Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 10 tháng 6 năm 2017 | 2:22

Bình Sa trên đường về đích

Thời điểm này, xã Bình Sa (Thăng Bình - Quảng Nam) đã đạt 15/19 tiêu chí nông thôn mới, diện mạo làng quê thay đổi khá nhiều. Hiện, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đang đoàn kết một lòng, huy động tổng lực nguồn lực để hoàn thành các tiêu chí còn lại, về đích vào cuối năm 2017 theo đúng lộ trình.

Sau hơn 4 năm triển khai Chương trình XD NTM xã Bình Sa đã có nhiều thay đổi.

Để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), Ban quản lý chương trình, UBND xã Bình Sa đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện 19 tiêu chí giai đoạn 2014-2015 và đến năm 2020; quyết định giao nhiệm vụ thực hiện chương trình cho từng ban, ngành của xã và giao chỉ tiêu cho từng thôn; thành lập và kịp thời củng cố Ban quản lý thực hiện chương trình; Ban Phát triển ở 6 thôn.

Xác định công tác tuyên truyền là yếu tố quan trọng, quyết định đến thành công của chương trình, Bình Sa đã tổ chức 210 đợt tuyên truyền, vận động cho cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân với 21.345 lượt người tham dự; tổ chức 114 lớp tập huấn với 10.476 lượt người tham gia. Nhờ đó, nhận thức của người dân về Chương trình XDNTM đã thay đổi rõ rệt, ai cũng nhiệt tình tham gia đóng góp thực hiện bằng nhiều hình thức.

Với sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền, các đoàn thể và nhân dân, diện mạo nông thôn Bình Sa đã thay đổi rõ rệt. Đến nay, 100% các tuyến đường trục xã, liên xã, đường trục thôn; 72,39% đường ngõ, xóm đã được bê tông hóa, cứng hóa; 54,17% đường trục chính nội đồng được bê tông hóa và đang tiếp tục triển khai bê tông hóa 10km trong năm 2017, đến nay đã thi công được 8,7/10km, giúp cho việc vận chuyển hàng hóa thuận tiện hơn.

Hệ thống điện được nâng cấp đạt chuẩn, tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn đạt 98,3%. Đến nay, 2/3 trường học trên địa bàn đã đạt chuẩn quốc gia (Trường Tiểu học Trần Phú, Trường mẫu giáo xã Bình Sa), phấn đấu đến tháng 8/2017 xây dựng Trường THCS Chu Văn An đạt chuẩn theo kế hoạch.

Toàn xã có 6 nhà văn hóa thôn để tổ chức hội, họp và tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Dự kiến tháng 06/2017, thi công xây mới nhà văn hóa xã, khu thể thao xã đảm bảo theo quy định. Từ Chương trình 167, Chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa, cùng với nhân dân tự xây dựng, góp phần nâng tỷ lệ nhà ở trên địa bàn xã đạt chuẩn theo quy định của Bộ Xây dựng lên trên 80%,  không còn nhà tạm, nhà dột nát, đạt 98% so với Bộ tiêu chí; 100% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% số hộ, cơ sở sản xuất, kinh doanh, nuôi trồng thủy sản ký cam kết bảo vệ môi trường theo quy định; xã duy trì tốt việc dọn dẹp vệ sinh, phát quang các tuyến đường để đảm bảo cảnh quan, môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn.

Xác định nâng cao thu nhập cho người dân là tiêu chí quan trọng và không dễ thực hiện, những năm gần đây, Bình Sa đã vận động người dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Các cánh đồng sản xuất lúa năng suất thấp như cánh đồng chợ Tây Giang, cánh đồng Cồn Ngãi (thôn Tiên Đỏa)… được chuyển sang trồng đậu phụng (lạc), bắp (ngô), dưa hấu...

