Mô hình tự quản ở huyện miền núi Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) sau nhiều năm triển khai đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn. Nhờ đó, người dân miền núi yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế.
Giữ gìn an ninh trật tự
Những năm qua, chính từ huyện đến cơ sở ở Nam Đông đã phối hợp cùng các ngành liên quan triển khai xây dựng và thực hiện nhiều mô hình tự quản hiệu quả ở khu dân cư tại các thôn, bản, tổ dân phố; góp phần quan trọng trong việc giữ vững tình hình an ninh trật tự, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn.
Nam Đông đã xây dựng 8 mô hình người dân tự quản về an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở, trong đó nổi bật các mô hình, như: “Tiếng kẻng an ninh”, “Dòng họ Hồ thôn Lập, xã Thượng Nhật đảm bảo ANTT”, “Phòng ngừa, trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật dựa vào cộng đồng”, “Tổ nhân dân tự quản về ANTT”... Cùng với đó, nhiều mô hình tự quản khác tại khu dân cư trên địa bàn huyện Nam Đông cũng được xây dựng và hoạt động nề nếp, mang lại thành quả tích cực, như: “Khu dân cư không có tội phạm”, “Đường xanh sạch đẹp”, “Đoạn đường không có rác thải”...
Tại thôn Phú Nhuận (xã Hương Xuân), mô hình “Tiếng kẻng an ninh” kết hợp với mô hình “Thôn không có tội phạm và tệ nạn xã hội” đã góp phần nâng cao nhận thức người dân trong công tác đấu tranh tố giác tội phạm, ngăn chặn tệ nạn xã hội. Cụ thể: 15 hộ dân được chọn treo 15 kẻng. Mỗi khi có vụ việc trộm cắp, đánh nhau gây rối trật tự công cộng, cháy nổ, cháy rừng,… thì 15 kẻng được đánh báo hiệu cho người dân trong thôn biết để mọi người cùng nhau tham gia giải quyết.
Ông Hoàng Tôn Bảo Long, Trưởng Ban điều hành mô hình này cho biết, trước đây, tình trạng thanh niên uống rượu, bia say gây rối mất trật tự thôn xóm, nạn trộm cắp tài sản, trộm cắp vặt, nhất là trộm chó diễn biến hết sức phức tạp gây phẫn nộ trong nhân dân. Sau hơn 3 năm xây dựng nhân rộng mô hình tự quản cùng với lực lượng Công an xã tăng cường công tác tuần tra đêm khép kín địa bàn, tình hình ANTT ở địa bàn luôn được ổn định. Nhờ đó, người dân yên tâm để tập trung làm ăn, phát triển kinh tế.
Hoạt động của các mô hình tự quản ở khu dân cư trên địa bàn huyện Nam Đông thời gian qua bước đầu đã đạt được những hiệu quả tích cực. Dưới hình thức các tổ tự quản, các mô hình tự quản đều duy trì hoạt động thường xuyên với những cách làm cụ thể phù hợp với điều kiện của từng khu dân cư. Các tổ trưởng, tổ phó tổ tự quản đã phát huy tinh thần trách nhiệm cao trong duy trì các hoạt động của tổ theo quy chế; xây dựng kế hoạch, thực hiện các nhiệm vụ của tổ như công tác vệ sinh môi trường, xây dựng khu dân cư xanh - sạch - đẹp, giữ gìn an ninh trật tự, tham gia phát triển kinh tế. Nhiều mô hình tự quản đã được Chủ tịch UBND huyện Nam Đông và Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế khen thưởng.
Từ thôn, xóm đến trường học
Không chỉ cộng đồng, các mô hình tự quản còn được đưa vào các nhà trường nhằm nâng cao hiệu quả đảm bảo an ninh, trật tự - an toàn giao thông tại các trường học trên địa bàn huyện Nam Đông . Trong đó, điển hình như “Mô hình nhà trường tự quản về an ninh, trật tự, an toàn giao thông” hay “Cổng trường an toàn giao thông”.
Theo ông Trần Đức Triển, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Khe Tre, trước đây, vào giờ tan học, tình trạng nhiều phụ huynh đến đón con em trước cổng trường rất lộn xộn, không chấp hành luật lệ giao thông, gây mất an toàn giao thông (ATGT) cho học sinh và những phương tiện đi lại trên tuyến Tỉnh lộ 14. Từ khi triển khai thực hiện mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”, nhà trường đã giao giáo viên chủ nhiệm các lớp tiến hành triển khai ký cam kết ATGT đến toàn thể phụ huynh học sinh, 100% phụ huynh hưởng ứng và thực hiện nghiêm túc, nên tình trạng mất ATGT đã giảm dần.
Để thực hiện tốt hơn nữa, nhà trường đã tổ chức quán triệt vấn đề chấp hành Luật ATGT đương bộ và các quy định về thực hiện cổng trường ATGT thông qua các buổi họp phụ huynh; 25 giáo viên trực cổng trường hằng ngày nhằm hướng dẫn học sinh trong giờ ra về cũng như phụ huynh thực hiện các yêu cầu đề ra. Cùng với đó, sử dụng các nền tảng số như facebook, zalo để tuyên truyền, vận động.
Thượng tá Nguyễn Nam Sinh, Trưởng công an huyện Nam Đông, chia sẻ, những năm qua, công tác xây dựng mô hình, điển hình trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn huyện luôn được quan tâm; chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ ANTT. Đặc biệt, nội dung, hình thức của phong trào thường xuyên được đổi mới, xây dựng đa dạng theo hướng “tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải”, “dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện”. Vì vậy, được các cấp, ngành, chính quyền địa phương đánh giá cao, được quần chúng nhân dân ủng hộ, góp phần xây dựng thế trận lòng dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc; phát huy vai trò, trách nhiệm của nhân dân và cả hệ thống chính trị vào phong trào đảm bảo ANTT.
Dự báo tình hình ANTT trên địa bàn huyện miền núi Nam Đông sẽ có diễn biến phức tạp khi tuyến cao tốc Túy Loan - La Sơn đi vào hoạt động. Do đó, đặt ra yêu cầu phải không ngừng phát huy vai trò tích cực, tự giác của quần chúng nhân dân, nhân rộng và phát huy có hiệu quả các mô hình tự quản về ANTT trên địa bàn… Qua đó, góp phần xây dựng huyện Nam Đông đạt chuẩn nông thôn mới.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.