Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ hai, ngày 20 tháng 6 năm 2016 | 2:13

Ấn tượng Trường Sa

Hải trình 10 ngày trên biển qua 10 đảo và nhà giàn DK1/15 thuộc quần đảo Trường Sa cùng đoàn công tác số 14 vừa qua đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc và những ấn tượng không thể nào quên.

Quyết không lùi bước

Từ cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh), tàu HQ 571 rẽ sóng đưa đoàn công tác số 14 với các thành viên thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương, TAND Tối cao, Đoàn khối các cơ quan Trung ương, các tổ chức, doanh nghiệp và các cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương... vượt hàng trăm hải lý để đến với điểm dừng chân đầu tiên, đó là đảo Cô Lin, điểm đảo nổi tiếng gắn liền với cuộc chiến đấu và anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc ngày 14-3-1988 của các anh hùng liệt sĩ thuộc Hải quân nhân dân Việt Nam.

Nhà báo Nguyễn Đình Tú, Trưởng Cơ quan Đại diện phía Nam - Báo Kinh tế nông thôn; hội viên CLB Nhiếp ảnh chiến sĩ - Tác giả bài viết.

Trước khi lên thăm đảo, cả đoàn công tác làm lễ dâng hương tưởng nhớ các liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ chủ quyền trên vùng biển của Tổ quốc trong không khí thiêng liêng, trang trọng. Trong diễn văn tưởng nhớ các anh, Đại tá Phạm Văn Vững, Ủy viên Thường vụ, Chủ nhiệm chính trị Quân chủng Hải quân, Phó Trưởng đoàn công tác, cho biết, ngày 14-3-1988, Trung Quốc đã ngang nhiên và bất ngờ tấn công quân sự, bắn chìm, bắn cháy 3 tàu vận tải và đánh chiếm một số đảo đá ngầm của ta. Lúc này, trong tay cán bộ, chiến sĩ các tàu vận tải và lực lượng công binh xây dựng đảo của ta chỉ có cuốc, xẻng, xà beng và súng bộ binh nhưng vẫn anh dũng đối đầu với lực lượng tàu chiến hùng hậu có trang bị vũ khí hiện đại của Trung Quốc. Dẫu biết rằng có thể sẽ hy sinh, nhưng trước sự đe dọa, cũng như những hành động dã man của kẻ thù, các anh không hề run sợ, quyết không lùi bước, và đã dũng cảm, ngoan cường, chấp nhận hy sinh để bảo vệ biển, đảo đến hơi thở cuối cùng. Trước lúc hy sinh, Thiếu uý Trần Văn Phương, Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma đã hiên ngang quấn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình, động viên đồng đội: “Không được lùi bước, phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của quân chủng”...

“Hôm nay, giữa biển, trời Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu; hướng về hương hoả của tổ tiên; trước anh linh của những cán bộ, chiến sĩ Hải quân ưu tú đã ngã xuống; trong niềm tin son sắt về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, dân tộc anh hùng, với lòng thành kính biết ơn và tiếc thương vô hạn, từ trong sâu thẳm lòng mình, toàn thể đoàn công tác chúng tôi xin nguyện mãi mãi tiếp bước xứng đáng niềm tin và lý tưởng của thế hệ đi trước; quyết đem hết sức mình hiến dâng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân; xứng đáng với công lao và sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ”, Đại tá Vững nhấn mạnh.

Những lời nói đầy xúc động của Đại tá Vững đã nói hộ tấm lòng của biết bao người trong đoàn ngày hôm ấy. Thắp nén hương tưởng nhớ tới các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc, ai nấy đều hứa với lòng sẽ noi theo tấm gương sáng ngời, tấm lòng quả cảm và kiên trung của các anh.

Canh giữ biển trời thiêng liêng

Thấm thía biết bao mồ hôi, xương máu của cán bộ, chiến sĩ đã đổ xuống vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa hôm nay đã, đang và tiếp tục khẳng định sức sống mới nơi tiền tiêu của Tổ quốc bằng sự vững vàng, kiên trung, gương mẫu trong đời sống, sáng tạo trong lao động sản xuất và mưu trí, quả cảm trong thường trực sẵn sàng chiến đấu… Điều này chúng tôi cảm nhận rất rõ mỗi khi đoàn công tác dừng chân ở bất cứ điểm đảo nào. Điển hình như khi dừng chân tại đảo Sinh Tồn, chúng tôi vô cùng ấn tượng với những hàng cây xanh mướt, những công trình dân sinh và cột mốc chủ quyền với quốc kỳ bay phấp phới trong gió ở ngay trước mắt.

Đại tá Phạm Văn Vững, Ủy viên Thường vụ, Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân, Phó Trưởng đoàn công tác đọc diễn văn tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trên quần đảo Trường Sa.

