Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 28 tháng 2 năm 2023 | 10:33

Sơn La hình thành nhiều vùng nguyên liệu tập trung

Nhiều năm qua, Sơn La đã thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả, hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, hướng tới phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.

Sông Mã khuyến khích ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất

Phát huy tiềm năng lợi thế, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh cao, huyện Sông Mã đã tập trung chỉ đạo, quy hoạch, định hướng và khuyến khích nhân dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, hình thành các vùng sản xuất tập trung, gắn với xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng tiêu thụ sản phẩm an toàn, từ đó, xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, bền vững, nâng cao đời sống nhân dân.

Công ty TNHH Nông lâm nghiệp Sông Mã sử dụng thiết bị giám sát chăm sóc, thu hoạch nho Hạ Đen.

Sông Mã hiện có trên 10.600 ha cây ăn quả, gồm 7.500 ha nhãn, hơn 1.800 ha xoài, còn lại là các loại cây ăn quả khác. Huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh việc hướng dẫn nhân dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào cải tạo vườn tạp; tập trung lai tạo giống bằng phương pháp ghép mắt đối với cây nhãn, xoài, từng bước thay thế, cải tạo những diện tích cây kém chất lượng. Tổ chức tập huấn về áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất hữu cơ cho các hộ trồng nhãn, xoài.

Tại xã Chiềng Khương, đã có 78 hộ đầu tư ứng dụng công nghệ tưới gốc, tưới phun trên ngọn cho hơn 68 ha nhãn. Công ty TNHH Nông lâm nghiệp Sông Mã đầu tư xây dựng nhà lưới trồng 1 ha nho Hạ Đen và lắp đặt hệ thống camera giám sát trong việc chăm sóc, thu hoạch. Ông Trần Văn Lộc, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hưng Lộc, xã Chiềng Khương, chia sẻ: HTX có 17 thành viên, quy mô sản xuất gồm 46 ha nhãn, 5 ha xoài, 2 ha bưởi da xanh. Tất cả các thành viên HTX đã đầu tư hệ thống tưới gốc, tưới phun trên ngọn và hệ thống châm phân hữu cơ tự động để chăm sóc cây ăn quả. Việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất đã tăng sản lượng từ 10-15%, mẫu mã sản phẩm đẹp hơn, giá bán cao hơn so với các vùng trồng khác. Năm 2022, HTX đã xuất bán ra thị trường trên 550 tấn quả các loại, doanh thu đạt hơn 7,5 tỷ đồng.

Với việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đến nay, toàn huyện có 229 ha cây ăn quả và các loại rau, củ sản xuất theo hướng hữu cơ, sản lượng đạt trên 5.800 tấn/năm, tại 13 HTX trên địa bàn. Duy trì và phát triển gần 220 ha lúa sản xuất theo hướng hữu cơ tại 9 xã; năng suất đạt 50 tạ/ha đối với lúa địa phương, 55 tạ/ha đối với lúa thuần nếp 86, 87, 97; 62 tạ/ha với giống BC15, năng suất tăng từ 5-7% so với khi chưa áp dụng cải tạo bằng phương pháp bón hữu cơ. Đến nay, đã có 48/71 HTX nông nghiệp, công ty sản xuất quả an toàn theo quy trình VietGAP, với diện tích trên 900 ha, sản lượng hơn 8.900 tấn.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Sông Mã cho biết: Qua khảo sát, huyện có khả năng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại 4 xã Chiềng Khương, Chiềng Khoong, Nà Nghịu và Chiềng Cang, với diện tích trồng cây ăn quả đến năm 2025 dự kiến đạt 11.000 ha. Trong đó, phát triển diện tích cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao khoảng 3.000 ha. Hiện nay, Phòng đang phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát, đánh giá hiện trạng sản xuất, điều chỉnh bổ sung quy hoạch các xã trọng điểm để xây dựng các khu, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với các sản phẩm chủ lực; tiến hành khảo sát xây dựng mô hình điểm ứng dụng công nghệ cao tại một số xã trên địa bàn.

