Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 1 tháng 9 năm 2024  
Thứ ba, ngày 20 tháng 8 năm 2024 | 15:17

Sơn La: Sản xuất nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu đạt hiệu quả

Ứng dụng KHKT vào sản xuất để giảm thiểu rủi ro trước biến đổi khí hậu và mang lại hiệu quả kinh tế cao đang được nông dân Sơ La áp dụng hiệu quả.

Đông Sang chuyển đổi sang các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao

Hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu khuyến khích người dân đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm giảm thiểu rủi ro, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nông dân bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu trồng ớt Sweet Palermo trong nhà lưới.

Trên địa bàn xã Đông Sang hiện có gần 1.200ha trồng các loại cây nông nghiệp, việc canh tác còn chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; có gần 50ha bị ảnh hưởng của nắng hạn và ngập úng có thể bỏ hoang. Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, xã Đông Sang đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đưa sản xuất nông nghiệp phát triển thích ứng với sự biến đổi của khí hậu.

Bà Vì Thị Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Sang, cho biết: UBND xã đã tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi tư duy sản xuất, từ làm theo kinh nghiệm, phụ thuộc tự nhiên sang áp dụng khoa học kỹ thuật; đưa các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, khả năng chống chịu tốt với các điều kiện thời tiết bất lợi, sâu, bệnh hại vào sản xuất để phát triển chuỗi giá trị nông sản có giá trị gia tăng cao, an toàn với người tiêu dùng.

Tại bản Búa, trên diện tích sản xuất lúa khó khăn về nguồn nước nay đã chuyển đổi sang các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao và thay thế bằng cây trồng chịu hạn tốt, như: Rau, dâu tây và hoa. Ông Hoàng Văn Án, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Búa, chia sẻ: Bản có 16ha đất sản xuất. Trước đây, nhân dân chủ yếu canh tác lúa 1 vụ, những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên nguồn nước cung cấp cho ruộng không đủ, lúa chậm sinh trưởng, năng suất không cao. Trước thực trạng đó, bản đã tuyên truyền, vận động nhân chuyển đổi 16ha trồng lúa 1 vụ sang trồng hoa, các loại rau và dâu tây, tạo nguồn nông sản hàng hóa có giá trị cung ứng thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn; có nhiều hộ thu nhập trên 1 tỷ đồng từ trồng rau và dâu tây.

Nông dân xã Đông Sang đầu tư làm nhà lưới phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Qua tuyên truyền, hướng dẫn, gia đình anh Lò Duy Hải, bản Búa đã chuyển đổi 5.000m2 đất trồng lúa 1 vụ sang trồng 3 vụ rau và 1 vụ dâu tây. Anh Hải chia sẻ: Thích ứng với biến đổi khí hậu, tôi đã rải bạt trữ nước, kết hợp đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm để sử dụng nguồn nước hiệu quả; sử dụng màng phủ cho đất để hạn chế thoát hơi nước. Nhờ đó, diện tích rau và dâu tây phát triển tốt, mang lại nguồn thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.

Không chỉ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa những giống mới có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với điều kiện thời tiết, nông dân xã Đông Sang đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay, toàn xã có 250 cơ sở sản xuất, hộ gia đình ứng dụng tưới tiết kiệm cho 180ha cây trồng; 98 cơ sở, hộ gia đình đầu tư làm 45ha nhà kính, nhà lưới; 3 cơ sở áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP với hơn 21ha rau và cây ăn quả.

Tìm hiểu, nghiên cứu và đưa giống cây mới về trồng, năm nay anh Nguyễn Ngọc Đảo, bản Áng, đã đưa giống ớt Sweet Palermo về trồng trên diện tích 1,2ha nhà lưới có hệ thống tưới tiết kiệm, màng phủ. Anh Đảo cho biết: Chúng tôi đầu tư nhà lưới giúp hạn chế côn trùng, mầm bệnh, thời tiết bất lợi gây hại cho cây ớt. Hiện nay, trung bình mỗi ngày gia đình tôi thu về hơn 1 tấn ớt, bán ra thị trường với giá từ 50.000 - 80.000 đồng/kg. Giá sản phẩm cao, thị trường ưa chuộng nên trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích trồng giống ớt này.