Trung tá Lương Quốc Anh, Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn, chia sẻ: “Sinh Tồn không có nước ngọt, đất trên đảo là cát san hô hầu như không trồng được cây ăn quả, chỉ phù hợp với các loại cây nước lợ như: Mù u, phong ba, phi lao, rau muống biển, cây bàng vuông, cây bão táp, cỏ dại... nhưng đất qua cải tạo có thể trồng được rau xanh. Hệ thống quạt lấy năng lượng gió và công trình lấy năng lượng mặt trời được xây dựng hiện đại, bảo đảm cung cấp năng lượng cho các hoạt động công tác và sinh sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân”. Trong hoàn cảnh sống vô cùng khó khăn, khắc nghiệt, cán bộ, chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn vẫn miệt mài học tập, rèn luyện, sẵn sàng tác chiến, thực hiện tốt công tác chính trị, cứu hộ cứu nạn (năm 2015 và 5 tháng đầu năm 2016 đã cứu hộ 170 lượt, trong đó một lần cứu hộ công dân Philipines gặp nạn trên biển) và kịp thời tổ chức chăm sóc sức khỏe nhân dân trên đảo.

Còn tại đảo Trường Sa Lớn, Trung tá Đỗ Thế Tuyến - Chỉ huy trưởng của đảo cho biết, cán bộ, chiến sĩ của đảo thường xuyên quan tâm chăm lo xây dựng nền nếp chính quy đơn vị cả về chế độ làm việc, tác phong chỉ huy, thời gian công tác và xây dựng doanh trại chính quy. Các anh đã luôn giữ vững mối quan hệ quân - dân, quan tâm tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ ngư dân về mọi mặt để ngư dân yên tâm bám biển, đánh bắt hải sản trong khu vực đảo quản lý, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần củng cố mối đoàn kết máu thịt quân - dân, tạo chỗ dựa, niềm tin vững chắc cho ngư dân, xây dựng được thế trận chiến tranh nhân dân trên biển vững chắc. Ngoài ra, lực lượng hải quân trên đảo tổ chức tốt việc tăng gia sản xuất, tích cực tăng gia trồng rau, chăn nuôi gia súc, gia cầm để nâng cao đời sống cho quân dân trên đảo.

Hay như tại nhà giàn DK1/15 trụ giữa muôn trùng sóng gió, mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng vì tình yêu đất nước, vì biển đảo quê hương, các anh vẫn luôn vững vàng, bản lĩnh, nêu cao ý chí vượt qua mọi khó khăn, thách thức, không ngừng rèn luyện, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc nhà giàn và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Những mầm non ở Trường Sa

Trong chuyến thăm Trường Sa lần này có một điểm đặc biệt là trưởng đoàn công tác đã kịp thời điều chỉnh lịch trình để đến với thị trấn Trường Sa đúng vào tối Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6. Vì vậy, trong chương trình làm việc trên đảo, đoàn đã kết hợp tổ chức Tết thiếu nhi, giao lưu văn hóa văn nghệ thắm tình quân dân và tặng quà cho trẻ em trên đảo.

So với trẻ em trong đất liền, trẻ em ở Trường Sa thiếu thốn nhiều thứ nhưng sự hồn nhiên, mến khách thì các em có thừa. Gặp chúng tôi, nhiều em sà vào lòng như là người thân, như không có khoảng cách giữa “khách” và những cô, cậu bé phần nhiều được sinh ra và lớn lên trên đảo. Nhìn cô cậu nào da cũng đen sạm vì nắng biển, nhưng nhanh nhẹn, vui tươi chạy nhảy khắp nơi thật đáng yêu. Khi một đồng chí trong đoàn công tác hỏi một cháu bé chừng 4-5 tuổi rằng : “Cháu có muốn về đất liền với chú không?”, cậu bé trả lời hồn nhiên nhưng khiến ai nấy đều xúc động rằng : “Thế đất liền có giống ở đây không chú?”, đồng chí kia trả lời : “Giống nhau cháu ạ, vì đấy cũng là Tổ quốc mình, đất liền cũng là Tổ quốc mình! ».

Vâng, dù là biển, là trời hay là đất liền thì Tổ quốc Việt Nam cũng liền một dải và chủ quyền thiêng liêng ấy không kẻ thù nào có thể xâm phạm được.

Lúc rời đảo Trường Sa lớn, trong cái nắng nóng 35-36 độ, rất đông cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo đã xếp thành hai hàng dọc cầu tàu để tiễn đoàn công tác. Khi mọi người đứng trên mạn tàu nhìn xuống và vẫy tay chào thì tất cả cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đồng thanh hô to: “Trường Sa vì cả nước”, đoàn không ai bảo ai cũng đồng thanh hô vang : “Cả nước vì Trường Sa”, thế rồi ai cũng chảy nước mắt...

Nguyễn Đình Tú

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top