Quá trình tình giản bộ máy hành chính lần này là cuộc “Đổi mới lần 2”, là vận hội mới của đất nước. Tuy nhiên, chúng ta sẽ gặp không ít khó khăn bởi liên quan trực tiếp đến vấn đề con người, đòi hỏi phải quyết tâm lớn, nỗ lực cao đưa đất nước vào kỷ nguyên mới.
TS. Thang Văn Phúc: Tổng Bí thư Tô Lâm đã khởi động và tác động đến toàn bộ hệ thống quản trị của đất nước để tạo ra một hệ thống quản trị tốt hơn - Ảnh: VGP/LS
Báo Điện tử Chính phủ có cuộc trao đổi thẳng thắn với TS. Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức nhà nước xung quanh vấn đề này.
- Thưa ông, ông đánh giá thế nào về chủ trương tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và thông điệp về tinh gọn bộ máy mà Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra?
TS. Thang Văn Phúc: Có lẽ một điểm nhấn rất thời sự và đang "nóng" được toàn xã hội đặc biệt quan tâm là thái độ dứt khoát của Đảng và Nhà nước ta đối với tiến trình đẩy mạnh cải cách hành chính, mà trong đó chính là nhận diện rõ những "điểm nghẽn thể chế" của hệ thống chính trị để chúng ta tiến hành cuộc cách mạng về công tác nhân sự, tinh gọn bộ máy, bảo đảm cho bộ máy hoạt động linh hoạt, tiết kiệm, hiệu quả.
Tôi cho rằng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã "bắt mạch" đúng khi nhấn mạnh việc cải cách bộ máy nhà nước và cải cách nền hành chính là trọng tâm, đồng thời với cải cách, đổi mới hệ thống chính trị.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng có Cương lĩnh 1991, sau đó có Hiến pháp 1992, đó là những cột mốc cực kỳ quan trọng trong nhận thức của chúng ta và chúng tôi cũng thấy rằng đây giống như là một cuộc cách mạng trong cải cách bộ máy nhà nước và đổi mới hệ thống chính trị của Việt Nam. Cộng đồng quốc tế cũng nhìn thấy quyết tâm của Việt Nam trong việc thay đổi và chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Bạn bè quốc tế cũng rất ủng hộ và nhận thấy rằng Việt Nam đang đi đúng hướng và ủng hộ chúng ta. Chính điều này đã tạo ra sự thay đổi mà có ý kiến cho rằng là sự thay đổi ngoạn mục của hàng chục năm tiếp theo vì tốc độ phát triển của Việt Nam.
Chúng ta có thể chưa hài lòng với tốc độ và những vấn đề còn chậm nhưng nhìn lại một cơ ngơi, cơ đồ mà chúng ta xây dựng lên sau chiến tranh, sau khủng hoảng và sau khi các thế lực tìm cách để ngăn cản, chống phá thì đây là một điểm được đánh giá rất cao đối với những thành tựu, thành công và những quyết đáp của Đảng và Nhà nước ta trong lộ trình 40 năm sau Đổi mới.
Gần nhất là Nghị quyết Hội nghị lần thứ 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã đề cập đến một vấn đề rất quan trọng, đó là tinh giản các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc cùng các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương. Có thể nói đây là cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy và chúng tôi cho đây là cuộc "Đổi mới lần 2" của Đảng ta khi "động chạm" đến hệ thống chính trị.
Công cuộc Đổi mới lần thứ 1 là khi chúng ta đổi mới để chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Và bây giờ chúng ta đổi mới tinh gọn hệ thống chính trị. Như vậy, nếu chúng ta làm tốt được điều này thì sẽ bước trên hai chân rất vững vàng, phù hợp với quy luật vận động của tư tưởng, vận hành của một thể chế nhà nước trong thời điểm hiện nay.
Tôi cho rằng, chủ trương này nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong các tầng lớp Nhân dân. Từ cán bộ lão thành, các nhà nghiên cứu và những người tâm huyết với công cuộc này, nhất là tâm huyết của nhiều người mong sự thay đổi có tính cách mạng lần này.
Điều quan trọng là, mọi người đang dõi theo giữa tuyên bố và thực hiện là thế nào? Tôi theo dõi tôi nhận thấy sự thành công, bởi vì chúng ta có một quyết tâm chính trị rất cao, là một phúc đáp cực kỳ quan trọng cho một chủ trương rất lớn của Đảng và Nhà nước mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát động.
