Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 17 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 8 tháng 4 năm 2023 | 15:47

Sóc Trăng ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất

Tỉnh Sóc Trăng đã và đang triển khai đầu tư hiệu quả và tiếp tục nhân rộng các mô hình nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ vào cuộc sống nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Sản phẩm gạo ST24 do nhóm nhà khoa học của tỉnh Sóc Trăng lai tạo, phát triển.

Thời gian qua, các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tại thành phố Sóc Trăng đã triển khai hiệu quả và tiếp tục được nhân rộng. Có thể kể đến các mô hình như: Trồng cúc vạn thọ trong chậu; sản xuất lúa đặc sản ST25; trồng rau an toàn trong khay; trồng gừng trong chậu; ứng dụng công nghệ tưới bằng ống PLA cho rau răm; trồng cây ăn trái trong nhà lưới; xây dựng hệ thống tuần hoàn khép kín sản xuất ươm giống thủy sản; công nghệ tưới tự động trên nấm bào ngư; ủ phân hữu cơ phục vụ sản xuất rau màu... Ngoài ra, có một số mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất kém hiệu quả, ứng dụng khoa học-kỹ thuật, giống mới vào sản xuất.

Tuy nhiên, nhìn chung thị trường khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh hoạt động chưa sôi động. Việc hỗ trợ, kết nối giữa cung và cầu công nghệ vẫn còn hạn chế, việc liên kết giữa các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, trường đại học với các doanh nghiệp trên địa bàn còn thiếu. Hoạt động nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa trở thành nhu cầu sống còn, gây khó khăn cho việc thúc đẩy thị trường khoa học và công nghệ. Cơ chế, chính sách chưa đủ mạnh để khuyến khích đội ngũ những người làm công tác nghiên cứu khoa học tạo ra nhiều sản phẩm cho thị trường.

Ðể khắc phục những khó khăn, hạn chế nêu trên, ông Huỳnh Hoài Nam, Trưởng phòng Kinh tế, Ủy ban nhân dân thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng cho biết, thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng cần tiếp tục tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ để khuyến khích các tổ chức, cá nhân, nhất là doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ, ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy sự liên thông của thị trường khoa học và công nghệ với các thị trường hàng hóa, dịch vụ, lao động, vốn.

Ðồng thời, đẩy mạnh thực hiện công nhận các kết quả nghiên cứu không sử dụng ngân sách nhà nước để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ và thương mại hóa. Chủ động tìm kiếm, lựa chọn, hướng dẫn các doanh nghiệp có tiềm năng phát triển thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Ðẩy mạnh hỗ trợ, xác lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ đối với các sản phẩm đặc trưng. Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh thực hiện các dự án phát triển tài sản trí tuệ từ các văn bằng, sáng chế, giải pháp hữu ích đã được bảo hộ. Tham gia hiệu quả các hoạt động kết nối cung cầu, chợ công nghệ thiết bị để trình diễn, giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của tỉnh.

Theo các chuyên gia thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, để khuyến khích phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, Nhà nước cần đẩy mạnh việc xã hội hóa hoạt động khoa học và công nghệ, bóc tách, phân loại trong hoạt động liên quan đến khoa học và công nghệ. Theo đó, những nghiên cứu cơ bản, hàn lâm, nghiên cứu mang tính quốc gia, liên quan đến quốc phòng-an ninh thì Nhà nước quản lý, còn những nghiên cứu khác cần xã hội hóa, tạo sân chơi cạnh tranh công bằng cho doanh nghiệp thông qua đấu thầu, đấu giá.

Ngoài ra, cần tạo điều kiện để doanh nghiệp khoa học và công nghệ hưởng đầy đủ những ưu đãi theo quy định; giảm mức thuế thu nhập cá nhân đối với những người tự đầu tư tiền bạc và trí tuệ để nghiên cứu sản phẩm khoa học và công nghệ. Tỉnh Sóc Trăng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mô hình doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tạo diễn đàn để các doanh nghiệp trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, kinh doanh, cùng nhau hợp tác phát triển, đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Tỉnh Sóc Trăng đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ tỉnh trong việc thụ hưởng kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ từ các nhiệm vụ khoa học và công nghệ quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, trọng tâm là đổi mới sáng tạo, phát triển các thế mạnh liên quan đến khoa học-kỹ thuật của địa phương. Tỉnh sẽ xây dựng các mô hình ứng dụng, các giải pháp công nghệ mới trong lĩnh vực trồng trọt (số hóa các dữ liệu trồng trọt để phục vụ công tác quản lý nhà nước hiệu quả hơn); thủy sản (quản lý vùng nuôi, ứng dụng theo dõi, quan trắc môi trường nước tự động); quản lý khai thác biển (ứng dụng công nghệ thông tin lập nhật ký khai thác, nhật ký thu mua điện tử kết nối với Ban quản lý Cảng cá để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác)...

Ngoài ra, tỉnh cũng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục hỗ trợ tỉnh các dự án gắn với các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia, như: "Ða dạng hóa sản phẩm chế biến và nâng cao hiệu suất thu hồi sản phẩm xay xát lúa gạo, phát triển các sản phẩm tạo giá trị gia tăng từ lúa gạo ST"; "Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ chế biến các sản phẩm từ trái cây"; hỗ trợ tỉnh xây dựng và quản lý nhãn hiệu chứng nhận "Sóc Trăng" cho sản phẩm gạo thuộc giống lúa ST24 và ST25 trên địa bàn tỉnh. Ðặc biệt, cần đưa nhãn hiệu đã được bảo hộ vào chương trình, kế hoạch hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài...

 

Phạm Phường/Báo Nhân Dân
Ý kiến bạn đọc
Top