Gần 20 năm nay, vùng bãi sông Hồng và sông Đuống được nông dân huyện Đông Anh (Hà Nội) “thay áo” bằng việc chuyển từ canh tác rau màu sang trồng quất cảnh và cây ăn quả.
Mỗi khi vào vụ thu hoạch, người dân khắp nơi đổ về chụp ảnh, tham quan, nông dân lại có thêm nguồn thu từ dịch vụ du lịch. Nhờ vậy mà nhà vườn có “của ăn, của để”, diện mạo nông thôn thay đổi từng ngày.
Khai thác lợi thế từ vùng đất bãi, huyện Đông Anh đã quy hoạch thành vùng trồng cây ăn quả, cây cảnh, hoa, rau màu, ngoài việc mang lại hiệu quả kinh tế cao, vùng đất bãi này còn có cảnh quan xanh, đẹp, đón đầu cho xu hướng phát triển thành đô thị trong tương lai.
Chuyển đổi cây trồng
Đông Anh là huyện ngoại thành Hà Nội, giáp ranh với sông Hồng và sông Đuống, phù sa của hai con sông đã bồi đắp tạo nên những mảnh đất màu mỡ, phì nhiêu. Những thôn làng trù phú mọc lên, cư dân ngày càng đông đúc. Từ chủ yếu sản xuất nông nghiệp và làm nghề trồng dâu, nuôi tắm, ươm tơ, dệt lụa, nay bà con chuyển đổi cây trồng, từ rau màu sang trồng cây cảnh, cây ăn quả…
Vùng đất bãi của xã Tàm Xá trước đây chủ yếu trồng dâu, rau màu, ngô, khoai…, thu nhập chẳng đáng là bao nên cuộc sống của bà con nơi đây gặp nhiều khó khăn.
Chăm sóc quất cảnh ở Tàm Xá (Đông Anh)
Cách đây gần 20 năm, nhận thấy thổ nhưỡng vùng đất bãi tương tự như làng quất cảnh Tứ Liên (quận Tây Hồ) nổi tiếng của Hà Nội, người dân Tàm Xá đã học tập kinh nghiệm và bắt đầu chuyển đổi sang trồng quất cảnh.
Đến nay, Tàm Xá đã trở thành vùng trồng quất cảnh nổi tiếng của Thủ đô, được công nhận là Làng nghề (năm 2020).
Chị Nguyễn Thị Toan (nhà vườn ở Tàm Xá) cho biết, năm 2006, chúng tôi mạnh dạn chuyển đổi từ canh tác rau màu sang trồng quất cảnh, cuộc sống của bà con trong xã thay đổi rất nhiều. “Với diện tích khoảng 3 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2), gia đình trồng khoảng 300 gốc quất cảnh. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình có thu 300 - 400 triệu đồng”, chị Toan nói.
Ban đầu do nhà vườn chưa có kinh nghiệm, cây quất trồng ở đây chưa được to, chưa sai quả, dáng thế chưa đẹp, chưa thu hút được khách hàng. Sau này, nhờ học hỏi và rút kinh nghiệm từ việc trồng và chăm sóc, quất ở Tám Xá giờ không kém quất trồng ở Tứ Liên. Năm nay, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (YAGI), vườn bị ngập nước nên cây chết rất nhiều, bà con bị thiệt hại khá lớn.
Ông Nguyễn Viết Ánh (xã Tàm Xá) chia sẻ, gia đình chuyển sang trồng quất từ năm 2007, với diện tích 7.200m2. Trung bình mỗi năm vườn quất của gia đình cung cấp ra thị trường hơn 200 cây, với giá bán bình quân 2 triệu đồng/cây. Dịp Tết năm 2023, gia đình thu được khoảng 400 triệu đồng.
Theo Chủ tịch UBND xã Tàm Xá Lê Huy Du, cả xã có 85ha trồng quất cảnh, chiếm 1/3 diện tích nông nghiệp. Quất Tàm Xá giờ đã có thương hiệu, được người dân Thủ đô và một số tỉnh, thành phố lân cận ưa chuộng.
