Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 27 tháng 12 năm 2022 | 10:20

Tây Bắc biến tiềm năng thành sản phẩm OCOP

Xác định Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) sẽ tạo “cú huých” cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, các địa phương ở Tây Bắc đã chú trọng xây dựng thương hiệu các sản phẩm đặc trưng từng vùng.

Sản phẩm OCOP góp phần tạo sức bật cho Mai Châu

Với đặc trưng về khí hậu, thổ nhưỡng, huyện Mai Châu (Hóa Bình) có nhiều sản phẩm thủ công, nông sản nổi bật như: thổ cẩm, tỏi, khoai sọ, dưa hấu… Đây là những sản phẩm thế mạnh để huyện thúc đẩy thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), nâng cao mức sống người dân.

Người dân xã Thành Sơn (Mai Châu) đầu tư trồng tỏi tía, nỗ lực đưa cây trồng này trở thành sản phẩm OCOP mang lại giá trị kinh tế cao.

Tính đến nay, huyện Mai Châu có 4 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao gồm: Du lịch homestay bản Lác, chủ thể HTX dịch vụ nông, lâm nghiệp và dịch vụ du lịch xóm Lác, xã Chiềng Châu; du lịch cộng đồng (DLCĐ) Hang Kia, chủ thể HTX dịch vụ du lịch và nông nghiệp Hang Kia, xã Hang Kia; thổ cẩm dệt tay, chủ thể HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch bản Lác Mai Châu, xã Chiềng Châu; quà tặng từ thổ cẩm, chủ thể HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch Chiềng Châu, xã Chiềng Châu. Ngoài các sản phẩm trên, huyện còn có các sản phẩm thế mạnh được gắn sao OCOP khác là rượu Láu Siêu xã Mai Hạ, quần áo thổ cẩm Chiềng Châu, thịt lợn đen Mường Pa - xã Bao La, vịt cổ xanh Mường Hịch - xã Mai Hịch, cùng nhiều sản phẩm có tiềm năng lớn để phát triển, nhân rộng như khoai sọ Sơn Thủy, tỏi tía Thành Sơn, ngô nếp Thung Khe...

Ông Hà Trung Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Châu cho biết: Những năm qua, việc đầu tư cho Chương trình OCOP là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển KT-XH của huyện nhằm tạo bước đột phá trong phát triển sản xuất, xây dựng NTM. Quá trình triển khai thực hiện chương trình, huyện luôn đồng hành cùng các HTX, hộ sản xuất để gìn giữ, phát triển thương hiệu sản phẩm. 

Theo chị Vì Thị Oanh, Phó Giám đốc HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch Chiềng Châu, vừa tạo việc làm, có thu nhập ổn định, vừa góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn nghề truyền thống, HTX đã lựa chọn hướng đi là sản xuất thủ công để tạo ra các sản phẩm đúng bản sắc của đồng bào dân tộc. Tất cả sản phẩm của HTX được tạo ra bằng sự khéo léo, đam mê của người con gái Thái, Mông. Đây cũng là cách để giúp phụ nữ dân tộc thiểu số giữ nghề, tạo nguồn thu nhập ổn định từ chính nghề truyền thống của dân tộc mình. Nhờ gìn giữ và phát huy tốt những bản sắc độc đáo của địa phương thông qua các sản phẩm truyền thống, HTX đã tự tin tham gia xây dựng sản phẩm OCOP, được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Các sản phẩm do HTX tạo ra được khách hàng ưa chuộng.

Vài năm trở lại đây, địa danh Hang Kia từng bước ghi dấu ấn đối với khách du lịch trong và ngoài nước với sự trải nghiệm văn hóa của đồng bào Mông, phong cảnh thiên nhiên kỳ thú... Anh Giàng A La, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX dịch vụ du lịch và nông nghiệp Hang Kia chia sẻ: Với mong muốn xây dựng Hang Kia trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế, các thành viên của HTX đã đầu tư tạo cảnh quan, nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú; tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị như thăm quan vườn mận, khách du lịch tự tay dệt thổ cẩm tại gia đình hội viên HTX... Năm 2020, sản phẩm DLCĐ xã Hang Kia được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 4 sao đã góp phần khẳng định uy tín, chất lượng điểm đến an toàn, thân thiện, đảm bảo các tiêu chí về dịch vụ của DLCĐ Hang Kia đối với du khách. 

Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết thêm: Huyện đang đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 với quyết tâm phát triển DLCĐ gắn với xây dựng NTM, mở thêm nhiều tuyến DLCĐ kết nối với các vùng sản xuất nông nghiệp sinh thái. Vì vậy, những sản phẩm đạt chuẩn OCOP sẽ giúp quảng bá hình ảnh du lịch các địa phương, góp phần tăng thu nhập cho người dân, hướng tới phát triển nông thôn bền vững. Từ những kết quả, thành công trong phát triển sản phẩm OCOP thời gian qua đã, đang giúp huyện Mai Châu tạo đột phá trong xây dựng NTM.