Trước những diễn biến khó lường của thời tiết, việc thực hiện các giải pháp phù hợp, đưa tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất là cách làm hiệu quả ở Đông Sang để sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững.

Chiềng Lương nỗ lực phát triển kinh tế

Chiềng Lương là xã vùng 3 của huyện Mai Sơn, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, từng bước thoát nghèo bền vững.

Nông dân xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn chăm sóc cây cà phê.

Đến bản Mờn 2, điều dễ nhận thấy là những vườn xoài, nhãn, cà phê được chăm sóc tốt, trải dài trên các triền đồi. Là một trong những hộ điển hình của xã trong phát triển cây ăn quả, ông Lò Văn Thuân, bản Mờn 2, cho biết: Năm 2017, được cán bộ của xã, bản tuyên truyền, hướng dẫn, gia đình đã thay thế cây ngô, cây sắn, lúa nương để trồng 1,2ha nhãn, 1,5ha xoài và trồng cây cà phê dưới tán. Được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hỗ trợ đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, vì vậy vườn cây phát triển tốt, mỗi năm cho thu hoạch gần 15 tấn nhãn, 15 tấn xoài và 5 tấn cà phê, thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm.

Cùng với gia đình ông Lò Văn Thuân, các hộ ở bản Mờn 2 tích cực tận dụng lợi thế về đất đai, chú trọng thâm canh lúa nước, trồng cà phê và cây ăn quả để tăng thu nhập. Ông Lò Văn Huấn, Bí thư chi bộ, Trưởng bản, cho biết: Hiện nay, bà con trong bản gieo trồng hơn 21ha lúa nước; trồng 12ha cà phê, gần 41ha ngô; 60ha mía; chăn nuôi gần 1.000 con gia súc và khoảng 3.000 con gia cầm các loại. Thu nhập bình quân đầu người đạt 31 triệu đồng/năm. Năm 2023, bản có 5 hộ thoát nghèo.

Việc chuyển đổi, đưa những giống cây trồng, con nuôi có giá trị kinh tế vào sản xuất cũng được nhân dân bản Chi tích cực hưởng ứng. Ông Lò Văn Nam, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Chi, thông tin: Bản có 250 hộ, với 1.185 nhân khẩu, đang thâm canh 5ha lúa 2 vụ; 110ha ngô; hơn 180ha mía, 5ha cây na, xoài, nhãn và 5ha cây rau màu các loại; bảo vệ hơn 380ha rừng tự nhiên; chăn nuôi gần 3.000 con trâu, bò, lợn, dê. Hiện nay, thu nhập của bản đạt 30 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo 12,4%.

Ông Cầm Văn Lai, Quyền Chủ tịch UBND xã Chiềng Lương, cho biết: Xã có 17 bản, gồm 5 dân tộc Thái, Mông, Kinh, Xinh Mun và Khơ Mú. Hằng năm, xã đề ra các chỉ tiêu cụ thể về phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng vào sản xuất. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nhân dân. Tạo điều kiện cho gần 600 hộ dân được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, với tổng dư nợ gần 50 tỷ đồng đầu tư phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, từng bước nâng cao đời sống nhân dân.

Bên cạnh đó xã Chiềng Lương chú trọng đầu tư xây dựng kiên cố hệ thống mương thủy lợi, đảm bảo nước tưới phục vụ gieo trồng 1.277ha cây lương thực; gần 1.500ha mía, 70ha sắn; hơn 100ha cây cà phê; 17ha dong riềng; 359ha cây ăn quả; 3,1ha dâu tây; 22ha rau màu các loại và trồng hơn 100ha cỏ voi phục vụ chăn nuôi, với tổng đàn gia súc trên 12.600 con, đàn gia cầm gần 53.000 con... Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 31 triệu đồng/năm. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm bình quân 4,5%/năm.

Kinh tế phát triển, bà con có điều kiện đóng góp xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2022 đến nay, xã Chiềng Lương đã huy động nhân dân đóng góp 446 triệu đồng, hỗ trợ sửa chữa, xây dựng mới nhà ở cho 8 hộ có hoàn cảnh khó khăn. Huy động các nguồn lực 1,1 tỷ đồng xây 3 cầu dân sinh tại các bản Ý Lường, Tảng, Buôm Khoang. Phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện giới thiệu việc làm cho 420 lao động đi làm tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, toàn xã có trên 98% số hộ được dùng điện lưới quốc gia, 98% số hộ được xem truyền hình; 10/17 bản có nhà văn hóa kiên cố; 100% bản có đường từ trung tâm xã về bản được cứng hóa đi được 4 mùa.

Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo xuống còn 21% vào cuối năm 2024, xã Chiềng Lương tiếp tục khai thác tiềm năng, lợi thế, tranh thủ nguồn vốn các chương trình, dự án của Nhà nước; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hỗ trợ nhân dân xây dựng các mô hình kinh tế theo quy mô trang trại, liên kết thành lập HTX sản xuất gắn với tiêu thụ, nâng cao thu nhập cho nhân dân, từng bước giảm nghèo, hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra.

Thu nhập cao từ sản xuất rau, quả an toàn

Với lợi thế khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ và có nguồn nước dồi dào từ công trình thủy nông Chờ Lồng, rất thuận lợi cho phát triển rau, nhiều hộ nông dân ở xã Yên Sơn, huyện Yên Châu đã trồng rau xanh theo hướng hữu cơ, an toàn, phục vụ nhu cầu của thị trường, nâng cao thu nhập.

Thành viên HTX Thanh Sơn, xã Yên Sơn, huyện Yên Châu thu hoạch bí xanh.

Là hợp tác xã đầu tiên trồng rau của xã Yên Sơn, những ngày này, các thành viên HTX Thanh Sơn, bản Quỳnh Phương đang tất bật thu hái bí xanh, bí đỏ, dưa chuột, rau cải ngọt... cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Anh Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc HTX, chia sẻ: HTX có 7 thành viên, trồng 15 ha rau, quả các loại, đều sử dụng hệ thống tưới tự động. Mùa nào loại ấy, HTX đưa vào trồng các giống mới có năng suất, chất lượng cao, như bí xanh lai F1, bắp cải ngắn ngày TV20 chịu nhiệt... Ngoài sản xuất rau an toàn chính vụ, HTX còn sản xuất 5,5 ha rau an toàn trái vụ theo hướng hữu cơ; trồng trái vụ, tuy năng suất thấp, dễ bị sâu bệnh hại, đòi hỏi chăm sóc tỉ mỉ, nhưng giá bán cao và dễ tiêu thụ hơn. Sản lượng rau, quả của HTX đạt gần 500 tấn/năm, doanh thu gần 2 tỷ đồng.

Những ngày qua, do ảnh hưởng của mưa lớn, diện tích rau của HTX bị úng nước, hư hại, giảm năng suất. Sau khi nước rút, HTX đã hướng dẫn các thành viên san bồi lại mặt luống, chọn trồng các loại rau có thời gian sinh trưởng ngắn; áp dụng kỹ thuật ươm cây giống trong khay hoặc túi bầu, bảo đảm tỷ lệ cây sống cao, cây mau bén rễ. Ngoài ra, vận động các hộ tăng cường sử dụng phân hữu cơ giúp đất tăng độ tơi xốp.

Ông Phạm Văn Dựng, thành viên HTX Thanh Sơn, cho biết: Gia đình trồng hơn 3.000m2 bí xanh, đỗ. Được HTX hướng dẫn, gia đình đã đắp bờ bao xung quanh vườn, đào rãnh thoát nước giữa các luống; sử dụng màng phủ nông nghiệp để hạn chế rửa trôi. Riêng đối với bí xanh, làm giàn chắc chắn, đảm bảo cho cây sinh trưởng và phát triển tốt. Từ đầu năm đến nay, gia đình đã thu hoạch 10 tấn quả bí xanh, bán với giá trung bình 10.000 đồng/kg, cho thu nhập 100 triệu đồng.

