Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 17 tháng 4 năm 2021 | 9:58

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: ‘Chim sẻ’ hợp lại sức mạnh sánh ngang ‘đại bàng’

Chúng ta thường nói lót ổ để đón đại bàng chứ ít nói đến chim sẻ. Tân Bộ trưởng NN&PTNT cho rằng, phải xem cả hai quan trọng như nhau, bởi chim sẻ hợp lại sức mạnh sánh ngang đại bàng.

Địa phương chỉ mong tìm “đại bàng” lớn

Trong nghị quyết Đại hội Đảng 13 vừa qua, chúng ta có định hướng phát triển kinh tế nông thôn gắn với nông thôn mới. Điều này sẽ tác động như thế nào tới đời sống kinh tế nông dân, nông thôn, thưa Bộ trưởng?

Xưa giờ nói đến kinh tế nông nghiệp, đa phần chúng ta nghĩ tới thu hút tập đoàn, doanh nghiệp lớn để dẫn dắt lại cơ cấu nông nghiệp. Tuy nhiên, khi đi được một đoạn đường thì thấy rằng số lượng doanh nghiệp nông nghiệp sẽ không đủ phủ kín bức tranh nông nghiệp Việt. Bởi, nước ta chỉ có mười mấy hai mươi ngàn DN nông nghiệp, còn nông dân thì có tới hàng chục triệu hộ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: ‘Chim sẻ’ hợp lại sức mạnh sánh ngang ‘đại bàng’

Trong nông nghiệp, cần thu hút tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư vào để dẫn dắt thị trường, nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX, tổ hợp tác cũng vô cùng quan trọng.

 

Những hộ nông dân đó vừa sản xuất nông nghiệp, vừa tham gia vào những loại hình kinh tế tập thể như HTX, tổ hợp tác, hoặc khởi nghiệp, DN vừa và nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Tập hợp lại đó chính là kinh tế nông thôn.

Kinh tế nông thôn như hệ sinh thái để làm chất kích thích tạo nền cho DN lớn đầu tư vào vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, là chỗ dựa tạo liên kết từ sản xuất, sơ chế, chế biến… nhằm thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. 

Vậy Bộ trưởng có thể chia sẻ về lộ trình của ngành nông nghiệp để phát triển kinh tế nông thôn trong thời gian tới?

Trước hết, cần xem lại những gì đang cản trở kinh tế nông thôn phát triển, từ đó đưa ra kiến nghị chính sách, cơ chế khuyến khích sự phát triển để vượt qua những cản trở đó. 

Cái đầu tiên tôi muốn nói tới là tư duy phát triển kinh tế nông thôn. Có một thời gian chúng ta chỉ chú trọng tới những DN lớn, nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực nông nghiệp. Điều này là cần thiết. Vì chỉ có những DN lớn mới dẫn dắt được xu thế thị trường, định ra được thị trường. Còn với những DN nhỏ và vừa, thậm chí là siêu nhỏ có đôi lúc chúng ta lại thiếu mặn mà. 

Trong hệ sinh thái có những cây cổ thụ. Để những cây cổ thụ đó đứng vững giữa phong ba bão táp, bản thân chúng không thể tồn tại độc lập, cần cả một hệ sinh thái là những cây thấp hơn, có những cây tầm gửi, có những mảng thực vật ở dưới chân. Đó gọi là hệ sinh thái hoàn chỉnh. Thế nên, trong hệ sinh thái này không có cái nào gọi là quan trọng tuyệt đối.

Ngoài tự nhiên cũng vậy và trong kinh tế cũng vậy. Thời gian qua, đây đó chúng ta xem nhẹ phát triển HTX, địa phương chỉ mong tìm những con “đại bàng” thật lớn về để thay đổi hình ảnh nông nghiệp của mình.

Thế nên, chúng ta thường nói lót ổ để đón đại bàng chứ ít ai nói lót ổ để đón chim sẻ. Bây giờ phải xem cả hai quan trọng như nhau. Bởi trong tự nhiên, chim sẻ tuy nhỏ nhưng số lượng lớn, cộng lại thì nó bằng đại bàng.