Đến nay, diện mạo nông thôn huyện Mai Châu đã có nhiều thay đổi tích cực, ngày càng khởi sắc. Cơ sở hạ tầng nông thôn, các thiết chế văn hóa được xây dựng đồng bộ. 15/15 xã có đường ô tô đến trung tâm xã; trên 83% đường trục xóm được cứng hóa và rải cấp phối; trên 69% đường ngõ xóm sạch, không lầy lội vào mùa mưa; 40% đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm. Huyện có 7/15 xã đạt chuẩn NTM. Bình quân đạt 16,33 tiêu chí/xã, không còn xã đạt dưới 12 tiêu chí. Xã Mai Hạ đạt chuẩn NTM nâng cao. 

Biến tiềm năng thành sản phẩm OCOP

Mường Khương (Lào Cai) có 3 tiểu vùng khí hậu (nhiệt đới, á nhiệt đới và ôn đới), thuận lợi để phát triển nhiều loại sản phẩm nông nghiệp đặc trưng như gạo Séng cù, quýt, lợn đen, dứa, chè Shan tuyết, tương ớt… Với hướng phát triển bền vững, phần lớn sản phẩm trên đang được xây dựng thương hiệu, gắn vùng nguyên liệu với các cơ sở chế biến.

Quýt mường Khương được chứng nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Ảnh: Báo Lào Cai

Tháng 10/2022, Công ty TNHH Một thành viên Mường Hoa (Công ty Mường Hoa), xã Cao Sơn có 2 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt 4 sao OCOP, là trà Việt Ô Long và Việt Hồng trà. Bà Hà Thị Tuyến, Giám đốc công ty cho biết: Năm 2011, công ty liên kết với các hộ nông dân trồng chè chất lượng cao theo hướng hữu cơ. Đến nay, 2 xã Cao Sơn và La Pan Tẩn đã trồng được 250 ha chè theo quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu chè chất lượng cao đã được tỉnh phê duyệt và được Công ty Mường Hoa thu mua, chế biến và bao tiêu sản phẩm.

Cùng với 2 sản phẩm của Công ty Mường Hoa, đến nay, Mường Khương đã có 8 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh, trong đó 3 sản phẩm đạt 4 sao, 7 sản phẩm đạt 3 sao. Trong 9 tháng năm 2022, Mường Khương có 4 ý tưởng sản phẩm được Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP tỉnh chấp thuận, gồm dứa (HTX Thịnh Phong); thịt nạc lợn bản sấy, thịt lợn sấy vị bò khô (HTX Sơn Hòa); lạp xường Dung Sử (hộ kinh doanh Phùng Kim Dung).

Ông Lê Ngọc Dương, Chủ tịch UBND huyện Mường Khương khẳng định: Phát triển sản phẩm OCOP đã làm tăng giá trị nông sản. Như sản phẩm gạo Séng cù Mường Khương, sau khi đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh đến nay, giá bán ổn định từ 28.000 - 30.000 đồng/kg, tăng 2 - 2,5 lần so với một số loại gạo khác. Đồng thời, thu nhập của người lao động tăng khoảng 10%, chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP tăng từ 15 - 30% so với trước khi được công nhận sản phẩm OCOP.

Thời gian tới, Mường Khương tăng cường công tác quy hoạch, cơ cấu lại vùng sản xuất hàng hóa; tích cực áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng thương hiệu nông sản, gắn sản xuất với chế biến để nâng cao giá trị nông sản.

Nâng tầm sản phẩm OCOP

Chương trình mỗi xã một sản phẩm được sự quan tâm, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền huyện Tam Đường (Lai Châu) đến các chủ thể. Nhờ đó, tạo ra những sản phẩm OCOP cho năng suất cao, chất lượng tốt, góp phần quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị hàng nông sản, thúc đẩy kinh tế địa phương ngày một phát triển.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tam Đường cho biết: Phòng tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chương trình OCOP thông qua các hội nghị, cuộc họp, trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là tuyên truyền đến các chủ thể sản xuất hiểu rõ lợi ích, tầm quan trọng, ý nghĩa và giá trị kinh tế khi tham gia chương trình.

Sản phẩm OCOP miến dong được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

Cùng với đó, huyện chú trọng đào tạo, tập huấn cho cán bộ quản lý, điều hành chương trình OCOP huyện, các xã, thị trấn; hướng dẫn phát triển ý tưởng sáng tạo sản phẩm mới cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ sản xuất. Nhằm quảng bá rộng rãi về sản phẩm OCOP, huyện đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các chủ thể sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm nhà phân phối để mở rộng thị trường. Nhờ đó, các sản phẩm OCOP của huyện được đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, lượng tiêu thụ tăng đáng kể, mức tiêu thụ tăng từ 10 - 20%.

