Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 6 tháng 12 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 6 tháng 8 năm 2023 | 19:0

Quảng Trị có 69 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Tỉnh Quảng Trị có 69/101 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 68,3%, bình quân tiêu chí toàn tỉnh là 14,3 tiêu chí/xã, tăng 0,2 tiêu chí so với cuối năm 2022.

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Trị, trong 6 tháng đầu năm, ngành Nông nghiệp và PTNT triển khai sản xuất trong bối cảnh ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, giá nguyên nhiên liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao, nền kinh tế toàn cầu tiếp tục khó khăn... Tuy vậy, với sự chỉ đạo, hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp và PTNT đã chủ động cùng với các địa phương tập trung chỉ đạo, tổ chức sản xuất, tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản.

Tỉnh Quảng Trị có 69 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Tỉnh Quảng Trị có 69 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Theo đó, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Quảng Trị đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2023 của ngành nông, lâm, thủy sản ước đạt 9,54%; Sản lượng lương thực có hạt đạt 172.482,9 tấn đạt 66,3% kế hoạch năm, lần đầu tiên năng suất lúa trên địa bàn vượt ngưỡng 61 tạ/ha, đạt 61,4 tạ/ha. Tổng sản lượng thủy sản đạt 17.625,5 tấn, đạt 47% kế hoạch năm; Diện tích trồng rừng tập trung 4.285,5 ha (đạt 61,2% kế hoạch năm); số lượng cây lâm nghiệp trồng phân tán 1.400  nghìn cây (đạt 46,7% kế hoạch năm). Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng, cây phân tán là 520.561 m3 (đạt 52,05% kế hoạch năm). Toàn tỉnh Quảng Trị có 69/101 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm tỷ lệ 68,3%), bình quân tiêu chí toàn tỉnh là 14,3 tiêu chí/xã (tăng 0,2 tiêu chí/ xã so với cuối năm 2022).

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị vẫn còn một số hạn chế như: Người dân chưa thực sự chủ động ứng phó trước những tác động của thiên tai và dịch bệnh, thêm vào đó giá cả nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất vẫn ở mức cao; tình trạng chồng chéo giữa các quy hoạch ngành, lĩnh vực gây khó khăn trong công tác mời gọi doanh nghiệp đến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là lĩnh vực nuôi trồng thủy sản; công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản còn nhiều khó khăn; nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi…

Để nông nghiệp Quảng Trị tiếp tục phát triển theo hướng bền vững, ông Hồ Xuân Hòe, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho biết: Ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh đang tiếp tục triển khai quyết liệt đồng bộ các chủ trương, chính sách của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã ban hành trên lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động thực hiện Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/1/2022 về phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2025; Nghị quyết số 168-KL/TU ngày 4/11/2021 của Tỉnh ủy Quảng Trị về tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 04/11/202021 của Tỉnh ủy về thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và các chính sách quan trọng các của ngành.

Thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, bám sát các tiêu chí nông thôn mới được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành để thực hiện. Quan tâm chú trọng chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tại các xã khó khăn, các xã miền núi vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh xây dựng huyện, xã, thôn nông thôn mới, nâng cao, kiểu mẫu theo lộ trình đạt chuẩn giai đoạn 2021-2025 nhằm hoàn thành kế hoạch năm 2023.

Tiếp tục đổi mới và phát triển hợp tác xã nông nghiệp có hiệu quả gắn với liên kết và xây dựng sản phẩm OCOP; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đồng thời huy động bố trí, lồng ghép kinh phí các chương trình, dự án hỗ trợ xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, công trình cộng đồng, tăng cường hỗ trợ đưa các sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử... góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho các mặt hàng nông sản trên địa bàn nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và đời sống cho người dân.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhằm thích ứng với biển đổi khí hậu, chú trọng việc canh tác tự nhiên, canh tác hữu cơ, tận dụng tối đa phế phụ phẩm nông nghiệp để tiết kiệm chi phí sản xuất; sử dụng hiệu quả bền vững nguồn lực đất đai. Thực hiện truy xuất nguồn gốc, chứng nhận chất lượng, cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi, xây dựng thương hiệu để thúc đẩy mở rộng thị trường tiêu thụ.

 

T. Thành
Ý kiến bạn đọc
Top