Gắn xây dựng nông thôn mới (NTM) với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn là chương trình mang lợi ích kép và bền vững. Nó giúp các địa phương sớm về đích xã NTM, NTM nâng cao, kiểu mẫu; đồng thời phát huy được cộng đồng dân cư, phát triển du lịch địa phương, làm xanh - sạch - đẹp nông thôn. Xác định hướng đi đó, Quảng Ngãi đang đầu tư, khai thác, phát triển du lịch cộng đồng tại các địa phương có tiềm năng, lợi thế.
Hướng đi mới
Những năm qua, phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn đã được nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi lựa chọn và triển khai thực hiện. Điển hình như: Du lịch cộng đồng Bình Thành (huyện Nghĩa Hành); Du lịch trải nghiệm Cánh rừng ngập mặn bàu Cá Cái (huyện Bình Sơn); Du lịch cộng đồng, trải nghiệm tại xã Đức Tân, Đức Lợi (huyện Mộ Đức); Du lịch trải nghiệm chèo ghe tại rừng dừa nước xã Tịnh Khê, (TP Quảng Ngãi); Du lịch cộng đồng Làng Gò Cỏ (thị xã Đức Phổ),... Đây được coi là hướng đi mới, góp phần phát huy lợi thế của nông nghiệp, nông thôn tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn.
Du lịch cộng đồng dừa nước xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi ngày càng thu hút khách
Những mô hình du lịch này không chỉ làm thay đổi bộ mặt của nông thôn mà còn tạo ra rất nhiều giá trị; góp phần bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương; tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân, đưa kinh tế phát triển theo hướng bền vững.
Bên cạnh đó, việc phát triển kinh tế thông qua du lịch nông thôn gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trong xây dựng nông thôn mới (NTM) là xu thế tất yếu trong thời gian tới.
Với vai trò là đơn vị chủ trì, Sở Nông nghiệp và PTNT đã Tham mưu UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Kế hoạch số 32/KH-UBND ngày 20/02/2023 về việc triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Theo Kế hoạch, tỉnh tập trung phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng gắn với xây dựng NTM, đây là giải pháp giúp người dân có công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, nâng cao dân trí, phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, phát triển nông thôn văn minh, hiện đại phù hợp với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Sở Nông nghiệp và PTNT đã mời các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch nông thôn như Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh, Thạc sĩ Nguyễn Bảo Việt và một số chuyên gia khác là báo cáo viên, tập huấn hướng dẫn triển khai du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh. Tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí cho các địa phương triển khai Chương trình du lịch nông thôn gắn với chương trình OCOP...
Đến nay, Quảng Ngãi đã có 02 sản phẩm du lịch được công nhận OCOP: Điểm du lịch cộng đồng làng Gò cỏ đạt OCOP 3 sao năm 2020 và Điểm Thành Cổ Quảng Ngãi đạt 4 sao năm 2022.
Một số HTX Nông nghiệp - Dịch vụ và Du lịch cộng đồng đã được thành lập với mục tiêu kết hợp những giá trị văn hóa lâu đời với thực tế phát triển hiện có để tạo nét đặc trưng, thu hút du lịch trải nghiệm nông thôn, mang lại những hiệu ứng rất tích cực.
Du lịch nông thôn mang lợi ích kép và bền vững
Thành phố Quảng Ngãi đang phát triển 6 mô hình phát triển du lịch nông thôn gồm: Mô hình du lịch cộng đồng dừa nước xã Tịnh Khê; mô hình phát triển du lịch Làng hoa xã Nghĩa Hà; mô hình du lịch sinh thái kết hợp tham quan vườn rau an toàn xã Nghĩa Hà; mô hình du lịch cộng đồng xã Nghĩa Phú; mô hình du lịch cộng đồng bãi biển xã Nghĩa An và mô hình du lịch cộng đồng gắn với tham quan các khu di tích lịch sử.
Với diện tích khoảng 110 ha, dưới tán rừng ngập mặn có nhiều loài động vật cá, tôm, cua…; vẻ đẹp thơ mộng, đậm màu thiên nhiên khiến nhiều người ngỡ ngàng; nhìn từ trên cao, rừng ngập mặn Bàu Cá Cái (huyện Bình Sơn) như một tấm thảm xanh lơ lửng giữa vòm trời.
Huyện Lý Sơn triển khai mô hình Một ngày làm nông dân đất đảo - Kỳ bí đảo núi lửa Lý Sơn, phát triển du lịch cộng đồng theo mô hình homestay. Thị xã Đức Phổ với mô hình du lịch cộng đồng gắn đồng muối Sa Huỳnh và homestay. Huyện Nghĩa Hành tiếp tục phát triển mô hình du lịch miệt vườn trái cây tại thôn Bình Thành…
Huyện Bình Sơn với mô hình du lịch cộng đồng Gành Yến, Bàu Cá Cái; rừng dừa nước Cà Ninh. Huyện Ba Tơ với mô hình trải nghiệm văn hóa của đồng bào Hrê tại Ba Tơ. Huyện Mộ Đức với mô hình du lịch cộng đồng xóm cây Gạo, thôn Dương Quang, thôn An Mô...
Hiện Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Ngãi đang phối hợp với UBND thị xã Đức Phổ và TP Quảng Ngãi triển khai xây dựng sản phẩm mô hình quảng bá du lịch cộng đồng, phát triển điểm đến gắn với Di tích Văn hóa Sa Huỳnh và Đầm An Khê, Khu Chứng tích sơn Mỹ.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương, cho biết: Xây dựng NTM gắn với phát triển du lịch nông thôn sẽ mang lợi ích kép và bền vững. Giúp các địa phương sớm về đích NTM, NTM nâng cao, kiểu mẫu; đồng thời thu hút cộng đồng dân cư tham gia phát triển du lịch, làm xanh - sạch - đẹp nông thôn.
Du lịch Rừng cóc trắng ở Bàu Cá cái (xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn) được “đánh thức
Quảng Ngãi đã phê duyệt đề án phát triển du lịch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có nội dung phát triển du lịch cộng đồng. Theo đó, tỉnh sẽ đầu tư, khai thác, phát triển du lịch cộng đồng tại các địa phương có tiềm năng, lợi thế. Đối với du lịch nông nghiệp, nông thôn, sẽ khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nông thôn tham gia làm du lịch, kết hợp sản xuất nông nghiệp với du lịch theo mô hình OCOP. Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo mô hình homestay, mô hình du lịch miệt vườn,...