Hướng đến mục tiêu bền vững trong sản xuất nông nghiệp, huyện còn đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng; khuyến khích đầu tư kho lạnh, cơ sở bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch. Hiện nay, toàn huyện có trên 2.900 lò sấy long nhãn, 3 kho lạnh bảo quản nông sản. Năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký “Nhãn hiệu chứng nhận Nhãn Sông Mã”; năm 2021 UBND tỉnh Sơn La cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Nhãn Sơn La” cho 25 HTX; nhận văn bằng bảo hộ chứng nhận đăng ký nhãn hiệu của Cục Sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm mía tím Sông Mã.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, huyện triển khai các chương trình, dự án, mô hình phát triển chăn nuôi, thủy sản, như: Hỗ trợ triển khai thực hiện mô hình phát triển chăn nuôi bò sinh sản trên nền đệm lót sinh học, quy mô 83 con bò lai Sind sinh sản tại HTX Toàn Phát, xã Nà Nghịu và HTX Mường Lầm, xã Mường Lầm; mô hình chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học, quy mô 4.000 con tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết, xã Chiềng Khoong và HTX Nông nghiệp Quốc Khánh, xã Đứa Mòn... Góp phần giảm chi phí và hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường, tăng sức đề kháng của vật nuôi.

Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, cùng định hướng chiến lược đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm, huyện Sông Mã phấn đấu đến năm 2025 sẽ trở thành huyện phát triển nhanh về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Tạ Bú chuyển hướng sản xuất hiệu quả

Những năm gần đây, xã Tạ Bú, huyện Mường La, đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân đầu tư chuyển hướng sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, nâng cao thu nhập.

Đến xã Tạ Bú thời điểm này, trên những sườn đồi vườn xoài, vải chín sớm hoa đã nở rộ, bà con nông dân đang khẩn trương chuẩn bị đất gieo cấy lúa xuân. Ông Điêu Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Bám sát chủ trương của tỉnh và huyện, xã đã tích cực vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trong đó, các bản dọc sông Đà phát triển nuôi cá ao, vịt cổ xanh, trồng cỏ voi nuôi trâu, bò, dê. Các bản vùng cao, trồng các loại cây ăn quả, nuôi gà thả đồi. Đồng thời, phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho bà con. Tạo điều kiện để bà con tiếp cận các chương trình, dự án, hỗ trợ của tổ chức, doanh nghiệp về cây, con giống, phân bón. Ngoài ra, các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác với các ngân hàng trên 45 tỷ đồng cho hơn 1.000 hộ vay phát triển kinh tế.

Nhân dân bản Mòn, xã Tạ Bú trao đổi kinh nghiệm chăm sóc xoài ghép.

Với trên 2.400 ha đất sản xuất nông nghiệp, hàng năm, nhân dân canh tác gần 70 ha lúa nước 2 vụ, 1.419 ha ngô lai, 139 ha sắn, còn lại là rau màu các loại; sản lượng lương thực năm 2022 đạt gần 3.400 tấn. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, từ năm 2015, bà con đã cải tạo vườn tạp, chủ yếu là vườn nhãn, xoài giống địa phương lâu năm; trồng mới gần 100 ha cây ăn quả các loại, như mít thái, dứa Queen và chanh tứ quý..., nâng diện tích cây ăn quả của xã lên gần 550 ha, sản lượng gần 2.000 tấn quả các loại/năm.

Bên cạnh đó, bà con làm chuồng trại chăn nuôi gia súc nhốt chuồng, với 1.960 con trâu, bò và trên 2.400 con dê. Ngoài thức ăn từ rơm rạ, cây chuối, nhân dân còn trồng hơn 30 ha cỏ voi để làm thức ăn cho gia súc. Thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh và phun tiêu độc khử trùng tại các chuồng trại chăn nuôi.

