Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 31 tháng 8 năm 2024  
Thứ tư, ngày 21 tháng 8 năm 2024 | 11:33

Quảng Nam: Gồng mình phòng, chống dịch bệnh cho cây trồng - vật nuôi

Tình hình dịch bệnh trong thời gian qua tại tỉnh Quảng Nam ở cả cây trồng và vật nuôi diễn biến hết sức phức tạp, gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng cho nền nông nghiệp tỉnh. Các cấp chính quyền địa phương cùng với người nông dân đang tích cực chạy đua trong công tác phòng chống dịch bệnh, sâu hại.

Dịch bệnh trên cây trồng

Theo số liệu tổng hợp từ Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật Quảng Nam, đến nay tại nhiều địa phương của tỉnh có 110ha lúa đang thời kỳ làm đòng - trổ bị chuột cắn phá với tỷ lệ hại trung bình 2,5 - 5%, tập trung nhiều nhất ở Điện Bàn và Đại Lộc.

Theo Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật Quảng Nam, tính đến thời điểm này, tại Điện Bàn, Duy Xuyên và một số nơi khác đã có 640 sào lúa nhiễm bệnh khô vằn với tỷ lệ hại bình quân 5 - 10%.

Cạnh đó, rầy nâu và rầy lưng trắng phát sinh gây hại rải rác 160 sào lúa với mật độ trung bình 50 - 100 con/m2, nơi cao 1.500 con/m2; trong khi đó cùng kỳ năm ngoái cả tỉnh không có diện tích lúa bị nhiễm 2 loại rầy vừa nêu.

Cần cảnh giác dịch hại trên các loại cây trồng cạn. (Ảnh: Nhã Phương)

Cần cảnh giác dịch hại trên các loại cây trồng cạn. (Ảnh: Nhã Phương)

Ngoài ra, các đối tượng dịch hại khác như sâu cuốn lá, sâu keo, ruồi đục nõn, sâu đục thân, bọ xít đen, bọ xít dài... cũng phát sinh gây hại rải rác một số cánh đồng lúa ở các địa phương Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành, Phú Ninh.

Trên các loại cây trồng cạn cũng phát sinh nhiều loại sâu bệnh. Theo ngành nông nghiệp tỉnh, hè thu năm nay nông dân Quảng Nam gieo trồng 5.092ha bắp. Thời điểm này, phần lớn diện tích bắp nêu trên đang giai đoạn xoáy nõn - trổ cờ phun râu, trái non.

Hiện nay, ngoài bệnh khô vằn gây hại cục bộ 100 sào bắp ở huyện Duy Xuyên với tỷ lệ hại trung bình 3 - 5%, nơi cao 10% thì sâu keo mùa thu, sâu xám, sâu ăn lá, sâu đục thân cũng phát sinh rải rác trên những ruộng bắp của Đại Lộc, Điện Bàn, Hiệp Đức, Nông Sơn, Hội An...

Nhà nông cần tích cực thăm đồng để chủ động phòng trừ dịch hại trên ruộng lúa. (Ảnh: Nhã Phương)

Nhà nông cần tích cực thăm đồng để chủ động phòng trừ dịch hại trên ruộng lúa. (Ảnh: Nhã Phương)

Vụ hè thu này, nông dân cả tỉnh còn sản xuất 1.016ha đậu phụng và 4.265ha rau đậu các loại khác. Thời gian gần đây, trên cây đậu phụng, bệnh héo rũ gốc mốc đen phát sinh gây hại rải rác ở Tam Kỳ và sâu ăn lá xuất hiện ở Nông Sơn.

Trong khi đó, sâu xanh, bệnh đốm lá, bệnh thối nhũn gây hại rải rác trên rau ăn lá; bệnh lở cổ rễ gây hại rải rác trên cây con các loại tại nhiều địa phương; bọ trĩ, sâu đục quả, sâu ăn lá phát sinh trên cây đậu xanh và đậu đen ở Duy Xuyên; trên cây họ bầu bí, bệnh thán thư, phấn trắng, giả sương mai, héo xanh vi khuẩn gây hại ở Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn...

