Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 12 tháng 12 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 7 tháng 12 năm 2024 | 9:0

“Vương quốc quýt hồng” phấn khởi khi tìm được hướng đi đúng

Bên cạnh việc thu hoạch trái bán cho thương lái vào dịp cận Tết Nguyên đán, nhà vườn quýt Lai Vung còn mở cửa đón khách tham quan du lịch sinh thái, từ đó gia tăng nguồn thu và hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững.

Du khách tham quan Vườn quýt hồng Lan Anh tại ấp Long Hưng 1, xã Long Hậu (Lai Vung - Đồng Tháp). Ảnh:  Thanh Tâm.

Nông dân phấn khởi

Đến Lai Vung (Đồng Tháp) vào những ngày cuối năm, nắng nhạt dần thay vào đó là những vạt óng ánh của những chùm quýt trĩu quả, oặt cong cành, căng mọng khiến những người lần đầu đặt chân đến như tôi không khỏi sự trầm trồ.

Lai Vung được xem là thủ phủ quýt hồng, trồng tập trung tại các xã Long Hậu, Tân Thành, Hòa Thành, Vĩnh Thới. Khu vực này được mệnh danh là “vương quốc quýt hồng” với hàng ngàn hecta quýt.

Bên cạnh việc thu hoạch trái bán cho thương lái vào dịp cận Tết Nguyên đán, nhà vườn Lai Vung còn mở cửa đón khách tham quan du lịch sinh thái gia tăng nguồn thu từ những vườn quýt trĩu quả.

Thương hiệu cho quýt hồng Lai Vung ngoài chất lượng ngon ngọt, mang hương vị rất riêng, đẹp mắt thì còn hướng đến mục tiêu bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng thông qua trình trồng quýt theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật hoá học, bón phân theo đúng liều lượng quy định.

Được biết năm 2021, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) - Bộ Nông nghiệp và PTNT, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đồng Tháp và Hiệp hội CropLife Việt Nam đã cùng nhau triển khai Chương trình Hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm tại tỉnh Đồng Tháp trong giai đoạn 5 năm 2021 – 2026. Chương trình Hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm tại tỉnh Đồng Tháp trong giai đoạn 5 năm 2021 – 2026, được xây dựng với mục đích hỗ trợ nông dân tại tỉnh Đồng Tháp tiếp cận các chương trình tập huấn về sử dụng thuốc BVTV trên các cây trồng chủ lực của tỉnh một cách an toàn, hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức và thực hành sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, giảm tình trạng lạm dụng thuốc hoá học, đồng thời xây dựng các mô hình sản xuất nông sản an toàn, chất lượng cao, phục vụ tiêu dùng và đạt tiêu chuẩn để cấp mã số vùng trồng cho xuất khẩu.

Theo nhà vườn ở Lai Vung, bà con bắt đầu sử dụng phân hữu cơ để bón cho cây quýt nhằm cải tạo đất, giúp cây dần phục hồi sau khoảng thời gian bị dịch bệnh tấn công làm giảm năng suất.

Ông Nguyễn Văn Đề (ấp Long Hưng 1, xã Long Hậu), chủ nhà vườn và điểm tham quan Vườn quýt hồng Lan Anh phấn khởi vì vụ quýt năm nay hứa hẹn nhiều khởi sắc. Ảnh: Thanh Tâm

Ông Nguyễn Văn Đề, ấp Long Hưng 1, xã Long Hậu, chủ nhà vườn và điểm tham quan Vườn quýt hồng Lan Anh cho biết, nếu như thời điểm năm 2019, nhiều nhà vườn trồng quýt “khóc ròng” vì sản lượng giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh vàng lá thối rễ, chết xanh trên cây có múi hoành hành, thì nay, chúng tôi đã tươi cười vì vụ quýt năm nay hứa hẹn nhiều khởi sắc.

“Có thể nói, nhờ được tập huấn “cầm tay chỉ việc” trong việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, tuân thủ các nguyên tắc sử dụng thuốc BVTV “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp), từ đó nâng cao năng suất cây trồng, sản phẩm đẹp mắt, bảo vệ sức khoẻ và thân thiện môi trường, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mỗi năm, ngoài việc bán trái cho thương lái, vườn nhà tôi thu về thêm khoảng 500 triệu đồng từ việc phát triển mô hình tham quan du lịch sinh thái”, ông Nguyễn Văn Đề vui mừng chia sẻ.

