Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 15 tháng 5 năm 2023 | 16:27

Xuất khẩu nông, lâm sản có gặp khó trước quy định mới của EU?

Ngày 19/4, Nghị viện châu Âu (EP) thông qua luật cấm nhập khẩu các hàng hóa bị cho là liên quan hoạt động phá rừng.

Theo đó, nông sản chỉ được nhập vào EU nếu toàn bộ quy trình không diễn ra trên diện tích rừng bị chặt phá kể từ sau ngày 31/12/2020.

Nhiều sản phẩm XK chính nằm trong danh mục

Theo luật mới của EU, các sản phẩm chịu sự điều chỉnh gồm: gia súc chăn thả, ca cao, cà phê, dầu cọ, đậu nành, gỗ, cao su, kể cả các sản phẩm có chứa/được nuôi bằng/đã được tạo ra bằng cách sử dụng từ các nguyên liệu thô được liệt kê này (như thức ăn cho gia cầm gia súc, da, sô cô la, đồ nội thất, than củi, giấy in và một số dẫn xuất dầu cọ).

Sản xuất cà phê của Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng nhiều từ các quy định chống phá rừng của EU. Ảnh: Ngọc Thắng

Như vậy, có thể thấy, gần như toàn bộ các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU hiện nay đều nằm trong danh mục sản phẩm bị điều chỉnh bởi luật chống phá rừng. Trong khi theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, trong giai đoạn 2012 - 2017, 89% diện tích rừng tự nhiên bị mất do chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, phục vụ các dự án phát triển kinh tế.

Do đó, nếu các doanh nghiệp tiếp tục phá rừng để mở rộng sản xuất nông nghiệp, chắc chắn sớm nhất là trong năm tới sẽ bắt đầu có một số sản phẩm của Việt Nam có thể khó xuất sang châu Âu. 

Chia sẻ các quy định mới nhất từ Liên minh châu Âu, ông Rui Ludovino, Tham tán thứ nhất Các Chính sách về khí hậu, môi trường, việc làm và các vấn đề xã hội Phái đoàn Liên minh châu Âu (EC) tại Việt Nam, cho biết, EC vừa đưa ra dự luật cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản có quy trình sản xuất làm giảm diện tích rừng.

Dự luật này sẽ phải thi hành sau 18 tháng công bố, tức là vào khoảng tháng 12/2024 hoặc chậm nhất tháng 1/2025 sẽ có hiệu lực. Riêng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, sẽ được trì hoãn thêm 6 tháng sau thời hạn này. Các doanh nghiệp xuất - nhập khẩu hàng hóa cần phải biết thời hạn này để đáp ứng các yêu cầu của thị trường EU.

“EU sẽ ban hành một số hướng dẫn, nhưng các quốc gia cũng phải chuẩn bị để kiểm soát trong chuỗi cung ứng của mình. Việt Nam là quốc gia không có nguy cơ quá cao về mất rừng nhờ các chính sách bảo vệ rừng. Nhưng Việt Nam cần tăng cường hơn nữa trong chuỗi cung ứng để sản phẩm nông sản Việt Nam tiến sâu hơn vào thị trường EU”, ông Rui Ludovino lưu ý.

Ông Ngô Sĩ Hoài, Phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết: "Đối với các sản phẩm gỗ xuất khẩu sang EU, chúng tôi cho rằng sẽ không chịu tác động nhiều vì ở Việt Nam hiện nay không còn tình trạng chuyển đổi đất rừng tự nhiên. Việt Nam đã cấm khai thác rừng tự nhiên từ năm 2016 và Luật Lâm nghiệp cũng quy định khá chặt chẽ.

Do đó, hiện nay hầu như không có tình trạng chuyển đổi đất rừng, kể cả hợp pháp và bất hợp pháp, sang mục tiêu trồng rừng mới.

Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, cũng cho rằng, đạo luật mới của EU không tác động nhiều đến ngành cà phê bởi chỉ hạn chế việc phá rừng sau 31/12/2020 để trồng cà phê.

