phẩm…

Biến kế hoạch thành hành động

Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khẳng định, vai trò của nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế, trong đó phát triển nông nghiệp gắn với nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, gắn với nhu cầu thị trường.

Ngày 28/1/2022, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 150/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu chung của Chiến lược hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia.

Tháng 9/2022, Bộ Nông nghiệp và PTNT  phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, tuần hoàn, phát thải các bon thấp nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững... Theo đó, phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải các bon thấp để nâng cao chất lượng tăng trưởng, giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững; giảm ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn, hướng đến nền kinh tế trung hòa các bon vào năm 2050 như cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Cop26.

Đặc biệt, Bộ xác định sẽ chuyển đổi 300.000 ha đất lúa sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả cao hơn cả về kinh tế và môi trường; diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng trên 2% tổng diện tích đất trồng trọt. Tỉ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 2 - 3% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong nước. Xây dựng nông thôn mới đảm bảo đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững; hình thành lối sống hòa hợp với môi trường và thiên nhiên, bảo vệ và phát triển cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, văn minh.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, ngành nông nghiệp sẽ phải đổi mới tư duy sản xuất. Đó là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường. Chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ “đơn giá trị” sang “tích hợp đa giá trị”… Hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái bằng việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người. Ngành nông nghiệp sẽ hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường.

Mô hình nông nghiệp xanh đang ngày càng được bà con nông dân quan tâm. Tại nhiều địa phương, mô hình đã và đang trong quá trình chuyển đổi phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái theo xu hướng thị trường thế giới cũng như giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Lợi ích kép từ sản xuất an toàn

Nuôi giun quế làm thức ăn cho gia súc, gia cầm hay cho lợn, bò, gà,... nghe nhạc tưởng chừng như rất lạ lẫm, nhưng đã hiện hữu tại trang trại của bà Nguyễn Thị Liên ở xã Phú Cường (Sóc Sơn - Hà Nội). Với cách làm này,  trang trại cung ứng cho thị trường khoảng 1 tấn giun giống, 1 tạ giun khô và 4 tấn thịt lợn,  doanh thu khoảng 2 tỷ đồng/tháng. Đặc biệt, toàn bộ chất thải từ chăn nuôi được xử lý bằng chế phẩm sinh học, không gây ô nhiễm môi trường.

Tại vùng đất ven sông Đáy, mô hình trồng nho hạ đen của ông Nguyễn Văn Mỡ ở xã Thượng Cốc (Phúc Thọ - Hà Nội) không chỉ bảo đảm an toàn thực phẩm, mà còn cho giá trị kinh tế cao. Toàn bộ quy trình trồng nho hạ đen của nhà ông đều tuân thủ các quy định sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, để nho sinh trưởng, phát triển tốt và không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, vườn nho được thiết kế đưa công nghệ cao vào sản xuất, như: Nước tưới chủ động theo kỹ thuật tiên tiến, tiết kiệm nước; nhiệt độ, ánh sáng cũng được chủ động điều tiết. Với diện tích 1.500m2, 600 gốc nho, một năm thu hoạch 2 vụ, mỗi vụ cung cấp cho thị trường 15 - 20 tấn, tổng doanh thu hơn 500 triệu đồng/vụ.

Trang trại chăn nuôi gà và lợn rừng của gia đình chị Nguyễn Thị Thu Thoan ở xã Minh Phú (Sóc Sơn - Hà Nội) là một trong những mô hình tuần hoàn, đem lại hiệu quả cao. Trang trại sử dụng đệm lót sinh học làm từ nguồn phế phẩm chăn nuôi giúp đàn vật nuôi ít bị bệnh, khu vực chuồng trại giảm thiểu mùi hôi. Sau đó, đệm lót sinh học được tận dụng cùng với nguồn chất thải để làm phân bón hữu cơ. Thức ăn của gà là thực vật trộn men vi sinh, không sử dụng kháng sinh, chất tăng trọng… Năm 2021, sản phẩm gà vi sinh Thu Thoan đã được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Trang trại cũng đã được cấp giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp Tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ.

Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và nói “không” với thuốc kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật không chỉ thay đổi phương thức canh tác, nuôi trồng, bảo vệ môi trường mà còn hướng đến nền nông nghiệp an toàn với nhiều sản phẩm chất lượng cao để cung cấp cho người tiêu dùng Thủ đô.

Sản xuất xanh tạo ra tín chỉ carbon

Các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đang triển khai các mô hình, dự án sản xuất xanh như mô hình nuôi tôm sú kết hợp trồng rừng ngập mặn ở Cà Mau; dự án lúa gạo giảm phát thải của Tập đoàn Lộc Trời tại An Giang; dự án trồng rừng ngập mặn kết hợp du lịch sinh thái ở Trà Vinh…

Nghiên cứu cho thấy, trong mô hình canh tác lúa, 1ha có thể tạo ra khoảng 7-8 tín chỉ carbon/năm. Nếu giá 1 tín chỉ khoảng 10-12 USD thì 1ha lúa có thể đem lại thêm nguồn thu khoảng 100-120 USD/năm. Nếu áp dụng các giải pháp canh tác tiên tiến sẽ giảm 50% lượng phát thải so với canh tác truyền thống, trung bình canh tác lúa truyền thống phát thải khoảng 1 tấn CO2/ha/vụ.