Trồng cây ăn quả gắn với phát triển du lịch
Xã Mai Lâm có diện tích đất bãi được phù sa sông Đuống bồi đắp, trước đây bà con chủ yếu trồng rau màu. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, người dân mạnh dạn chuyển sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị cao như bưởi Diễn, cam Canh, ổi Đài Loan, táo... Do thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp nên các loại cây ăn quả được trồng ở đây đều phát triển tốt, cho năng suất và chất lượng cao.
Đến vụ thu hoạch, cả vùng đất bãi trồng bưởi chín vàng, quả treo lủng lẳng, thu hút nhiều du khách đến mua trái và tham quan.
Ông Bùi Xuân Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX dịch vụ nông nghiệp xã Mai Lâm, cho biết, HTXcó gần 2ha trồng bưởi Diễn, cam Canh… Dịp cuối năm, người dân khắp nơi đổ về đây để mua hàng, chụp ảnh, tham quan. Mô hình này không chỉ giúp nhà vườn bán sản phẩm trực tiếp cho người tiêu dùng, mà còn quảng bá rộng rãi sản phẩm cây ăn quả của địa phương.
Bên cạnh đó, HTX thường xuyên tổ chức cho xã viên tham quan, học hỏi những mô hình nông nghiệp hiệu quả tại các địa phương. Đến nay, vườn bưởi của xã cho sản lượng cao, mẫu mã đẹp. Không những vậy, chính quyền xã còn đầu tư xây dựng vườn bưởi thành địa điểm tham quan, du lịch trải nghiệm và bán sản phẩm tại vườn. Ông Lâm cho biết, vườn bưởi có diện tích 1,5ha, cho thu 50 - 75 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động địa phương.
Khoác “áo mới” cho vùng đất bãi
Chủ tịch UBND huyện Đông Anh - Nguyễn Anh Dũng cho biết, phát huy lợi thế vùng bãi, huyện đã hình thành nhiều mô hình trồng cây ăn quả gắn với du lịch sinh thái. Đặc biệt, trên địa bàn huyện đã hình thành vùng trồng hoa, cây cảnh với diện tích 150ha, chủ yếu là hoa đào, quất cảnh, hoa hồng, hoa ly, chậu hoa cảnh các loại và vùng cây ăn quả được Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất quả an toàn với diện tích khoảng 50ha. Ngoài ra, huyện còn hơn 40 mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, cho hiệu quả kinh tế cao. Điều đáng nói, các mô hình đã đạt tiêu chí xanh, sạch, tạo không gian xanh, điều hòa cho vùng ven của Thủ đô.
Đông Anh đã quy hoạch vùng đất bãi trở thành vùng trồng cây ăn quả, rau màu.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương thông tin, để giúp vùng trồng bưởi Mai Lâm nói riêng và các địa phương khác nói chung, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan mở lớp tập huấn về cải tạo vườn tạp, chiết, ghép cây, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP... Cùng với đó, Sở hỗ trợ các địa phương thành lập tổ hợp tác, HTX nông nghiệp để liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Hiện tại, nhiều địa phương đã phát triển trồng cây ăn quả kết hợp với du lịch sinh thái trải nghiệm, cho hiệu quả kinh tế cao, đồng thời mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp Thủ đô.
Với cách làm sáng tạo, bài bản, Đông Anh đã thành công trong việc khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng đất bãi ven sông, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, tạo diện mạo mới cho nông nghiệp, nông thôn Thủ đô, đón đầu xu hướng đô thị khi Đông Anh trở thành quận.
Tuy nhiên, để vùng đất bãi ngày càng phát triển bền vững, các chuyên gia cho rằng, huyện Đông Anh cần tiếp tục tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản; phát triển du lịch sinh thái bền vững và đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ, VietGAP, bảo vệ đất đai, nguồn nước, góp phần xây dựng nông thôn mới hiện đại, sinh thái.
Chiều ngày 9/12, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp tổ chức họp báo thông tin về các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024) tại tỉnh Quảng Nam.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.