Dịch bệnh trên đàn vật nuôi

Đến thời điểm đầu tháng 8, dịch bệnh lở mồm long móng đã xảy ra tại 4 xã A Nông, A Tiêng, Lăng, A Xan của huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam với 97 con bò nhiễm bệnh, trong đó 4 con đã chết.

Ngay khi dịch bệnh xuất hiện, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Tây Giang đã phân công cán bộ kỹ thuật phối hợp UBND xã, nhân viên thú y xã và nhân dân triển khai công tác chống dịch; khoanh vùng bò bị bệnh, cách ly bò chưa bị bệnh và hướng dẫn điều trị, dập dịch để phòng tránh dịch lây lan diện rộng.

Được biết, nguyên nhân xuất hiện dịch bệnh lở mồm long móng trên địa bàn Tây Giang do đơn vị cung ứng con giống từ các vùng đang có dịch, không thông báo để cơ quan chuyên môn kiểm tra con giống trước khi nhập vào địa bàn.

Phun tiêu độc khử trùng vùng dịch tại thôn 2, xã Trà Giáp. (Ảnh: Nguyễn Bình)

Phun tiêu độc khử trùng vùng dịch tại thôn 2, xã Trà Giáp. (Ảnh: Nguyễn Bình)

Bên cạnh đó, tại xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành vừa tiêu hủy đàn heo 13 con mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Trước đó, nhận tin báo của hộ gia đình ông Trần Đăng Trí (thôn Trung Thành) về việc đàn heo nhà ông xuất hiện các dấu hiệu của dịch tả lợn châu Phi, UBND xã Tam Mỹ Tây phối hợp Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành kiểm tra và lấy mẫu gửi Chi cục Thú y vùng IV xét nghiệm.

Sau đó, địa phương nhận kết quả xét nghiệm xác định đàn heo nhà ông Trí dương tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi. Tổng số heo bị nhiễm bệnh chết và tiêu hủy là 13 con với tổng trọng lượng 805kg.

Theo lãnh đạo xã Tam Mỹ Tây, địa phương hiện chưa có vắc xin tiêm ngừa dịch bệnh này. Nguy cơ dịch lây lan rộng toàn xã với tổng đàn heo 515 con của 51 hộ là rất lớn.

Vào ngày 15/8, UBND huyện Nam Giang cũng vừa ban hành quyết định công bố hết dịch bệnh tả lợn châu Phi trên địa bàn các xã Đắc Tôi, Zuôih, La Dêê và Cà Dy.

Trước đó tại các địa phương Đắc Tôi, Zuôih, La Dêê, Cà Dy và Tà Bhing xảy ra dịch tả lợn châu Phi với tổng số heo mắc bệnh, chết phải tiêu hủy là 307 con/7.646kg.

Đến nay các xã Đắc Tôi, Zuôih, La Dêê và Cà Dy qua 21 ngày không phát sinh heo mắc bệnh, vì vậy UBND huyện Nam Giang công bố hết dịch bệnh tả lợn châu Phi trên địa bàn 4 xã này.

Mọi hoạt động chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, mua bán heo và các sản phẩm từ heo trên địa bàn 4 xã trở lại bình thường.

Cán bộ thú y xã A Xan tiêm thuốc kháng sinh điều trị bệnh lở mồm long móng cho bò. (Ảnh: Hiền Thuý)

Cán bộ thú y xã A Xan tiêm thuốc kháng sinh điều trị bệnh lở mồm long móng cho bò. (Ảnh: Hiền Thuý)

UBND xã đang đề nghị UBND huyện Núi Thành, Phòng NN&PTNT, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ để địa phương phòng chống dịch hiệu quả, giảm thiệt hại cho người chăn nuôi.