Trong khi đó, nếu nuôi tôm quảng canh cải tiến sẽ giảm được 80% lượng phát thải so với nuôi tôm thâm canh. Với quy mô 200ha nuôi tôm có thể tạo ra được khoảng 560 tín chỉ carbon/năm.

Trong chăn nuôi, việc tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, như: thân cây ngô, rơm, đậu lạc... sản xuất thành thức ăn chăn nuôi; xử lý chất thải thành khí sinh học, nuôi trùn quế, áp dụng công nghệ vi sinh, đệm sinh học, chế biến phân vi sinh, phân bón hữu cơ, giảm tác hại đến môi trường. Chăn nuôi gia súc, gia cầm theo chuỗi giá trị, chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và việc ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao trong chăn nuôi được thúc đẩy; mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ đang được nhân rộng.

Từ dự án Pamci do Trường đại học Tokyo (Nhật Bản) hỗ trợ cho nhóm nông dân thôn Thượng Phúc, xã Đồng Phú (Chương Mỹ - Hà Nội), đến nay, bà con vẫn luôn tự hào đã sản xuất gạo vì sức khỏe cộng đồng. Với diện tích gần 5 ha sản xuất lúa hữu cơ, khi dự án kết thúc vào năm 2014, phương thức canh tác này đã lan tỏa và được nhân rộng theo từng năm, đến năm 2023, Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú đã triển khai sản xuất hữu cơ trên diện tích 65 ha/vụ. Quá trình canh tác không có sự tham gia của chất hóa học hay bất kỳ một loại phân hóa học nào ngoài phân chuồng ủ hoai mục. Không những thế, đất đai, nguồn nước hoàn toàn không bị ô nhiễm. Toàn bộ quá trình sản xuất được ghi chép đầy đủ và được giám sát qua hệ thống camera đồng ruộng.

Để nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp xanh an toàn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, Trung tâm đã triển khai 18 mô hình khuyến nông (10 mô hình trồng trọt, 4 mô hình chăn nuôi, 4 mô hình nuôi thủy sản). Các mô hình này chủ yếu là phát triển sản xuất rau, hoa, quả theo hướng hữu cơ, VietGAP, ứng dụng công nghệ cao; sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, phù hợp với nhu cầu thị trường… Nhìn chung, các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại và nông dân đã chủ động trong việc nâng cao nhận thức về sản xuất bền vững thông qua các biện pháp canh tác cải tiến, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc; đúng liều lượng, nồng độ; đúng lúc; đúng cách); giảm lượng phân bón vô cơ...

Ứng dụng KHKT sử dụng phân bón hữu cơ, giảm sử dụng hóa chất và thuốc trừ sâu, áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước ngày càng được áp dụng rộng rãi để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

 

Thúc đẩy tiêu dùng xanh

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh; quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.

Kết quả khảo sát cho thấy, khoảng 95% người tiêu dùng ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã có ý thức về bảo vệ môi trường. Do vậy, TP. Hà Nội trong thời gian qua đã đẩy mạnh triển khai các chương trình về thúc đẩy tiêu dùng xanh, tiêu dùng trách nhiệm, cũng như hỗ trợ các đơn vị sản xuất xanh, phát triển bền vững. Đây cũng là một trong những thuận lợi để cho kinh tế xanh phát triển, bởi nhu cầu được tiêu thụ những sản phẩm xanh, sản phẩm bảo vệ môi trường ngày càng tăng cao.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030 nêu rõ: Tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp 2,5 - 3%/năm; nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo vệ tài nguyên đất nước, thủy sản, rừng, bảo tồn đa dạng sinh học; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ở mức 42%, diện tích có chứng chỉ quản lý rừng bền vững trên 1 triệu ha; giảm thâm dụng đầu vào hóa chất nông nghiệp tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực tự nhiên trong quá trình sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ trong tổng sản phẩm phân bón được sản xuất và tiêu thụ đạt trên 30%; tăng số lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng lên trên 30%; có ít nhất 30% tổng diện tích cây trồng cạn có tưới được áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

Đặc biệt, xác định sẽ chuyển đổi 300.000 ha đất lúa sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả cao hơn cả về kinh tế và môi trường; diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng trên 2% tổng diện tích đất trồng trọt.

