Từ làm kinh tế vườn kết hợp thành lập công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, bệnh binh Đặng Văn Để (sinh năm 1958), hội viên Hội Làm vườn xã Đông Hưng (Lục Nam - Bắc Giang) có thu nhập bình quân 600 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Ngoài ra, ông còn hiến 200m2 đất làm đường giao thông nông thôn, tham gia tư vấn, thiết kế xây dựng, góp phần đưa Đông Hưng hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Với thành tích của mình, ông Để được xã, huyện tặng nhiều Giấy khen.
Đầu năm 1975, khi mới 17 tuổi, chàng thanh niên Đặng Văn Để đã hăng hái đăng ký tham gia nhập ngũ. Tuy nhiên, khi chuẩn bị lên đường thì miền Nam hoàn toàn giải phóng. Sau lần nhập ngũ “hụt”, ông được cử đi học sỹ quan thông tin tại Nha Trang (Khánh Hòa).
Năm 1981 học xong, ông được điều về công tác tại Tiểu đoàn 18, F345, Quân đoàn 29, Quân khu 2, đóng quân tại huyện Mường Khương (Lào Cai). Tại đây, tuy không còn những trận chiến lớn như một số tỉnh lân cận nhưng vẫn còn những trận đánh nhỏ đầy căm go, ác liệt (chiến tranh biên giới phía Bắc), ông Để mất 51% sức lao động (tương đương bệnh binh 3/3). Năm 1986, ông phải nghỉ chế độ, với chức vụ Đại đội trưởng, hàm Thượng úy. Tuy chỉ công tác 6 năm tại chiến trường nhưng ông đã lập nhiều thành tích, được tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen.
Ông Để nhớ lại: “Nghỉ chế độ bệnh binh khi mới 28 tuổi, lập gia đình với 2 bàn tay trắng, bố mẹ bệnh tật, các em còn nhỏ, muốn làm kinh tế cũng khó vì đất đai cằn cỗi, ruộng đồng không thuận nước tưới. Đã vậy, những trận sốt rét, những cơn đau dạ dày liên tiếp hành hạ cơ thể… khiến tôi không ít lần muốn bỏ cuộc, buông xuôi”.
Tuy nhiên, với bản lĩnh của người lính Cụ Hồ không ngại khó, ngại khổ, không chịu thua trước khó khăn, hàng ngày ông vẫn tham gia giúp vợ con trong việc đồng áng, làm ruộng nương, đồng thời mạnh dạn vay mượn bạn mua máy xát gạo, kết hợp chăn nuôi lợn thịt, rồi mua đất trồng vải thiều. Nhờ chịu khó, tìm tòi trong quá trình sản xuất, chăn nuôi, kinh tế gia đình ông từng bước được cải thiện. Có thời điểm, gia đình ông thu nhập tới 60 triệu đồng/năm.
Từ làm kinh tế vườn kết hợp thành lập công ty, bệnh binh Đặng Văn Để, hội viên Hội Làm vườn xã Đông Hưng thu lãi 600 triệu đồng/năm.
Không bằng lòng với những gì mình đang có, năm 2002, ông Để tiếp tục vay mượn thêm tiền cùng một người bạn mua máy móc thành lập công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng với số vốn ban đầu 400 triệu đồng, trong đó ông đóng góp 200 triệu đồng. Với đầu óc nhanh nhạy, biết lấy ngắn nuôi dài, đặc biệt là tận dụng được lợi thế của địa phương đang trong quá trình xây dựng các công trình cơ bản, công ty của ông đã tham gia thi công nhiều công trình, từ đó quy mô, vốn điều lệ của công ty ngày một tăng.
Những năm gần đây, công ty của ông làm ăn khá tốt, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động thường xuyên và 30 - 40 lao động mùa vụ với mức thu nhập khoảng 6 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, sau nhiều năm tích góp, cuối năm 2016, ông quyết định tách ra thành lập công ty riêng với số vốn 2,5 tỷ đồng. Từ mô hình làm kinh tế vườn kết hợp thành lập công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, trừ chi phí, ông Để thu lãi 600 triệu đồng/năm.
Không dừng lại ở làm kinh tế giỏi, trong phong trào xây dựng nông thôn mới, ông Để tự nguyện hiến 200m2 đất làm đường, ủng hộ 30 triệu đồng xây dựng các công trình của thôn.
Trao đổi với phóng viên, ông Để tâm sự: “Xuất phát từ khó khăn của gia đình cùng với bản chất của người lính không ngại khó, ngại khổ, đặc biệt thời gian đào tạo trong quân ngũ đã giúp tôi rất nhiều trong việc điều hành công ty, đối đầu với những khó khăn và giải quyết vướng mắc hiệu quả... Chính vì vậy, tôi đã có được thành công như ngày nay”.
Cũng theo ông Để, ngành nghề xây dựng có tính đặc thù, nếu không nắm vững nguyên tắc kinh doanh sẽ rất khó thành công. Để gây dựng được cơ nghiệp như hôm nay, ông phải nghiên cứu nhiều tài liệu liên quan đến xây dựng. Đặc biệt, chất lượng công trình phải luôn được đặt lên hàng đầu, nếu không sẽ thất bại.
Ông Phạm Hải Dương, Chủ tịch UBND xã Đông Hưng, nhận xét: Ông Để là bệnh binh nhưng khi về địa phương đã mạnh dạn thành lập công ty. Những năm qua, công ty của ông hoạt động khá hiệu quả, thực hiện đầy đủ các chính sách của địa phương, đặc biệt là tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động của xã. Hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, ông hiến đất cho thôn làm đường giao thông; tham gia tư vấn, thiết kế xây dựng, đóng góp nhiều công sức, tiền của, góp phần đưa xã Đông Hưng về đích trước thời hạn. Xã đã 2 lần tặng Giấy khen cho ông Để vì có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng nông thôn mới. Lâu nay, ông Để được người dân gọi bằng cái tên trìu mến: "Tỷ phú năng động".
Hoàng Văn
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.