Ông Mai Hoàng Linh, Trưởng phòng kỹ thuật huấn luyện của Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp Lai Vung cho biết, thời gian qua, nhà vườn đã tích cực tham gia các chương trình tập huấn sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm và kết quả đã minh chứng cho hướng đi đúng, khi giảm được các yếu tố dịch bệnh hại, cây phát triển khoẻ, cho quả đẹp và an toàn, thân thiện môi trường. Nhờ vậy mà ngày càng nhiều nhà vườn có sự thay đổi tích cực về mức độ hiểu biết về nội dung liên quan đến thuốc BVTV và hướng tới xây dựng các vùng nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch, đem lại nguồn thu lớn, phát triển nông nghiệp bền vững.

Ông Mai Hoàng Linh, Trưởng phòng kỹ thuật huấn luyện của Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp Lai Vung cho biết, nhiều nhà vườn đã thay đổi tích cực và hướng đến xây dựng các vùng nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch. Ảnh: Thanh Tâm.

Nhiều du khách đến du lịch Đồng Tháp đều muốn ghé tham quan vườn quýt hồng Lai Vung. Tại đây, du khách sẽ được thưởng thức mùi vị quýt hồng tươi ngon mới hái cùng đa dạng những sản phẩm làm từ quýt như: mứt vỏ quýt, rượu quýt, nước ép quýt nguyên chất... Những sản phẩm này rất thơm ngon, tốt cho sức khoẻ vừa có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, kích thích sự ngon miệng và tăng sức đề kháng…

Đa dạng những sản phẩm làm từ quýt như: Mứt vỏ quýt, chuối ngào quýt hồng, rượu quýt, nước ép quýt nguyên chất...

Các chủ vườn cho biết, sau khi thưởng thức quýt tươi, du khách sẽ được đưa tham quan vườn quýt hồng. Chủ vườn sẽ là những hướng dẫn viên nồng hậu và nhiệt tình đưa du khách đến với “thiên đường quýt hồng”. Du khách sẽ được len lỏi trong những con đường nhỏ rợp bóng trĩu quả trong vườn. Trong khung cảnh thiên nhiên trong lành và thơm ngát mùi quýt chín, du khách sẽ được ngắm nhìn và chụp ảnh những quả quýt chín to tròn, vàng óng. Quýt hồng mùa thu hoạch rất sai quả, nhiều đến mức có những chùm quả sà xuống mặt đất hoặc chạm vào người khi du khách đi qua. Tại mỗi khu vực trong vườn, chủ vườn sẽ dừng lại cho khách tha hồ nhìn ngắm và chụp ảnh lưu niệm, đồng thời sẽ chia sẻ kinh nghiệm trong nghề trồng quýt cho du khách.

Với những tín hiệu tích cực, số điểm tham quan vườn quýt tại Lai Vung tăng lên qua các năm. Nếu như năm 2023 chỉ có 10 vườn, năm nay tăng lên 19 điểm vườn tham quan.

Xây dựng mô hình sử dụng thuốc BVTV có trách nhiệm trên các cây trồng chủ lực

Qua 3 năm thực hiện, Chương trình Hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm tại tỉnh Đồng Tháp trong giai đoạn 5 năm 2021 – 2026 đã mở nhiều lớp tập huấn dành cho nông dân, đại lý về các quy định và nguyên tắc sử dụng thuốc BVTV; Thực hành IPM; Sử dụng thuốc luân phiên theo phương thức tác động (MoA).

Đại diện Cục BVTV cho biết, với mục tiêu gia tăng số lượng nông dân và đại lý được tập huấn, mỗi năm Chi cục Trồng trọt và BVTV (đơn vị triển khai trực tiếp) đã vận động và giới thiệu nông dân và đại lý mới tham gia các lớp tập huấn. Cán bộ tập huấn bao gồm chuyên viên từ Chi Cục BVTV và Trồng trọt/Trung tâm dịch vụ nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp và chuyên gia kỹ thuật đến từ CropLife Việt Nam. Nông dân và đại lý khi tham gia các lớp sẽ được phát tài liệu tập huấn (bản in và bản điện tử); bộ đồ bảo hộ cá nhân khi sử dụng thuốc và tờ rơi/ áp phích về một số nguyên tắc an toàn trong sử dụng thuốc BVTV và xử lý bao gói thuốc…

Chương trình đã triển khai hai đợt tập huấn cho cán bộ của tỉnh. Nội dung tập huấn bao gồm giới thiệu và cập nhật những nguyên tắc, quy định về sử dụng và quản lý thuốc BVTV; thực hành IPM và sử dụng thuốc luân phiên, cũng như một số công nghệ phun thuốc mới như Drone. Mục tiêu của các hoạt động tập huấn này nhằm giúp trang bị thêm kiến thức và kỹ năng cho các cán bộ tại địa phương; từ đó, họ có thể tiếp tục chia sẻ và tập huấn cho các nông dân tại địa phương về sử dụng thuốc BVTV một cách có trách nhiệm.

