Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 31 tháng 8 năm 2021 | 15:22

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Kết nối nông sản - Thắp lửa hành động

"Kết nối nông sản sẽ kết nối được con người. Chúng ta cần trân quý những người tạo ra giá trị cho nông sản Việt. Đó là giá trị chiều sâu của diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản này, cũng là phương hướng chúng ta phải đi".

239823762_370704421281110_3617311049704483946_n.jpg
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam - Tổ trưởng Tổ Công tác 970 của Bộ NN-PTNT trao quà cho người dân gặp khó khăn tại TP. HCM.

 

Đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tại Diễn đàn Kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản, do Bộ NN-PTNT  tổ chức sáng nay (31/8).

Kết nối cung - cầu nông sản trong bối cảnh dịch covid-19

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, vai trò kết nối thông tin, dữ liệu giữa người sản xuất và tiêu thụ trên thị trường là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, đó lại là nhược điểm chung của ngành nông nghiệp, khi hầu hết chúng ta đều mù mờ về thông tin, dữ liệu, hai bên mua - bán không gặp nhau từ kết nối, chất lượng, đến giá cả. Đây là lúc chúng ta cần nhìn thẳng vào vấn đề, để cùng nhau vượt qua.

Trước yêu cầu thực tiễn về hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản và tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nhiều chuỗi sản xuất, cung ứng, lưu thông, tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố gặp khó khăn và bị đứt gãy, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo thành lập “Diễn đàn thông tin Kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản”. Đây là hoạt động được triển khai kịp thời nhằm thông tin, giới thiệu, quảng bá và kết nối cung - cầu nông sản trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều chuỗi sản xuất, cung ứng, lưu thông, tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành gặp khó khăn và bị đứt gãy.

Theo Ban Chỉ đạo phát triển thị trường nông sản của Bộ NN-PTNT, diễn đàn kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản có các nhiệm vụ trọng tâm là: Thông tin xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu nông sản, vật tư nông nghiệp và sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn; Thông tin thống kê, tổng hợp, dự báo, phục vụ quản lý sản xuất, xúc tiến thương mại và kết nối cung cầu nông sản; Thông tin chuyển đổi số, đẩy mạnh áp dụng mã số vùng trồng, tổ chức liên kết chuỗi, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn chất lượng nông sản; đào tạo, nâng sao năng lực tổ chức sản xuất và thúc đẩy kết nối cung cầu nông sản, sản phẩm du lịch nông thôn; Đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các chuỗi hoạt động sản xuất – tiêu thụ nông sản.

Diễn đàn sẽ được tổ chức theo từng chủ đề ngành hàng nông sản theo từng mùa vụ được gắn với từng vùng miền và các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn, như: Tổ chức các phiên Diễn đàn thông tin kết nối cung cầu nông sản, lương thực thực phẩm cho Hà Nội, TP.HCM, các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc, ĐBSH, Miền Trung - Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, ĐBSCL và các vùng bị giãn cách do dịch Covid 19. Kết nối cung - cầu vật tư đầu vào, thúc đẩy sản xuất các vụ quan trọng còn lại trong năm: Tôm nuôi vụ 2, vụ 3, lúa vụ thu đông và đông xuân ở ĐBSCL, vụ đông ở miền Bắc… Tại các diễn đàn, các nhà quản lý, chuyên gia các lĩnh vực đã thảo luận, tư vấn về phương thức tổ chức sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản và việc kết nối, thúc đẩy phát triển sản xuất gắn với thị trường.

Hình thành cách quản lý mới

Thay mặt Bộ NN-PTNT, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gửi lời cảm ơn đến các thành viên Tổ công tác 970. Bộ trưởng cho biết, khi Thứ trưởng Trần Thanh Nam cùng Tổ công tác 970 vào nhận nhiệm vụ trong miền Nam, Bộ NN-PTNT sớm xác định ưu tiên số một là đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản của các tỉnh phía Nam.

Ngoài ra, qua quá trình công tác thực tế, Bộ NN-PTNT sẽ tranh thủ quan sát từ sản xuất, cung ứng đến vận hành thị trường. Từ đó, ngành nông nghiệp sẽ nảy sinh những ý tưởng về điều hành, quản lý nông nghiệp theo cách mới.

240152201_377366663916578_5880314120882569386_n.jpg
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Kết nối nông sản sẽ kết nối được con người. Chúng ta cần trân quý những người tạo ra giá trị cho nông sản Việt.

 

“Cho đi rồi sẽ nhận lại. Tạo hạnh phúc cho người nông dân, chúng ta sẽ nhận được nụ cười mỗi tối trước khi đi ngủ. Bên cạnh Tổ công tác 970, tôi cũng gửi lời tri ân đến các đơn vị liên quan đã tham gia vận hành cùng Tổ công tác, để tạo ra một diễn đàn đặc biệt, giàu cảm xúc như sáng nay”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

Buổi ra mắt diễn đàn “Thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản” với sự tham gia trực tuyến của 63 tỉnh, thành và gần 200 doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong cả nước. Đây là Diễn đàn được Bộ trưởng  Bộ NN-PTNT chỉ đạo thành lập trên tinh thần kế thừa hoạt động kết nối, tiêu thụ nông sản của Tổ công tác phía Nam của Bộ (Tổ công tác 970) nhằm hình thành, kết nối giữa các khâu sản xuất, chế biến, thu hoạch, lưu thông, tiêu thụ nông sản... để từ đó tạo mối "liên kết - hợp tác" chặt chẽ, nhiều chiều giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp và bà con nông dân.

