Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 17 tháng 3 năm 2023 | 10:26

Tình trạng khai thác gỗ trái phép vẫn còn “nóng”

Lực lượng chức năng phát hiện bắt giữ nhiều đối tượng ngang nhiên chặt phá rừng trái phép. Ngoài ra, các đối tượng vi phạm còn hoạt động công khai, trong thời gian dài nhưng không bị kiểm tra hay xử lý, vẫn vô tư khai thác rầm rộ…

Gỗ lậu trong bãi chứa cát

Liên quan tới vụ việc cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an tỉnh Kon Tum phát hiện trong bãi chứa cát của điểm mỏ khai thác cát, sỏi 87 (trên sông Đăk Pxi), đoạn qua thôn 7, xã Đăk Pxi có gỗ lậu. Cụ thể, tại bãi tập kết này có 2 mặt phản, 4 hộp gỗ, 11 lóng gỗ tròn và 5 cây gỗ có dấu hiệu ngâm dưới nước lâu ngày.

Mới đây, lực lượng chức năng đã phát hiện thêm hai điểm tập kết khác nằm trong rừng cao su, cách hiện trường bãi gỗ tập kết trái phép trong điểm mỏ khai thác cát, sỏi 87 thuộc Cty TNHH 87 chừng 300m.

Cụ thể, lực lượng chức năng tỉnh Kon Tum đã phát hiện thêm hai điểm tập kết gỗ, cách hiện trường vụ tập kết gỗ trái phép trong bãi chứa cát của điểm mỏ khai thác cát, sỏi 87 thuộc Cty TNHH 87 (địa phận xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà, Kon Tum) chừng 300m, trong rừng cao su.

Điểm tập kết gỗ trái phép trong điểm mỏ khai thác cát, sỏi 87 được Công an tỉnh Kon Tum phát hiện

Cả hai điểm tập kết này có dấu hiệu của việc tẩu tán gỗ lậu ra ngoài khu vực điểm mỏ khai thác cát, sỏi 87. Cụ thể, tại điểm tập kết thứ nhất có tổng cộng 7 hộp gỗ lớn, trong đó 5 hộp có chiều dài khoảng 3,5m, rộng 1m, dày khoảng 30cm; 2 hộp hình tròn có đường kính khoảng 1,5m, dày khoảng 30cm. Điểm tập kết thứ hai cách bãi thứ nhất khoảng 50m có 4 hộp gỗ lớn, nhỏ khác nhau.

Trả lời báo chí về thông tin nêu trên, một lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum cho biết: “Vụ việc do Công an tỉnh chủ trì, Chi cục Kiểm lâm chỉ phối hợp. Bước đầu xác định, 5 cây trục vớt, đã ngâm lâu dưới sông, ước tính hơn 10m3 gỗ trục vớt. Riêng 11 lóng gỗ còn mới, lực lượng chức năng sẽ truy vết nguồn gốc”.

Trong khi đó, ông Hà Tiến - Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà cho báo chí biết, lực lượng chức năng đang khẩn trương điều tra, xác định đối tượng khai thác lâm sản. Theo ông Tiến, điểm mỏ khai thác cát, sỏi 87 được UBND tỉnh Kon Tum cấp phép ngày 15/9/2020 cho Công ty TNHH 87.

Điều tra, làm rõ động cơ của các đối tượng chặt hạ rừng

Liên quan đến việc nhiều cây gỗ rừng tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Sơ Pai (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) bị chặt hạ, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kbang cho biết, địa phương đã yêu cầu Công an huyện cùng các lực lượng có liên quan điều tra, làm rõ động cơ chặt hạ rừng của các đối tượng và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trước đó, đoàn liên ngành gồm Ủy ban nhân dân, Công an, Hạt Kiểm lâm cùng các ban, ngành đã trực tiếp đi kiểm tra hiện trường, kiểm đếm số lượng cây gỗ bị cưa hạ trái phép. Bước đầu, lực lượng chức năng xác định, có ít nhất 16 cây gỗ gồm: xoay, gội đỏ, bời lời, dẻ bị cưa hạ nằm rải rác trên các lâm phần của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Sơ Pai quản lý. Hầu hết các cây gỗ bị cưa hạ có đường kính lớn từ 70 - 80 cm, nằm rải rác ở nhiều vị trí, cách xa nhau. Bên cạnh một số cây gỗ bị cắt hạ, xẻ hộp vận chuyển đi nơi khác, nhiều cây chỉ bị lấy đi phần gốc lớn, cành nhánh bị bỏ lại, có cây bị đốt cháy ngay tại hiện trường.

