Nhờ đẩy mạnh công tác truyền thông nên ý thức người dân về an toàn thực phẩm đã thay đổi. Người tiêu dùng thận trọng trong việc lựa chọn thực phẩm để đảm bảo vệ sinh, rõ nguồn gốc, tránh mua những thực phẩm kém chất lượng gây những ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ.
Những món ăn dễ gây ngộ độc
Mặc dù vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đã được báo chí phản ánh khá nhiều, từ nhiều năm nay, thậm chí trên cả diễn đàn Quốc hội nhưng chưa bao giờ hết nóng. Đặc biệt gần đây, vấn đề này càng trở nên nóng hơn khi hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra.
Ngay sau sự việc 6 bệnh nhân ngộ độc Botulinum trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, trong đó đã có 1 người tử vong, thì mới đây 48 người ở Quảng Trị cũng bị ngộ độc thực phẩm sau khi dùng bữa tại một tiệc cưới. Hầu hết các bệnh nhân này đều có các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy; trong đó có một số người còn bị đau đầu, sốt nhẹ.
Kiểm nghiệm mẫu thực phẩm gây ngộ độc, cơ quan chức năng phát hiện trong các mẫu thức ăn và đá viên hiện diện nhiều loài vi khuẩn có khả năng gây ngộ độc thực phẩm với số lượng lớn. Trong đó, phát hiện chủng Bacillus cereus sinh độc tố trong mẫu bê thui, bò, rau sống và độc tố Staphylococcal enterotoxin trong mẫu cua để làm tiết canh cua, mẫu rau sống.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong tháng 5/2023, cả nước xảy ra 9 vụ ngộ độc thực phẩm với 269 người bị ngộ độc, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, cả nước xảy ra 34 vụ ngộ độc thực phẩm với 613 người bị ngộ độc, trong đó có 9 người tử vong. Vào mùa du lịch, thời tiết nắng nóng khiến thực phẩm dễ ôi thiu. Thêm vào đó, thói quen sử dụng, chế biến, bảo quản thực phẩm không đúng cách cũng là nguyên nhân gây nguy cơ gia tăng các vụ ngộ độc.
Lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra về an toàn thực phẩm
Theo bác sĩ Đào Trần Tiến, Phó Trưởng khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội), để sẵn sàng phục vụ lượng khách gia tăng, các hàng quán đã phải tích trữ nhiều thực phẩm. Nếu quy trình bảo quản, chế biến thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, an toàn dễ khiến du khách bị ngộ độc. Nguyên nhân gây ngộ độc thường do vi sinh vật có trong thức ăn; thức ăn bị biến chất; thực phẩm có hàm lượng chất bảo quản, chất phụ gia... vượt quá mức cho phép hoặc độc tố tự nhiên có trong thực phẩm.
Đưa ra dẫn chứng về những thực phẩm dễ gây ngộ độc, bác sĩ Đào Trần Tiến cho biết, hải sản có hàm lượng protein, đạm và khoáng chất cao nên nếu ăn nhiều, hệ tiêu hóa khó hấp thu và chuyển hóa hết, gây rối loạn tiêu hóa. Đặc biệt, một số loại hải sản chứa chất độc gây nguy hại đến sức khỏe như tetrodotoxin có trong cá nóc, mực đốm xanh, bạch tuộc xanh, một số loài ốc biển (như ốc tù và, ốc hương Nhật Bản, ốc tù và gai miệng đỏ, ốc bùn, ốc ngọc...).
Qua đó, độc tố vi tảo saxitoxin thường có trong các loài ốc biển (mặt trăng, ốc đụn, ốc trám...), sinh vật hai mảnh vỏ, một số loài cua. Động vật có vỏ như hàu, sò, ngao, trai, hến, vẹm xanh... nếu được nuôi trong môi trường nước bị ô nhiễm, quá trình sơ chế không bảo đảm vệ sinh có thể nhiễm khuẩn noro gây nôn mửa, tiêu chảy. Ngoài ra, các món salad như xà lách trộn, gỏi trộn, thịt chín tái; thịt, cá muối chua; nem chua; sushi; sashimi... cũng có nguy cơ cao bị nhiễm khuẩn, ký sinh trùng gây ngộ độc.
