Người chăn nuôi heo ở một số địa phương trên địa bàn Quảng Nam đang tích cực tái đàn, chú trọng phòng chống dịch bệnh để phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng cuối năm, dịp Tết.
Chuẩn bị heo cho thị trường dịp Tết
Thị trường Tết là một thị trường tiêu thụ lớn trong năm, chính vì vậy, dịp này cũng là lúc chạy đua đảm bảo giá trị thịt xuất ra của người chăn nuôi heo. Trang trại của ông Nguyễn Ngọc Phước (thôn Tân Phú, xã Tam Phước, huyện Phú Ninh) đang nuôi 600 con heo để chuẩn bị cho thị trường cuối năm và dịp Tết. Ông Phước cho biết, mỗi vụ nuôi heo chừng 4-5 tháng. Thời điểm này heo nuôi của ông Phước phát triển tốt, đạt trọng lượng khoảng 50kg/con. “Tôi nuôi heo khép kín, lấy giống, thức ăn của Công ty Greenfeed, có quy trình chăn nuôi heo riêng, chủ động tìm kiếm thị trường đầu ra” - ông Phước nói.
Trong đợt bán gần đây, heo xuất chuồng của ông Phước đạt giá 62.000 đồng/kg heo hơi, tăng 7.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Ông Phước kỳ vọng, giá heo tiếp tục tăng ở thời điểm cuối năm, dịp Tết để bán thu lãi.
Để đàn heo sinh trưởng tốt, ông Phước xây tường ngăn cách biệt trang trại với bên ngoài để côn trùng như ruồi, muỗi không thể xâm nhập, đồng thời thường xuyên vệ sinh sát khuẩn khu vực chuồng trại, hạn chế người lạ ra vào. Chú trọng tiêm phòng vắc xin định kỳ để đề phòng dịch bệnh cho đàn heo…
Chủ động phòng ngừa dịch bệnh ở đàn vật nuôi là công việc cấp thiết thời điểm này của ngành chăn nuôi.
Cũng tại huyện Phú Ninh, hộ ông Đỗ Quang Diêm Khánh (thôn Tân Quý, xã Tam Vinh) đang nuôi 1.300 con heo phục vụ thị trường Tết. Ông Khánh cho biết, đàn heo được nuôi trong phòng khép kín, sàn xi măng, giữ nhiệt độ ổn định 28-29 độ C. Trang trại chăn nuôi heo được ông Khánh đầu tư 10 tỷ đồng; sử dụng 10 lao động.
Ông Khánh nói: “Tôi nuôi heo an toàn sinh học, khép kín. Chất thải đều được xử lý. Riêng nước thải dẫn đến hầm biogas. Nguyên tắc của tôi là tiêm phòng đầy đủ cho heo nuôi và không cho tác hại từ bên ngoài đến khu vực nuôi heo”.
Chủ động phòng chống dịch bệnh đến cuối năm
Tính chung từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Quảng Nam đã xảy ra 56 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 12 huyện, thành phố. Chi cục Chăn nuôi & thú y tỉnh đã cấp phát gần 15.000 lít hóa chất đến các địa phương toàn tỉnh để giúp người dân tiêu độc, khử trùng, chủ động khống chế dịch bệnh phát sinh thời gian đến. Chi cục Chăn nuôi & thú y tỉnh cử cán bộ phối hợp với các địa phương nắm rõ diễn biến chăn nuôi heo thời gian cuối năm để tạo ổn định, phát triển bền vững.
Ông Đinh Long Toàn - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam cho biết, nhiệm vụ tái cơ cấu ngành chăn nuôi heo của địa phương là vận động người chăn nuôi nhỏ lẻ chuyển dần sang chăn nuôi quy mô trang trại tập trung, bảo đảm an toàn sinh học, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, kiểm soát dịch bệnh, nâng cao hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế lớn.
Ngành Nông nghiệp huyện Phú Ninh khuyến khích người chăn nuôi heo theo chuỗi, liên kết với doanh nghiệp để được cung ứng con giống, vật tư, thức ăn, kỹ thuật, nuôi heo đạt trọng lượng, đảm bảo các tiêu chí an toàn thực phẩm, cung ứng lại cho doanh nghiệp thu mua để ổn định đầu ra. Các mô hình nuôi heo trang trại lớn theo hướng an toàn sinh học là hướng đi bền vững.
Bà Hoàng Thị Kim Yến - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y tỉnh Quảng Nam (Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam) cho biết, hiện nay, người chăn nuôi đang tái đàn heo để phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán sắp đến. Tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh tại thời điểm này là khoảng 375.000 con, trong đó chăn nuôi trang trại khoảng 10.000 con.
Theo bà Yến, các ổ dịch lẻ tẻ xuất hiện thời gian qua đều được xử lý kịp thời. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh tái phát vẫn cao do mầm bệnh tồn tại trong môi trường, hoạt động vận chuyển, mua bán gia súc tăng mạnh trong dịp cuối năm, dịp Tết và thời tiết chuyển biến thất thường. Bởi vậy, phòng chống dịch bệnh cho heo nuôi dịp cuối năm, Tết đến là hết sức khẩn trương, cấp thiết.
Bà Hoàng Thị Kim Yến khuyến cáo các địa phương chủ động tuyên truyền, hướng dẫn chăn nuôi heo áp dụng phương pháp an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Người chăn nuôi cần sử dụng con giống rõ nguồn gốc; thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin; vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại định kỳ hàng tuần để loại bỏ mầm bệnh; chú trọng chăm sóc, nuôi dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho heo nuôi. Cùng với đó, phối hợp với cơ quan thú y và chính quyền địa phương kịp thời báo cáo, xử lý khi phát hiện dấu hiệu dịch bệnh.
“Ngành Nông nghiệp Quảng Nam khuyến cáo người chăn nuôi heo áp dụng đồng bộ các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để đàn heo phát triển khỏe mạnh, giảm thiểu rủi ro, phát triển bền vững, trước mắt là đảm bảo nguồn cung cho thị trường Tết sắp đến” - bà Yến nói.
Ngành công nghiệp và kỹ thuật số đang phát triển mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các dự án hạ tầng quy mô lớn và môi trường pháp lý thuận lợi. Sự chuyển đổi sang hướng sản xuất giá trị gia tăng cao, cùng với khả năng logistics và trung tâm dữ liệu mở rộng, đang nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.
Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.