Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 16 tháng 5 năm 2023 | 9:0

Xây dựng mã số vùng trồng: Còn nhiều rào cản

Mã số vùng trồng được xem như là “hộ chiếu thông hành” của nông sản. Bởi khi được cấp mã số, sản phẩm của vùng trồng đó sẽ có điều kiện thuận lợi đến các thị trường xuất khẩu theo đường chính ngạch.

Tuy nhiên, việc cấp mã số vùng trồng cho cây trồng chủ lực vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần sớm giải quyết.

Đẩy mạnh xây dựng mã số vùng trồng

Xác định cấp mã số vùng trồng cũng như thực hiện truy xuất nguồn gốc là cơ hội để tăng sức cạnh tranh cho nông sản ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu, thời gian qua, ngành Nông nghiệp và PTNT đã đồng hành, hỗ trợ, hướng dẫn người dân, HTX, doanh nghiệp đẩy mạnh việc thiết lập, xây dựng mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu cho những cây trồng chủ lực của các địa phương trên địa bàn cả nước.

Hiện nay, 53/63 địa phương đã được cấp 6.439 mã số vùng trồng. Bên cạnh đó,  1.618 cơ sở đóng gói tại 33 tỉnh, thành phố được cấp mã số xuất khẩu. 25 sản phẩm được cấp mã số như: thanh long, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, vú sữa, chanh, bưởi, măng cụt, dưa hấu, mít, chuối, khoai lang…; xuất sang 11 thị trường là Trung Quốc, Mỹ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Thái Lan, UAE, Malaysia và Singapore.

Quản lý mã số vùng trồng giúp nâng cao giá trị hàng hoá nông sản.

Tại Gia Lai, trong năm 2022, toàn tỉnh có 94 mã số vùng trồng và 22 mã số cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất sang thị trường các nước: Trung Quốc, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Hoa Kỳ... Chỉ tính riêng năm 2022, Gia Lai đã được cấp 53 mã số vùng trồng và 14 mã số cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu.

Ông Lê Văn Thanh, Giám đốc HTX Sản xuất, Thương mại, Dịch vụ, Du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh), cho biết, HTX đang triển khai xây dựng 2 mã vùng trồng cho sầu riêng với hơn 130ha và 8 mã vùng trồng cho chanh leo với hơn 180ha. Đồng thời, HTX đầu tư máy chế biến chanh leo, xây dựng kho lạnh bảo quản chanh leo và sầu riêng.

“Xây dựng mã vùng trồng là điều kiện bắt buộc để nông sản vươn ra thế giới, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Chính vì vậy, HTX đã thành lập tổ khuyến nông cộng đồng để hỗ trợ người dân về quy trình chăm sóc, đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng đáp ứng tốt cho thị trường xuất khẩu”, ông Thanh chia sẻ.

Bước sang năm 2023, trước thông tin khoai lang được xuất khẩu chính ngạch qua Trung Quốc, ngành Nông nghiệp tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp  để tập trung mở rộng số lượng mã số vùng trồng với tổng diện tích trên 300 ha..

Ông Trần Xuân Khải, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai, cho biết, đến nay, toàn tỉnh đã được cấp 146 mã số vùng trồng; trong đó, cây khoai lang được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp 18 mã số vùng trồng.

Theo ông Khải, mã số vùng trồng là tiền đề quan trọng cho xuất khẩu chính ngạch khoai lang, góp phần rút ngắn khâu trung gian, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế, cũng như đảm bảo đầu ra ổn định cho người dân. Qua đó, góp phần phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững.

Có thể nói, việc xây dựng mã số vùng trồng đã giúp chuyển biến nhận thức của nhà vườn trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, từng bước tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường các nước nhập khẩu, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, so với canh tác truyền thống.

Còn nhiều rào cản

Hiệu quả khi xây dựng mã số vùng trồng đối với HTX, người nông là rất rõ. Tuy nhiên, quá trình thực hiện  thiết lập mã số vùng trồng tại nhiều địa phương đang còn nhiều bất cập.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cho biết, hiện có hơn 710 mã số vùng trồng bị thu hồi. Mã số vùng trồng bị thu hồi chủ yếu ở các tỉnh Tiền Giang, Tây Ninh, Lâm Đồng, Bình Thuận…; phần lớn là nông sản xuất sang Trung Quốc.

Theo bà Hương, nguyên nhân mã vùng trồng bị thu hồi nhiều nhất do không đạt yêu cầu về chất lượng kỹ thuật.

Khó hơn, hiện nay, các mã số vùng trồng không chỉ phải chịu sự giám sát của địa phương, Cục Bảo vệ thực vật mà còn phải chịu sự giám sát của cả nước nhập khẩu.

Một trong những nguyên nhân khác khiến nhiều mã số vùng trồng bị thu hồi là do nhiều địa phương chỉ chú ý đến  mã số cấp mới mà chưa quan tâm tới việc duy trì, giám sát mã số đã cấp. Điều này dẫn đến một số vùng trồng cũ không được giám sát nghiêm ngặt, không ghi chép đầy đủ nhật ký canh tác, thường xuyên thiếu nhiều thông tin hay thông tin không thống nhất trong hồ sơ hoặc thực tế kiểm tra.