Ngoài HTX Thanh Sơn, hiện nay nhiều hộ dân trên địa bàn xã Yên Sơn đã mở rộng diện tích trồng rau an toàn, mang lại thu nhập ổn định. Anh Trần Văn Tỉnh, người có thâm niên trồng rau ở bản Chiềng Hưng, chia sẻ: Trước đây, bà con chủ yếu sản xuất theo kinh nghiệm và bón phân vô cơ. Sau khi được các phòng chuyên môn của huyện và xã tuyên truyền, tập huấn, hiện nay gia đình đã tự chế thuốc bảo vệ thực vật từ hành, tỏi, ớt; tự ủ phân hữu cơ để chăm bón cho rau. Vì vậy, với hơn 5.000m2 trồng bí và đỗ cô ve, có thời điểm cho thu hoạch 4-5 tấn/tháng, thu lãi từ 100-150 triệu đồng/năm.

Hiện nay, xã Yên Sơn có trên 40 hộ sản xuất rau an toàn, với tổng diện tích gần 30 ha, tập trung tại các bản Quỳnh Phương, Chiềng Hưng. Mỗi năm, cung ứng ra thị trường trên 700 tấn rau, quả các loại. Ngoài trồng rau thương phẩm, bà con còn ươm cây rau giống cung cấp cho các địa phương lân cận.

Ông Đỗ Văn Thiết, Chủ tịch UBND xã Yên Sơn, cho biết: Trồng rau an toàn là hướng đi phù hợp, giúp nhiều hộ dân ổn định việc làm và thu nhập cao. Xã đã chủ động phối hợp với các phòng chuyên môn của huyện đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, phát triển vùng rau an toàn, hữu cơ. Chỉ đạo các HTX trên địa bàn quan tâm, hướng dẫn người dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc và lựa chọn loại giống mới phù hợp với thời vụ, thổ nhưỡng. Lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ HTX, nông dân trồng rau xây dựng nhà màng; khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, phát triển vùng rau an toàn bền vững.

Theo baosonla.org.vn

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách: “Điểm sáng”, “trụ cột” an sinh xã hội

    Tín dụng chính sách: “Điểm sáng”, “trụ cột” an sinh xã hội

    Nhấn mạnh phương châm “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ, nâng cao hiệu quả”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ 6 định hướng lớn thời gian tới để tín dụng chính sách xã hội tiếp tục là “điểm sáng”, “trụ cột” trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội, giúp những người khó khăn phát huy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên trong cuộc sống.

  • Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW: Long Phú phát huy hiệu quả nguồn vốn chính sách

    Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW: Long Phú phát huy hiệu quả nguồn vốn chính sách

    Xác định công tác giảm nghèo, đảm bảo chính sách an sinh xã hội luôn là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua, Huyện uỷ, UBND huyện Long Phú (Sóc Trăng) thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội trên địa bàn.

  • Vốn chính sách xã hội Lào Cai giúp 123.000 hộ dân thoát nghèo

    Vốn chính sách xã hội Lào Cai giúp 123.000 hộ dân thoát nghèo

    Hôm nay (26/7), tỉnh Lào Cai tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.

  • Bình Sơn phấn đấu 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới vào tháng 8/2025

    Bình Sơn phấn đấu 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới vào tháng 8/2025

    Bình Sơn (Quảng Ngãi) đặt mục tiêu đến hết tháng 8/2025 duy trì 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), trong đó có nhiều xã hướng đến xây dựng NTM nâng cao; đến quý I/2025 hoàn thành hồ sơ trình cấp có thẩm quyền công nhận huyện NTM; cuối năm 2025 trở thành đô thị loại IV, làm tiền đề để phát triển huyện Bình Sơn trở thành thị xã.

  • Kinh tế nông nghiệp Hải Phòng chuyển dịch đúng hướng, hiệu quả

    Kinh tế nông nghiệp Hải Phòng chuyển dịch đúng hướng, hiệu quả

    Hải Phòng là địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nông nghiệp, nông thôn. Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 45), với những định hướng cụ thể, rõ ràng cơ cấu kinh tế nông nghiệp của Hải Phòng đã có sự chuyển dịch đúng hướng.

  • Tâm sự của một Bí thư Đảng ủy xã

    Tâm sự của một Bí thư Đảng ủy xã

    Là một trong những xã trên đà về đích NTM đúng tiến độ đề ra, bà Vũ Thị Tư, Bí thư Đảng uỷ xã Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai) đã trải lòng với phóng viên Tạp chí Kinh tế nông thôn về quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới (XDNTM) tại địa phương với nhiều trăn trở, tâm huyết và thành quả đáng tự hào.

Top