Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 7 tháng 10 năm 2016 | 2:11

An toàn như rau Tự Nhiên

Tận dụng lợi thế của địa phương, năm 2011, bà Nguyễn Thị Luyến ở bản Tự Nhiên, xã Đông Sang (Mộc Châu - Sơn La) đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn (RAT). Tuy nhiên, trước nhu cầu đổi mới, sau 2 năm, tổ hợp tác đã nâng lên thành HTX kiểu mới để sản xuất theo chuỗi và nhanh chóng trở thành địa chỉ xanh trong chuỗi sản xuất nông sản an toàn.

“Cô nàng” đỏng đảnh

Tham gia chuỗi sản xuất RAT từ trang trại đến bàn ăn, bà con  bản Tự Nhiên xác định, mặc dù có nhiều lợi thế do thiên nhiên ưu đãi như: nguồn đất, nước, không khí trong lành nhưng đây cũng là mặt hàng khó sản xuất, khó tiêu thụ, không khác gì một “cô nàng” đỏng đảnh. Sáng là rau, chiều đã là rác. Khó bảo quản, vận chuyển đi xa, đặc biệt, người trồng rau hết sức vất vả, vừa sản xuất, vừa phải ghi nhật ký (5 loại sổ). Mỗi loại rau có quy trình chăm sóc riêng.

Chăm sóc rau cải tại vườn ông Mễ.

Ông Nguyễn Văn Chu, ở xóm Mới, cho biết, ông có 1.500m2 rau các loại và tham gia HTX từ năm 2011 đến nay. Để sản xuất RAT, ông phải trải qua hàng chục lớp học của nhiều giảng viên trong và ngoài nước, từ khâu làm đất đến chăm sóc, thu hoạch. Điều học viên phải tuân thủ là ghi chép đầy đủ công việc diễn ra hàng ngày vào nhật ký. Đặc biệt lưu ý, chưa đủ thời gian cách ly thì chưa được thu hái. Khi mới phun thuốc phải cắm biển: “Nguy hiểm, cấm hái”.

Đến lớp học ông Chu mới biết, trước kia mình chỉ trồng theo tập quán, không có kỹ thuật, bón phân tùy tiện, có khi vừa bón xong vài ngày lại bón tiếp, hoặc gần đến ngày thu hoạch bón thêm đạm để rau mượt, dễ bán. Không biết cây thiếu chất gì, cứ thấy còi cọc, vàng lá là bón phân, dẫn đến thừa kháng sinh, thiếu chất bổ cho cây.

Ông Trần Viết Mễ có 2.500m2 rau cũng cho biết, khi chưa vào HTX, ông trồng tự do, không có kế hoạch, đầu ra thiếu ổn định nên thu nhập chỉ đạt 40 - 50 triệu đồng/ha. Nay, con số đó tăng gấp đôi; những hộ có diện tích từ 1ha trở lên, lãi ròng 400 - 500 triệu đồng/năm là chuyện bình thường.  

Cùng đi thăm gia đình xã viên với chúng tôi, Phó giám đốc HTX RAT Tự Nhiên, bà Nguyễn Thị Nông, cho biết: “Chúng tôi quê ở xã Tự Nhiên, Thường Tín (Hà Tây cũ, nay là Hà Nội), lên đây xây dựng vùng kinh tế mới từ những năm 1970. Khi bà Luyến bàn với tôi thành lập tổ hợp tác, tôi đồng ý ngay. Sau đó, chúng tôi rủ thêm bà Nguyễn Thị Xuyên đi thuyết phục bà con với lý lẽ như: chúng ta đã có truyền thống sản xuất rau, nay cần họp nhau lại thành tổ hợp tác; phải mời giáo viên giảng dạy về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đầu ra là các siêu thị ở Hà Nội và các tỉnh miền xuôi. Như vậy, rau bán được nhiều hơn, giá cao hơn. Không ngờ chúng tôi đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của bà con; đi gặp 40 gia đình có 19 hộ đăng ký tham gia. Vậy là tổ hợp tác sản xuất RAT ra đời”.           

Hình thành chuỗi sản xuất - tiêu thụ

Khi mới thành lập tổ hợp tác, tất cả còn bỡ ngỡ, lúng túng, số lượng rau không nhiều. Việc vận chuyển khó khăn do chưa có xe ô tô, phải gửi xe khách; chưa có kinh nghiệm đóng gói, bảo quản đường dài, nên rau hỏng nhiều, lỗ “chỏng gọng”, có lúc tưởng như tan rã. Song, không vì thế mà họ từ bỏ, bởi những “nữ tướng” này trước đó đều là cựu chiến binh. Phải mất 1 năm sau, tổ hợp tác mới ra khỏi vòng luẩn quẩn. Trời không phụ lòng người, sang năm thứ 2, tất cả đều suôn sẻ. Người sản xuất hăng say, người đi tiêu thụ tìm được nhiều mối hàng. “Cái áo” cũ đã chật, đòi hỏi cấp thiết lúc này là phải thành lập HTX kiểu mới để sản xuất theo chuỗi, đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao thu nhập cho xã viên.  

Bà Luyến (thứ 2 từ phải sang) đang cùng xã viên chăm sóc cà chua trong nhà lưới.