Huyện Bắc Trà My cũng thông tin, trong thời gian qua dịch bệnh tả lợn châu Phi tiếp tục diễn biến phức tạp, tái bùng phát và địa phương đã cô bố dịch tại 2 xã Trà Tân và Trà Giáp.

Theo đó, dịch bệnh này xuất hiện trên đàn heo của hộ bà Lê Thị Thắm (thôn 2, xã Trà Tân) và hộ bà Nguyễn Thị Thu Thanh (thôn 2, xã Trà Giáp).

Lực lượng thú y huyện và địa phương đã tiêu hủy tổng cộng 23 con heo nái, đực giống và heo thịt các loại, tổng trọng lượng hơn 660kg; đồng thời tiến hành phun tiêu độc, khử trùng vùng dịch và tiêm phòng vắc xin cho đàn heo.

Hai địa phương vùng dịch khuyến cáo người chăn nuôi tạm dừng các hoạt động tái đàn; nghiêm cấm mua bán, trao đổi, vận chuyển và giết mổ heo bệnh trên địa bàn nhằm khống chế, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.

Như vậy, tại Bắc Trà My đã có 4 địa phương tái bùng phát dịch tả lợn châu Phi trong năm 2024, số lượng heo mắc bệnh tiêu hủy lên đến 44 con, trọng lượng hơn 1,89 tấn heo hơi.

Trước đó, trong tháng 4 và tháng 5, dịch xuất hiện và được công bố dịch lần lượt tại Trà Giang, Trà Tân và Trà Ka. Riêng địa bàn xã Trà Tân đã có hai lần xuất hiện dịch cũng tại địa bàn thôn 2.

Khẩn trương khống chế dịch bệnh

Cuối tháng 6, ông Nguyễn Xuân Vũ – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam đã ký Công văn số 1855 gửi UBND 18 huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan đề nghị tập trung triển khai thực hiện một số nội dung trọng tâm để phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.

Theo Sở NN&PTNT, bệnh liên cầu khuẩn lợn là bệnh lây truyền giữa động vật và người, do vi khuẩn tồn tại trong môi trường chăn nuôi gây ra. Bệnh liên cầu khuẩn lợn thường ghép với một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác trên đàn heo như tai xanh, dịch tả, tụ huyết trùng…

Hiện nay, chưa có vắc xin phòng bệnh liên cầu khuẩn lợn nên biện pháp phòng bệnh chủ yếu là vệ sinh thú y, chăm sóc, nuôi dưỡng và quản lý đàn heo. Để chủ động phòng chống bệnh liên cầu khuẩn lợn, giảm thiểu nguy cơ lây bệnh lây sang người, UBND cấp huyện cần tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp.

Theo đó, tăng cường giám sát lâm sàng trên đàn heo. Khi phát hiện heo nghi mắc bệnh liên cầu khuẩn với các triệu chứng như sốt cao tới 42,5 độ C, bỏ ăn, sưng hầu, ủ rũ, khó nuốt, co giật cơ, mất cân bằng, đi lại loạng choạng, xiêu vẹo, tai xuôi ép về phía thân, nằm nghiêng một bên, chân đạp bơi chèo rồi chết… thì người chăn nuôi phải nhanh chóng cách ly heo nghi mắc bệnh. Đồng thời, báo ngay cho Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp cấp huyện, Chi cục Chăn nuôi & thú y tỉnh để phối hợp thực hiện các biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời nguy cơ lây nhiễm sang người.

Các cơ sở chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, chế biến thực hiện tốt biện pháp vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi để diệt mầm bệnh tồn tại trong môi trường. Nhân viên thú y được các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giao nhiệm vụ kiểm soát giết mổ thì yêu cầu phải thực hiện đúng quy trình kiểm soát giết mổ theo quy định, trong đó lưu ý kiểm tra lâm sàng trước khi giết mổ, khám thân thịt, nội tạng heo trong quá trình giết mổ...

