Tính từ cuối tháng 2 đến nay, giá phân bón đã tăng 2 lần khiến nhiều nông dân chần chừ trong việc gieo trồng, xuống giống.
Giá phân bón “đụng nóc”
Trên một diễn đàn chuyên về lĩnh vực phân bón, một thành viên đưa ra hình ảnh bao phân DAP để hỏi giá. Hàng chục thành viên khác vào đưa ra các mức giá khác nhau dao động từ 1,1 - 1,6 triệu đồng/bao (50 kg). Từ trên mạng xã hội đến ngoài đời thật, nông dân đang đau đầu với câu chuyện giá phân bón tăng cao kỷ lục và nhảy múa liên tục. Ngay cả nông dân trồng lúa dù dễ thở hơn so với các lĩnh vực khác vì lúa đang được giá. Tuy nhiên, dù đã thu hoạch xong nhưng nhiều người vẫn chưa vội xuống giống vụ mới.
Ông Võ Xuân, ở H.Cao Lãnh (Đồng Tháp) cho biết: Vụ đông xuân vừa rồi, chi phí vật tư nông nghiệp tăng cao gấp đôi nên lợi nhuận giảm khoảng 2/3 so với cùng thời kỳ năm trước, chỉ còn khoảng 700.000 đồng/công nếu sử dụng công lao động nhà. Nếu thuê mướn lao động thì hòa vốn đã là may mắn.
"Bây giờ vật giá leo thang nên công lao động cũng tăng khoảng 30.000 - 50.000 đồng/ngày công. Phân bón thì cứ 2 - 3 ngày lại nghe đại lý báo giá tăng. Chính vì vậy mà hiện nay nhiều người vẫn chưa vội xuống giống vụ mới", ông Xuân giải thích.
Giá phân bón tăng mạnh tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp. CÔNG HÂN
Ông Nguyễn Thành An, ở Thoại Sơn (An Giang) cũng than thở: Thu hoạch vụ đông xuân từ sau tết có lời chút ít, nhưng giờ số lời đó không đủ bù vào mức tăng giá của phân bón. Giá lúa tăng một thì phân bón tăng tới 2 - 3 lần nên chưa dám đầu tư. "Vụ rồi giá phân bón tăng gấp đôi đẩy chi phí phân thuốc tăng trung bình từ 1 triệu lên tới 2 triệu đồng/công. Với giá phân bón 17.000 - 18.000 đồng/kg urê như hiện nay thì làm ra sẽ lỗ vốn", ông An tính toán.
Anh Nguyễn Bình Phong, chủ đại lý vật tư nông nghiệp Tập Hưng ở H.Giồng Riềng (Kiên Giang), xác nhận: Hiện nay nhiều nơi kết thúc vụ đông xuân, nông dân đang gieo xạ vụ hè thu. Đúng ra thời điểm này đang vào mùa kinh doanh phân bón nhưng năm nay do giá “đụng nóc”, nông dân không dám đầu tư nên lượng bán ra giảm mạnh. Vào cuối tháng 2, thời điểm thu hoạch nhu cầu tiêu thụ phân bón thấp nên giá giảm chỉ còn từ 800.000 - 805.000 đồng/bao urê (50 kg); thời điểm này giá lên tới 930.000 - 940.000 đồng/bao; phân DAP tăng từ 1,1 triệu đồng lên 1,32 triệu đồng/bao.
Nhìn vào bản tin giá cả của các công ty phân bón lớn ở miền Nam có thể thấy mức tăng dựng đứng của các sản phẩm phân bón. Điển hình như thời điểm 28/2, giá phân urê Phú Mỹ ở mức 16.200 đồng/kg, đến ngày 14/3, tăng thêm 1.100 đồng lên mức 17.300 đồng/kg và đến ngày 21/3 tiếp tục tăng thêm 500 đồng lên mức 17.800 đồng/kg. Trong khi đó, đạm Cà Mau tăng từ 16.000 đồng (ngày 28/2) lên 18.500 đồng/kg vào ngày 21/3, mức tăng 2.500 đồng chỉ trong vòng 3 tuần.
Tương tự trong cùng các mốc thời điểm trên, DAP Đình Vũ 18.800 đồng/kg, lên 20.300 đồng/kg rồi tăng tiếp lên mức 21.500 đồng/kg, tổng mức tăng 2.700 đồng/kg. Một mặt hàng phân bón quan trọng khác là kali sản phẩm của Công ty Phú Mỹ từ mức 12.700 đồng/kg lên mức 16.500 đồng/kg rồi hiện nay ở mức 17.500 đồng/kg, tổng mức tăng trong 3 tuần qua là 4.800 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất từ trước tới nay.