Các cán bộ tập huấn sẽ không chỉ cung cấp các thông tin về lý thuyết mà còn trực tiếp "cầm tay chỉ việc" hướng dẫn nông dân về kỹ thuật, cách thức lựa chọn, pha chế, phun thuốc BVTV và xử lý bao gói thuốc sau sử dụng. Ảnh: Thanh Tâm.

Một kết quả đặc biệt của chương trình là các bên đã lựa chọn và triển khai tập huấn nông dân về sử dụng thuốc BVTV và phòng trừ dịch hại trên các cây trồng chủ lực của tỉnh. Đây là những mô hình thí điểm trong việc hướng dẫn nông dân thực hành các phương thức canh tác bền vững, từ đó nhân rộng sang các địa bàn lân cận với cây trồng tương tự. Điểm khác biệt về tập huấn trong mô hình là nông dân tham gia sẽ được tập huấn về sử dụng thuốc BVTV theo từng đợt, dựa trên quá trình sinh trưởng của cây trồng.

Các cán bộ tập huấn sẽ không chỉ cung cấp các thông tin về lý thuyết mà còn trực tiếp "cầm tay chỉ việc" hướng dẫn nông dân về kỹ thuật, cách thức lựa chọn, pha chế, phun thuốc BVTV và xử lý bao gói thuốc sau sử dụng. Những lưu ý về các loại dịch hại phổ biến và phương thức thực hành IPM để phòng trừ các loại dịch hại này cũng được phổ biến cho nông dân trong mô hình. Trong hai năm đầu, chương trình cũng lắp đặt bộ bể chứa để thu gom vỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng và hướng dẫn nông dân cách thu gom đúng cách.

Bà Bùi Thanh Hương – Trưởng phòng Thuốc BVTV, Cục BVTV (Bộ Nông nghiệp và PTNT) thăm mô hình trồng quýt tại Lai Vung. Ảnh: Thanh Tâm.

Chương trình tại Đồng Tháp được kỳ vọng là dự án thí điểm về tập huấn sử dụng thuốc BVTV. Kết quả và lợi ích thực tiễn từ chương trình được kỳ vọng sẽ lan toả và tạo động lực để nhân rộng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh, thành khác trên cả nước. Chương trình cũng cho thấy trách nhiệm của các bên tham gia cũng như tầm quan trọng của việc hợp tác, phối hợp nguồn lực giữa Chính phủ – địa phương – khối tư nhân (Hiệp hội và Doanh nghiệp) trong việc hỗ trợ, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV nói riêng và vật tư nông nghiệp đầu vào nói chung hướng tới canh tác nông nghiệp bền vững.

Thống kê kết quả sau 3 năm của Chương trình Hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm tại tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021-2026 cho thấy, đã xây dựng 6 mô hình trên các cây trồng chủ lực của tỉnh bao gồm: Lúa tại Lấp Vò; hoa kiểng tại Sa Đéc; sầu riêng tại Châu Thành; ớt tại Thanh Bình; xoài tại Cao Lãnh và cây có múi tại Lai Vung… Tổng diện tích triển khai mô hình đạt 352.7ha; Hoàn thiện 6 cuốn sổ tay tập huấn phòng trừ dịch hại trên các cây trồng tại mô hình; Tổ chức 24 lớp tập huấn cho 606 hộ nông dân tham gia mô hình (bao gồm cả tập huấn lý thuyết và thực hành); Lắp đặt 55 bộ thùng lưu chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng và xây dựng 1 nhà kho lưu trữ – tập kết bao gói thuốc trước khi mang đi tiêu huỷ.

Sau 3 năm triển khai dự án đã có 78 lớp tập huấn cho 3.140 nông dân; Tổ chức 16 lớp tập huấn cho 977 đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp; Thực hiện 2 đợt tập huấn cho 100 cán bộ tại tỉnh Đồng Tháp. Chương trình đã cung cấp 3.750 bộ đồ bảo hộ cá nhân cho nông dân khi phun và pha chế thuốc.

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
Top