Một số cây gỗ lớn bị đối tượng xấu cưa hạ, xẻ hộp vận chuyển đi nơi khác. Ảnh: TTXVN phát

Theo ông Nguyễn Văn Hợi, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Sơ Pai, hầu hết các cây gỗ đều đã bị cắt hạ từ lâu với nhiều mục đích khác nhau. Một số cây gỗ chỉ bị lấy đi phần gốc, còn phần thân, cành cây vẫn để lại hiện trường. Đối với các cây này (chủ yếu cây dẻ) do người dân đồng bào địa phương cưa hạ để khô, sau đó cắt khúc làm củi. Một số cây có đường kính lớn hơn dùng để làm hòm theo phong tục tập quán của người đồng bào dân tộc thiểu số địa phương.

Sau khi trực tiếp làm việc với phía Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Sơ Lai và Ủy ban nhân dân xã Sơ Pai, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kbang yêu cầu, các lực lượng chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ hành vi khai thác rừng trái phép nêu trên, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật. Các lực lượng bảo vệ rừng cần phối hợp với chính quyền địa phương các cấp tăng cường công tác tuyên truyền người dân sống gần rừng nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ rừng; không để xảy ra các tình huống gây mâu thuẫn giữa người dân và lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ rừng.

Điều tra nhóm “lâm tặc” hành hung kiểm lâm

Liên quan tới vụ việc tổ công tác bảo vệ rừng thuộc Hạt Kiểm lâm Trà Bồng đang làm nhiệm vụ thì phát hiện ô-tô chở gỗ có dấu hiệu khả nghi từ hướng xã Trà Phong (huyện Trà Bồng) về huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) nên ra hiệu dừng kiểm tra. Khi thấy lực lượng chức năng, xe chở gỗ không chấp hành mà còn tăng tốc vượt qua chốt. Thấy vậy, ông Đinh Hồng Tâm - cán bộ Hạt Kiểm lâm Trà Bồng cùng ông Nguyễn Ngọc Ân - nhân viên bảo vệ rừng khu Tây huyện Trà Bồng đã dùng xe máy truy đuổi.

“Sau khi truy đuổi, liên tục yêu cầu dừng lại nhưng xe tải vẫn lạng lách nhằm truy cản lực lượng chức năng. Khi đến địa phận huyện Bắc Trà My, bất ngờ phía sau có một chiếc ô-tô 4 chỗ vượt lên ép xe chúng tôi vào vách núi. Sau đó, 2 người trong ô-tô lao ra đánh liên tiếp vào người tôi, đạp anh Nguyễn Ngọc Ân ngã xuống mương. Hai người này còn cầm dao dọa giết chúng tôi…”, ông Đinh Hồng Tâm kể lại.

Lúc này, do các đối tượng đã chạy qua địa phận tỉnh Quảng Nam nên ông Tâm và ông Ân đã điện báo lãnh đạo Hạt Kiểm lâm và Công an huyện Trà Bồng để nhờ lực lượng chức năng huyện Bắc Trà My phối hợp vây bắt. Riêng bản thân ông Tâm bị đánh đa chấn thương nên phải nhập viện điều trị ngay sau đó.

Kiểm lâm huyện Bắc Trà My làm việc với đối tượng Phan Văn Tiệp- người chở gỗ lậu.