“Một số người có thói quen mang theo thực phẩm đóng hộp khi đi du lịch. Tuy vậy, với thực phẩm giàu protein đóng trong hộp kín là môi trường cho loại vi khuẩn kỵ khí clostridium botulinum phát triển và tiết ra độc tố botulinum. Khi vào cơ thể, độc tố này gắn chặt vào các dây thần kinh, gây liệt toàn bộ các cơ, dễ dẫn đến suy hô hấp, thậm chí tử vong. Do đó, khi sử dụng thực phẩm đóng hộp cần loại bỏ đồ hộp quá hạn sử dụng, vỏ hộp bị phồng hoặc bị lõm sâu, biến dạng, thay đổi màu sắc, mùi vị”, bác sĩ Đào Trần Tiến lưu ý thêm.
Cách phòng tránh ngộ độc khi đi du lịch
Hà Nội là địa phương có nhiều địa danh, di tích lịch sử thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch. Chính vì vậy, công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm luôn được đặt lên hàng đầu. Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, đơn vị đã yêu cầu các khách sạn, nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố phải nghiêm túc thực hiện đầy đủ quy trình chế biến, bảo quản thực phẩm; nhất là phải lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ…
“Cơ quan chức năng của thành phố sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm, đồng thời yêu cầu khắc phục ngay những tồn tại, sai sót nhỏ nhất như không sử dụng găng tay khi bốc thức ăn chín, vệ sinh khay bát không sạch, đeo trang sức khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm… Bởi chỉ cần một sai sót nhỏ đều gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng”, ông Đặng Thanh Phong nhấn mạnh.
Bác sĩ Đào Trần Tiến, Phó Trưởng khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội).
Để phòng tránh ngộ độc khi ăn các loại hải sản trong chuyến du lịch, theo bác sĩ Đào Trần Tiến, các loại hải sản cần được lựa chọn tươi, sống trước khi chế biến, sơ chế bảo đảm vệ sinh và nấu chín kỹ trước khi ăn. Mọi người không nên sử dụng hải sản đã ôi thiu, bảo quản lâu ngày do có nguy cơ nhiễm khuẩn cao. Ngoài ra, mọi người không nên chọn mua đồ ăn bán dạo ngoài bãi biển, đường phố, khu vui chơi; thực phẩm chế biến sẵn được bày bán tại nơi không bảo đảm vệ sinh, không được che chắn bụi hay ruồi, muỗi cẩn thận…
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Phẫu thuật tiêu hóa (Bệnh viện trung ương Quân đội 108).
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Phẫu thuật tiêu hóa (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cũng lưu ý, trước khi đến một vùng đất mới, mọi người nên tìm hiểu về thực phẩm địa phương và các món ăn đặc trưng của địa phương, đặc biệt là những thực phẩm có thể gây kích ứng cho dạ dày. Nên lựa chọn những nhà hàng, quán ăn có uy tín và được đánh giá cao. Trước khi ăn cần rửa tay thường xuyên hoặc sử dụng nước rửa tay sát khuẩn. Nên ăn thực phẩm được nấu chín hoàn toàn và ăn nóng. Đặc biệt, không ăn quá nhiều thực phẩm mới lạ trong một lần. Ngoài ra, nên uống nước đóng chai hoặc nước sôi, sạch; tránh uống nước đá và nước từ vòi hoặc máy lọc nước không bảo đảm vệ sinh.
“Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ngộ độc sẽ gây ra các triệu chứng khác nhau. Sau khi ăn thực phẩm ô nhiễm, không bảo đảm an toàn, thông thường, người bệnh sẽ đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn hoặc nôn, sốt nhẹ, đau đầu, chán ăn sau khoảng 30 phút đến 8 ngày. Nếu bị tiêu chảy kéo dài hơn 3 ngày, sốt cao hơn 39 độ C, giảm thị lực, có dấu hiệu mất nước nghiêm trọng như khô da, tiểu ít hoặc vô niệu, người bệnh nên đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời”, bác sĩ Đào Trần Tiến khuyến cáo.
TP. Hồ Chí Minh công khai những cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm
Những năm qua, các bộ, ngành chức năng đã liên tục tổ chức các đoàn kiểm tra về thực hiện an toàn thực phẩm. Mới đây, Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương số 5 gồm Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), Thanh tra Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an), Viện Y tế công cộng Thành phố Hồ Chí Minh đã làm việc tại nhiều địa phương như Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu… về việc triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2023.
Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra yêu cầu Ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh tiếp tục tăng cường kiểm tra, hậu kiểm và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm quy định an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; xử lý nghiêm vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm trên địa bàn; công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm; thông tin về cơ sở chấp hành tốt quy định về an toàn thực phẩm, cơ sở bán thực phẩm an toàn để người dân biết lựa chọn thực phẩm an toàn.
