Ông Phạm Ngọc Anh Tùng, nhà sáng lập Foodmap, cho biết, nếu biết cách gia tăng giá trị sản phẩm, xây dựng thương hiệu và cải thiện chất lượng, chúng ta hoàn toàn có thể tăng giá trị xuất khẩu gấp đôi, thậm chí gấp ba lần.
Hầu hết sản phẩm nông sản của Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô.
Nâng cao thương hiệu nông sản, nhân ba giá trị xuất khẩu
Dù Việt Nam có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu đứng top thế giới, song chủ yếu là xuất khẩu dưới dạng thô, thương hiệu nông sản Việt vẫn chưa khẳng định được tên tuổi, thương hiệu trên thị trường thế giới.
Đó là chia sẻ của các chuyên gia tại Toạ đàm "Vai trò của nông nghiệp đối với Việt Nam trong định hướng phát triển 2045". Tọa đàm diễn ra trong khuôn khổ chương trình "Diễn đàn Việt Nam: Thời khắc Việt" tại TP Hồ Chí Minh.
Ông Phạm Ngọc Anh Tùng, nhà sáng lập Foodmap, cho biết Việt Nam tự hào với nền nông nghiệp phát triển, là ngành xuất khẩu tỉ USD. Tuy nhiên, hầu hết sản phẩm nông sản của Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô.
"Nếu biết cách gia tăng giá trị sản phẩm, xây dựng thương hiệu và cải thiện chất lượng, chúng ta hoàn toàn có thể tăng giá trị xuất khẩu gấp đôi, thậm chí gấp ba lần" ông Tùng khẳng định.
Nhớ lại thời điểm 6 năm trước, ông Tùng chia sẻ trà Ô Long của Việt Nam khi đó chỉ bán được với giá 9 USD/kg, trong khi Đài Loan xuất khẩu cùng loại trà này sang Mỹ với giá lên tới 100 USD/kg.
"Đây là minh chứng rõ ràng cho tiềm năng của việc xây dựng thương hiệu và gia tăng giá trị sản phẩm. Chiến lược xây dựng thương hiệu quốc gia của Đài Loan đã giúp họ tạo ra sự chênh lệch giá trị lớn như vậy", ông Tùng nhấn mạnh.
Bài học từ Thái Lan và New Zealand
Tại toạ đàm, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, nhấn mạnh nông nghiệp bền vững, chất lượng cao là chìa khóa nâng cao giá trị nông sản Việt.
Bà dẫn chứng từ bài học của Thái Lan trong việc nâng cao thương hiệu sầu riêng. Việc nghiên cứu tăng độ khô của sầu riêng từ 32 lên 35 độ không chỉ đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường Trung Quốc mà còn tạo dựng uy tín quốc tế cho sầu riêng Thái.
Theo bà Hạnh, thành công này là kết quả của một hệ sinh thái nông nghiệp bền vững, trong đó chính phủ Thái Lan đóng vai trò quan trọng trong ban hành các chính sách hỗ trợ từ cấp xã đến cấp tỉnh, đảm bảo quản lý nông nghiệp được thực hiện nghiêm túc và chuyên nghiệp. Đồng thời, các viện nghiên cứu và doanh nghiệp cũng đóng vai trò then chốt, giúp nông dân tìm kiếm thị trường và phát triển giống mới.
"Để nông dân trở nên chuyên nghiệp, họ chỉ cần tập trung duy nhất một nhiệm vụ là đảm bảo chất lượng sản xuất và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế chứ không phải tìm kiếm thị trường hay nghiên cứu khoa học" bà Hạnh nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh - nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản (nay sát nhập với Bộ NN và PTNT) - cũng chia sẻ một ví dụ thành công khác từ New Zealand.
Ban đầu, đất nước này có tới 1.700 thương hiệu kiwi cạnh tranh nhau. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hợp tác và xây dựng thương hiệu chung Zespri, họ đã tiêu chuẩn hóa quy trình sản xuất và tiếp thị, đảm bảo chất lượng và sự đồng nhất trong quảng bá. Nhờ đó, thương hiệu Zespri không chỉ nổi tiếng trong nước mà ghi dấu ấn toàn cầu.
Nông sản Việt Nam cần “chắc chân” trên sân nhà
Với quy mô hơn 100 triệu dân, nhu cầu tiêu dùng nông sản tại thị trường nội địa khá lớn. Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc, nông sản Việt cần chinh phục thị trường Việt.
Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm nông sản (Nguồn: H.H)
Đánh giá chất lượng nông sản, bà Trịnh Huyền Mai - Phó trưởng Phòng Chính sách - xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, trong thời gian qua, chất lượng của nông sản Việt có những cải thiện đang kể để đáp ứng nhu cầu của thị trường ngày càng khó tính hơn, đa dạng hơn, kĩ hơn về an toàn thực phẩm, về hình thức, mẫu mã, bao bì và về cả chất lượng dịch vụ cung ứng.
Tuy nhiên, theo bà Mai, yếu tố minh bạch thông tin sản phẩm cũng rất quan trọng. Trong thời gian gần đây, các hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến đều được cấp mã số vùng trồng, mã truy xuất nguồn gốc, triển khai áp dụng các chương trình VietGAP, GlobalGAP cho sản phẩm của mình. Tuy nhiên, nhìn về tổng quan, mức độ, tỉ lệ còn hạn chế, nhỏ lẻ so với đại đa số các sản phẩm nông sản trôi nổi, chưa rõ nguồn gốc, hoặc thông tin sản phẩm còn sơ sài, không đầy đủ, người tiêu dùng rất khó để kiểm chứng thông tin. Trong khi đó, chi phí tiêu dùng cho các sản phẩm chất lượng, được kiểm chứng lại rất cao so với các sản phẩm thông thường.
