Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 26 tháng 12 năm 2014 | 2:29

Bỗng nhiên bị đuổi!

Đang sống yên ổn, bỗng dưng các hộ dân nhận được công văn của Công ty cổ phần Secspentin và Phân bón Thanh Hóa, yêu cầu phải tháo dỡ nhà cửa để trả lại đất cho doanh nghiệp.

Việc làm này khiến 46 hộ trước đây là công nhân của Xí nghiệp mỏ Secpentin hoang mang, lo lắng.

 

Bà Huyền bức xúc phản ánh sự việc với PV.

Báo Kinh tế nông thôn nhận được đơn của ông Lê Thanh Kề, đại diện cho 46 hộ dân (143 khẩu) đang sinh sống tại khu vực Bãi Áng, thôn Yên Bái, xã Tế Lợi (Nông Cống - Thanh Hóa) với nội dung: Khu tập thể chúng tôi đang ở hiện nay có nguồn gốc là khu tập thể Xí nghiệp mỏ Secspentin, được xây dựng từ năm 1975 cho cán bộ, công nhân ở. Năm 1991, Xí nghiệp mỏ Secspentin đã bán thanh lý toàn bộ khu nhà cho các hộ công nhân của mỏ. Mỗi hộ được mua một gian nhà, sau khi mua, các hộ  nộp tiền và Xí nghiệp mỏ Secspentin có biên bản bàn giao nhà ở. Chúng tôi đã sinh sống ổn định từ tháng 5/1991 đến nay, hàng năm đều nộp thuế đầy đủ cho Xí nghiệp mỏ Secspentin.

Sau khi cổ phần hóa ngày 14/01/2006, Công ty cổ phần­ Secspentin và Phân bón Thanh Hóa đã ký Hợp đồng thuê đất với UBND tỉnh Thanh Hóa với diện tích 552.613m2, địa điểm thuộc xã Tế Lợi, huyện Nông Cống.

Ngày 25/9/2014, Công ty cổ phần Secspentin và Phân bón Thanh Hóa ban hành Công văn số 129 CV/SP-TCHC với nội dung yêu cầu các hộ đang ở nhà tạm tại khu vực mỏ Secspentin và các hộ mua nhà thanh lý trước đây của công ty tự động tháo dỡ nhà để trả lại đất cho công ty, thời gian tháo dỡ chậm nhất là đầu tháng 6/2015.

Bức xúc với thông báo trên, ông Kề cho biết: “Ngoài những hộ mua nhà thanh lý từ năm 1991, còn nhiều hộ đã sinh sống từ năm 1975 đến nay, không liên quan gì đến mỏ. Năm 2006, giám đốc mỏ khi ký hợp đồng thuê đất đã không báo cáo với tỉnh về phần đất mà chúng tôi đang ở, do vậy, đã ký chồng lấn lên phần diện tích đất của chúng tôi, đến bây giờ lại yêu cầu tháo dỡ nhà, đuổi chúng tôi đi là rất phi lý”.

Ông Cường trong buổi trao đổi với phóng viên.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Cường, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần Secspentin và Phân bón Thanh Hóa, cho biết: “Chúng tôi đang đấu mối với xã để quy hoạch đất ưu tiên cho các hộ này ra ngoài, còn theo quy định thì các hộ này không thể cấp trích lục được. Các gian nhà tập thể đã bán đi bán lại nhiều lần và năm 2005 chúng tôi chuyển sang cổ phần, năm 2006 làm thủ tục thuê đất, trong đó không có đất của các hộ này”.

Khi đề cập đến việc mua nhà thanh lý của các hộ công nhân, ông Cường cho biết: “Các hộ mua nhà thanh lý chỉ là mua ở tạm, do vậy, ngày 25/9/2014, công ty mới có Thông báo số 129 về việc thu hồi đất một số hộ mượn ở tạm tại mỏ Secspentin của Công ty cổ phần Secspentin và Phân bón Thanh Hóa để thực hiện dự án mở rộng mỏ. Công ty đã yêu cầu các hộ đang ở tạm và các hộ trước đây mua nhà cấp 4 thanh lý của Xí nghiệp Secspentin và Hóa chất Thanh Hóa chủ động tháo dỡ để trả lại đất cho công ty”.

