KTNT - Vụ tranh chấp cống thoát nước tại số 146 Quán Thánh tưởng chừng như đơn giản, nhưng cách giải quyết của các cấp chính quyền TP. Hà Nội lại khiến vụ việc ngày càng “rối như canh hẹ”, còn gia đình thân nhân liệt sỹ đang ngày đêm “kêu cứu” khắp nơi…
Ba lần quá thời hạn Thủ tướng yêu cầu
Năm 2010, bà Nguyễn Thị Thu Thùy (con liệt sỹ Nguyễn Quốc Thắng), thường trú tại 146 Quán Thánh (quận Ba Đình, Hà Nội), được bố mẹ chồng mua cho căn nhà số 5 Đặng Dung (tức ngõ 146 phố Quán Thánh) để sinh sống. Ngôi nhà này từ trước lúc mua đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, bao gồm cả diện tích sử dụng chung trong ngõ 146 Quán Thánh. Năm 2008, ngôi nhà được xây dựng theo Giấy phép số 287/GPXD-UBND do UBND quận Ba Đình cấp. Sau khi mua nhà, gia đình bà Thùy đã làm thủ tục sang tên theo đúng quy định của pháp luật, hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.
Đến tháng 7/2013, tại 146 Quán Thánh, xuất hiện tình trạng úng ngập nước thải sinh hoạt của khu nhà do một số hộ dân xây dựng không phép trên đất chung của tập thể gây ra.
Kết luận số 2901/KL-TTTP-P6 ngày 30/11/2015 của Thanh tra Hà Nội chỉ rõ: “Theo bản vẽ hiện trạng năm 1993 do Công ty Thiết kế Xây dựng thuộc Sở Nhà đất thành phố đo vẽ và Bản đồ địa chính phường Quán Thánh do Sở Địa chính Nhà đất đo vẽ năm 1997, phần diện tích hai hộ gia đình bà Lê Tuyết Băng, ông Nguyễn Văn Dụng và gia đình bà Trần Thị Oanh, ông Nguyễn Đình Tuấn hiện đang sử dụng là sân chung, không có công trình xây dựng. Theo xác nhận của một số hộ dân, báo cáo của UBND phường Quán Thánh, công trình được xây dựng, cải tạo không phép trước năm 2009 …”.
Rõ ràng, gia đình bà Lê Tuyết Băng và gia đình ông Nguyễn Đình Tuấn đã thực hiện hành vi xây dựng không phép, lấn chiếm sân, lối đi chung của biển số nhà 146 Quán Thánh; tuy nhiên, hành vi này đã không những được ngăn chặn kịp thời mà còn có dấu hiệu bao che, “chống lưng” cho sai phạm của UBND quận Ba Đình và UBND phường Quán Thánh.
Theo kết luận trên của Thanh tra TP. Hà Nội thì 2 hộ gia đình này đã có hành vi vi phạm hành chính và cần phải bị xử lý phá dỡ, trả lại sân chung cho tập thể theo Nghị định 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ mà Thanh tra thành phố đã kiến nghị.
Tuy nhiên, dù biết rất rõ sai phạm của các hộ dân xây dựng không phép, thế nhưng, UBND quận Ba Đình đã tiến hành đào phía trước và phía sau căn nhà của gia đình bà Thùy để tìm kiếm đường ống thoát nước nhưng kết quả sau nhiều lần “bới lông tìm vết” vẫn là không tìm thấy đường thoát nước chung dưới nền nhà bà Thùy.
Chính sự yếu kém, buông lỏng quản lý đất đai, trật tự xây dựng của các cấp chính quyền quận Ba Đình đã khiến UBND TP. Hà Nội phải vào cuộc và đưa ra nhiều phương án, để đi đến quyết định xây dựng đường cống thoát nước mới cho khu nhà 146 Quán Thánh.
Lúc này, dư luận tưởng chừng như UBND quận Ba Đình đã biết cách sửa sai khi nhiều lần lãnh đạo UBND quận tuyên bố tại các họp báo công khai phương án làm cống mới, bởi lẽ việc xây dựng đường cống mới nằm trên phần sân và lối đi chung không làm ảnh hưởng đến chỗ ở của bất kỳ gia đình nào tại 146 Quán Thánh. Đồng thời, khẳng định gia đình bà Thùy sử dụng nhà và đất hợp pháp phải được pháp luật bảo vệ.
Sau đó, UBND quận Ba Đình giải quyết tình trạng úng ngập nhằm tháo gỡ khó khăn, giải quyết đời sống dân sinh bức xúc… bằng cách ra Quyết định số 1273/QĐ- UBND ngày 21/5/2015 đầu tư hệ thống nước thải mới tại số nhà 146 Quán Thánh.
Nhưng do vấp phải chống đối của một số hộ dân xây dựng không phép, lấn chiếm đất công, cộng với đó là sự thiếu quyết liệt của các cấp chính quyền quận Ba Đình đã khiến giai đoạn 2 của hệ thống thoát nước thải tại số nhà 146 Quán Thánh đến nay phải dừng vô thời hạn.
Liên tiếp 3 văn bản số 5535/VPCP-V.I ngày 14/6/2016; số 4746/VPCP-V.I ngày 16/7/2015 và số 3011/VPCP-V.I ngày 29/3/2017 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND TP. Hà Nội chỉ đạo xử lý dứt điểm vụ việc.
Nhận thấy những bất thường trong cách chỉ đạo của Hà Nội, gia đình bà Thùy đã nhiều lần gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ để được xem xét, giải quyết dứt điểm vụ việc. Đến nay, Văn phòng Chính phủ đã 5 lần gửi văn bản yêu cầu UBND TP. Hà Nội kiểm tra, xử lý phản ánh của công dân. Trong đó 3 văn bản thông báo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản đều chốt thời gian báo cáo việc xử lý đơn của gia đình bà Thùy, nhưng tất cả đều quá hạn mà Thủ tướng yêu cầu.