Tôi thực sự rất vui vì cả cuộc đời làm cải cách của mình, bây giờ mới thực sự có sự hy vọng về một cuộc cải cách mạnh mẽ, sẽ đẩy mạnh tốc độ phát triển của đất nước.
Chúng ta cũng đang có một thời cơ cực kỳ có ý nghĩa khi các quan hệ quốc tế rộng mở khi chúng ta đang ở vị thế mới. Lòng tin của thế giới, lòng tin của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam là hiện hữu. Như vậy, chúng ta có cơ hội và thời cơ để tiếp nhận các nguồn lực quốc tế, sự ủng hộ của quốc tế cho các tiến trình của mình. Chúng tôi cũng có đặt lòng tin bộ máy, thể chế này sẽ tiếp nhận được, thu hút được, phát huy được, tận dụng được một thời cơ đang rộng mở.
Lần này, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khởi động và tác động đến toàn bộ hệ thống quản trị của đất nước để tạo ra một hệ thống quản trị tốt hơn. Nhất là trong điều kiện hiện nay với cuộc cách mạng công nghệ 4.0, sự phát triển của AI, chuyển đổi số… thì đây cũng là một phương thức để chúng ta ứng phó, thích ứng với sự thay đổi đó. Một bên là do sự thôi thúc bên trong của chúng ta, một bên là sự thôi thúc của điều kiện mới, hoàn cảnh mới.
Các quốc gia khác cũng đang điều chỉnh. Dân tộc chúng ta đã đứng vững hàng nghìn năm nay trước mọi khó khăn, thách thức và trước mọi kẻ thù hùng mạnh hơn nhiều. Dù có khó khăn, thách thức thế nào nhưng sức mạnh tiềm ẩn của dân tộc Việt sẽ được khơi dậy, tạo nên một khối đoàn kết cộng đồng để phát huy sức mạnh đó trong một đòi hỏi và thách thức mới.
Tôi hy vọng rằng, sự thay đổi lần này sẽ tạo nên vận hội mới để đất nước phát triển với tốc độ nhanh hơn, hiệu quả hơn, bền vững hơn.
Đây là một tín hiệu đáng mừng, một vận hội cho đất nước, cho Đảng vì đã nhận định đúng những gì đang kìm hãm sự phát triển, tăng tốc của Việt Nam - Ảnh: VGP/ Anh Thơ
- Thưa ông, chúng ta nhận thấy rõ thông điệp của Tổng Bí thư, cũng nhận thấy quyết tâm của Trung ương và của Tổng Bí thư trong việc "nói là làm" với những thời hạn rất cụ thể trong tinh giản bộ máy. Ông đánh giá thế nào đối với tiến trình tinh giản bộ máy lần này?
TS. Thang Văn Phúc: Thực sự, chúng tôi là người trong cuộc mà cũng thấy bất ngờ. Đây là một tín hiệu đáng mừng, một vận hội cho đất nước, cho Đảng vì đã nhận định đúng những gì đang kìm hãm sự phát triển, tăng tốc của Việt Nam. Điểm nghẽn này cần phải được điều chỉnh một cách mau lẹ và kịp thời, chứ không phải để "nghiên cứu".
Bởi trước đó, chúng ta cũng đã có một hành trình khá dài để sắp xếp tổ chức bộ máy. Khi đất nước thống nhất, riêng Chính phủ đã có 76 đầu mối, chúng ta đã nhận diện được và có lộ trình để làm việc này. Để lập mới thì rất đơn giản nhưng gom lại thì rất phức tạp, động chạm đến quyền lợi mà Tổng Bí thư cũng đã đề cập, nếu không biết hy sinh, không vì việc lớn của quốc gia thì chúng ta không làm được. Đúng là cần sự hy sinh, nhưng cao hơn nữa là cần phải nhận thức rõ trách nhiệm của từng lãnh đạo trước vận mệnh phát triển của đất nước, của dân tộc.
Đây là một quyết tâm chính trị mới của toàn Đảng, toàn bộ hệ thống chính trị, có sự ủng hộ nhiệt thành của Nhân dân. Dù nhiệm vụ này khó khăn, thách thức nhưng tôi vẫn hy vọng là người Việt Nam chúng ta, từ lãnh đạo đến nhân dân, đều nhận thấy trách nhiệm của mình trước vận mệnh, thời cơ để hành động cho phù hợp.
