Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 27 tháng 9 năm 2019 | 13:34

Bàn giải pháp đổi mới hoạt động Hội Làm vườn Việt Nam

Tiến tới Đại hội Hội Làm vườn (HLV) Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, dự kiến diễn ra vào năm 2020, Trung ương Hội vừa tổ chức Hội nghị Ban Thường vụ mở rộng bàn về mô hình tổ chức và đổi mới toàn diện, sâu sắc hoạt động của Hội.

 

tr4.jpg

Chủ tịch Ngô Thế Dân (bên trái) và Phó chủ tịch Thường trực HLV Việt Nam Bùi Sỹ Tiếu (bên phải) thăm vườn cây ăn quả của gia đình ông Thế ở xã Hàm Tử (Khoái Châu - Hưng Yên).

 

Hoạt động tốt, sẽ được hỗ trợ kinh phí  

Ông Lôi Xuân Len, Chủ tịch HLV và Trang trại Thanh Hoá, cho biết: Hội phải có vốn quỹ để làm việc tốt hơn. Theo tôi, đây là điều quan trọng nhất, để mở rộng hoạt động, đưa HLV tiến kịp nền kinh tế thị trường, đang diễn ra hết sức sôi động, trên tất cả các lĩnh vực, nhất là mảng kinh tế nông thôn. Tuy nhiên, nguồn vốn lấy ở đâu, theo tôi, đó là kết hợp với ngành Nông nghiệp và PTNT, để hàng năm, phát triển kinh tế vườn được đầu tư xứng đáng, nhất là từ Chương trình  XDNTM, hiện đang được xem là không có điểm dừng, chỉ có điểm triển khai, không có điểm kết thúc. 

Vì vậy, Hội có thể tham gia rất tốt lĩnh vực này, nên kết hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp, được giao nhiệm vụ, là có công việc, tức là có quỹ. Tương tự như vậy, Hội cơ sở cần có chương trình hành động cụ thể, ví như xây dựng vườn mẫu, phối hợp với chính quyền địa phương, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức thực hiện phát triển.    

Ông Nguyễn Văn Lan, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ VACVINA, cho rằng, là Hội nghề nghiệp, ai có nhu cầu thực sự thì xem xét cho gia nhập Hội, không nên duy trì gần 1 triệu hội viên mà không ít người không tham gia hoạt động. Mặt khác, đã là hội viên trong một tổ chức, phải đóng góp kinh phí; đơn vị sản xuất, có doanh thu, phải đóng góp cho Trung ương Hội, để duy trì bộ máy hoạt động. Các tổ chức, cá nhân gia nhập Hội, phải đóng góp kinh phí hàng tháng/quý/ năm. Khi đi công tác hay về Trung ương Hội làm việc, dự họp, tổ chức/cá nhân phải tự lo kinh phí ăn, nghỉ…  

 

HLV Việt Nam có tổ chức ở 54 tỉnh, 493 huyện, 6.197 hội cấp xã và 18.481 chi hội thôn với trên 840.000 hội viên, trong đó có gần 30 nghìn hội viên là chủ trang trại. 15 hội địa phương được xếp là hội đặc thù, 19 hội được cấp kinh phí và 31 hội được bố trí văn phòng làm việc.

 

Chủ tịch HLV Sơn La Võ Văn An cho biết, Sơn La hiện là hội đặc thù, có kinh phí hoạt động, nếu tới đây, không còn hỗ trợ, chúng tôi sẽ tính toán làm dịch vụ. Trung ương Hội phải hoạt động hiệu quả, nếu không sẽ khó duy trì hội thành viên, vì vậy, cần phải bàn việc đóng góp cho Hội như thế nào? Mặt khác, HLV Việt Nam cũng phải năng động, thực hiện tốt các dự án, để có kinh phí hỗ trợ. Nếu Hội hoạt động tốt, chắc chắn sẽ có hỗ trợ, do vậy, muốn có kinh phí, trước hết phải ở bản thân Hội.

