Ngày 16/11, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã tham dự và phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2023 do Bộ TN&MT tổ chức. Diễn đàn có chủ đề “Xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Kinh tế tuần hoàn”.
Phát biểu mở đầu diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết: Kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế hướng tới sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, tái chế chất thải, vừa góp phần bảo vệ môi trường vừa đem lại hiệu quả kinh tế. Đây được coi là một “giải pháp xanh” cho nền kinh tế bền vững, là một trong những nhiệm vụ quan trọng của thế giới.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân
Phát triển kinh tế tuần hoàn không chỉ là tái sử dụng chất thải, coi chất thải là tài nguyên mà còn là sự kết nối giữa các hoạt động kinh tế một cách có tính toán từ trước, tạo thành các vòng tuần hoàn trong nền kinh tế. Kinh tế tuần hoàn có thể giữ cho dòng vật chất được sử dụng lâu nhất có thể, khôi phục và tái tạo các sản phẩm, vật liệu ở cuối mỗi vòng sản xuất hay tiêu dùng. Phát triển kinh tế tuần hoàn là giải pháp trọng tâm để đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm sản xuất và tiêu dùng bền vững, góp phần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế với môi trường. Tại Việt Nam, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Phát triển kinh tế xanh, ít chất thải, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, các-bon thấp; khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”.
Theo đó, 5 quan điểm chính, mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể từ nay đến 2025, đến 2030 cho thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam để thúc đẩy tiến trình chuyển dịch mô hình kinh tế theo hướng bền vững, đưa chất thải thành tài nguyên, trung hòa các bon và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, kinh tế tuần hoàn chỉ có thể thành hiện thực khi có sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong việc chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và đề xuất khuyến nghị cho Việt Nam rất quan trọng. Thứ trưởng cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cùng tham gia tích cực, đóng góp trách nhiệm để hiện thực hóa các sáng kiến KTTH, kinh tế xanh, kinh tế các bon thấp, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến 2030.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh tham quan các gian triển lãm kinh tế tuần hoàn
Tại Diễn đàn, đại diện cơ quan quản lý, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã cùng thảo luận về Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn. Các ý kiến đều đồng thuận với dự thảo và đóng góp các quan điểm, ý kiến vào lộ trình triển khai trong thời gian tới. Trong đó, chú trọng cách tiếp cận phù hợp và cơ chế tài chính để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại các ngành, lĩnh vực từ cấp trung ương đến địa phương nhằm đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về biến đổi khí hậu, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, giảm ô nhiễm môi trường.
Ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tại Diễn đàn KTTH Việt Nam 2023, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh chia sẻ, đây cơ sở quan trọng để Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hoàn thiện Kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện KTTH. Để chuẩn bị tốt cho việc thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ ban hành, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, Bộ trưởng đề nghị các Bộ, ngành Trung ương, chính quyền địa phương lồng ghép KTTH trong quá trình xây dựng các chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án phát triển; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện KTTH phù hợp với Kế hoạch quốc gia và đặc điểm của ngành, lĩnh vực và địa phương. Trong quá trình thực hiện, thường xuyên cập nhật, chia sẻ thông tin với Bộ TN&MT để kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chia sẻ, con đường phát triển kinh tế tuần hoàn đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đó là dấu mốc quan trọng, thể hiện sự lựa chọn của Việt Nam trong bối cảnh các mô hình phát triển dựa vào khai thác tài nguyên trước đây gây ra những ảnh hưởng sâu sắc như tình trạng nóng lên toàn cầu hay đại dịch covid-19. Nếu cùng tiếp cận dưới góc độ KTTH, các nước dù phát triển hay đang phát triển sẽ có sự gắn kết chặt chẽ để cùng đi trên lộ trình tiến tới nền kinh tế tri thức, tăng trưởng bền vững và mục tiêu cuối cùng là không để ai bị bỏ lại phía sau.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn 2023
Kế hoạch hành động thực hiện KTTH là cơ sở để kết nối Chính phủ, doanh nghiệp, nhà khoa học, người dân, cộng đồng quốc tế; biến những điều phức tạp thành đơn giản và mỗi người đều nhận thức đúng, có sự cộng hưởng để đạt được mục tiêu cao nhất.
Để làm được điều này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, việc phát triển kinh tế tuần hoàn không thể bàn mãi về lý thuyết, nếu không có mục tiêu rõ ràng thì không thể thực hiện. Mục tiêu kinh tế tuần hoàn cần được nhìn trong toàn bộ chuỗi từ tài nguyên đến thiết kế, sản xuất, tiêu dùng. Phải phát triển và giữ được tài nguyên mãi trường tồn, ở đây là tài nguyên tái tạo, tài nguyên trí thức. Đòi hỏi chúng ta phải chuyển lý luận thành chính sách và khuôn khổ pháp lý, đặt ra mục tiêu cụ thể cho mỗi bên liên quan.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.