Nhờ tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi và được ngân sách tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí, năm 2016, nông dân Bình Sa có điều kiện đầu tư máy móc phục vụ sản xuất. Đến nay, Bình Sa có 2 máy gặt đập liên hợp, 8 máy cày. Trên địa bàn xã, nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi gà trên nền đệm lót sinh học, chăn nuôi heo, bò sinh sản được thành lập với quy mô lớn. Hướng đi này đang dần mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay, tổng đàn gia súc của xã gần 5.500 con, tăng 182 con so với trước đây. Trong đó, bò lai hơn 1.300 con, chiếm 65% tổng đàn, heo nái là 2.240 con. Đặc biệt, đàn gà hiện có hơn 23.000 con, vượt 88,2% so với kế hoạch.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển sản xuất đã giúp thu nhập của người dân tăng lên, từ 12 triệu đồng/người (năm 2010) lên 27 triệu đồng/người (năm 2016); tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới) tính đến cuối năm 2016 còn 8,74%.

Đi đôi với việc XDNTM, trong năm 2017, phấn đấu có một khu dân cư NTM kiểu mẫu, Bình Sa đã chọn thôn Bình Trúc 1 để thực hiện. Sau khi UBND xã kiện toàn, bổ sung chức năng nhiệm vụ của Ban phát triển thôn, UBND xã đã chỉ đạo cho Ban phát triển thôn Bình Trúc 1 họp các thành viên của ban để bàn khung kế hoạch, thời gian công việc hoàn thành, đồng thời phân công nhiệm vụ thực hiện 10 tiêu chí theo quy định và phân công từng thành viên bên cạnh từng tổ tự quản và từng nhóm hộ để thực hiện công tác vận động, tuyên truyền người dân thực hiện.

Ban phát triển thôn Bình Trúc 1 đã tiến hành họp dân để triển khai nhiệm vụ và thông qua sơ khảo khung kế hoạch để tiến hành khảo sát, điều tra tại thôn. Tại buổi họp này, Ban phát triển thôn đã phân công từng nhóm hộ thực hiện xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu và qua đây gửi mẫu cam kết tham gia xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu để nhân dân góp ý và hoàn chỉnh.

Theo ông Trần Ngọc Thọ, Bí thư Đảng ủy xã Bình Sa, Chương trình XDNTM đã mang lại sự đổi thay toàn diện cho địa phương, nhất là tư duy phát triển kinh tế của người dân cũng thay đổi. Có được kết quả này là nhờ sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng; sự quản lý, điều hành của chính quyền và sự hỗ trợ của các ban ngành, hội, đoàn thể từ xã đến thôn và tổ tự quản để triển khai thực hiện; sự vào cuộc của hệ thống chính trị và toàn xã hội cùng với vai trò chủ thể của người dân ngày càng được thể hiện.

Để đạt được mục tiêu về đích NTM vào cuối năm 2017, ông Thọ cho biết, thời gian tới, xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến từng đoàn viên, hội viên, hộ dân về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về XDNTM; tranh thủ tối đa các nguồn vốn của Nhà nước theo cơ chế hỗ trợ XDNTM và các nguồn vốn lồng ghép để phát triển kinh tế - xã hội. Huy động nguồn vốn đóng góp, hỗ trợ để đầu tư giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí. Tuyên truyền, vận động nhân dân trong xã tự giác thực hiện các phần việc của mình, thể hiện được vai trò chủ thể của người dân. Quản lý, sử dụng các nguồn vốn phải tính toán có hiệu quả, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Thực hiện tốt quy chế dân chủ, công khai tài chính,…

Ông Thọ kiến nghị, tỉnh điều chỉnh thiết kế mẫu đối với nhà văn hóa xã, thôn và khu thể thao xã, bởi vì không phù hợp với thực tiễn và một số hạng mục không đảm bảo kỹ thuật, chất lượng các công trình xây dựng cơ bản (đất san nền, hệ thống thu gom và xử lý nước, hệ thống mương thoát nước nhà văn hóa xã không phù hợp với thiết kế ban hành); đồng thời hỗ trợ kinh phí để kéo dài 4km đường ống nước sạch từ công trình nước sạch thôn Tây Giang ra các thôn Bình Trúc 1 và Bình Trúc 2 để phục vụ sinh hoạt cho nhân dân và đảm bảo đạt chuẩn.

Ngọc Lan

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top