Cùng với việc kiểm tra thì tại các thành phố lớn cũng đang ngày càng siết chặt hơn vấn đề an toàn thực phẩm. Điển hình như tại TP. Hồ Chí Minh, để tăng cường công tác kiểm soát an toàn thực phẩm, Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Chính phủ đề nghị góp ý dự thảo đề án thành lập Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh.
Thành phố Hồ Chí Minh phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023.
Theo đề án, Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh sẽ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, lưu thông, phân phối, kinh doanh đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm.
Nêu ý kiến khi thảo luận tổ ở Quốc hội về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh mới đây, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm rất bức xúc ở các đô thị lớn, do vậy đề xuất lập Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh có đủ cơ sở pháp lý để thí điểm, sau đó đánh giá, nghiên cứu nhân rộng ra các đô thị lớn.
Các chuyên gia cũng chỉ ra, an toàn thực phẩm phải được quản lý chặt chẽ ở nơi sản xuất. Còn quản lý an toàn thực phẩm ở nơi tiêu thụ sẽ giống như một cuộc đuổi bắt gian nan và mệt mỏi. Muốn nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm thì cách tốt nhất vẫn là giám sát thường xuyên và xử phạt cương quyết đối với các trường hợp vi phạm, để từng bước nâng cao ý thức sản xuất và tiêu thụ thực phẩm của tất cả mọi người.
Ai phải chịu trách nhiệm về sự buông lỏng quản lý?
Thực tế là Việt Nam đã có Luật An toàn thực phẩm (Luật số: 55/2010/QH12), trong đó quy định rất chi tiết về các điều khoản pháp lý có liên quan, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực này. Chúng ta cũng đã có cả một bộ máy kiểm soát về ATTP. Nhưng có một thực tế rất rõ ràng là thực phẩm bẩn vẫn len lỏi, đầu độc sức khỏe người dân.
Vẫn biết thương nhân, tổ chức, hộ cá nhân sản xuất, cung cấp thực phẩm thiếu lương tâm, không có trách nhiệm cộng đồng, sẵn sàng vì lợi ích kinh tế mà bất chấp tính mạng người tiêu dùng là đối tượng phải chịu trách nhiệm đầu tiên khi hệ quả xẩy ra, bị pháp luật trừng trị. Nhưng, đợi đến khi “ý thức bẩn” đó bị lôi ra ánh sáng, bị pháp luật xử lý thì câu chuyện đã quá muộn, hậu quả đã xẩy ra, người tiêu dùng đã bị trả giá về sức khỏe.
Vấn đề ở đây là đã đến lúc phải trả lời cho câu hỏi: Ai phải chịu trách nhiệm về sự buông lỏng quản lý này?
Về vấn đề này, luật sư Bùi Quang Thu, Đoàn Luật sư Hà Nội nêu quan điểm: Chúng ta đã có luật, có chế tài xử lý, có bộ máy kiểm soát chặt chẽ mà thực phẩm bẩn vẫn len lỏi, đầu độc sức khỏe người dân thì rõ ràng bộ máy ấy “có vấn đề”.
Cơ quan chịu trách nhiệm cấp bộ về ATTP là Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và chính quyền UBND các cấp. “Đã đến lúc cần phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan chịu trách nhiệm ATTP một cách nghiêm minh nhất, minh bạch nhất, kỷ luật, cách chức, điều chuyển vị trí công tác nếu để địa bàn quản lý xuất hiện thực phẩm bẩn, không đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng”, luật sư Thu nêu quan điểm.
Theo luật sư Bùi Quang Thu thì cũng cần phải thanh tra, giám sát chặt chẽ cơ quan quản lý Nhà nước về ATTP, về việc cấp Giấy phép chứng nhận ATTP. “Việc cấp giấy phép này có thể đúng về quy trình. Nhưng có lợi ích nhóm trong việc cấp giấy phép này không thì cần phải được thanh kiểm tra thường xuyên để làm rõ.
Luật sư Bùi Quang Thu, Đoàn Luật sư Hà Nội.
Thực tế Giấy phép chứng nhận ATTP trong tay gian thương nó không khác gì bùa hộ mệnh để họ kinh doanh trái lương tâm thu về lợi ích kinh tế tối đa, xem thường tính mạng cộng đồng. Xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan cấp phép, tùy mức độ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Tinh thần bảo vệ, sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng là thượng tôn”, luật sư Bùi Quang Thu nêu quan điểm.
