Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 27 tháng 3 năm 2020 | 15:0

Bài 5: Tháo gỡ thể chế phát triển công nghiệp cơ khí

Ngành cơ khí được xem là “xương sống” của nền kinh tế, Nhà nước cần có cơ chế và ưu tiên đầu tư nguồn lực để phát triển ngành.

Mặc dù, có nhiều dự án về phát triển cơ giới hóa được thực hiện nhưng doanh nghiệp (DN) cơ khí vẫn gặp nhiều trở ngại khi muốn vay vốn, cùng với đó là chính sách hỗ trợ thiếu hiệu quả và không triệt để.

 

tr6.jpg
Máy thu hoạch bắp (ngô), lúa (2 trong 1), do Cơ khi PhanTấn (xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) sáng chế, được bà con nông dân tin dùng. Ảnh: Hồng Ly.

 

Đổi mới tư duy về sản xuất cơ khí

Cơ khí là ngành công nghiệp then chốt, là cơ sở, là nền tảng, là động lực cho sự phát triển công nghiệp của bất cứ quốc gia nào, đặc biệt với đất nước đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá như Việt Nam.

Ngành cơ khí cung cấp máy móc, thiết bị cho mọi lĩnh vực, từ sản xuất đến tiêu dùng, với khoảng 1/3 sản lượng cơ khí là sản phẩm trung gian được phân phối cho các ngành kinh tế khác. Công nghiệp cơ khí chế tạo là động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp và kinh tế khác phát triển, qua đó trực tiếp và gián tiếp tạo việc làm cho hàng triệu lao động, góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao năng suất lao động quốc gia.

Ngoài ra, việc phát triển ngành cơ khí tạo ra sự tự chủ trong các ngành công nghiệp quốc phòng và an ninh, góp phần quan trọng trong việc giữ vững chủ quyền quốc gia, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Việt Nam cần xây dựng ngành cơ khí ngang tầm các nước trong khu vực. Vì vậy, Thủ tướng mong muốn cộng đồng DN hoạt động trong ngành cơ khí cần nỗ lực hơn nữa, chủ động hơn nữa trong đầu tư và ứng dụng khoa học, công nghệ, quản trị hiện đại để tăng sức cạnh tranh của DN cơ khí nói riêng và DN ngành chế biến, chế tạo nói chung.

Đề cập đến một số bất cập, tồn tại khiến ngành cơ khí khó phát triển trong thời gian qua, Thủ tướng nhấn mạnh, phải đổi mới tư duy về sản xuất cơ khí, chống bao cấp nhưng phải tạo mọi điều kiện về chính sách đầu vào và đầu ra cho sản phẩm cơ khí Việt Nam. Đồng thời, phải xác định thị trường rõ nét hơn, xác định phân khúc thị trường trong nước, ngoài nước, từ đó có chính sách vĩ mô kèm theo, đặc biệt là chính sách thuế và lãi suất.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, thời gian qua, ngành cơ khí trong nước đã có bước phát triển rất quan trọng. Số lượng DN cơ khí đang hoạt động và có kết quả kinh doanh chiếm gần 30% tổng số DN công nghiệp chế biến, chế tạo; tạo việc làm cho gần 16% tổng số lao động trong các DN ngành chế biến, chế tạo. Đã hình thành hệ thống các nhà máy cơ khí với đủ  quy mô lớn nhỏ. Tại một số địa phương, vùng kinh tế đã hình thành mô hình cụm ngành về cơ khí chế tạo (như Khu phức hợp cơ khí Chu Lai - Quảng Nam...).

Ngành cơ khí cũng đã hình thành một số DN có tiềm năng phát triển ngang tầm khu vực như Tổng công ty TNHH MTV Cơ khí Quang Trung, Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam Lilama, Tổng Công ty Máy động lực và nông nghiệp Việt Nam…

Một số sản phẩm cơ khí được sản xuất đã đạt chất lượng tốt, có thể tương đương với chất lượng sản phẩm của các quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, ngành cơ khí nước ta đang có dấu hiệu phát triển chậm và còn nhiều hạn chế. Hiện tại, chưa đáp ứng được nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước. Còn thiếu nhiều thương hiệu sản phẩm cơ khí trong nước. Chất lượng sản phẩm cơ khí của DN nội nói chung còn thấp, giá thành sản xuất cao, thiếu sức cạnh tranh. Còn thiếu DN cơ khí lớn, mang tầm cỡ quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt ngành cơ khí. Trình độ cơ khí chế tạo đặc biệt là cơ khí chính xác (là trụ cột của sản xuất công nghiệp) còn lạc hậu so với nhiều nước.