Tôi bao giờ cũng có niềm tin mãnh mẽ đối với những giá trị Việt, những tiềm năng Việt, sức mạnh Việt ở những thời cơ, thời điểm mà đất nước, quốc gia, dân tộc cần.
TS. Thang Văn Phúc: Niềm tin mãnh mẽ đối với những giá trị Việt, những tiềm năng Việt, sức mạnh Việt ở những thời cơ, thời điểm mà đất nước, quốc gia, dân tộc cần - VGP/ Anh Thơ
- Thưa ông, lần này có thể nói chúng ta cải cách toàn diện từ bộ máy Đảng đến chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội. Vậy ông nhận định như thế nào đối với quan ngại về sự dôi dư của cán bộ, công chức viên chức sau sắp xếp?
TS. Thang Văn Phúc: Điều này là tất nhiên, sau sắp xếp thì sẽ có dôi dư. Lần này, chúng ta sẽ rà soát lại toàn bộ bộ máy, nhân lực, từ lãnh đạo cho tới chuyên viên. Tổng Bí thư cũng chỉ ra rõ ràng rằng sẽ loại bỏ những nhân tố yếu kém. Đối với những người có năng lực thì phải điều chỉnh, sắp xếp phù hợp. Người chưa đủ năng lực thì cho đi đào tạo. Trường hợp thứ 3 là cho phép người đó chuyển sang các khu vực tư nhân. Thời gian tới, nên hạn chế dần khu vực công, khu vực tư sẽ trở thành trọng yếu nếu chưa nói là khu vực chủ đạo.
Ngoài ra, cần phải làm tốt công tác tư tưởng cho thông. Các cán bộ cũng phải thể hiện được thái độ, trách nhiệm đối với công việc chung của Đảng, của Nhà nước, của đất nước. Đó là thách thức mà cán bộ phải đối mặt, tự xác định được mình có đủ tiêu chuẩn không, nếu không đủ tiêu chuẩn thì phải đứng sang một bên (cho về hưu sớm đối với người sắp về hưu; đào tạo và bồi dưỡng người chưa đủ năng lực; khuyến khích chuyển sang khu vực tư…).
Quan điểm của chúng tôi từ lâu là thị trường lao động sẽ chuyển dịch dần sang khu vực tư, không nặng nề phải vào khu vực công. Đó là một con đường để xử lý đầu ra cho quá trình tinh giản hiện nay. Đây là một tư tưởng rất lớn, là một chủ trương thực sự cần nghiên cứu. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng đã nhắc đến vấn đề này, đặt khu vực tư cùng với khu vực công, trở thành chủ đạo.
- Trong quá trình sát nhập, chia tách các cơ quan, làm thế nào để hạn chế được chuyện "quyền anh, quyền tôi", hạn chế được sự cục bộ giữa quá trình sáp nhập hoặc chia tách này?
TS. Thang Văn Phúc: Công tác tổ chức cán bộ là một nhiệm vụ rất phức tạp vì mỗi người là một "tiểu vũ trụ". Vì vậy, đối xử với con người cần khoa học, có phương pháp, cách thức để làm sao người ấy thấy ở trong một cộng đồng mới, một tổ chức mới thì vẫn tiếp tục có cơ hội khẳng định mình, được cống hiến và được công nhận.
Sau sáp nhập hoặc chia tách các cơ quan, đơn vị, phải phân rõ chức trách, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng người. Tất cả quyền đó được quy định trong quy chế, thể chế, pháp luật, trong các nghị định, các quyết định của cấp cao hơn khi thành lập ra tổ chức đó. Cấp trên cần kiểm soát việc này, những người có biểu hiện chống đối, gây mất đoàn kết, bè phái… thì có thể loại bỏ. Trong hệ thống cần sự tuân thủ, trong hành chính thì thứ bậc và trật tự phải được thiết lập.
Giải quyết được các quan hệ này không phải là việc ngày một ngày hai có thể làm được nhưng bộ máy vận hành tốt thì cán bộ cũng sẽ được hưởng lợi ích và đất nước, tổ chức cũng phát triển. Đây thực sự là một cuộc cách mạng trong từng con người, trong từng tổ chức và trong toàn bộ hệ thống chính trị của chúng ta.
- Trân trọng cám ơn ông!