Theo ông Minh, cà phê ở khu vực Tây Nguyên hầu hết được trồng từ cách đây 20-30 năm. Do đó, nếu có tác động thì chỉ chịu tác động về thủ tục chứng minh nguồn gốc.

Những lưu ý

Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cho biết, trên 140 quốc gia - chiếm 90% diện tích rừng toàn cầu - là các bên ký kết Tuyên bố Glasgow về sử dụng đất và rừng, cam kết “ngăn chặn và đảo ngược” tình trạng mất rừng và suy thoái đất vào năm 2030. Đồng thời, mang lại sự phát triển bền vững và thúc đẩy quá trình chuyển đổi nông thôn bao trùm.

Để cụ thể hóa các cam kết “ngăn chặn và đảo ngược” tình trạng mất rừng và suy thoái đất, châu Âu thông qua các dự luật nhằm cấm nhập khẩu các mặt hàng liên quan đến nạn phá rừng. Theo đó, các công ty xuất, nhập khẩu sẽ phải truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nhập khẩu bán trên thị trường châu Âu có sản xuất tại các khu vực bị mất rừng hay không.

“Việc sản xuất và thương mại hàng hóa nông sản cần phải được định hướng phát triển bền vững theo chuỗi giá trị. Theo đó, không mở rộng diện tích nhưng tăng chất lượng và giá trị sản phẩm cũng như tăng cường sinh kế cho cộng đồng. Đồng thời, tăng cường trao đổi, thảo luận và học hỏi kinh nghiệm từ các đối tác quốc tế về các thực hành tốt để xây dựng lộ trình phát triển các ngành hàng nông sản của Việt Nam theo hướng bền vững, không gây mất rừng trong thời gian tới”, ông Bảo nhấn mạnh.

Đại diện các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng cho biết, về cơ bản, luật chống phá rừng của EU không tác động nhiều đến hàng hóa trong nước và phù hợp với các chính sách bảo vệ rừng của Việt Nam trong nhiều năm qua. Vấn đề nếu có, chính là sự khác biệt về mặt quy trình thủ tục mang tính kỹ thuật mà hai bên cần thống nhất.

Theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, quy định mới đặt ra các quy tắc thẩm định bắt buộc mạnh mẽ đối với các công ty muốn đưa các sản phẩm có liên quan vào thị trường EU. Các nhà khai thác và thương nhân sẽ phải chứng minh rằng các sản phẩm đều không liên quan đến phá rừng hoặc được sản xuất trên đất không bị phá rừng sau ngày 31/12/2020 và hợp pháp (tuân thủ tất cả các luật hiện hành có liên quan có hiệu lực tại quốc gia sản xuất). Đặc biệt, các công ty cũng sẽ được yêu cầu thu thập thông tin địa lý chính xác trên đất nông nghiệp, nơi các loại hàng hóa mà họ cung cấp đã được trồng, để có thể được kiểm tra xem có tuân thủ hay không. Các quốc gia thành viên cần đảm bảo rằng việc không tuân thủ các quy tắc sẽ dẫn đến các hình phạt có tính răn đe.

Ông Patrick Haverman, Phó trưởng Đại diện thường trú UNDP Việt Nam, cho biết: “UNDP sẵn sàng làm việc với các đối tác Chính phủ và khối tư nhân để xây dựng một môi trường thuận lợi cho chuỗi cung ứng nông sản không gây mất rừng. Đồng thời, hỗ trợ các mô hình thương mại và sản xuất không gây mất rừng, vì lợi ích của môi trường và con người, đặc biệt là nông hộ nhỏ và các cộng đồng dễ bị tổn thương”.

 

 

Vân Nhi
Ý kiến bạn đọc
  • Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…

  • Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.

  • Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Hiện tại, các chủ đầu tư gần như đang vượt qua chính mình khi phải cân bằng giữa các yếu tố đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp, sản phẩm phải chinh phục được đối tượng khách hàng là người trẻ.

Top