Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 9 tháng 1 năm 2019 | 20:8

Agribank cùng ngành Ngân hàng hoàn thành toàn diện các mục tiêu 2018

Năm 2018 được xem là năm hoạt động kinh doanh thành công của Agribank khi Ngân hàng đạt mức lợi nhuận 7.525 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
 
Sáng nay 09/01, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ Ngân hàng năm 2019. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, trong trong năm 2018, bám sát Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, NHNN đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 10/01/2018 và Chỉ thị số 04/CT-NHNN ngày 02/8/2018 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2018, đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả.
 
Trên cơ sở đó, NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp chính sách tiền tệ (CSTT) và hoạt động ngân hàng, đạt được các mục tiêu đề ra từ đầu năm, qua đó góp phần quan trọng trong kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý đồng thời đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD).
 
Thay mặt Ban lãnh đạo NHNN, Thống đốc khẳng định: Hệ thống ngân hàng có đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế nhưng cũng phải nhờ sự điều hành của Chính phủ giúp môi trường vĩ mô ổn định tạo điều kiện cho ngành Ngân hàng hoạt động hiệu quả.

“Chúng ta có môi trường kinh doanh tốt nhờ Chính phủ kiên định ổn định kinh tế vĩ mô. Nếu không có sự kiểm soát vĩ mô, kiểm soát lạm phát tốt thì ngành Ngân hàng cũng khó có thể hoàn thành các mục tiêu.” – Thống đốc nói.
 
 

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng phát biểu tại Hội nghị

Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2018, công tác điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng đã đạt được những kết quả tích cực.

Một là, NHNN đã thực hiện đồng bộ, linh hoạt các công cụ CSTT để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, góp phần kiểm soát lạm phát ở mức 3,54% (là năm thứ 5 liên tiếp lạm phát được kiểm soát ở mức dưới 4%) và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đạt 7,08% - cao nhất trong 11 năm trở lại đây. Đến cuối năm 2018, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 12,5% so với cuối năm 2017.

Hai là, mặt bằng lãi suất được duy trì ổn định trong bối cảnh lãi suất thị trường quốc tế gia tăng. Theo đó, NHNN đã điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và tiền tệ; tập trung điều tiết và đáp ứng kịp thời nhu cầu thanh khoản cho các TCTD, duy trì lãi suất thị trường liên ngân hàng ở mức hợp lý; điều chỉnh giảm lãi suất chào mua OMO từ 5%/năm xuống còn 4,75%/năm để góp phần giảm chi phí vốn cho TCTD; chỉ đạo các TCTD tiếp tục rà soát và cân đối khả năng tài chính để áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng và đảm bảo an toàn tài chính trong hoạt động. Mặt bằng lãi suất của các TCTD năm 2018 về cơ bản ổn định; lãi suất cho vay phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với ngắn hạn, trung-dài hạn khoảng 9-11%/năm.

Ba là, điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với cân đối vĩ mô, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế, gắn liền với nâng cao chất lượng, tập trung tín dụng vào sản xuất kinh doanh, tín dụng đối với các lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo hoạt động an toàn.
 
Với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tín dụng tăng ngay từ những tháng đầu năm và trải đều qua các tháng, tín dụng đến cuối năm 2018 tăng khoảng 14% so với cuối năm 2017. Cơ cấu tín dụng tiếp tục có sự điều chỉnh tích cực; trong đó tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát ở mức hợp lý.

Bốn là, tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, thông suốt, NHNN tiếp tục mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước. Trong năm 2018, NHNN đã chủ động và linh hoạt điều tiết thị trường ngoại hối, điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, phối hợp đồng bộ các công cụ CSTT, điều tiết thanh khoản, lãi suất tiền VND hợp lý để ổn định thị trường, có điều kiện bổ sung dự trữ ngoại hối, góp phần kiểm soát lạm phát.
 
Nhờ đó, tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, thanh khoản đảm bảo, các giao dịch ngoại tệ diễn ra thông suốt, nhu cầu mua-bán ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Thị trường vàng trong nước tiếp tục diễn biến ổn định và dao động trong biên độ hẹp trong bối cảnh giá vàng quốc tế diễn biến phức tạp.

Năm là, trong công tác tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, mặc dù thời gian triển khai chưa dài nhưng Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu và Quyết định 1058/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 (Quyết định 1058) đã đi vào cuộc sống, tạo được nhiều chuyển biến tích cực.
 
Có thể khẳng định Nghị quyết 42 và Quyết định 1058 thể hiện sự thống nhất về quan điểm, sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhằm tháo gỡ khó khăn trong tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) và xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa hệ thống, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

Sáu là, trong hoạt động thanh toán, ngành Ngân hàng cũng là một trong những ngành chủ động đi đầu ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghệ (CMCN 4.0), qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ, gia tăng các tiện ích cho khách hàng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM).

Bảy là, công tác đảm bảo chất lượng, an toàn, thông suốt các giao dịch ATM và hệ thống thanh toán và đảm bảo nhu cầu tiền mặt dịp cuối năm được NHNN đặc biệt quan tâm. NHNN thường xuyên theo dõi, giám sát để kịp thời chỉ đạo các NHTM về chất lượng dịch vụ, an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, hoạt động của hệ thống ATM.
 

