Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 6 tháng 4 năm 2023 | 9:55

Vàm Cái Cao, chứng tích đau thương về một thời chiến đã qua

Cuộc chiến tranh chống Mỹ đã kết thúc gần 50 năm, non sông liền một dải. Đời sống nhân dân trên cả nước nói chung, ở Sóc Trăng nói riêng, ngày càng được nâng cao.

Nhưng, chứng tích tội ác thảm sát thường dân của Mỹ - Ngụy vẫn còn đó như nhắc nhở những đau thương về một thời chiến đã qua và thể hiện nỗi khát khao hòa bình, bình an của nhân dân…

Lời kể của những nhân chứng “sống”

Đến Vàm Cái Cao, thị trấn An Lạc Thôn (Kế Sách - Sóc Trăng), chúng tôi được người dân hướng dẫn đến thăm bia chứng tích tội ác của Mỹ - Ngụy khi chúng gây ra vụ thảm sát vô cùng dã man, cướp đi mạng sống của hàng trăm thường dân, làm bị thương hàng trăm  người khác. Trên bia ghi rõ số người bị chết và bị thương khoảng 300 người, đa số là người dân của huyện Kế Sách.

Bà Vui tại vị trí Vàm Cái Cao, nơi xảy ra vụ thảm sát đau thương.

Theo dòng lịch sử, từ giữa năm 1965, trước tình hình phá sản của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, Mỹ từng bước chuyển sang thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, dùng quân viễn chinh Mỹ và chư hầu làm lực lượng nòng cốt phối hợp với Ngụy quân tăng cường các cuộc hành quân càn quét với phương châm “tìm diệt và bình định”, tạo ra vành đai kiểm soát sâu trong vùng nông thôn đã được giải phóng. Mục tiêu chủ yếu của chiến lược “Chiến tranh cục bộ” là phải đánh bại phong trào cách mạng miền Nam trong 25-30 tháng (từ 1965-1967).

Ông Đinh Cam Kết (75 tuổi, nhân chứng vụ thảm sát) nhớ lại: Sáng hôm đó (18/1/1966), tầm gần 8 giờ, tôi ra ngoài bờ sông Hậu để xem mấy người thợ dỡ chà bắt cá thì máy bay đầm già (máy bay trinh sát cánh quạt Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam) của địch bay tới quần thảo trên bầu trời khu vực An Lạc Thôn. Theo kinh nghiệm, người dân biết khi loại máy bay này xuất hiện chắc chắn chúng sẽ mở cuộc càn quét, đánh lớn vào nơi chúng tình nghi là căn cứ của cách mạng, nên bà con ở các vùng trong, nơi có nhiều cây cối rậm rạp, dắt díu nhau lên xuồng ghe ra ngoài sông Hậu để lánh nạn.

“Sở dĩ bà con ra ngoài sông là vì địch thường đánh vào nơi có cây cối rậm rạp, chúng cho đó là nơi có bộ đội, du kích đóng quân. Bà con di tản ra ngoài sông để cho chúng biết mình là thường dân. Vả lại chúng cũng ít khi bắn phá nơi sông nước trống trải”, ông Kết giải thích.

Ông Kết nhớ lại: Thế nhưng, khi bà con  tập trung ở ngoài sông thì chiếc đầm già bắn mấy phát pháo hiệu và chỉ ít phút sau đó, có 2 chiếc máy bay có cánh quạt ở đầu (bà con địa phương gọi là loại máy bay Còng cọc), bay tới, rà sát trên đầu người dân rồi xả đạn như vãi trấu vào đoàn xuồng ghe của người dân, đa số là phụ nữ và trẻ em đang đi lánh nạn, khiến nhiều người bị chết, nhiều người bị thương, cả một quãng sông dài trở nên hỗn loạn bởi tiếng khóc, tiếng la hét của hàng trăm con người. Sau khi hai chiếc còng Cọc rời đi, hai chiếc máy bay khác lại lao tới bắn và ném bom dầu khiến cho cả một khúc sông lửa cháy đỏ rực. Nhiều người bị bom cháy hết cả thân người”.

Về con số 300 người chết và bị thương, ông Kết ngậm ngùi: Con số đó là con số xác định được đối với những người ở địa phương và được tìm thấy. Nhưng tôi nghĩ còn có thể nhiều hơn bởi hôm đó, không chỉ có xuồng ghe của bà con đi lánh nạn mà còn có nhiều ghe tàu của những người buôn bán ở các nơi khác đi qua bị chúng bắn. Chưa nói giữa sông nước mênh mông, có thể có người chết chìm dưới sông không tìm được thi thể.