Thay đổi tư duy từ nhất số lượng sang nhất giá trị

Bộ trưởng cho rằng chúng ta cần lót ổ cho những con chim sẻ. Vậy vai trò đồng hành trong quá trình chim sẻ trưởng thành như thế nào?

Tức là đồng hành từ suy nghĩ. Trong suy nghĩ của người nông dân đặt ra câu hỏi xung quanh việc họ chưa cần thiết phải thay đổi. Khi thuyết phục người nông dân thay đổi, họ sẽ lại đặt tiếp câu hỏi thay đổi thì sẽ được lợi gì. 

Ví dụ mình nói với người nông dân đừng bán trái xoài tươi nữa, phải biết nếu làm nước ép xoài, mứt, xoài sấy... thì lợi nhuận cao hơn. Song họ sẽ hỏi tôi phải bắt đầu từ đâu? Ai là người giúp về công nghệ? Vốn ở đâu để làm, để xây kho bảo quản? Sản phẩm chế biến sẽ bán ở đâu, nguồn lực nào để họ tái sản xuất vụ sau? 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: ‘Chim sẻ’ hợp lại sức mạnh sánh ngang ‘đại bàng’

Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan: Cần xem lại những gì đang cản trở kinh tế nông thôn phát triển

 

Chúng ta phải đồng hành tiếp để trả lời những câu hỏi đó. Phải là người dẫn dắt để nông dân hiểu mỗi sản phẩm, mỗi sự thay đổi đó sẽ đem lại lợi ích ra sao.  

Không chỉ dùng từ đồng hành chung chung, đi kế bên mà phải đồng hành trong suy nghĩ, trong nỗi trăn trở của người nông dân. Vì mỗi thay đổi đều rất khó khăn, đã vượt qua được tâm lý rồi, nhưng để vượt qua được sự kiên trì, nhẫn lại là cả một hành trình.

Chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp. Vậy có thể hiểu tư duy của đội ngũ lãnh đạo cũng cần thay đổi chứ không đơn thuần nói tới tư duy của người nông dân?

Đúng vậy. Nếu đội ngũ lãnh đạo, cơ quan chuyên môn đặt mục tiêu như thế nào thì sẽ dồn sức để đạt được mục tiêu đó. 

Ngày xưa, mục tiêu của chúng ta là sản xuất. Lấy năng suất, sản lượng làm mục tiêu phấn đấu. Có những báo cáo chưa bao giờ đề cập tới chi phí người sản xuất phải bỏ ra là bao nhiêu, hoặc ít khi đề cập. Đó chưa phải là làm kinh tế. 

Kinh tế phải tính từ đầu vào cho tới đầu ra. Khi tôi bán 10 đồng nhưng chi phí bỏ ra 9 đồng, lãi chỉ 1 đồng thôi. Nhưng khi tôi bán chỉ được 8 đồng, chi phí bỏ ra chỉ 6 đồng, lãi 2 đồng chứ. 

Khi đi theo số lượng, chúng ta không tính toán hết được chi phí này. Giờ chuyển sang kinh tế nông nghiệp thì phải tính cả hai đầu. Làm sao bán được giá cao nhất, chi phí sản xuất thấp nhất. Có như vậy lợi nhuận người nông dân được hưởng mới cao, kéo theo giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp cũng sẽ cao. 

Thực tế cho thấy, nhiều khi mình nhất thế giới chỉ là sản lượng nhất thôi chứ mình không tính toán được thực sự giá trị gia tăng ở các ngành hàng xem có đứng nhất thế giới không. 

Có một từ chúng ta thường dùng là “hiệu quả” - đạt được mục tiêu. Còn một từ ít dùng hơn là “hiệu năng” - đạt hiệu quả đó với một chi phí thấp nhất. Hiểu đơn giản là cả 2 người làm ra sản lượng như nhau, nhưng người nào bỏ ra chi phí thấp hơn thì hiệu năng cao hơn. 