Sau hơn 3 năm triển khai chương trình OCOP đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh các sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Năm 2022 là năm khởi sắc đối với sản phẩm OCOP, khi có thêm 6 sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Đến nay, huyện Tam Đường có 15 sản phẩm OCOP đạt 3 sao: Miến dong Bình Lư - Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Lư (xã Bình Lư); cá hồi phi lê; cá tầm cắt khúc của HTX Sản xuất nông nghiệp và Dịch vụ du lịch Ngũ Chỉ Sơn (xã Sơn Bình); mật ong hoa tự nhiên Tam Đường - HTX Ong Vàng (xã Bản Hon); trà cổ thụ Pu Ta Leng - Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển chè Tam Đường); sản phẩm chẳm chéo Lực Lệ - hộ kinh doanh Teo Văn Lực (thị trấn Tam Đường); sản phẩm quả chuối tươi xuất khẩu - HTX Nông nghiệp xanh Tam Đường (xã Bình Lư); quả chanh leo Tam Đường - Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc (thị trấn Tam Đường); bộ bàn ghế mây Bản Giang - HTX mây tre đan Bản Giang (xã Bản Giang); trà sữa Olong Hồng trà, trà sữa Olong xanh, trà sữa Matcha - Công ty Cổ phần Đầu tư chè Tam Đường (xã Bản Bo); gạo séng cù Tam Đường, gạo tẻ dẻo Tam Đường - Công ty TNHH MTV Giống Vật tư nông nghiệp Tây Bắc (xã Tả Lèng; Bình Lư; thị trấn Tam Đường); khèn Mông A Dũng - hộ kinh doanh Thào A Dũng (bản Xì Miền Khan, xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường)...

Từ nhiều năm nay, sản phẩm OCOP miến dong Bình Lư trở thành mặt hàng quen thuộc của khách hàng trong và ngoài tỉnh, vào thời điểm giáp tết lượng miến tiêu thụ ngày một tăng. Anh Nguyễn Ngọc Ánh - Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Lư cho biết: "Sản phẩm miến dong Bình Lư đạt OCOP 3 sao từ năm 2020. Hiện, HTX thu hút 12 hộ gia đình tham gia sản xuất miến dong. Từ khi đạt sản phẩm OCOP, sản phẩm được nhiều người biết đến, lượng miến tiêu thụ ngày một tăng, trung bình mỗi năm HTX xuất bán 15 tấn miến.

Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, HTX ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến miến dong, sử dụng các loại máy như: máy nhào bột, máy cắt miến… vừa tiết kiệm nhân công, vừa góp phần tăng năng suất. Nhằm mang những sản phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng, HTX thiết kế bao bì với mẫu mã đẹp, bắt mắt, sợi miến đều, không pha tạp chất, không có sạn, hương vị thơm ngon. Để giữ vững thị trường, thời gian tới, HTX tiếp tục đầu tư công nghệ, máy móc để nâng cao chất lượng, mẫu mã nhằm khẳng định thương hiệu cho sản phẩm”.

Đạt OCOP năm 2021, sản phẩm chẳm chéo Lực Lệ của hộ kinh doanh Mùng Thị Lệ tại bản Sân Bay (thị trấn Tam Đường) ngày càng được khách hàng trong nước biết đến bởi mẫu mã đẹp, hương vị đặc trưng của vùng Tây Bắc. Chẳm chéo được làm từ nhiều nguyên liệu khác nhau như: ớt, sả, hạt dổi, muối, mắc khén, lá chanh… mang hương vị đặc trưng của dân tộc Thái, Giáy. Sản phẩm chẳm chéo gồm có 3 loại: chẳm chéo thường, đặc biệt, ướt. Chẳm chéo được làm rất cầu kỳ, qua rất nhiều công đoạn khác nhau, được dùng để làm gia vị, ướp các món nướng, tạo nên những món ăn ngon, hấp dẫn.

Chị Mùng Thị Lệ (bản Sân Bay, thị trấn Tam Đường) chia sẻ: "Mỗi tháng, gia đình tôi xuất ra thị trường từ 6.000 - 8.000 hộp chẳm chéo, vào thời điểm sắp tết Nguyên đán sản phẩm OCOP chẳm chéo Lực Lệ xuất bán với số lượng lớn, trên 10.000 hộp cho các tỉnh, thành trong cả nước, được người tiêu dùng ưa chuộng bởi hương vị thơm, ngon. Từ khi đạt sản phẩm OCOP 3 sao, sản phẩm chẳm chéo của gia đình được nhiều người biết đến, thị trường tiêu thụ ngày một mở rộng, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình”.

Việc lựa chọn những sản phẩm đặc trưng, gắn với thế mạnh của địa phương đã giúp cho Tam Đường gặt hái được nhiều thành công trong thực hiện chương trình OCOP. Với cách làm bài bản, khoa học, tin rằng thời gian tới, nhiều sản phẩm của huyện sẽ đạt OCOP, góp phần nâng cao giá trị hàng nông sản, thúc đẩy kinh tế của địa phương ngày càng phát triển.

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top