Với “chức danh” mới, 32 loại rau, củ, quả của HTX RAT Tự Nhiên đã đến được nhiều siêu thị lớn ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… và hiện tại đang “cháy” hàng. Tính đến cuối năm 2015, tổng sản lượng rau HTX tung ra thị trường là 357,518 tấn. Rau của xã viên từ chỗ bán trôi nổi trên thị trường, giá cả bấp bênh, đến ngày thu hoạch không có đầu ra thì nay đã có mặt ở kệ của nhiều siêu thị. Giờ đây, xã viên đã có máy làm đất, lên luống; thay nhà lưới đơn giản bằng nhà kính, nhà lưới kiên cố nên năng suất cây trồng tăng cao. Nếu như năm 2012, năng suất cà chua chỉ đạt 3kg/cây thì nay tăng lên 8kg/cây. Xã viên HTX nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ thường xuyên của các cấp, ngành từ địa phương đến Trung ương. Vốn tăng trưởng của HTX hiện đạt 500 triệu đồng, tăng 150% so với khi mới thành lập.  Khách hàng sử dụng sản phẩm của  Mộc Châu đã hồi âm: rau có hàm lượng đường cao, vị ngọt đậm hơn so với khu vực miền xuôi. Một may mắn nữa đến với xã viên là, HTX nằm ngay trước cửa Khu du lịch Bản Áng. Sau khi đi chơi về, khách thường ghé vào các gia đình xã viên để tham quan, mua hàng.

Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc HTX RAT Tự Nhiên, bà Nguyễn Thị Luyến, cho biết: “Hiện, HTX chưa đủ nguồn hàng cung cấp cho thị trường miền xuôi đang rộng mở. Trước mắt, chúng tôi sẽ liên kết với các HTX trong tỉnh để đáp ứng nhu cầu thị trường. Vừa qua, chúng tôi đã giúp HTX Thành Công (thị trấn Mường La) tiêu thụ súp lơ, cải thảo, cà rốt, khoai tây. Tuy nhiên, cái khó của 2 bên là xa và cách trở, từ Mộc Châu lên Mường La dài tới 200km, từ thị trấn vào đến HTX Thành Công chỉ 40km nhưng chủ yếu là  đường đất, đồi núi dốc (thời gian đi bằng quãng đường 200km). Được biết, HTX Thành Công đã liên kết tiêu thụ hàng hóa với Liên minh HTX Việt Nam; nhưng do cách trở giao thông nên đã trung chuyển qua HTX Tự Nhiên. Ngoài ra, HTX Tự Nhiên cũng đang liên kết với HTX Thương mại dịch vụ Thanh Xuân (Hà Nội) xây dựng kho lạnh để khép kín chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn; tiếp tục đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi, gắn kết trách nhiệm của người sản xuất và tiêu thụ; tăng diện tích rau trong nhà có mái che, nhà màn, nhà lưới để hạn chế sâu bệnh”.

Thủ lĩnh “thép”

Bà Luyến cho biết thêm, HTX hiện có 35 hộ xã viên, mỗi hộ phải thuê 1 - 5 lao động để đảm bảo nguồn cung. Đặc biệt, cuối năm 2015, HTX RAT Tự Nhiên đã vận động bà con trong xã thành lập được 3 tổ hợp tác, giúp họ đi theo con đường đã thành công của mình. Đó là tổ hợp tác Bản Búa với 13 xã viên; Bản Áng 2 có 9 xã viên; Bản Áng 3 có 7 xã viên. Các tổ hợp tác trên đã cung cấp hàng cho HTX từ đầu năm 2016. Theo đó, xã viên sản xuất trên đất của mình, HTX thu mua sản phẩm với giá ổn định. Hộ nhiều nhất có trên 1ha đất sản xuất, ít nhất 1.000m2. Liên minh HTX Việt Nam đã  thăm mô hình này và mong muốn HTX hỗ trợ để nhân rộng mô hình ra toàn quốc. 

Tôi hỏi bà Luyến về kỷ niệm từ khi xây dựng HTX thành công đến nay, bà cho biết, nhớ nhất lần về Hà Nội dự Hội nghị tổng kết 3 năm xây dựng HTX kiểu mới (2015). Hôm ấy, đến lượt phát biểu, bà cho biết, sẽ gửi đến hội nghị “đoạn băng” có hình ảnh. Rồi bà hát một làn điệu Quan họ, giới thiệu quê gốc, quê mới của mình. Tiếp đến, kể về lớp học, cách phòng trừ sâu bệnh, ghi chép nhật ký sản xuất, cuối cùng là phân phối ở đâu. Đúng như bà nói, “đoạn phim” có hình ảnh sống động, số là, khi bà hát đến sản phẩm của HTX, có 2 xã viên xinh đẹp xách làn rau, củ, quả ra phụ họa. Cả hội trường được trận cười hể hả. Sau đó, một ông khách Tây hỏi: “Bà bảo giới thiệu một “đoạn phim”, sao không thấy màn hình, máy chiếu?”. Bà Luyến trả lời, đây chính là đoạn phim công việc hàng ngày của HTX. Được biết, từ cuối năm 2015 đến nay, đã có nhiều đoàn khách đến thăm mô hình của các “thủ lĩnh”. Dự kiến, sắp tới, bà sẽ giúp xã Tự Nhiên (quê cũ) thành lập HTX với mô hình chăn nuôi gà sạch.

Nhờ những thành tích xuất sắc trên, thủ lĩnh “thép” đã 2 lần được nhận danh hiệu cao quý: Cúp vàng Doanh nhân tiêu biểu vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2012 và 2014; Bằng khen của tỉnh Sơn La và nhiều Giấy khen của huyện Mộc Châu từ năm 2012 đến nay. Đặc biệt, tháng 8/2016, bà Luyến được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc.

     Dương An Như

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Hội thi pháo đất Vĩnh Bảo - bảo tồn nét đẹp truyền thống

    Hội thi pháo đất  Vĩnh Bảo - bảo tồn nét đẹp truyền thống

    Sáng 23/11, tại nhà thi đấu thể dục thể thao huyện, UBND huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) tổ chức Hội thi pháo đất năm 2024 nhằm bảo tồn và phát huy giá trị trò chơi dân gian truyền thống.

  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

Top