Các chuyên gia pháp lý khác khi được hỏi cũng nêu quan điểm: Lâu nay, gần như việc xử lý vi phạm ATTP chỉ có cơ sở vi phạm bị xử phạt là chính, còn các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý liên quan trên địa bàn gần như rất ít khi bị xử lý hoặc là sờ tới; mặc dù cho quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan quản lý địa phương đã rất rõ trong Luật ATTP hiện hành.
Cần sự chung tay của người tiêu dùng
Nhằm đảm bảo tính hiệu quả cao nhất trong đảm bảo ATTP, phòng chống ngộ độc trong cộng đồng, Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP các địa phương cần tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương cũng như đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Theo đó, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm và Nhân dân về các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực ATTP thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính trong quản lý ATTP, vận động Nhân dân tích cực tham gia đăng ký, cam kết sản xuất, kinh doanh và sử dụng thực phẩm an toàn.
Tiếp tục thực hiện thanh tra, kiểm tra chất lượng ATTP các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Tăng cường thực hiện việc tiếp nhận, xử lý thông tin qua đường dây nóng, chỉ đạo lực lượng tăng cường nắm chặt tình hình; chủ động phối hợp thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm hành chính những trường hợp vi phạm pháp luật về ATTP, bảo vệ lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Tăng cường công tác phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc phân tích, kiểm nghiệm về ATTP. Tăng cường lấy mẫu giám sát ATTP theo kế hoạch, tập trung vào các mẫu có khả năng kém chất lượng, nguy cơ mất ATTP cao và xử lý theo đúng quy định. Định kỳ, đột xuất thu mẫu thực phẩm lưu thông trên địa bàn tỉnh để thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng; thông tin kết quả đến các cơ quan quản lý có liên quan và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm để có những biện pháp quản lý tốt hơn.
Thời gian tới, địa phương sẽ tập trung nhiều giải pháp trong đảm bảo an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng kiểm tra và hậu kiểm tra.
Theo ông Nguyễn Minh Sơn, Chánh Thanh tra Sở Y tế Cà Mau, để giải quyết vấn đề ATTP hiện nay, cần sự đồng bộ 3 giải pháp: cơ chế, chính sách; kinh tế, xã hội; khoa học công nghệ; cũng như hành động từ phía Nhà nước, người sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng. Trong đó, về phía quản lý Nhà nước, cần đề ra những chính sách nhằm ngăn chặn các sản phẩm, thực phẩm nguy hại từ bên ngoài vào nước ta gây những ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ người dân. Các cơ quan thẩm quyền liên quan cần phải tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động của tất cả cơ sở sản xuất, kinh doanh (chăn nuôi, giết mổ động vật; trồng trọt; cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm…), xử phạt nghiêm khắc đối với các đối tượng vi phạm ATTP. Thậm chí, nếu người sản xuất để xảy ra hậu quả nghiêm trọng do không tuân thủ các quy định về ATTP, cần đưa ra truy cứu trách nhiệm hình sự trước pháp luật.
Về phía nhà sản xuất, kinh doanh, các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, cần phải có những biện pháp để hỗ trợ sản xuất sạch phát triển; bảo đảm ATTP theo đúng các tiêu chuẩn được cơ quan chức năng đánh giá, chứng nhận. Nâng cao đạo đức nghề nghiệp trong kinh doanh; tránh vì lợi ích riêng hay mục đích lợi nhuận mà gây ảnh hưởng xấu đến phía người tiêu dùng cũng như gây ảnh hưởng đến toàn xã hội.
"Để bảo đảm an toàn cho bản thân và gia đình, người tiêu dùng các sản phẩm thực phẩm nên là người tiêu dùng thông thái, kiên quyết chỉ lựa chọn những nhà cung cấp tin cậy, uy tín, có chứng nhận của cơ quan chức năng. Người tiêu dùng cần nâng cao hiểu biết về chất lượng hàng hoá, đặc biệt chất lượng các loại thực phẩm. Người dân cần thận trọng nhiều hơn trong việc lựa chọn thực phẩm để đảm bảo vệ sinh, rõ nguồn gốc, tránh mua những thực phẩm kém chất lượng gây những ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ. Người tiêu dùng có trách nhiệm báo cáo, phản ánh những hành vi vi phạm ATTP đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để kịp thời giải quyết; cần phát huy tính chủ động, sớm phát hiện, cảnh báo, tố cáo những cá nhân hoặc cơ sở kinh doanh vi phạm các quy định về ATTP; tránh tâm lý ngại ngần, cho qua", ông Sơn khuyến cáo./.