Chưa biết đâu là đỉnh thật sự
Giá phân bón trong nước tăng theo giá thế giới do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng giữa Nga - Ukraine. Trên thị trường thế giới, giá bình quân tuần qua đã tăng 10% so với chỉ một tuần trước đó và tăng tới 40% so với tháng trước. Giá phân urê toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục 1.000 - 1.100 USD/tấn. Nhiều ý kiến cho rằng đây là mức đỉnh của giá phân bón. Tuy nhiên, đa số DN trong ngành thì chưa dám chắc vì xung đột chưa có dấu hiệu chấm dứt nên giá phân bón thế giới không biết đâu là đỉnh. Là nước vừa nhập khẩu và xuất khẩu phân bón, việc giá tăng vừa là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt nhưng cũng là thách thức đối với nông dân Việt Nam khi chịu tác động tăng giá chung của thế giới.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp trong nước đã xuất khẩu lượng phân bón kỷ lục gần 353.000 tấn, trị giá gần 242 triệu USD; tăng 72% về lượng và tăng gần 4 lần về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu trung bình phân bón đạt 685 USD/tấn, tăng 124,5% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh do các nước như: Hàn Quốc, Malaysia, Myanmar, Philippines, Campuchia... đều đẩy mạnh nhập khẩu phân bón từ Việt Nam. Campuchia vẫn là thị trường tiêu thụ lớn nhất với 53.133 tấn, chiếm tỷ trọng tới 15%. Năm 2021 xuất khẩu phân bón của Việt Nam cũng đạt mức cao kỷ lục với mức 1,4 triệu tấn, trị giá trên 559 triệu USD, tăng 16,4% về lượng và 64,2% về trị giá so với năm 2020.
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam (VFA), trong thời gian tới nguồn nhập khẩu phân bón sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng lớn vì cuộc xung đột vẫn chưa kết thúc. Bên cạnh cơ hội xuất khẩu, các nhà sản xuất vừa có trách nhiệm với nông dân, phát huy hết công suất sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và giảm giá thành. Các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm kiếm nguồn cung thay thế. Bên cạnh đó, bà con nông dân cần tăng cường ứng dụng các biện pháp kỹ thuật để giảm lượng phân bón mà vẫn đảm bảo năng suất.
Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, trong những lúc khó khăn nông nghiệp luôn là trụ đỡ của nền kinh tế. Nay giá phân bón nói riêng và vật tư nông nghiệp nói chung tăng mạnh sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thu nhập và đời sống nông dân. Chính vì vậy nhà nước cần hết sức chú ý trong việc quản lý điều hành nhằm giảm tác động sự tăng giá quá mức. Các biện pháp có thể kể đến như giảm các loại thuế phí và hạn chế xuất khẩu. Chúng ta đã từng nhiều lần hạn chế xuất khẩu gạo vì an ninh lương thực thì cũng nên cân nhắc việc hạn chế xuất khẩu phân bón với lý do tương tự.
Nên chuyển dần sang phân hữu cơ sinh học GS-TS Võ Tòng Xuân, Trường ĐH Nam Cần Thơ, khuyến cáo: “Phân bón tăng chủ yếu là các mặt hàng phân bón hóa học. Bà con nông dân có thể chủ động bằng cách chuyển qua sử dụng các loại phân hữu cơ sinh học vừa giảm chi phí và tác dụng tốt cho đất về lâu dài. Về kỹ thuật, từ trước tới nay nông dân có thói quen xấu là đợi khi gieo sạ và lúa bắt đầu lên chừng 10 - 15 cm rồi mới bón phân. Bón như vậy cây lúa chỉ hấp thụ được 50%, phần còn lại bốc hơi hết và gây hiệu ứng khí nhà kính; vừa lãng phí tiền của và ảnh hưởng xấu đến môi trường. Bà con nông dân có thể thay thế bằng thói quen tốt là bón lót khi làm đất trước khi gieo sạ, phân bón sẽ nằm sâu trong đất để cây lúa sử dụng dần. |
Ngành công nghiệp và kỹ thuật số đang phát triển mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các dự án hạ tầng quy mô lớn và môi trường pháp lý thuận lợi. Sự chuyển đổi sang hướng sản xuất giá trị gia tăng cao, cùng với khả năng logistics và trung tâm dữ liệu mở rộng, đang nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.
Phát triển nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân thu nhập thấp là một chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững. Trong bối cảnh việc triển khai các chương trình nhà ở xã hội trong thời gian qua còn nhiều vướng mắc, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) với trách nhiệm của NHTM Nhà nước, Ngân hàng vì cộng đồng đã tích cực đồng hành cùng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước triển khai các giải pháp tín dụng ưu đãi để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, góp phần hiện thực hóa mục tiêu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội vào năm 2030.
Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…