Hướng tới chuyên nghiệp hóa

GS.TS. Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, hiện làm cố vấn cho các công ty, doanh nghiệp có nhu cầu, cho biết, tôi nghe tin sắp tới thực hiện quy hoạch báo chí, Báo Kinh tế nông thôn sẽ chuyển sang Tạp chí. Vấn đề này rất hay, ở Thái Lan đã có Tạp chí Kinh tế vườn, nội dung xoay quanh mô hình VAC. Do thu hút được nhiều doanh nghiệp và chiếm tới 1/3 số trang là quảng cáo, cán bộ và phóng viên của họ sống khá tốt. Ta cũng phải vươn lên, Báo của Hội cũng phải làm được điều này.

Quay trở lại vấn đề kinh phí, nay Tổng hội Nông nghiệp đã tổ chức cho hội viên đi Nhật Bản tham quan mô hình vườn, học tập kỹ thuật canh tác, tại sao Hội ta chưa làm được điều này? Đi là để lấy thông tin, nếu ta chưa tổ chức đoàn đi được, sao không nghĩ làm tổ chức đón người đến thăm? Thái Lan gần như 1 tháng tổ chức đoàn đi nước ngoài 1 lần, không nhất thiết là học hỏi. Cái chính là để xem đối tác cần cái gì, nếu ai có nhu cầu, họ sẽ đáp ứng.  Mặt khác, Hội có thể tổ chức tập huấn mô hình cây/con, ví như miền Nam có mô hình ghép nhãn, chỉ sau 1 năm đã làm giàu; hoặc phối hợp với các huyện để tập huấn.

Phó chủ tịch HLV Việt Nam Nguyễn Xuân Hồng nhấn mạnh: Cần hiểu từ phi lợi nhuận trong Nghị định 45, không có nghĩa là không được làm gì. Ví như, giá thành sản phẩm, có chi, nhưng không có lợi nhuận, không phải đánh thuế, do ta không có hoá đơn. Ở Philippines, Tổng thư ký Hiệp hội, hưởng lương gần 100 triệu đồng/tháng, nhân viên cũng hàng chục triệu đồng/tháng, đây là chi phí thực để làm dự án. Không phải phi lợi nhuận là không được góp vốn; phi lợi nhuận vẫn được đóng phí để hoạt động. Đóng góp nhiều hay ít, không bao giờ ghi trong điều lệ,  các thành viên có thể đóng nhiều mức để gắn bó với Hội, có quyền lợi rõ ràng.

Ở nước ta, Hội Nông dân phía Nam cũng đã đón các đoàn nước ngoài đi du lịch, tìm hiểu văn hoá Việt Nam, trước đây có Homestay, nay có Farmstay. Nay ta có kinh tế vườn phát triển, có thể gắn với lĩnh vực du lịch sinh thái, trải nghiệm, giúp nâng cao sức khoẻ, giúp con người yêu thiên nhiên hơn. Khi họ đến tham quan học hỏi, dịch vụ này đã quy ra tiền. Mặt khác, ta còn có nông nghiệp đô thị, nghề vườn của ta, cây cảnh, cây rau, cây dược liệu, đều là tiền tỷ cả, tiền ở trong vườn, trong tay chúng ta, không ở đâu xa lạ.   

 

tr4a.JPG
Ông Nguyễn Xuân Vững, Hội Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh (giữa), thăm mô hình HLV ở Gia Bình.

 

Về việc tổ chức Hội, Ban Thường vụ không phải là cấp trên, giống như các bộ, việc cấp phép, giao cho Cục làm. Do vậy, Ban chấp hành có thể giao cho Ban Thường vụ làm, không có nghĩa là Ban chấp hành phải làm, mà chỉ giám sát, kiểm tra.