Theo bà Trịnh Huyền Mai, việc không minh bạch thông tin sản phẩm là yếu tố tác động tiêu cực đến tính cạnh tranh lành mạnh của thị trường. Ví dụ các nhà sản xuất không có áp lực để làm đúng, làm chuẩn; khi nhà sản xuất làm đúng, làm chuẩn rồi lại thiếu động lực để duy trì chất lượng. Đối với người tiêu dùng, hoặc phải chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm không biết có an toàn hay không, có sạch hơn như quảng cáo không, hay dần mất niềm tin với sản phẩm nông sản của Việt Nam. Điều đó vô hình trung làm mất đi tính cạnh tranh của nông sản Việt trên thị trường trong nước so với các sản phẩm nhập khẩu.
Cũng thừa nhận, nông sản Việt Nam dù được nhiều thị trường đánh giá là có chất lượng cao, các thị trường lớn xuất khẩu của Việt Nam như Mỹ, Nhật, châu Âu là những thị trường khó tính, song theo ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), người tiêu dùng Việt Nam chưa có điều kiện để tiếp xúc, tiếp cận với nông sản có chất lượng cao. Việc này, một phần do định hướng của chính doanh nghiệp và xuất phát từ một số lý do.
Theo ông Tiến, hiện hầu hết với các doanh nghiệp lớn kinh doanh nông sản, đặc biệt là nông sản có giá trị cao đa số tập trung vào thị trường xuất khẩu; giá trị xuất khẩu trên thị trường quốc tế cao hơn thị trường trong nước. Lợi nhuận cao hơn thì doanh nghiệp trong nước sẽ ưu tiên xuất khẩu. Về phía cơ quan nhà nước, cơ chế kiểm soát và công tác quản lý chưa thực sự hoàn thiện. Trong khi người tiêu dùng lại mong muốn sản phẩm giá rẻ, nên những nông sản chưa đảm bảo chất lượng hoặc chất lượng không cao vẫn trôi nổi trên thị trường.
Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc, nông sản Việt cần phải chinh phục thị trường Việt. Việc nâng cao chất lượng, định vị và xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt “chắc chân” trên sân nhà không chỉ là yếu tố tiên quyết để khơi thông dòng chảy tiêu thụ nông sản nội địa, mà còn giúp các sản phẩm tự tin vươn ra toàn cầu.
Ông Nguyễn Minh Tiến cho hay, trước đây, các doanh nghiệp lớn tập trung vào thị trường xuất khẩu thì nay đã bắt đầu quan tâm tới thị trường trong nước. Vấn đề làm sao để các doanh nghiệp lớn trong nước ưu tiên cung cấp các nông sản chất lượng cao thì cần có sự kết hợp từ rất nhiều yếu tố.
Đầu tiên về phía các cơ quan quản lý nhà nước, phải tạo điều kiện thuận lợi, phải hình thành chuỗi giá trị, cung cấp chuỗi kết nối giữa hệ thống phân phối hiện đại và doanh nghiệp. Với xu hướng thương mại điện tử bùng nổ, đặc biệt là mạng xã hội cần hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ gắn kết với sàn thương mại điện tử để bán hàng có truy xuất có nguồn gốc và an toàn.
Để người tiêu dùng thực sự tin vào hàng Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh quảng bá trên nền tảng mạng xã hội, vì những phiên livetreams tạo ra hiệu ứng lan tỏa rất lớn. Qua các phiên livetreams, người tiêu dùng sẽ nhận thức được giá trị từ sản phẩm, theo đó, khả năng chi trả của họ cho sản phẩm sẽ ở mức cao hơn.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh hệ thống logistics chuyên biệt, cần nhất là logistics lạnh, kho lạnh, xe chuyên chở chuyên dùng để sản phẩm đến tay người tiêu dùng chuẩn chỉnh, đảm bảo an toàn chất lượng.
Cuối cùng là hướng tới người nông dân chuyên nghiệp. Ông Tiến cho biết, người nông dân cần được cấp phép, bảo đảm được quy trình về pháp lý, hình thành các kênh phân phối, cùng với sự vào cuộc của Nhà nước, hiệp hội thì người tiêu dùng trong nước sẽ được tiếp cận nhiều hơn nữa với nông sản chất lượng cao.
Về phía Bộ Công Thương, nhằm hỗ trợ đầu ra cho nông sản, bà Mai cho biết, thời gian qua, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương thường xuyên phối hợp triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường trong nước cho sản phẩm nông sản Việt, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm, mở rộng kênh phân phối cho các sản phẩm đặc sản của địa phương, vùng miền, quốc gia. Đặc biệt, với trọng điểm là chương trình cấp quốc gia xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại đã triển khai với rất nhiều đổi mới, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường nội địa cho sản phẩm nông sản.
Trung bình mỗi năm chương trình hỗ trợ cho các đơn vị chủ trì, các địa phương, hiệp hội, ngành hàng, tổ chức khoảng 15 hội chợ vùng cho các sản phẩm nông sản, đặc sản, sản phẩm OCOP của địa phương; tăng cường kết nối giao thương cho các ngành hàng, kết hợp với đẩy mạnh quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm.
Thời gian tới, bà Trịnh Huyền Mai cho biết, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp đồng hành cùng các Bộ, ngành; nhà sản xuất, nhà phân phối tiếp tục xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông sản có tính mùa vụ của địa phương tại thị trường nội địa./.
Ngành công nghiệp và kỹ thuật số đang phát triển mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các dự án hạ tầng quy mô lớn và môi trường pháp lý thuận lợi. Sự chuyển đổi sang hướng sản xuất giá trị gia tăng cao, cùng với khả năng logistics và trung tâm dữ liệu mở rộng, đang nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.
Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.