Tiếp nhận thông tin từ huyện Trà Bồng có xe tải mang BKS 76C-12701 nghi vận chuyển gỗ rừng trái phép, bị lực lượng kiểm lâm huyện Trà Bồng phát hiện truy đuổi đã chạy về hướng Bắc Trà My để tẩu thoát, đến khoảng 2 giờ 30 cùng ngày, lần theo dấu vết, tổ công tác của Kiểm lâm huyện Bắc Trà My phát hiện xe tải trên tại thôn 3 (xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My), trên xe lúc này có 2 đối tượng. Kiểm tra trên thùng xe, lực lượng chức năng phát hiện vận chuyển 20 lóng gỗ tròn, 7 hộp gỗ xẻ, chủng loại dổi, ké, sấu với khối lượng hơn 5,5m3.

Qua đấu tranh khai thác, đối tượng Phan Văn Tiệp (1989, trú xã Trà Phong, huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi) thừa nhận chở gỗ thuê cho một người không rõ lai lịch, vận chuyển từ xã Trà Xinh về huyện Trà Bồng. Còn Đinh Văn Na (2004, trú xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi) tham gia trong vai trò phụ xe. Tiếp tục mở rộng điều tra, lực lượng chức năng xác định 2 đối tượng đi ô-tô 4 chỗ trực tiếp đánh 2 kiểm lâm của Hạt Kiểm lâm Trà Bồng là Trác Quy Lực (trú xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng) và Lương Cơ Hùng (trú thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng).

Mới đây, ông Phạm Duy Hưng- Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi cho biết, sau khi vụ việc xảy ra, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo cho Hạt kiểm lâm huyện Trà Bồng nhanh chóng phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Trà My và Công an huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) điều tra, xử lý nghiêm nhóm người đánh kiểm lâm viên và nhân viên bảo vệ rừng khi đang làm nhiệm vụ. “Chúng tôi cũng đã đến thăm hỏi, động viên cán bộ kiểm lâm bị đánh khi đang làm nhiệm vụ. Trong tuần tới, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi cùng với Hạt Kiểm lâm huyện Trà Bồng sẽ qua huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) để làm việc với cơ quan chức năng về vụ việc này”- ông Hưng thông tin thêm. Hiện vụ việc đang được các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, xử lý.

Khai thác trái phép rừng thông hàng chục năm tuổi

Thời gian gần đây, nhiều người dân trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu nói chung, xã Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu - Nghệ An) nói riêng hết sức bức xúc trước việc nhiều đối tượng ngang nhiên chặt phá rừng thông tại lô 2a khoảnh 2, Tiểu khu 334C trái phép. Nhiều diện tích thông có độ tuổi hàng chục năm bị chặt hạ không thương tiếc để trồng keo.

Những gốc Thông lớn, nhiều năm tuổi bị chặt hạ.

Tại hiện trường, hàng chục gốc cây thông đã bị chặt ngang gốc. Nhiều gốc cây sau khi chặt bị đốt cháy nham nhở. Các gốc cây này có đường kính từ 10-40cm. Không chỉ chặt phá, đốt khiến gốc cháy đen, nhiều gốc cây còn bị đào xới nham nhở hay dùng đất lấp lại.

Một người dân tại xã Quỳnh Văn bức xúc: Việc chặt thông để trồng keo đã diễn ra trong thời gian dài. Đặc biệt, từ đầu năm 2023 việc khai thác trái phép vẫn tiếp tục diễn ra ồ ạt dù giấy phép khai thác đã hết hạn.

Sự việc diễn ra một cách công khai, trong thời gian dài nhưng không thấy ai kiểm tra hay xử lý nên nhóm người vẫn vô tư khai thác rầm rộ…, một người dân khác cho biết.

Quản lý lỏng lẻo?

Được biết, diện tích rừng thông nói trên thuộc lô 2a, khoảnh 2, Tiểu khu 334C là rừng sản xuất được giao cho hộ ông Nguyễn Đình Đợi quản lý. Ngày 16/3/2022, ông Nguyễn Đình Đợi có đơn đề nghị cấp phép khai thác tận dụng gỗ rừng trồng thực hiện biện pháp lâm sinh (tỉa thưa) gửi các cấp có thẩm quyền kèm thuyết minh khai thác.