Ông Hồng tâm sự: “Tôi đã làm việc với trên 20 tổ chức phi chính phủ, họ tồn tại được, không vì mục đích lợi nhuận, song vẫn có Văn phòng giao dịch đàng hoàng. Người trẻ tuổi đến làm việc rất nhiều và chuyên nghiệp; có tới 20% người trẻ làm việc không lương (chỉ có phụ cấp), vì họ đã được làm việc tại nông trại  1-2 năm, tích luỹ được nhiều thực tiễn từ nông trại. Đây là tấm vé “vô giá” cho họ khi đi xin việc; ở bất kỳ cơ quan nào, cũng cần người trẻ, đã thông qua thực tiễn và có kinh nghiệm.

“Đại hội VII, nhiệm kỳ 2020 -2025, có định hướng đến 2030, chúng ta sẽ dần chuyên nghiệp như vậy, Hội sẽ phát triển tổ chức và có nội dung hoạt động tốt hơn”, ông Hồng chia sẻ.   

Đổi mới tổ chức và con người

Chủ trì và phát biểu chỉ đạo Hội nghị, GS.TS. Ngô Thế Dân, Chủ tịch HLV Việt Nam, cho rằng: Hội sẽ tiếp tục duy trì và phát triển kinh tế VAC, vì hiện nay, kinh tế vườn đang phát triển mạnh, nhiều người nhờ vườn mà giàu có, nhờ VAC đã thoát nghèo, làm giàu, đời sống khấm khá.

Làm sao để HLV phát triển hơn nữa, phải có lộ trình. Hội cần được trẻ hoá đội ngũ, hoạt động nhiệt tình, hăng hái. Là hội xã hội nghề nghiệp, người tham gia phải đam mê, yêu nghề và có sức khoẻ; đây là những điều đang chờ ở Đại hội VII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

“Song, vấn đề chính là phải tìm được mô hình mới. Chúng tôi cũng đã xoay xở nhiều và đã xây dựng được mô hình rất hiệu quả. Dần dần, chúng ta phải đi theo hướng phát triển dịch vụ, công nhận sản phẩm hữu cơ. Ngành nông nghiệp rất rộng lớn, phải xã hội hoá, không thể “ôm” hết được. Muốn vậy, phải có đội ngũ trẻ. Chúng tôi sẽ sớm bàn giao công việc cho thế hệ mới, đồng thời, sẽ cùng chọn, cùng giới thiệu lãnh đạo mới. Muốn Hội phát triển, kinh tế vườn phát triển, HLV cần đổi mới tổ chức, đổi mới con người”, ông Dân chia sẻ.

 

Ông Len cho biết: Hội đã có Dự thảo Điều lệ sửa đổi bổ sung, gồm 8 chương, 25 điều, để Ban Thường vụ góp ý kiến, chuẩn bị cho đại hội nhiệm kỳ tới. 

Hội muốn vững mạnh, cần thực hiện nghiêm quy chế làm việc của Thường vụ, Ban chấp hành. Nhất là phải có Điều lệ mới, phù hợp tình hình mới, Điều lệ cũ 2009, phải thay đổi.

Theo ông Len, ở Chương I, Điều 2 (Tôn chỉ, mục đích)  có cụm từ, “là tổ chức xã hội nghề nghiệp”, đề nghị thay từ nghề nghiệp bằng “phát triển kinh tế vườn”.

Còn ở Chương II, mục 2, thêm cụm từ ứng dụng khoa học công nghệ, để chuyển giao; mục 3, phải thêm từ dịch vụ. Đây chính là công việc của Hội, hoạt động sản xuất, không có dịch vụ, có nghĩa là không có kinh phí; kinh phí của Hội là khai thác ở đây. Ở mục 4, phải thêm từ OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), chế biến và tiêu thụ sản phẩm làng nghề. Hoạt động này, liên quan đến bảo vệ môi trường, vì vậy, có thể kết hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị liên quan, để cùng phối hợp, tìm kiếm việc làm. 


 

 

Dương An Như
Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

Top