Ngày 30/9/2015, UBND TP. Hà Nội gửi Báo cáo số 167/BC-UBND lên Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra phương án xử lý việc ngập úng nước thải: “Xây dựng đường cống mới đảm bảo ổn định lâu dài, thuận tiện cho việc duy tu duy trì hệ thống;
Trường hợp các hộ dân vẫn cố tình ngăn cản việc triển khai, UBND quận Ba Đình áp dụng các biện pháp cần thiết chỉ đạo các đơn vị khẩn trương thực hiện phương án bảo đảm tiêu thoát nước, bảo đảm vệ sinh môi trường, hạn chế ô nhiễm cho số nhà 146 Quán Thánh và khu vực”.
Báo cáo số 167/BC-UBND ngày 30/9/2015 do Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng ký ban hành gửi Thủ tướng Chính phủ.
Bất nhất trong chỉ đạo!?
Những tưởng, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tình trạng ngập úng tại số 146 Quán Thánh sẽ được gấp rút giải quyết, đem lại cuộc sống trong lành cho người dân, thì đến ngày 22/6/2017, UBND thành phố bất ngờ “bẻ ghi”, đảo ngược toàn bộ các chỉ đạo trước đây, trước sự ngỡ ngàng của những người trong cuộc.
Ngày 22/6/2017, UBND TP. Hà Nội ra Văn bản số 610/TB-UBND thông báo kết luận của tập thể lãnh đạo UBND thành phố về vụ việc này, nội dung chỉ đạo hoàn toàn trái ngược với chính các quyết định chủ trương của chính UBND thành phố và các báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước đó.
Văn bản số 610/TB-UBND thông báo kết luận của tập thể lãnh đạo UBND thành phố về vụ việc 146 Quán Thánh.
Điều khó hiểu là thông báo nêu rõ chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội: “Giao UBND quận Ba Đình chủ trì, Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội phối hợp, chịu trách nhiệm thuê đơn vị tư vấn nghiên cứu xây dựng phương án thông tắc đường cống thoát nước tại số nhà 146 phố Quán Thánh. Thuyết phục, vận động hộ gia đình nhà bên cạnh đồng thuận (bằng văn bản) để cho Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội được sử dụng, đào nền nhà, thực hiện việc thông cống ...”.
Trước chỉ đạo này của UBND TP. Hà Nội, gia đình bà Thùy cho rằng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, vi pham Bộ luật Dân sự về ranh giới giữa các bất động sản.
Gia đình bà Thùy đang sử dụng nhà và đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2007 và được bán qua nhiều chủ, đến gia đình bà Thùy mua là chủ thứ 4, từ khi mua đến nay sử dụng nguyên trạng, theo Khoản 2, Điều 175, Bộ luật Dân sự 2015 quy định về ranh giới giữa các bất động sản ghi: “Người sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất phù hợp với quy định của pháp luật…”.
Bên cạnh đó, Khoản 2, Điều 22, Hiến pháp 2013 ghi: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý”.
Theo bà Thùy, UBND TP. Hà Nội đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án làm cống mới và UBND quận Ba Đình ban hành quyết định đầu tư làm công mới và đã triển khai giai đoạn 1. Nay lại thay đổi phương án mà không hề có ý kiến của Chính phủ, hơn nữa, không đả động gì đến 2 hộ xây dựng không phép làm tắc cống, là việc làm thiếu thống nhất, có dấu hiệu bao che cho sai phạm.
Mới đây, sau khi có đơn của bà Thùy cùng Văn bản số 1671-CV/BNCTW ngày 25/7/2017 và Phiếu xử lý văn bản của Văn phòng Thành ủy Hà Nội chuyển Văn bản số 450-CV/VPTW/TT ngày 20/7/2017 của Văn phòng Trung ương Đảng đến UBND TP. Hà Nội, có nội dung không nhất trí với Văn bản số 610/TB-UBND ngày 12/6/2017 của UBND TP. Hà Nội tại cuộc họp xem xét báo cáo của UBND quận Ba Đình về kết quả giải quyết vụ việc tranh chấp, khiếu nại tại số nhà 146 Quán Thánh, quận Ba Đình, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND thành phố đã giao cho Thanh tra Thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, UBND quận Ba Đình tiếp, đối thoại, trả lời công dân theo quy định; báo cáo đề xuất UBND thành phố các nội dung vượt thẩm quyền.
Tuy nhiên, không đồng tình với cách giải quyết của UBND TP. Hà Nội, bà Thùy tiếp tục đề nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc để làm rõ chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội tại Văn bản số 610/TB-UBND ngày 22/6/2017 thông báo kết luận của tập thể lãnh đạo UBND thành phố có đúng pháp luật? Ngoài ra, bà Thùy còn đề nghị, trước khi Thanh tra Chính phủ làm rõ, UBND TP. Hà Nội dừng ngay chỉ đạo vào gia đình bà để đào nền nhà, thông cống; đồng thời xem xét tiếp tục triển khai giai đoạn 2 phương án làm hệ thống cống thoát nước thải mới như đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ (Báo cáo số 167/BC- UBND); xử lý nghiêm hai gia đình xây dựng không phép, lấn chiếm sân, lối đi chung của biển số nhà 146 Quán Thánh và xử lý hành vi bao che của UBND quận Ba Đình và UBND phường Quán Thánh cho 2 hộ này mà Thanh tra TP. Hà Nội đã kết luận..
Khởi Nguyên
Bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected] |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.