Phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 8,Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Quốc hội sẽ đồng hành cùng Chính phủ, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, nỗ lực phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Sau 29,5 ngày làm việc nghiêm túc, khoa học, dân chủ, trách nhiệm cao, với tinh thần đổi mới, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, tập trung cao độ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống của Nhân dân, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra.
Phát biểu phiên bế mạc vào chiều nay (30/11), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Quốc hội sẽ đồng hành cùng với Chính phủ, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, nỗ lực phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, tạo tiền đề tốt nhất cho công cuộc đổi mới và phát triển mạnh mẽ của dân tộc trong kỷ nguyên mới.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc kỳ họp Quốc hội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã xem xét, quyết định khối lượng công việc rất lớn, trong đó, có nhiều vấn đề khó, phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực và thực tiễn đang đòi hỏi cấp thiết.
Đặc biệt, đây là kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp rất nhiều. Trên cơ sở xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, với tinh thần đổi mới trong xây dựng pháp luật; đổi mới trong công tác phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ; đổi mới trong công tác thẩm tra trong quá trình xây dựng dự thảo các luật, nghị quyết; Quốc hội đã biểu quyết thông qua 18 luật với tỷ lệ tán thành cao, trong đó có các Luật, Nghị quyết được doanh nghiệp và cử tri, Nhân dân rất quan tâm như: Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật sửa 4 Luật trong lĩnh vực đầu tư; Luật sửa 9 Luật trong trong lĩnh vực tài chính, ngân sách.
Quốc hội cũng đã xem xét, thông qua 21 nghị quyết, trong đó, có 4 nghị quyết quy phạm pháp luật gồm: Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự; Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng; Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa; Nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất. Đồng thời, Quốc hội cũng đã cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác.
Quốc hội đã thảo luận các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024 và xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 và nhiều tờ trình, đề án về các vấn đề cấp bách, phục vụ quốc kế dân sinh, phát huy tối đa các nguồn lực, cơ hội phát triển như: Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương; quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035; Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy đến năm 2030; dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; chủ trương khởi động lại việc đầu tư dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận.
Quốc hội đã xem xét báo cáo và thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến năm 2023”...v.v. Quốc hội đã tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn 3 lĩnh vực: Ngân hàng, Y tế, Thông tin và Truyền thông. Quốc hội đã cho ý kiến để ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.
Công tác nhân sự đã được thực hiện chặt chẽ theo đúng quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước; Quốc hội đã tiến hành bầu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội; phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; đồng thời tiến hành công tác nhân sự khác theo thẩm quyền và đã đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao của các vị đại biểu Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao quyết tâm, nỗ lực không ngừng nghỉ và những đổi mới hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương. Vì vậy, trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, có những việc bất ngờ khó có thể lường trước, như thiên tai, bão lũ, nhưng các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đã cơ bản hoàn thành.
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đã phân tích, thẳng thắn chỉ rõ những khó khăn, thách thức, những bất cập của nền kinh tế và đề xuất nhiều giải pháp cụ thể.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu tham dự phiên bế mạc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thực hiện kịp thời, có hiệu quả những cam kết trước Quốc hội, trước cử tri và Nhân dân cả nước. Tiếp tục bám sát tình hình thực tiễn, nâng cao năng lực phân tích, dự báo, phản ứng chính sách kịp thời, có các giải pháp hiệu quả, phấn đấu hoàn thành cao nhất Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị: "Để tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, gắn kết chặt chẽ công tác xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật, coi đây là yếu tố quan trọng để phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước và các cơ quan hữu quan tập trung chỉ đạo, quán triệt, khẩn trương ban hành đầy đủ các văn bản quy định chi tiết, triển khai thực hiện có hiệu quả các các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua; đồng thời, thường xuyên rà soát, đánh giá hiệu quả, chất lượng chính sách sau khi ban hành để kịp thời điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi; chủ động, tích cực, khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý những vấn đề mới, xu hướng mới, tạo đột phá phát triển đất nước."
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, bước sang năm 2025, năm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện thành công nhiệm vụ của nhiệm kỳ 2021-2026. Trên tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 10, khóa XIII, trong đó có yêu cầu cấp bách của công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong giai đoạn mới; nội dung phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư Tô Lâm tại phiên khai mạc Kỳ họp cũng như những chỉ đạo của Tổng Bí thư gần đây về công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Trên tinh thần đó, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, khẩn trương sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy “tinh, gọn, mạnh”, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ; đồng hành cùng với Chính phủ, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, nỗ lực phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ XIII, chuẩn bị tốt nhất cho Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, tạo tiền đề tốt nhất cho công cuộc đổi mới và phát triển mạnh mẽ của dân tộc trong kỷ nguyên mới.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.