Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 18 tháng 11 năm 2022 | 6:50

Triển vọng phát triển ngành yến sào khi gia nhập “sân chơi” tiềm năng

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan vừa ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch tổ yến sang Trung Quốc, hoàn tất quy trình đưa yến sào của Việt Nam sang thị trường này.

Tổ yến Việt được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.

Gia nhập “sân chơi” tiềm năng

Trung Quốc đang là thị trường tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới, năm 2021, nhập khẩu chính ngạch tổ yến (yến sào) vào Trung Quốc đạt khoảng 300 tấn. Đây là cơ hội cho Việt Nam khi tổ yến Việt được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này.

Các số liệu thống kê chuyên ngành tổ yến (yến sào) cho thấy, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới, con số nhập khẩu tổ yến của Trung Quốc tăng lên theo từng năm.

Nếu như năm 2019, số lượng tổ yến nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc là 180 tấn thì năm 2020 đã tăng lên 220 tấn và con số tổ yến nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc năm 2021 ước tính khoảng 300 tấn.

Được biết, Trung Quốc quản lý chặt chẽ yến nhập khẩu chính ngạch bằng tem truy nguyên nguồn gốc CAIQ. Ở Đông Nam Á hiện mới có Malaysia, Indonesia, Thái Lan được xuất khẩu chính ngạch yến sào vào thị trường này.

Tại Việt Nam, dù mới chỉ phát triển từ khoảng năm 2010 đến nay nhưng nghề nuôi yến đang phát triển mạnh ở một số địa phương có tiềm năng, số lượng nhà yến không ngừng tăng. Hiện sản lượng tổ yến của Việt Nam chiếm khoảng 3% sản lượng tổ yến toàn cầu.

Theo thống kê, cả nước hiện có 42/63 tỉnh, thành có nghề nuôi yến với số lượng khoảng 20.000 nhà yến, sản lượng yến đạt trên dưới 120 tấn, giá trị tương đương 450 triệu USD. Kiên Giang là tỉnh có nhiều nhà yến nhất, với khoảng 2.600 nhà.

Ngành yến được đánh giá có giá trị kinh tế và tiềm năng xuất khẩu to lớn. Chính vì thế, ngay từ năm 2018, yến sào đã là một trong các sản phẩm Bộ Nông nghiệp và PTNT đàm phán và gửi hồ sơ đến Tổng cục Hải quan Trung Quốc để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Đồng thời Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo ngành chức năng hướng dẫn các doanh nghiệp chuẩn bị điều kiện về nhà nuôi yến, chế biến sao cho phù hợp với yêu cầu của thị trường xuất khẩu và thông lệ quốc tế, giám sát tốt các quy định về an toàn với nghề nuôi yến.

Sau hơn 4 năm đàm phán, mới đây, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc có Công điện số TCOCD1904 gửi Bộ Nông nghiệp và PTNT thông báo Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về xuất khẩu tổ yến từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT), vấn đề cấp bách đặt ra là cần có bức tranh tổng thể của ngành, nghiên cứu một số đặc điểm chính của chim yến, quản lý được chủ nhà yến, nhà yến theo mã định danh, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm tổ yến phục vụ xuất khẩu, chế biến sâu tổ yến để tăng giá trị sản phẩm.

Để phát triển nghề nuôi yến một cách bền vững, nhiều địa phương đã xây dựng quy hoạch các vùng nuôi yến đáp ứng các yêu cầu về mặt môi trường.

Đơn cử như tỉnh Bạc Liêu đã ra hẳn một nghị quyết về “Quy định vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu”.

Theo quy định này, khu vực không được phép nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh phải cách khu đô thị, khu dân cư, khu tái định cư; khu vực gần bệnh viện, trường học, trụ sở cơ quan, công trình công cộng, cơ sở sản xuất; các công trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch hoặc đã có chủ trương đầu tư trên các địa bàn còn lại dưới 300m.

Khu vực nuôi chim yến là vùng, khu vực nằm ngoài vùng, khu vực không được nuôi chim yến. Vùng, khu vực được nuôi chim yến phải bảo đảm phù hợp tập tính hoạt động của chim yến, phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, không gây ảnh hưởng đến đời sống của cư dân tại khu vực nuôi chim yến.

