Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 1 tháng 11 năm 2016 | 5:41

Agribank Đồng Nai chung sức xây dựng nông thôn mới

KTNT - Tỉnh Đồng Nai hiện là lá cờ đầu của cả nước trong thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Góp phần vào thành tích này, Agribank Đồng Nai được Tỉnh ủy và UBND tỉnh đánh giá cao về những nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đứng đầu trong các tổ chức tín dụng trên địa bàn trong đầu tư nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.
 
Tính đến thời điểm 30/9/2016, nguồn vốn huy động của Agribank Đồng Nai đã đạt 23.606 tỷ đồng, dư nợ đạt 11.098 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 9.806 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 88% tổng dư nợ. Đặc biệt, đến nay đơn vị đã đầu tư tín dụng 5.197 tỷ đồng cho 91 xã NTM của tỉnh. Tại lễ kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam lần thứ VI năm 2016 của tỉnh, Agribank Đồng Nai đã được UBND tỉnh trao tặng danh hiệu “Doanh nghiệp xuất sắc”. Giám đốc Agribank Đồng Nai - Ông Nguyễn Huy Trinh được vinh danh là một trong 10 doanh nhân  được trao tặng danh hiệu “Doanh nhân xuất sắc” trong đợt này.
 
 
 Ông Nguyễn Huy Trinh (thứ 2 từ trái sang) - Giám đốc Agribank Đồng Nai - nhận Bằng khen
 
Giúp nông dân tăng thu nhập, ổn định cuộc sống
 
Nhân dịp này, đoàn công tác của Agribank Đồng Nai đã đến tham quan Hợp tác xã (HTX) xoài Suối Lớn tại ấp 1A, xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc vào một ngày đầu tháng 10. Đi giữa những vườn xoài sum xuê trái, anh Nguyễn Trí Phúc - Phó phòng Tín dụng huyện Xuân Lộc cho biết, trước đây vùng đất này chỉ toàn đá, sỏi lởm chởm; những người dân ở các tỉnh miền Tây về đây lập nghiệp đã ra sức cải tạo đất và trồng nên những vườn xoài cho năng suất cao. Ngay từ thời gian đầu, Agribank chi nhánh Xuân Lộc đã tiếp cận, tư vấn và hỗ trợ cho vay vốn với lãi suất ưu đãi nên nhiều hộ từ con số không, nhờ chí thú làm ăn theo thời gian đã vươn lên làm giàu chính đáng và bền vững.
 
Chủ nhiệm HTX xoài Suối Lớn, ông Nguyễn Thế Bảo (khách hàng truyền thống của Agribank) cho biết, năm 1995, ông cùng gia đình rời quê Đồng Tháp đến ấp 1A, xã Xuân Hưng lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Thời gian đầu, gia đình ông gặp nhiều khó khăn vì có đất mà không có vốn để đầu tư trồng trọt. Năm 1999, ông đã vay vốn 100 triệu đồng từ Agribank chi nhánh Xuân Lộc để trồng xoài. Lúc bấy giờ ông và 2 người anh trai cùng làm chung trên diện tích 10 ha đất. “Khi nghe tôi vay số tiền lớn tương đương 20 cây vàng lúc bấy giờ vợ tôi đã khóc ngất vì lo lắng không có khả năng trả cho ngân hàng. Tuy nhiên, sau khi nghe tôi thuyết phục kế hoạch sản xuất của mình thì vợ cũng phần nào yên tâm. Tôi đã dùng số tiền trên sắm sửa hệ thống tưới tiết kiệm, mua máy móc, thiết bị… để chăm sóc vườn xoài. May mắn là năm vườn xoài ra trái đầu tiên đã trúng mùa và đem lại doanh thu cho gia đình được 1 tỷ đồng, tương đương 200 cây vàng”, ông Bảo nhớ lại.
 
Ông Nguyễn Thế Bảo - Chủ nhiệm Hợp tác xã xoài Suối Lớn 
 
Hiện nay, 3 anh em ông Bảo đã tách ra làm ăn riêng và tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích vườn xoài với tổng cộng 40 ha; riêng ông Bảo hiện có 10 ha xoài. Thấy gia đình ông Bảo làm ăn hiệu quả cao nên nhiều hộ xung quanh cũng đi vay vốn Agribank để đầu tư trồng xoài, phát triển kinh tế. “Những năm qua, nhờ nguồn vốn Agribank đã tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi làm ăn phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống ngày càng ổn định hơn. Trong giai đoạn HTX xoài Suối Lớn đang đà phát triển sẽ cần nguồn vốn nhiều hơn nữa. Cho nên rất mong ngân hàng tiếp tục đồng hành cùng chúng tôi trong thời gian tới”, ông Bảo bộc bạch. 
 