Là bản phát triển kinh tế khá của xã, bản Mòn có nhiều hộ thu nhập trên 150 triệu đồng/năm từ chăn nuôi và trồng trọt. Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Lò Văn Long cho biết: Bản có 93 hộ; hằng năm, bà con thâm canh 200 ha ngô, 10 ha lúa 2 vụ, 20 ha chuối, sản lượng lương thực có hạt đạt hơn 600 tấn/năm. Duy trì nuôi trên 620 con gia súc và hơn 3.000 con gia cầm; ghép cải tạo 10 ha cây ăn quả và trồng mới 5 ha xoài, nhãn ghép, mít.

Đầu năm 2022, gia đình chị Tòng Thị Vân, bản Tạ Búng được Cục Quản lý thị trường tỉnh hỗ trợ 100 con vịt cổ xanh giống, gia đình mua thêm hơn 230 con để nuôi thử nghiệm. Sau 5 tháng chăm sóc, xuất bán vịt thịt, thu gần 60 triệu đồng. Chị Vân chia sẻ: Sau lứa vịt đầu tiên hiệu quả, gia đình đã giữ lại 30 cặp vịt bố mẹ chọn làm vịt sinh sản để chủ động con giống. Hiện nay, gia đình đang mở rộng quy mô nuôi lên 350 - 400 con/lứa. Ngoài ra, còn nuôi 20 đôi nhím sinh sản, mỗi năm bán từ 30-35 đôi nhím giống; trồng 2 ha cây ăn quả và nuôi gần 1.000 m² ao cá, năm 2022, tổng thu nhập trên 300 triệu đồng.

Để đạt được mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 10%, cấp ủy, chính quyền xã Tạ Bú tiếp tục vận động nhân dân phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa; đẩy mạnh cải tạo vườn tạp; mở rộng quy mô các mô hình nuôi vịt cổ xanh ven sông, trồng na sầu riêng, dứa Queen, nuôi cá trê ta... Đồng thời, hỗ trợ nông dân xây dựng liên kết, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Cầu nối đưa KHKT đến với nông dân

30 năm gắn bó với nông nghiệp, nông dân và nông thôn, hệ thống khuyến nông của tỉnh không ngừng phát triển, đổi mới hoạt động phù hợp tình hình thực tiễn; thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT), xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả, hướng tới phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.

Mô hình trồng cây ăn quả của HTX Trường Tiến, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn.    

Ông Công Xuân Ngọc, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Hiện nay, hệ thống khuyến nông duy trì 21 cán bộ khuyến nông tỉnh, trên 100 cán bộ khuyến nông huyện và hơn 350 khuyến nông viên xã. Trong 30 năm qua, công tác nhân rộng, triển khai các mô hình nông nghiệp mới liên tục được Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện đa dạng trên mọi lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, phát huy lợi thế của từng vùng, từng vụ; hướng dẫn nông dân chuyển đổi sản xuất an toàn, hữu cơ, ứng phó với biến đổi khí hậu để phát triển nông nghiệp bền vững. Các mô hình khuyến nông còn là điểm trình diễn cho nông dân tham quan, học tập và áp dụng vào sản xuất.

Bằng nguồn hỗ trợ từ ngân sách, hệ thống khuyến nông tỉnh đã thực hiện 108 mô hình khuyến nông, với 80.408 hộ nông dân tham gia. Điển hình là mô hình liên kết sản xuất ngô, sắn bền vững trên đất dốc; thâm canh lúa cải tiến SRI; sản xuất rau theo hướng an toàn (GAP cơ bản); rau trái vụ; ghép cải tạo vườn cây ăn quả; trồng thâm canh nhãn chín muộn, ghép cải tạo nhãn chín sớm; thâm canh xoài theo tiêu chuẩn VietGAP; thâm canh cây mắc ca; hỗ trợ nuôi cá lồng bè, nuôi gà thịt an toàn sinh học bằng đệm lót lên men, nuôi lợn nái móng cái và lợn sinh sản hướng nạc, nuôi ong mật; chăn nuôi bò sinh sản… Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật triển khai các mô hình máy gặt đập liên hợp, máy làm đất đa năng; mô hình tưới ẩm cho mía; máy sấy nông sản; nhà sấy năng lượng mặt trời…

Việc tổ chức tập huấn và xây dựng các mô hình trình diễn đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, tư duy và tập quán canh tác, giúp nông dân áp dụng kỹ thuật vào sản xuất ngày một nhiều. Các mô hình trình diễn được nông dân tiếp nhận, từng bước nhân rộng, hình thành, phát triển thành các chuyên canh sản xuất tập trung, sản xuất theo nhu cầu thị trường.

