Sau 1 tuần liền mưa lũ, trời Hà Tĩnh bắt đầu hửng nắng. Chạy đua với thời tiết, đoàn thể, các lực lượng quân đội, công an và đoàn viên thanh niên trong tỉnh đang khẩn trương hỗ trợ người dân, trường học và công sở ở vùng lũ khắc phục hậu quả mưa lũ.
Thiệt hại “kép”
Dù biết những cánh đồng bị ngâm úng chẳng còn gì nhiều sau đợt mưa dai dẳng, nhưng bà Nguyễn Thị Vân ở xã Nam Hương (Thạch Hà) vẫn ra đồng gặt lúa từ sáng sớm. Nhà làm 4 sào lúa đã đến kỳ thu hoạch nhưng chẳng kịp trở tay khi mưa bão đến. Giờ đây, lúa từng đám nằm sạp dưới nước, phải khó khăn lắm bà mới có thể đưa liềm vào vớt lúa.
“Lúa vừa độ chín thì gặp mưa bão nên bị đổ rạp hết. Bây giờ chỉ có gặt tay chứ không máy nào gặt được. Cả buổi sáng chỉ gặt được hơn 1 sào ruộng, hy vọng trời đủ nắng cho phơi hạt lúa, vớt vát được phần nào”, bà Vân chia sẻ.
Chạy đua với trời, những cánh đồng tấp nập người, chẳng ai có thời gian để nghỉ ngơi. Bòn lúa trũng nước, nặng nề như tâm trạng của người nông dân sau lũ lụt. Đợt lũ lần này cùng với nhiều hecta lúa ngoài đồng chưa kịp gặt thì hàng nghìn tấn lúa trong nhà chưa kịp phơi của nông dân cũng bị mốc meo, nảy mầm; nhiều vườn mẫu cũng bị hư hại.
“Tôi còn 3 sào ngoài đồng nữa nhưng nước ngập sâu quá, chưa thể gặt được. Ruộng nào ngập sâu thì xác định không còn gì, 1 mẫu ruộng, thứ ngoài đồng thì trời lấy đi, thứ trong nhà thì mốc meo. Biết rằng chẳng thể để ăn hay bán nhưng tôi vẫn tranh thủ nắng, phơi lên làm thức ăn cho lợn, gà”, chị Trần Thị Hà ở Cẩm Hưng (Cẩm Xuyên) thở dài.
Hơn 4.200m2 vườn trồng mướp ngọt, mướp đắng, rau, cây ăn quả của gia đình ông Nguyễn Kỳ Toàn ở thôn Tân An, xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) bị ngập úng, vùi dập bởi đất và nước.
“Thu nhập từ vườn khá cao, chỉ tính riêng tiền từ bán mướp đắng và mướp ngọt, mỗi ngày mang lại khoảng 300 ngàn đồng. Giờ bị ngập và vùi dập như thế này rồi nắng lên chắc chắn cây sẽ bị héo và chết”, ông Toàn chia sẻ.
Huyện miền núi Hương Khê đang ưu tiên cho ổn định cuộc sống, vệ sinh nơi ở. Hàng trăm hecta lúa đã bị nước lũ cuốn trôi, làm hư hại hoàn toàn. Hơn 1.900ha bưởi bị ngập trong nước.
Tình người trong mưa lũ
Tuổi đã cao lại sống một mình nên khi lũ rút, ông Trần Quân Huấn (ngụ xã Hòa Hải, huyện Hương Khê) không biết xoay xở thế nào để dọn lớp bùn đất bám trên bàn ghế, giường tủ.
Nỗi lo lắng của cụ ông 85 tuổi như vơi bớt khi cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Hòa Hải (Hương Khê) đến giúp lau dọn nhà cửa. “Nếu không có các chú bộ đội đến giúp thì chắc tôi cũng phải mất vài ba ngày mới dọn được nhà”, ông Huấn xúc động nói.
Trực tiếp tới các vùng rốn lũ những ngày qua, chứng kiến những đau thương, mất mát, càng cảm nhận sâu sắc tình người bừng sáng ấm áp. Sẻ chia gánh nặng cùng đồng bào ruột thịt đang từng ngày phải gồng mình chống chọi và khắc phục ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ, từ hệ thống chính trị đến mỗi người dân đều đồng lòng hướng về những miền đất ấy. Đó là khi Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hủy mọi cuộc họp để đi thực địa chỉ đạo ứng phó ngập lụt, bảo vệ an toàn đê điều, cứu trợ người dân. Là khi hàng trăm chiến sĩ bộ đội, công an, dân quân trắng đêm ngâm mình hàng giờ dưới mưa để đưa người dân chạy lũ, giúp dân gặt lúa bị lụt; những hộ dân tận tình đưa các em nhỏ về nhà mình cưu mang miếng cơm, manh áo lúc tránh bão; sự hy sinh của những con người giàu tinh thần trách nhiệm trong khi làm nhiệm vụ... khiến mọi người rưng rưng xúc động về sự sẻ chia, đùm bọc, quên mình.
1.900ha bưởi ở rốn lũ Hương Khê có nguy cơ mất mùa, rớt giá, một chiến dịch giải cứu bưởi đã tự động hình thành. Cán bộ, các chiến sỹ công an, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân và cả những phóng viên bão lũ đã tận tâm, tận lực tình nguyện trở thành những maketting, những shipper thực thụ. Hoàn toàn phi lợi nhuận, họ bỏ công, bỏ của để bán hàng giúp dân vùng lũ, hàng vạn quả bưởi được tiêu thụ đã thay ngàn lời nói về tình người lúc khó khăn của con người Hà Tĩnh.
Đặc biệt, không chỉ thể hiện sự sẻ chia bằng tiền, đồ dùng, lương thực, còn có thể nhận thấy sự cảm thương chân thật, sâu sắc với đồng bào nơi bão lũ qua những lời tâm sự, kêu gọi ủng hộ tràn ngập trên mạng xã hội của những người trẻ. Điều này thêm lần nữa khẳng định, qua chiều dài lịch sử, tinh thần dân tộc, truyền thống “lá lành đùm lá rách” của người Việt Nam chưa bao giờ ngừng chảy và càng trong hoạn nạn càng tỏa sáng. Đó là niềm động viên lớn lao, giúp người dân vùng lũ Hà Tĩnh vượt qua mọi thử thách và luôn thấy cảm thấy ấm lòng khi được sẻ chia.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.