Trước đây, ông Nguyễn Văn Phương (ấp 2A, xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc) đã sử dụng 4 ha vườn để trồng tràm, sau đó chuyển qua trồng cây cao su nhưng không mang lại hiệu quả. Đến năm 2013, ông quyết định chặt bỏ cây cao su để chuyển đổi sang trồng thanh long ruột đỏ. Nhờ có thời gian dài làm việc ở tỉnh Bình Thuận nên ông Phương rất am hiểu về giống cây cũng như “tay nghề” trồng thanh long của mình. Tuy nhiên, thời gian đầu ông gặp nhiều khó khăn về vốn vì mức đầu tư cho cây thanh long rất cao, nhất là việc đầu tư hàng trăm triệu đồng để kéo đường điện 3 pha thắp sáng cho cả khu vườn. Biết Agribank có chương trình cho vay vốn với lãi suất thấp nên ông mạnh dạn đăng ký vay 2,3 tỷ đồng để làm kinh tế. Nhờ chọn hướng đi đúng đắn nên vườn thanh long nhà ông trở nên xanh tốt và năm nào cũng ra trái nhiều. Ông Phương cho hay “Qua năm thứ 3 vườn thanh long nhà tôi đã cho thu hoạch. Dự kiến năm nay nếu 1 ha thanh long thu hoạch trung bình 40 tấn thì 4 ha được 160 tấn. Tính theo giá thấp của cùng kỳ năm ngoái là 12.000 đồng/kg thì gia đình tôi cũng thu được trên 1,9 tỷ đồng”.
 
Tiếp tục đồng hành cùng nông dân
 
Ông Lê Quốc Việt - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Xuân Lộc cho biết, thời gian qua, Hội rất quan tâm đến các loại dịch vụ hỗ trợ cho nông dân trên địa bàn. Hiện Hội có rất nhiều dịch vụ hỗ trợ như dịch vụ hỗ trợ về khoa học công nghệ, tư vấn đào tạo nghề... nhưng trong đó quan trọng nhất là dịch vụ hỗ trợ vốn. Do đó, Hội đã ký kết liên tịch với Agribank chi nhánh huyện Xuân Lộc và làm cầu nối để bà con tiếp cận ngân hàng vay vốn được thuận lợi hơn. Đặc biệt, đối với những hộ dân có đất nhưng chưa có sổ đỏ thì Hội phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thành lập Tổ vay vốn để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con vay được vốn. Hiện cả huyện có trên 30.000 lượt hộ vay vốn từ ngân hàng để làm ăn.
 
 
Vườn thanh long đang ra trái của ông Nguyễn Văn Phương
 
Ông Nguyễn Bá Thành - Giám đốc Agribank chi nhánh Xuân Lộc - cho biết những năm qua, đầu tư tín dụng của Agribank chi nhánh huyện Xuân Lộc luôn đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Trong đó, cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn được tập trung ưu tiên, không thiếu vốn cho khách hàng vay. Tổng dư nợ tính đến ngày 30/9/2016 của chi nhánh hơn 1.068 tỷ đồng và trở thành một trong những huyện có số dư nợ lớn nhất của tỉnh Đồng Nai.
 
Với kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trên lĩnh vực tiền tệ ngân hàng, uy tín và thương hiệu của Agribank Đồng Nai đã được khẳng định và gắn bó với tất cả các đối tượng khách hàng, đặc biệt là khu vực nông nghiệp, nông thôn. Hệ thống mạng lưới Agribank Đồng Nai từ lâu đã mở rộng khắp các huyện, xã trên địa bàn tỉnh, các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Từ đó, đã tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng ở mọi vùng miền giao dịch với ngân hàng. Agribank Đồng Nai thường xuyên phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể cho vay vốn thông qua tổ nhóm để chuyển vốn đến bà con nông dân kịp thời, đáp ứng nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.
 
Định hướng trong thời gian tới, ông Nguyễn Huy Trinh - Giám đốc Agribank Đồng Nai - cho biết, chi nhánh tiếp tục triển khai các biện pháp tăng trưởng tín dụng; triển khai đầy đủ, kịp thời các chương trình cho vay ưu đãi phí sử dụng vốn, ưu đãi lãi suất; tạo điều kiện tăng trưởng dư nợ, đồng thời hỗ trợ khách hàng hạn chế được chi phí tài chính, góp phần tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời khảo sát nhu cầu vốn tín dụng, đặc biệt là nhu cầu vốn tại địa bàn nông nghiệp nông thôn, tập trung đầu tư cho vay nông nghiệp nông thôn, cho vay các lĩnh vực ưu tiên phát triển. Đặc biệt, trong công cuộc xây dựng NTM của tỉnh nhà, chi nhánh luôn đồng hành, quan tâm và tập trung tối đa nguồn lực cho các địa phương trong tỉnh nhằm góp phần chung sức xây dựng thành công chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới.
 
Đình Thanh
 
 
KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top