Sứ mệnh của ngành nông nghiệp phải tính toán cả đầu ra và đầu vào chứ không chỉ giúp người nông dân tạo ra sản lượng nhiều nhất.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: ‘Chim sẻ’ hợp lại sức mạnh sánh ngang ‘đại bàng’

Nông dân ở Quảng Trị tham gia liên kết với doanh nghiệp để trồng lúa gạo hữu cơ 

 

Thành tựu của nông nghiệp Đồng Tháp ghi nhận nhiều dấu ấn của Bộ trưởng, trong đó phải kể đến mô hình Hội quán nông dân. Theo ông, mô hình này có thể triển khai rộng ra các vùng nông nghiệp trên cả nước không?

Cách đây 5 năm đi vào tái cơ cấu nông nghiệp, tôi quan niệm chúng ta không phải vẽ lại bức tranh về sản lượng, không phải bức tranh về cây trồng, vật nuôi mà chúng ta chuyển đổi tư duy sự vận động dựa trên 6 chữ: hợp tác, liên kết, thị trường. 

Tức muốn nuôi cây gì, trồng cây gì, đầu tiên người nông dân phải hợp tác với nhau để giảm chi phí, nâng cao chất lượng, thay đổi quy trình canh tác, ứng dụng khoa học kỹ thuật… rồi cùng bán một giá, cùng một đối trọng để đàm phán bán ra thị trường. 

Do đó, mô hình Hội quán nông dân của Đồng Tháp có thể áp dụng từ Tây Nguyên đến Tây Bắc chứ không riêng đâu cả.

Dạy nông dân chuyển đổi số từ cái đơn giản

Chuyển đổi số được kỳ vọng làm thay đổi nền nông nghiệp. Chủ trương của ngành là gì, thưa ông?

Bộ trưởng TT&TT có nói với tôi rằng, một trong những lĩnh vực rộng để chuyển đổi số nhất, cần chuyển đổi số nhất, có thể kích thích chuỗi giá trị gia tăng bằng chuyển đổi số nhất chính là nông nghiệp. Từ chuyển đổi số, nông dân tìm được con đường tối ưu có thể để tích hợp được giá trị nông sản, kết nối được thị trường.

Chúng ta hay nói tới giải cứu nông sản. Thật ra đó là vì không kết nối được từ người nông dân trong mảnh vườn đó với thị trường. Nếu kết nối được sẽ giảm thiểu rủi ro.

Cùng lúc ông Nông nghiệp và ông Công Thương có thể ngồi với nhau ở đây để biết miếng đất nào đó tại Hải Dương đang tồn trữ nông sản. Khi ấy đưa nó lên các sàn giao dịch thương mại điện tử phân phối bằng một cái cái nhấp chuột đơn giản, đỡ nhốn nháo cả xã hội đi làm từ thiện.

Chúng ta bắt đầu chuyển đổi số trong nông nghiệp ở hình thức đơn giản nhất là kết nối. Chưa cần nói đến nông nghiệp thông minh, dùng điện thoại “bấm bấm” để tưới nước, bón phân, ngồi trong nhà vẫn canh tác trồng rau, nuôi gà. 

Người nông dân được cho là có nhiều hạn chế trong tiếp cận công nghệ số, vậy làm thế nào để họ không bị bỏ lại phía sau?

Chúng ta phải có những lớp huấn luyện, thông qua các đề án đào tạo nghề có thể dạy người nông dân về công nghệ số. Song, phải dạy bằng ngôn ngữ của ông bà mình chứ không phải bằng ngôn ngữ của ông chuyên gia. Tức dùng ngôn ngữ đời thường, gần gũi để nói về chuyển đổi số, công nghệ số trong nông nghiệp. Bắt đầu từ cái đơn giản dễ tiếp cận rồi dần dần mới chuyển sang cái phức tạp.

Làm được như vậy sẽ tạo ra đội ngũ nông dân tri thức. Và khi có mấy chục triệu nông dân tri thức sẽ kéo theo nền nông nghiệp thay đổi.

 

 

 

Tâm An
Ý kiến bạn đọc
Top