Chủ tịch HĐTV Agribank Trịnh Ngọc Khánh phát biểu tại Hội nghị

Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị đưa ra các giải pháp, kiến nghị để năm 2019, NHNN điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu bình quân dưới 4%; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.

Là đại diện Ngân hàng đầu tiên phát biểu, ông Trịnh Ngọc Khánh - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank cam kết giảm lãi suất cho vay. Agirbank sẽ giảm 0,5% lãi suất cho vay với các đối tượng ưu tiên, gồm cả cho vay trung hạn, ngắn hạn và dài hạn.

Chủ tịch HĐTV Agribank Trịnh Ngọc Khánh cho biết, kết thúc năm 2018, Agribank đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh được Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính giao. Tổng tài sản đạt gần 1 triệu 300 nghìn tỷ đồng; Nguồn vốn huy động đạt hơn 1 triệu 200 nghìn tỷ đồng; Dư nợ đạt gần 1 triệu 100 nghìn tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế đạt 7.525 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước tới nay.

Agribank cũng vui mừng báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và toàn thể quý vị đại biểu, vì lợi nhuận tăng cao so với năm 2017 hoàn toàn không phải từ tăng lãi suất cho vay, Agribank đã giữ được lời hứa đầu năm 2018 về việc giảm lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên và thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng với khách hàng.

Là ngành dịch vụ, tăng trưởng của nền kinh tế chính là nguyên nhân đã giúp Agribank không chỉ đưa nợ xấu nội bảng về mức 1,51%, tăng thu dịch vụ ở mức trên 20%, mà còn giúp Agribank thu hồi được gần 12 nghìn tỷ nợ đã bán và đã xử lý rủi ro, chiếm tỷ lệ 14% tổng dư nợ đã xử lý, con số rất có ý nghĩa làm nên 7.525 tỷ đồng lợi nhuận năm 2018 của Agribank. 

Chủ tịch HĐTV Agribank Trịnh Ngọc Khánh nhấn mạnh, Agribank cảm ơn Đảng, Chính phủ và các Bộ ngành, NHNN đã có các  chính sách phù hợp giải pháp linh hoạt, thị trường tiền tệ ổn định, sản xuất phát triển, kinh tế tăng trưởng cao tạo điều kiện cho TCTD trong đó có Agribank hoạt động kinh doanh an toàn, hiệu quả, có cơ hội đóng góp nhiều hơn cho ngân sách nhà nước. Bằng nội lực của mình, Agribank sẵn sàng cạnh tranh lành mạnh với các NHTM khác về lãi suất cho vay. Hưởng ứng lời kêu gọi của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ngay từ đầu năm 2019, Agribank sẽ tiếp tục thực hiện giảm thêm 0,5% lãi suất cho vay đối với 05 đối tượng ưu tiên theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016, ông Khánh nói.

Chủ tịch HĐTV Agribank Trịnh Ngọc Khánh cho biết thêm, thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN giao trong nhiều cuộc họp của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về trách nhiệm tham gia cùng các ngành các cấp cả nước tuyên chiến với “tín dụng đen”.
 
Agribank đã và đang triển khai các chương trình, đơn giản hóa thủ tục cho vay, cải tiến quy trình cho vay, đổi mới phương thức cho vay; Kết hợp với Ủy ban nhân dân, Hội nông dân, Hội phụ nữ đẩy mạnh cho vay qua tổ, nhóm; triển khai an toàn 68 Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng; Xem xét cấp hạn mức, mở rộng đối tượng thấu chi qua tài khoản thanh toán không cần đảm bảo bằng tài sản cho các đối tượng là cá nhân, hộ gia đình cư trú ổn định trên địa bàn nông thôn để đáp ứng nhanh nhất nhu cầu vốn đột xuất của người dân (dự kiến khoảng 5-10 nghìn tỷ đồng) tạo thuận lợi tối đa để người dân kể cả vùng sâu, vùng xa, khu vực kinh tế khó khăn dễ dàng tiếp cận vốn vay và dịch vụ ngân hàng.

Kế hoạch năm 2019, theo Thống đốc Lê Minh Hưng, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hoà với chính sách tiền tệ và kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát dưới 4%; duy trì ổn định nền kinh tế tăng trưởng ở mức hợp lý, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối...

Một số biện pháp trọng tâm như điều hành nghiệp vụ thị trường mở nhằm điều tiết thanh khoản của các TCTD ở mức hợp lý; điều hành công cụ dự trữ bắt buộc đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ khác; tái cấp vốn cho các TCTD để hỗ trợ thanh khoản, cho vay theo các chương trình đã được Chính phủ phê duyệt, hỗ trợ cho các TCTD cơ cấu lại và xử lý nợ xấu; điều hành lãi suất, tỷ giá ở mức hợp lý; điều hành tín dụng tăng trưởng hợp lý đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng (tín dụng tăng trưởng ở mức 14% và linh hoạt theo điều kiện thị trường, có ưu tiên các ngân hàng thực hiện Basel II sớm...); chủ động quản lý thị trường vàng và ngoại tệ một cách hiệu quả, củng cố dự trữ ngoại hối. Công tác tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu cũng sẽ được NHNN tiếp tục đặt trọng tâm trong năm nay.
 
 
 
Quang Tùng
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top