Theo đơn đề nghị, diện tích khai thác làm 5,92 ha, số lượng cây chặt là 700 cây; tương đương số lượng gỗ lấy ra là 25,43 m3.

Liên quan đến vụ việc này, Phó Giám đốc sở NN&PTNT Nghệ An đã có văn bản số 783/SNN-KL đồng ý cho các chủ rừng (trong đó có ông Nguyễn Đình Đợi) được khai thác tận dụng gỗ cây Thông nhựa rừng trồng khi thực hiện biện pháp lâm sinh. Theo đó, thời gian thực hiện kể từ ngày ký đến 31/12/2022. Thời gian quy định là rõ ràng như vậy, tuy nhiên theo phản ánh đến đầu năm 2023, một số cá nhân vẫn ngay nhiên vào chặt phá cây Thông để trồng keo.

Điều đáng nói, theo giấy phép khai thác, chủ rừng chỉ được cắt tỉa các cây Thông bị chết, yếu, cong, kém phát triển. Tuy nhiên, tại hiện trường cho thấy các cây Thông được hạ nhiều, gồm cả hàng loạt cây lớn sinh trưởng tốt tạo thành những khoảng trống mênh mông như bãi đất hoang.

Xác nhận từ ông Lê Ngọc Hữu - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hoàng Mai  - Quỳnh Lưu (Chi cục Kiểm lâm Nghệ An) cho biết: Việc các cá nhân dựa vào giấy phép khai thác trước đó để tiếp tục khai thác dù thời hạn đã hết từ lâu là có.

Số Thông khai thác trái phép bị Kiểm lâm thu giữ

Lý giải về thực trạng này, ông Lê Ngọc Hữu, phân trần: Do cán bộ, con người của đơn vị ít, chỉ 6-7 người đủ năng lực để làm trong khi diện tích quản lý là rất rộng gồm cả thị xã Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu nên việc quản lý còn hạn chế. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Hạt đã cắt cử người kiểm tra, xử lý đồng thời thu toàn bộ gỗ Thông còn lại về tập kết theo quy định.

Thông tin báo chí, ông Hồ Văn Anh - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Văn, cho biết: Ngay sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh, tôi đã cho anh em về trực tiếp kiểm tra. Theo quy định, hộ gia đình khi có giấy phép tỉa thưa thì bên đơn vị Kiểm lâm phải có thông tin phối hợp, báo cáo với địa phương để giám sát, quản lý nhưng không hề có. Sau khi có giấy phép, trong quá trình tỉa thưa thì họ cũng có lợi dụng vào đó để chặt thêm một số cây.

Diện tích đó trước là của ông Đợi nhưng đã chuyển giao cho người khác. Thông đó là thông trồng lâu năm, theo nắm bắt được trồng từ năm 1996-1997, Chủ tịch UBND

Được biết, Hạt Kiểm lâm Hoàng Mai - Quỳnh Lưu đã tiếp hành thu giữ một số tang vật là các khúc gỗ Thông bị chặt về tập kết tại khu vực quy định. Thời gian thu giữ ngày 08/3/2023 tuy nhiên đến ngày 09/3/2023 khi được hỏi về biên bản lập của đơn vị về sự việc hay việc thu giữ thông thì ông Nguyễn Vũ Trung - cán bộ kỹ thuật của Hạt này thừa nhận: Chưa có!

Lạ lùng hơn, trước đóp, khi được hỏi về vụ việc khai thác rừng Thông trái phép tại xã Quỳnh Văn, lãnh đạo phòng Quản lý bảo vệ rừng - Chi cục Kiểm lâm Nghệ An khẳng định: Chưa nhận được thông tin cũng như báo cáo của Hạt Kiểm lâm địa bàn.

 

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top