Nhận thức này được chuyển thành hành động, khi có tới 59% người tiêu dùng lựa chọn ăn rau xanh, ngũ cốc thường xuyên hơn; 44% tái sử dụng quần áo cũ thay vì mua mới không cần thiết; 61% tắt các thiết bị điện trong nhà khi không sử dụng; 39% hạn chế dùng thực phẩm đóng gói, công nghiệp; 73% sử dụng thực phẩm được sản xuất hữu cơ và thuần tự nhiên; 44% hạn chế sử dụng túi nhựa, thay thế bằng túi canvas…

Nghiên cứu của Công ty Nielsen Việt Nam cho thấy, các thương hiệu có cam kết “xanh” và “sạch” có mức tăng trưởng khá cao, khoảng 4%/năm. Đối với ngành hàng thực phẩm và nước giải khát, mức tăng trưởng nhanh hơn so với toàn thị trường từ 2,5 - 11,4%. Đồng thời, doanh số bán hàng của các thương hiệu cam kết ưu tiên tính bền vững tăng gấp 4 lần so với những đối thủ không có cam kết này.

Đơn cử, trong ngành sữa, ông Nguyễn Quang Trí, Giám đốc điều hành marketing của Vinamilk, chia sẻ, sản phẩm sữa tươi Vinamilk Green Farm ra mắt thị trường được người tiêu dùng yêu thích và đánh giá cao không chỉ bởi chất lượng, hương vị thiên nhiên, thuần khiết mà còn bởi vì đây là một sản phẩm thân thiện với môi trường.

Không chỉ qua sản phẩm, các yếu tố bền vững được đẩy mạnh trong cả quá trình sản xuất với trang trại sinh thái Vinamilk Green Farm được Vinamilk xây dựng. Mô hình gồm 3 trụ cột chính làm định hướng cho phát triển bền vững, bao gồm: Chọn lọc đầu vào kỹ lưỡng, thực hành nông nghiệp tái tạo và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào nông nghiệp bền vững.

Tại các nhà máy, sản phẩm sữa tươi Vinamilk Green Farm tiếp tục được bảo đảm yếu tố bền vững ở khâu sản xuất. Hệ thống xử lý chất thải hiện đại với 100% nước thải được xử lý đạt chuẩn trước khi ra môi trường. Hệ thống năng lượng xanh như Biomass, CNG, và năng lượng mặt trời được trang bị nhằm giảm phát thải carbon, góp phần vào nỗ lực hướng tới mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

“Vinamilk không chỉ dừng lại ở câu chuyện trang trại sinh thái và sản phẩm sữa tươi Vinamilk Green Farm, chúng tôi còn đang thực hiện, và tham gia các hoạt động nhằm tuyên truyền, lan tỏa về lối sống xanh, xây dựng ý thức và thói quen bảo vệ môi trường đến cộng đồng”, ông Trí nhấn mạnh.

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thời gian qua, TP. Hà Nội đã tập trung đối tượng là các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có quy mô nhỏ để hình thành chuỗi sản xuất sạch theo từng lĩnh vực như mây tre đan, dệt may, sơn mài, xây dựng, hàng tiêu dùng… với hệ thống các siêu thị, trung tâm phân phối bán lẻ. Từ đó hình thành mối liên kết chặt chẽ sản xuất xanh - phân phối xanh - tiêu dùng xanh.

Bài 2: Khó khăn và những giải pháp

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Quyết tâm đưa nhanh nguồn vốn chính sách về với bà con vùng bị ảnh hưởng mưa lũ ở Yên Bái

    Quyết tâm đưa nhanh nguồn vốn chính sách về với bà con vùng bị ảnh hưởng mưa lũ ở Yên Bái

    Quyết tâm đưa nhanh nguồn vốn chính sách về với bà còn vùng bị ảnh hưởng mưa lũ, hỗ trợ tích cực, hiệu quả cho khách hàng bị thiệt hại do thiên tai sớm khôi phục sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống là mục tiêu hàng đầu của lãnh đạo tỉnh Yên Bái.

  • Ấm lòng cán bộ Sen hồng

    Ấm lòng cán bộ Sen hồng

    Những ngày qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi), các tỉnh, thành phố phía Bắc bị thiệt hại nặng nề. Với tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, cán bộ, đoàn viên Công đoàn và người lao động NHCSXH đã và đang dốc lòng, dồn sức cùng chung tay khắc phục hậu quả của bão lũ, chia sẻ, ủng hộ Nhân dân vùng bị thiệt hại do bão lũ gây ra.

  • Hiệu quả từ nguồn kinh phí của Quỹ hỗ trợ nông dân tại Quảng Nam

    Hiệu quả từ nguồn kinh phí của Quỹ hỗ trợ nông dân tại Quảng Nam

    Từ nguồn vốn vay tín chấp của Quỹ hỗ trợ nông dân (HTND) Quảng Nam, thông qua các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh, nhiều nông dân đã có điều kiện đầu tư, mở rộng cơ sở sản xuất, đem lại nguồn thu nhập ổn định.

Top