Qua đó nhằm khắc phục điểm nghẽn của một nền sản xuất "manh mún, nhỏ lẻ, tự phát"; hoạch định chính sách, tìm kiếm, đàm phán, kết nối thị trường tiêu thụ nông sản và phát huy tối đa vai trò dẫn dắt, định hướng của doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp nhằm tạo ra các sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn, trách nhiệm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của thị trường, của người tiêu dùng.

Thời gian qua, Tổ công tác ở miền Nam và miền Bắc của Bộ NN-PTNT  đã có sự phối hợp chặt chẽ, liên tục cập nhật, thông tin với Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, với đại diện các bộ, ngành, địa phương để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh, xử lý những ách tắc, vướng mắc trong các khâu sản xuất, chế biến, thu hoạch, lưu thông, tiêu thụ nông sản... của nông dân và doanh nghiệp.

Từ sáng kiến hay của Tổ công tác ở miền Nam (Tổ công tác  970) trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản trong bối cảnh các tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, như: xây dựng trang web, mạng xã hội: facebook, zalo và số điện thoại đường dây nóng…, đến nay, đã hình thành được 1.300 đầu mối cung ứng; 58 kho tập kết hàng hóa nông sản, thực phẩm với số lượng tiêu thụ lên đến 1.000 tấn/ngày trong thời gian TP.HCM siết chặt giãn cách xã hội.

Nhiều đơn hàng lớn được kết nối tiêu thụ thành công đã góp phần tích cực việc hỗ trợ cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho các địa phương, tạo hiệu ứng cao trong xã hội; nhất là Chương trình nông sản combo 10kg/túi đã và đang có sức lan tỏa lớn, được nhiều tỉnh, thành áp dụng và nhân rộng mô hình như: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Dương, Tiền Giang…

st-0.png
Siêu thị mini 0 đồng giúp người nghèo.

 

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nhiệm vụ sắp tới, là không chỉ dừng các kết quả ở miền Nam, không thể hài lòng trong bối cảnh dịch bệnh hiện tại, mà cần nhân rộng mô hình ra cả nước. Nếu như trước đây, nhắc đến nông sản là người ta nghĩ đến giải cứu, giờ chúng ta phải thay đổi. Nông sản là phải nâng niu. Tất cả, từ người sản xuất, tiêu dùng, đến doanh nghiệp, cơ quan quản lý cùng thay đổi, để thay đổi, phát triển hình ảnh, chất lượng, giá trị của nông sản

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT  Lê Quốc Doanh cho rằng “vạn sự khởi đầu nan”, song chúng ta cần vừa làm vừa hoàn thiện. Vì việc kết nối nông sản vừa phục vụ người tiêu dùng, vừa thúc đẩy sản xuất, khuyến khích nền sản xuất có trách nhiệm, lấy người dân làm trung tâm như chỉ đạo của Bộ trưởng Lê Minh Hoan.

Con đường kết nối bền vững

Ông Nguyễn Hoàng Anh – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, nhận định: Trong tương lai, ngành nông nghiệp sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức do chuỗi cung ứng sẽ gãy đổ vì mất chỗ dựa, thiếu nguyên liệu, vật tư sản xuất đầu vào, từ đó dẫn đến ngưng sản xuất hoặc sản xuất thiếu chất lượng.

“Qua theo dõi quá trình điều hành năng động, qua quyết tâm của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, tôi thấu hiểu và tâm đắc những quan điểm của Bộ trưởng để thúc đẩy giải quyết khó khăn, vướng mắc cho nền nông nghiệp Việt Nam. Trong đó làm sao về lâu dài, chúng ta có những giải pháp thiết thực, nhất là thay đổi từ nhận thức, tư duy để phục vụ cho kinh tế nông nghiệp, tổ chức sản xuất, đảm bảo giá trị hàng hoá, quy mô hàng hoá, đảm bảo chuỗi cung ứng, phân chia lợi ích từ người nông dân đến chuỗi thương mại”, ông Nguyễn Hoàng Anh nói.

Để sự kết nối thành công, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam đưa ra 5 đề xuất.

Thứ nhất, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cần chỉ đạo để xác định một đầu mối xây dựng bộ khung quy tắc về liên kết chuỗi cho từng sản phẩm ngành hàng cụ thể.

Thứ hai, chọn các doanh nghiệp đầu tàu trong ngành để hưởng ứng khi có Bộ khung quy tắc này.