Mô hình thâm canh xoài theo tiêu chuẩn VietGAP là một trong những mô hình thuộc Dự án Khuyến nông Trung ương giai đoạn 2020-2022 hỗ trợ thực hiện 16 ha tại các huyện Mai Sơn, Yên Châu. Mô hình đã kết thúc hỗ trợ, nhưng các hộ tham gia vẫn duy trì, tuân thủ nghiêm các nguyên tắc, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu, sử dụng phân bón hữu cơ, bọc trái và cắt tỉa cành tạo tán cho vườn cây.

Ông Hà Văn Khánh, bản Nà Hạ, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, chia sẻ: Sau hơn 2 năm tham gia mô hình thâm canh xoài theo tiêu chuẩn VietGAP, gia đình tôi đã thay đổi thói quen, phương thức sản xuất từ kinh nghiệm truyền thống sang sản xuất an toàn, áp dụng khoa học kỹ thuật. Nhờ đó, sản phẩm có mẫu mã đẹp, quả đều, giá bán cao hơn các loại xoài khác từ 2.000-3.000 đồng/kg. Với phương thức sản xuất an toàn đã góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng, phát triển nông nghiệp bền vững.

30 năm qua, hệ thống khuyến nông trong toàn tỉnh đã tổ chức 291 lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho trên 8.600 lượt cán bộ khuyến nông, cộng tác viên khuyến nông, tổ khuyến nông cộng đồng, thành viên HTX. Tổ chức sinh hoạt chuyên môn định kỳ cho trên 13.400 lượt cán bộ khuyến nông, khuyến nông viên cơ sở; tổ chức hơn 3.000 cuộc tham quan, hội thảo, tổng kết mô hình khuyến nông điển hình.

Khuyến nông tỉnh xây dựng mô hình trồng chuối theo hướng an toàn tại bản Lót Măn, xã Bó Mười, huyện Thuận Châu.

Công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất nông, lâm, thủy sản, khuyến công tổ chức thường xuyên. Đến nay, đã mở gần 37.700 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho trên 1,5 triệu lượt nông dân. Công tác tuyên truyền được triển khai đa dạng, bằng nhiều hình thức, như: Phát hành ấn phẩm khuyến nông, cuốn sách Nhà nông cần biết... phục vụ các hoạt động khuyến nông và sản xuất nông nghiệp địa phương. Tăng cường thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về điển hình sản xuất, kinh doanh, mô hình nông nghiệp mới, các quy trình kỹ thuật sản xuất về nông, lâm, ngư nghiệp..., góp phần cung cấp thông tin, kiến thức khuyến nông cho nông dân, từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân từ sản xuất độc canh, quảng canh sang thâm canh, chuyên canh, xen canh, gối vụ,… từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa, khuyến khích nông dân sử dụng các giống mới có năng suất chất lượng cao.

Những kết quả của ngành Nông nghiệp tỉnh Sơn La đạt được có sự góp sức không nhỏ của hệ thống khuyến nông. Những kỹ sư nông nghiệp vừa là người bạn đồng hành, vừa là cầu nối khoa học kỹ thuật giúp nông dân địa phương thêm kiến thức, niềm tin, động lực thi đua lao động sản xuất, làm giàu trên mảnh đất quê hương.

V.N (tổng hợp/baosonla.org.vn)

 

 

Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

  • Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Từ những cây trồng áp dụng quy trình VietGAP mang hiệu quả kinh tế cao, người dân Thừa Thiên - Huế đã tích cực tham gia hợp tác xã (HTX) để sản xuất theo chuỗi giá trị.

  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

Top