Bên cạnh đó là áp lực cạnh tranh với DN ngoại, đặc biệt từ Trung Quốc rất lớn, vì họ có những chính sách kiên định, lâu dài để hỗ trợ ngành cơ khí, đặc biệt là cơ khí xuất khẩu, trong khi Việt Nam chưa có các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ thị trường nội địa cho ngành cơ khí...

Phải có “bàn tay hữu hình” của Nhà nước

Liên quan đến đặc thù ngành cơ khí, ông Đỗ Hữu Hào, Chủ tịch Tổng hội Cơ khí Việt Nam, cho rằng, đặc thù của ngành cơ khí là đầu tư ban đầu lớn, chu kỳ sản xuất dài, vòng quay vốn chậm, lợi nhuận thấp và thời gian thu hồi vốn lâu nên khi chuyển sang cơ chế thị trường, ngành cơ khí đã bị chững lại, không được đầu tư mới một cách tương xứng, do đó, không đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước.

Bên cạnh đó, do thiếu chính sách hỗ trợ và bảo vệ thị trường trong nước nên thị phần của ngành cơ khí bị thu hẹp, không cạnh tranh được với các sản phẩm nhập khẩu và hàng nhập lậu của nước ngoài, kể cả các sản phẩm trước đây từng là thế mạnh của ngành cơ khí Việt Nam như: máy công cụ, máy động lực nhỏ, xe đạp, quạt điện, máy bơm nước…

Ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, bày tỏ băn khoăn: Tại sao chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước khuyến khích xây dựng, phát triển ngành cơ khí đã có từ lâu nhưng lại khó đi vào cuộc sống, để dẫn đến năm 2019, chúng ta vẫn phải nghiên cứu tháo gỡ nhiều rào cản về chính sách, cơ chế đang còn gây khó khăn cho DN hoạt động trong lĩnh vực này?

Theo ông Long, việc ban hành một số sắc thuế nhập khẩu vật tư, xuất khẩu sản phẩm cơ khí, thuế đất đai, thuế thu nhập DN đối với DN cơ khí nội địa chưa mang tính khuyến khích sản xuất và thiếu sự công bằng giữa DN nội địa và DN có vốn đầu tư nước ngoài. Điều này dẫn tới sản xuất kinh doanh sản phẩm cơ khí nội địa thiếu sức cạnh tranh ngay trên “sân nhà” nên ngày càng tụt lại xa hơn so với quốc tế.

Ông Long cho rằng, để ngành công nghiệp cơ khí của Việt Nam phát triển  trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng hiện nay, dứt khoát phải có “bàn tay hữu hình” của Nhà nước, thể hiện bằng một hệ thống chính sách đồng bộ và nhất quán.

 

Để đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đưa ra các nhóm giải pháp chủ yếu:

Triển khai chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng tổ chức sản xuất hàng hóa lớn gắn với lợi thế từng vùng và thị trường.

Khuyến khích đầu tư máy móc, thiết bị vào sản xuất nông nghiệp trên cơ sở tổ chức lại sản xuất và triển khai có hiệu quả các chính sách kích cầu đối với cơ giới hóa nông nghiệp.

Đẩy mạnh công nghiệp chế tạo máy, thiết bị phục vụ nông nghiệp. Tăng cường chuyển giao áp dụng tiến bộ, khoa học công nghệ về cơ điện nông nghiệp.

Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Rà soát, bổ sung hoàn thiện chính sách.

 

Cần đầu tư vào lĩnh vực mũi nhọn

Theo kỹ sư Nguyễn Thế Hà (Công ty TNHH Cơ khí công nông nghiệp Bùi Văn Ngọ), trong điều kiện hiện nay, ngành cơ khí nên tập trung đầu tư, chủ động phát triển lĩnh vực cơ khí nông nghiệp để tăng năng suất lao động nông nghiệp, tăng sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa, tạo giá trị tăng thêm trong toàn chuỗi sản xuất nông nghiệp.

Ông Hà cho biết, từ thực tiễn những DN giữ vững thị phần ở Đồng bằng sông Cửu Long, ngành cơ khí Việt Nam cần có chiến lược phát triển theo các tiêu chí thích nghi, hiệu quả, hiện đại; chủ động nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực và thợ cơ khí lành nghề; sản xuất ra các dòng máy thông minh, tinh xảo, hiện đại, có sức cạnh tranh trên nhiều thị trường…

Cần tạo cơ chế cho sự liên kết giữa phát minh sáng chế với sản xuất hàng loạt

Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Phát triển tài sản trí tuệ (Cục Sở hữu trí tuệ) cho rằng, nguyên nhân chính khiến các sáng chế không thể nhân rộng là do chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa "4 nhà" (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông).