Thứ ba, chọn các sản phẩm đặt ra hạn ngạch, tỷ trọng và rà soát quy hoạch vùng, địa phương có lợi thế, phù hợp năng lực sản xuất cho từng sản phẩm, ngành hàng từ giống đến nuôi trồng, quy hoạch, lưu trữ, chế biến, thương mại.

Thứ tư, nhà nước cần đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ cho sản xuất sản phẩm của các ngành hàng hoặc xã hội hoá theo hình thức PPP; giao tổ chức, hiệp hội ngành hàng quản trị những nội dung cụ thể (như quản trị hạn ngạch, quản trị tiêu chuẩn, quản trị chất lượng, quản trị sản lượng đối với từng sản phẩm, ngành hàng).

Thứ năm, cần tạo và hỗ trợ công tác truyền thông mạnh mẽ để phát triển chuỗi giá trị ngành hàng ra thị trường mở. Cơ quan đầu mối quản lý ngành hàng luôn theo dõi, sơ kết, tổng kết, đánh giá, xây dựng kế hoạch thực thi chính sách pháp luật; tham mưu, xây dựng cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển từng sản phẩm, ngành hàng.

Ông Nguyễn Hoàng Anh cho rằng, những nội dung trên hết sức cần thiết và được xem như mơ ước trong toàn ngành sản xuất nông nghiệp, nhằm tạo ra chuỗi giá trị ngành hàng, hướng đến sự cạnh tranh, hội nhập và sự phát triển bền vững.

“Tôi mong rằng sau hội nghị này, chúng ta sẽ có sự kết nối, sẽ nhìn thấy được sản phẩm kết nối thiết thực và bền vững trong tương lai”, ông chia sẻ.

Thắp lửa hành động

Chia sẻ tại Diễn đàn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan bộc bạch: “Tôi nhớ lần đầu tiên đi Hà Nội, thấy rất xa. Bây giờ ngồi tại Thủ đô, trái tim của cả nước, nói trực tiếp với 63 đầu cầu. Nói vậy để thấy công nghệ giúp chúng ta giải quyết nhiều vấn đề, cùng nhau tìm hướng đi. Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người e cách núi sông. Hôm nay chúng ta chính thức mở con đường mới, với đầu nguồn là Tổ công tác 970.

Tôi nhớ một câu nổi tiếng, khi nói đến sự thành công của mỗi người: Khi người khác đếm điều không thể, tôi ngồi đếm điều có thể. Tùy vào sự lạc quan, bi quan. Cảm xúc của chúng ta sẽ chi phối hành động của mình. Chúng ta nguyền rủa bóng tối, thì bóng tối cũng không tan đi. Chúng ta phải thắp lửa hành động.

Tôi nói điều này không phải là những lời hoa mỹ. Công nghệ 4.0 kết nối người với vật được, vậy tại sao không kết nối trái xoài, trái chuối, kết nối ngành nông nghiệp. Chúng ta đặt ra những câu hỏi, thì sẽ tìm ra câu trả lời, tìm ra giải pháp. Đó mới là điều hữu hiệu, chứ không phải ngồi ca cẩm”. 

covid-ket-noi-nong-san.jpg
Chị em phụ nữ chung tay giúp đỡ tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân trong mùa dịch. Ảnh: Thiện Tâm

 

Bộ trưởng cũng cho hay, ngành Nông nghiệp nhận được nhiều lời chúc mừng, cảm ơn của bà con nông dân, của các hợp tác xã. Đây không phải điều mới mẻ, nhưng là lần đầu tiên một tổ công tác của Bộ chuyên ngành làm điều này. Trong bối cảnh bình thường, không có dịch bệnh, thì nguyên lý kinh tế học là kết nối nguồn cung. Thị trường quyết định, chứ người sản xuất không quyết định.

Thông qua diễn đàn này, nhà vườn, nông dân sẽ hiểu hơn quy luật thị trường, tín hiệu thị trường để tìm cách đáp ứng. Các Sở NN-PTNT cũng tìm thấy vai trò của mình trong định hướng sản xuất. Mọi điều đều phụ thuộc vào thị trường và cách ứng xử với thị trường.

Ngày xưa chúng ta bán cái mình có, bây giờ chúng ta bán cái thị trường cần. Các trung tâm tiêu thụ nông sản sẽ phát đi tín hiệu, từ đó kích thích người nông dân xây dựng mã vùng trồng, vùng nuôi, nắm chắc thị trường 100 triệu dân trong nước, rồi mở rộng ra nước ngoài.

Thị trường chỉ đáp ứng được khi chúng ta tối ưu tiện ích cho người tiêu dùng, tối ưu sản xuất. Người tiêu dùng ngồi ở nhà cũng có nông sản được đưa đến tận nơi. Thấy tiện ích, người ta sẽ đặt hàng. Mở “tổng cầu” sẽ mở được “tổng cung”. Chúng ta cần thẩm thấu câu chuyện đơn giản này, để ban chỉ đạo phát triển thị trường, xúc tiến thị trường đưa ra những quyết sách phù hợp./.

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top