Bến Tre, An Giang, Tây Ninh,... và nhiều địa phương khác cũng đã có quy định cụ thể về vùng nuôi chim yến theo đúng hướng dẫn của Bộ NNPTNT nhằm hướng đến nghề nuôi yến phát triển bền vững, hài hòa với môi trường, dễ định danh được nhà nuôi yến, quản lý được nguồn gốc xuất xứ đúng như yêu cầu của nước nhập khẩu.

Kết quả phân tích cho thấy tổ yến có hàm lượng đạm cao (40 - 50%), lượng mỡ lại rất thấp (0 - 0,13%) và có đủ các loại axit amin cần thiết cho cơ thể con người. Giá tổ yến loại tốt có thể lên tới 2.000 - 3.000 USD/kg.

Hoàn tất quy trình đưa yến sào sang thị trường Trung Quốc

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan vừa ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch tổ yến sang Trung Quốc (sau khi Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký), hoàn tất quy trình đưa yến sào của Việt Nam sang thị trường này.

Theo quy định của pháp luật có liên quan của Việt Nam và "Nghị định thư của Tổng cục Hải quan nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam về kiểm tra, kiểm dịch và điều kiện vệ sinh đối với chim xuất khẩu", sản phẩm yến từ Việt Nam sang Trung Quốc có tác dụng tức thì nếu yến sào Việt Nam đáp ứng yêu cầu mới được phép nhập khẩu sản phẩm.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Tiềm năng xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc của Việt Nam rất lớn khi đây là thị trường tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới, chiếm 80% thị phần toàn cầu.

Việt Nam có tiềm năng về nuôi yến với bờ biển dài, các vịnh, đảo thuận lợi cho loài chim yến phát triển. Chất lượng sản phẩm tổ yến của Việt Nam được đánh giá vượt trội so với các nước trong khu vực, sản phẩm tổ yến của Việt Nam được khách hàng Trung Quốc rất ưa chuộng.

Việt Nam có tiềm năng về nuôi yến.

"Một bên có thị trường, một bên có điều kiện ưu đãi, ngành yến được đánh giá có giá trị kinh tế và tiềm năng xuất khẩu to lớn, chính vì thế, từ năm 2019, tổ yến đã là một trong các sản phẩm được Bộ Nông nghiệp và PTNT chú trọng, đàm phán và gửi hồ sơ đến Tổng cục Hải quan Trung Quốc để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tổ yến bền vững, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ tổ chức hội nghị phổ biến nội dung Nghị định thư về xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc cho tất cả các hiệp hội, hội và doanh nghiệp có liên quan để các đơn vị chủ động chuẩn bị, đáp ứng điều kiện xuất khẩu.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chế biến tổ yến cần phải tìm hiểu thật kỹ và tuân thủ đúng, đầy đủ các yêu cầu của phía Trung Quốc nêu trong Nghị định thư này như các điều kiện về quản lý cơ sở nuôi chim yến, chế biến tổ yến để bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm tổ yến xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo đúng quy định.

“Về lâu dài, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ chỉ đạo để có chiến lược, kế hoạch phát triển ngành yến Việt Nam có trách nhiệm, bền vững, bảo đảm giữ vững thương hiệu tổ yến Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc, cũng như các thị trường tiềm năng khác” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Cơ hội mới cho nghề nuôi yến

Theo Cục Chăn nuôi, trong 5 năm trở lại đây, nghề nuôi chim yến phát triển mạnh trên 42 tỉnh, thành phố cả nước, từ Hải Phòng đến Cà Mau; trong đó, tập trung nhiều nhất tại khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Tổ yến của Việt Nam đạt khoảng trên 70 tấn, đã xuất sang Mỹ, Australia, New Zealand, Trung Quốc…, với giá trung bình 1.500 – 2.000 USD/kg thành phẩm, thu về 100 đến 125 triệu USD/năm.

Ông Trần Phương Tuấn – Giám đốc Công ty Tổ Yến Việt Nam – VinBirdnest phấn khởi nói: “Để đưa được tổ yến vào thị trường Trung Quốc, chúng tôi đã phải lặn lội chào hàng từ những ngày đầu tiên. Việc ký nghị định thư giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc mở ra cơ hội rất lớn cho nghề nuôi yến ở Việt Nam, tăng thêm mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam với thị trường đông dân nhất thế giới này”.

Hiện nay, cả nước có trên 22.000 nhà nuôi chim yến, sản lượng yến của Việt Nam khoảng 120 tấn, giá trị trên 500 triệu USD. Ngành yến Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển và tiềm năng mang lại giá trị kinh tế cao./.

 

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
Top