“Có nhiều trường hợp Cục SHTT giới thiệu DN đến làm việc với nhà sáng chế, khi DN đề nghị nhà sáng chế giảm giá sản phẩm để vừa túi tiền của người dân thì nhà sáng chế không đồng ý, dẫn đến việc hợp tác không thành công”, ông Bình chia sẻ.

Còn theo TS. Nguyễn Chỉ Sáng, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI), phát triển công nghiệp cơ khí sẽ đem lại lợi nhuận đến vài chục tỷ USD trong một, hai chục năm tới, nhất là khi triển khai đầu tư các nhà máy công nghiệp, các công trình lớn của đất nước.

Chẳng hạn với nông nghiệp, dù dung lượng thị trường cho máy và thiết bị phục vụ chỉ khoảng 500 triệu USD/năm, nhưng giá trị gia tăng cho các nông sản, thực phẩm do cơ giới hóa ngành có thể đạt 5 tỷ USD/năm.

Tuy nhiên, theo ông Sáng, ngành cơ khí Việt Nam vẫn chưa làm chủ việc thiết kế các máy móc, thiết bị hoặc các nhà máy công nghiệp, nên chưa có khả năng thiết kế, chế tạo ra các sản phẩm hoàn chỉnh, năng suất lao động thấp, chất lượng sản phẩm không ổn định, giá thành sản phẩm cao, DN không tham gia được vào chuỗi cung toàn cầu...

Do đó, Chính phủ cần tạo cơ chế cho sự liên kết giữa phát minh sáng chế với sản xuất hàng loạt.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, sẽ hoàn thiện thể chế cơ chế chính sách đồng bộ và đủ mạnh, đặc biệt chính sách nội địa hóa; tạo dựng thị trường cho các DN cơ khí phát triển, trong đó, thúc đẩy đội ngũ DN cơ khí. Đồng thời, nghiên cứu chính sách hỗ trợ các DN tham gia nhiều hơn vào các công trình, dự án trong nước. Thủ tướng cũng lưu ý tình trạng thiếu nhân lực ngành cơ khí rất trầm trọng. Vì vậy, cần phải xây dựng đội ngũ doanh nhân cơ khí lớn mạnh, có bản lĩnh, khát vọng của người Việt Nam trên thương trường.

Theo các chuyên gia, để đạt mục tiêu phát triển nền công nghiệp cơ khí từng bước hiện đại, làm nền tảng cho các ngành sản xuất công nghiệp - dịch vụ khác, có sức cạnh tranh cao để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, đòi hỏi phải có sự nỗ lực của tất cả các DN, hiệp hội, các chuyên gia, nhà khoa học và chính sách từ Nhà nước.

 

 

Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu đến năm 2030, những vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung đều được cơ giới hóa và cơ giới hóa đồng bộ, đồng thời tiến tới tự động hóa, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, đem lại hiệu quả cao, giảm tổn thất trong nông nghiệp.

Các ngành hàng nông sản chủ lực được cơ giới hóa đồng bộ gắn với các vùng nguyên liệu tập trung.

Mức độ cơ giới hoá các khâu trong sản xuất nông nghiệp đạt từ 80-100%; công suất máy trang bị bình quân cả nước đạt 5-6 HP/ha.


 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • HLV Nghệ An: Góp phần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp

    HLV Nghệ An: Góp phần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp

    Chủ tịch Hội Làm vườn (HLV) Việt Nam - GS.TS. Lê Quốc Doanh đánh giá cao những kết quả trong công tác xây dựng tổ chức Hội và phong trào phát triển kinh tế VAC, xây dựng vườn chuẩn nông thôn mới của HLV tỉnh Nghệ An trong nhiều năm qua.

  • Hội Làm vườn Việt Nam: Nước rút thực hiện Nghị quyết Đại hội VII và thi đua phát triển kinh tế VAC

    Hội Làm vườn Việt Nam: Nước rút thực hiện Nghị quyết Đại hội VII và thi đua phát triển kinh tế VAC

    Năm 2024 là nước năm nước rút để thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VII, chuẩn bị cho Đại hội lần thứ VIII và kỷ niệm 40 năm thành lập Hội Làm vườn Việt Nam vào đầu năm 2026. Phát huy những kết quả đạt được thời gian qua, Hội Làm vườn Việt Nam sẽ tích cực triển khai kế hoạch, nội dung hoạt động năm 2024.

  • Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hướng đi tất yếu

    Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hướng đi tất yếu

    Tại Hội thảo về nông nghiệp tuần hoàn, nằm trong khuôn khổ của Hội chợ Nông nghiệp, Xúc tiến thương mại khu vực ĐBSCL - Đồng Tháp năm 2024 (Mekong Agri Expo 2024), nhiều chuyên gia cho rằng, phát triển nông nghiệp tuần hoàn là hướng đi mới trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững, nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên không tái tạo và giảm lượng chất thải ra môi trường.

Top