Đối với những địa phương đang xảy ra dịch tả lợn châu Phi, lãnh đạo Sở NN&PTNT đề nghị huy động các nguồn lực xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới. Tổ chức xử lý tiêu hủy heo nghi mắc bệnh, heo mắc bệnh, heo chết theo đúng quy định. Thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch theo quy định.

Đồng thời, hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng trại chăn nuôi và khu vực xung quanh.

Còn về sâu bệnh hại cây trồng, ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam nhận định, để bảo vệ an toàn sản xuất, cần áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp. Theo ông Vũ, giai đoạn làm đòng - trổ, cây lúa rất cần nước. Vì vậy, nông dân phải đưa nước vào ruộng, duy trì ở mực nước khoảng 5-10cm liên tục cho đến khi lúa trổ vào chắc.

Đối với lúa sạ muộn chưa bón đòng, cần bón đòng đúng thời điểm để cây lúa phân hóa đòng tốt, loại phân và liều lượng bón theo hướng dẫn của Sở NN&PTNT. Còn đối với những ruộng lúa bị ngộ độc hữu cơ, nghẹt rễ - vàng sinh lý thì cần phải thay nước 1-2 lần; sau đó bón bổ sung phân DAP (1-2kg/sào) và phun phân qua lá để lúa mau hồi phục.

Đối với bệnh đạo ôn lá và cổ lá, nhà nông cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nhất là những ruộng bón thừa đạm, ruộng sạ giống nhiễm để kịp thời phát hiện bệnh.

Khi có từ 3-5% số lá bị bệnh, cần giữ đủ nước trên ruộng, tạm dừng bón thúc đạm và tiến hành dùng thuốc có hoạt chất Isoprothiolane, Tricyclazole (Fuji-One 40 EC, Beam 75 WP, Filia 525 SE, Flash 75 WP...) để phun trừ.

Đối với bệnh đạo ôn cổ bông, tăng cường kiểm tra đồng ruộng trong giai đoạn lúa làm đòng - trổ để sớm phát hiện bệnh, nhất là những ruộng đã nhiễm bệnh đạo ôn lá.

Cần chú ý, với các giống lúa như BC15, HT1, TBR225, Thiên ưu 8… trước khi trổ 5-7 ngày, dùng các loại thuốc đặc hiệu như đối với bệnh đạo ôn lá để phun phòng bệnh. Nếu chưa phun thuốc kịp thời ở giai đoạn trước trổ thì phun ở giai đoạn sau trổ 5-7 ngày. Tốt nhất là phun khi lúa bắt đầu trổ lác đác.

Đối với rầy nâu và rầy lưng trắng, ngành liên quan và chính quyền các địa phương khuyến cáo người dân thường xuyên thăm đồng, vạch gốc lúa để kịp thời phát hiện rầy gây hại; phải quan sát khắp mặt ruộng để phát hiện các ổ rầy cục bộ.

Khi phát hiện rầy có mật độ bình quân 2-3 con/dảnh lúa (khoảng 1.000 - 2.000 con/m2) thì sử dụng các loại thuốc có hoạt chất Pymetrozine, Imidacloprid (Chess 50WG, Map-Jono 700 WP…) để phun trừ. Khi phun trừ rầy, cần phải khoanh vùng và phun kỹ vào các ổ rầy nhằm diệt trừ triệt để, tránh lây lan.

Còn đối với sâu cuốn lá nhỏ, nông dân cần tích cực kiểm tra đồng ruộng để kịp thời phát hiện sâu non tuổi nhỏ (tuổi 1-3). Khi phát hiện sâu với mật độ từ 20 con/m2 trở lên thì dùng một trong các loại thuốc có hoạt chất Chlorantraniliprole, Thiamethoxam, Emamectin, Benzoate (Virtako 40WG, Angun 5 WG...) để phun trừ ngay.

 

Anh Vũ (Tổng hợp từ Báo Quảng Nam)
Ý kiến bạn đọc
Top