Sản phẩm thu hoạch để vào sọt tiếp xúc trực tiếp với mặt đất, điểm tập kết sản phẩm tạm thời, việc vận chuyển sản phẩm từ khu vực thu hái về điểm tập kết và di chuyển đến chỗ bán không được che đậy.

Đặc biệt, thời gian gần đây, một số địa phương ĐBSCL rộ lên dịch vụ làm hồ sơ xin cấp mã số vùng trồng, nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu minh bạch trong quản lý mã số vùng trồng.

Cùng với đó, HTX làm ăn chân chính cũng đang đối mặt với rủi ro về tình trạng một số doanh nghiệp mạo danh mã số vùng trồng được phép xuất khẩu để gian lận thương mại. Điều này đặt ra nhiều thách thức đối với việc xuất khẩu sản phẩm trồng trọt của Việt Nam, thậm chí có thể dẫn đến nguy cơ bị dừng xuất khẩu toàn ngành hàng.

Đưa giả mạo thông tin xuất xứ hàng hóa vào khung pháp lý

Để mã số vùng trồng thực sự phát huy hiệu quả thì cần sự phối hợp của nhiều đơn vị liên quan.

Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, ông Nguyễn Vĩnh Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long, cho biết: Các cơ quan chức năng địa phương cần tổ chức tập huấn cho nông dân và cán bộ nông nghiệp của xã nắm được các quy định của xây dựng mã số vùng trồng cũng như cơ sở đóng gói. Thứ hai là tiếp tục triển khai thiết lập các hồ sơ.

Trước tiên cần thực hiện tốt công tác quản lý cũng như nhân rộng số lượng mã số vùng trồng. Chính quyền địa phương cần lên kế hoạch tuyên truyền, phổ biến cho người dân nắm rõ được tầm quan trọng của việc cấp, duy trì mã số vùng trồng; duy trì việc tập huấn, nâng cao trình độ của cán bộ địa phương; xây dựng và ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển vùng trồng theo quy mô sản xuất hàng hóa, đáp ứng yêu cầu của bên mua.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp và PTNT các địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trên địa bàn; bố trí cán bộ đầu mối thông tin.

Cần giải quyết ngay hồ sơ đề nghị của chủ sở hữu hoặc người đại diện vùng trồng, cơ sở đóng gói trên cơ sở tuân thủ đúng quy định, minh bạch, trách nhiệm. Trường hợp chưa đạt yêu cầu phải có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, tránh để người dân, doanh nghiệp đi lại nhiều lần.

Địa phương thực hiện giám sát các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số theo đúng hướng dẫn và quy định của nước nhập khẩu, đảm bảo vùng trồng, cơ sở đóng gói luôn duy trì được tình trạng đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Đồng thời, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng phần mềm Nhật ký đồng ruộng, phần mềm Quản lý cơ sở đóng gói để cập nhật đầy đủ các thông tin theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Đối với doanh nghiệp, nông dân, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho rằng: Cần nâng cao tính tự giác, cần xem mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói tài sản quý cần gìn giữ, để phòng tránh gian lận mã số.

Liên quan đến gian lận mã số vùng trồng, cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Hải quan cửa khẩu, chính quyền địa phương, đơn vị kiểm dịch thực vật, cơ quan quản lý thị trường, cơ quan thuế... cần sự phối hợp, kiểm soát chặt chẽ hàng hóa nông sản lưu thông.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) chia sẻ: Cần đưa việc giả mạo thông tin xuất xứ hàng hóa vào khung pháp lý. Có như vậy, người dân và doanh nghiệp mới tự giác xây dựng mã vùng, mã xưởng.

“Các cơ quan Nhà nước cần có chế tài xử lý mạnh tay đối với vấn đề giả mạo. Bởi lẽ, việc chuyển đổi số ở Trung Quốc đã thực hiện nhiều năm, các cơ quan như hải quan, thuế, kiểm dịch, doanh nghiệp, ngân hàng đều liên thông số liệu với nhau. Bất cứ khâu nào cũng có thể phát hiện gian lận”, bà Thực nhấn mạnh.

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh Hóa thu ngân sách đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ

    Thanh Hóa thu ngân sách đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ

    Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tỉnh Thanh Hóa năm 2024, tại phiên họp thường kỳ tháng 11/2024, thu ngân sách Nhà nước tỉnh Thanh Hóa dự kiến đạt hơn 50 nghìn tỷ đồng, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ.

  • Du lịch sinh thái ở Cà Mau: Tiềm năng và vận hội

    Du lịch sinh thái ở Cà Mau: Tiềm năng và vận hội

    Cà Mau được thiên nhiên ưu đãi với địa lý, thiên nhiên án ngữ vùng cực Nam của Tổ Quốc. Nơi đây tồn tại 3 hệ sinh thái ngập nước ngọt, lợ, mặn riêng biệt, tạo nên một môi trường phát triển kinh tế thuận lợi. Đối với du lịch, môi trường tự nhiên của tỉnh này đang là tiềm năng, vận hội mới cho ngành công nghiệp không khói phát triển.

  • Kỳ vọng của Quỹ tín dụng nhân dân đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới

    Kỳ vọng của Quỹ tín dụng nhân dân đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới

    Bài viết này tập trung vào chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG) đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong nền kinh tế thị trường; vai trò của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đối với hệ thống QTDND trong thời gian qua, những đóng góp tích cực và những mặt còn hạn chế.

Top