Bà Huỳnh Thị Vui (67 tuổi, nạn nhân của vụ thảm sát) bùi ngùi nhớ lại: “Sáng đó, tôi và người em trai được cha dùng xuồng đưa đi lánh nạn. Khi ra ngoài khúc sông ở Vàm Cái Cao thì trúng đạn của máy bay giặc. Cha và em tôi chết ngay tại chỗ, còn tôi rơi xuống sông và bơi vào bờ trốn trong một “hàm ếch” dưới một gốc cây bên bờ sông. Tưởng là thoát khỏi đạn giặc thì bất ngờ bom dầu bùng cháy, lửa lan trên mặt sông, lan cả vào bờ khiến tôi bị bỏng nặng. Sau đó được đưa lên nhà thương ở Cần Thơ cấp cứu nhưng thầy thuốc nói bị nặng quá nên chuyển lên nhà thương Chợ Rẫy điều trị đến hết Tết Nguyên đán mới ra viện về quê. Tôi còn nhớ ngày hôm đó là ngày 27 tháng Chạp, còn có vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Bính Ngọ 1966".

Theo lời bà Vui, đạn giặc như vãi trấu vào đoàn người khiến cho nhiều người chết, nhiều người bị thương. Cả một khúc sông hỗn loạn bởi tiếng kêu cứu, tiếng la hét hốt hoảng, gọi tên cha, tên mẹ, tên con, tên người thân xen lẫn những tiếng khóc gào ai oán như xé toạc cả trời đất. Một khúc sông loang máu đỏ, xuồng ghe cũng tan nát, chiếc chìm nghỉm dưới lòng sông, chiếc chỉ còn là mảnh ván dăm… Những người mẹ ôm ghì con trong lòng, nhưng rồi cả mẹ và con đều chết vì mẹ trúng mảnh bom, con chết vì ngạt nước… Có gia đình không còn ai sống sót.

Chứng tích của nỗi đau…

Cuộc thảm sát ở Vàm Cái Cao đã gây nên làn sóng phẫn uất, căm thù trong nhân dân. Hàng ngàn người dân trong vùng và các xã lân cận, trong đó có một số binh sĩ có người thân bị thương, bị chết do địch ném bom cũng tham gia, đã chở số người chết và bị thương đến phân chi khu Cái Côn (An Lạc Thôn) đấu tranh đòi bồi thường nhân mạng và chữa trị cho những người bị thương. Cuối cùng, kẻ thù phải nhượng bộ, chấp nhận bồi thường cho những người có thân nhân bị chết và cho tàu chở số người bị thương lên nhà thương Cần Thơ chữa trị.

Bà Huỳnh Thị Vui trước bia vụ thảm sát ở Vàm Cái Cao.

Ông Lê Vũ Đức, Bí thư Huyện ủy Kế Sách, cho biết: “Vụ thảm sát ở Vàm Cái Cao đến nay đã 57năm. Chiến tranh đã đi qua nhưng nỗi đau vẫn còn mãi trong lòng những thân nhân, gia đình đồng bào bị sát hại và trong lòng mỗi người dân Kế Sách chúng tôi. Vàm Cai Cao đã trở thành một chứng tích cho sự kiện đau thương này.

Với ý nghĩa lịch sử đó, ngày 15/3/2006, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành quyết định công nhận địa điểm Mỹ-Ngụy thảm sát người dân ở Vàm Cái Cao là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Sau ngày giải phóng quê hương, địa phương đã lập bia tưởng nhớ những người đã chết trong vụ thảm sát này. Trước đây, bia được đặt ở gần bờ sông, ngay đoạn sông xảy ra vụ thảm sát, nhưng do bờ sông bị sạt lở nhiều nên mới đây chính quyền địa phương đã xây dựng bia ở vị trí mới, cách bia cũ khoảng chừng 50m, lùi sâu vào phía trong. Hiện tại, bia cũ vẫn còn ở vị trí cũ. Đây là địa chỉ để cán bộ, nhân dân và học sinh tham quan, đồng thời giáo dục tinh thần yêu nước, bảo vệ độc lập tự do của dân tộc, ý thức cách mạng cho các thế hệ mai sau”.

 

 

Cao Xuân Lương
Ý kiến bạn đọc
  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Mới đây, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quyết định xuất hơn 1.266,829 tấn gạo để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Thanh Hóa đã có thành tích tốt trong công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.

  • Khai hội Du lịch Cửa Lò năm 2024

    Khai hội Du lịch Cửa Lò năm 2024

    Tối 18/4, tại Quảng trường Bình Minh (thị xã Cửa Lò), UBND tỉnh Nghệ An, UBND thị xã Cửa Lò tổ chức khai mạc Lễ hội Du lịch Cửa Lò 2024 gắn với sự kiện công bố, đón nhận quyết định công nhận Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia - Lễ hội Đền Yên Lương (phường Nghi Thủy).

  • Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương

    Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương

    Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn-ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

  • Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh Việt Nam, tầm vóc thời đại

    Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh Việt Nam, tầm vóc thời đại

    Đó là chủ đề của Hội nghị chuyên đề do Đảng bộ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức chiều 16/4, tại Hà Nội, nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024).

Top