Tuy nhiên, khi phóng viên đề cập đến đơn cam kết mượn đất ở tạm của các hộ sau khi mua nhà thanh lý thì ông Cường chỉ trình các văn bản liên quan, trong đó có biên bản bàn giao nhà ở ngày 19/5/1991. Trong biên bản này ghi rõ: “Căn cứ vào kế hoạch nhường lại nhà ở cho CBCNV mỏ qua biên bản đánh giá, giá trị còn lại cho từng dãy nhà…, căn cứ nhu cầu xin mua sử dụng tại chỗ của CBCNV, Hội đồng bàn giao lại cho các hộ…”.

Như vậy, căn cứ vào biên bản bàn giao nhà ở của Xí nghiệp mỏ Secspentin Thanh Hóa ngày 19/5/1991 thì việc mua nhà thanh lý của các hộ là mua ở tại chỗ chứ không phải mua để ở tạm và trong quá trình mua nhà ở đến nay, các hộ đều thực hiện nghĩa vụ đóng thuế đầy đủ. Trong khi Công ty cổ phần Secspentin và Phân bón Thanh Hóa chưa có kế hoạch di dời cũng như chưa có phương án hỗ trợ đối với các hộ dân đang ở ổn định mấy chục năm nay đã ra thông báo yêu cầu các hộ chủ động tháo dỡ nhà là điều không phù hợp.

Chúng tôi có mặt tại khu vực Bái Áng để chứng kiến cuộc sống yên bình của các hộ dân, những ngôi nhà cấp bốn bán thanh lý trước đây đã được nhân dân cải tạo khang trang, thỉnh thoảng có những ngôi nhà mái bằng với vườn cây ao cá. Ông Đỗ Xuân Thảo, một người dân cho biết: “Năm 1976, giám đốc xí nghiệp cũ vận động chúng tôi ra đây ở, đến nay, chúng tôi đã xây dựng nhà cửa, ruộng vườn khang trang thì nhận được công văn của Giám đốc Công ty cổ phần Secspentin và Phân bón Thanh Hóa yêu cầu phải tháo dỡ để trả lại đất cho công ty, họ nói rằng chúng tôi chỉ mượn đất để ở tạm là hoàn toàn không đúng”.

Bà Đinh Thị Huyền, 70 tuổi, là công nhân về hưu của Công ty cổ phần Secspentin và Phân bón Thanh Hóa, cho biết: “Gia đình tôi ở từ năm 1975 đến nay, sau khi xí nghiệp bán thanh lý, tôi mua lại để ở, mấy chục năm nay cuộc sống rất bình yên, nhưng thời gian gần đây tôi rất lo lắng bởi tự dưng công ty yêu cầu tháo dỡ nhà. Hiện tại cuộc sống của gia đình vô cùng khó khăn, nếu công ty muốn di dời chúng tôi đi nơi khác thì phải hỗ trợ đền bù thỏa đáng theo đúng quy định của pháp luật”.

Ngoài việc ra công văn mang tính “ép dân”, Công ty cổ phần Secspentin và Phân bón Thanh Hóa còn đặt xưởng nghiền ngay cạnh khu dân cư, trong khi xưởng nghiền này vẫn chưa hoàn tất hồ sơ về môi trường nhưng vẫn vận hành, gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân sinh sống trên địa bàn.

Về phía chính quyền, ông Trần Văn Thuấn, Chủ tịch UBND huyện Nông Cống, cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa (Công văn số 10349 ngày 29/10/2014) về việc giải quyết đơn thư của các hộ dân trong khu vực mỏ Secspentin, trên tinh thần Công ty cổ phần Secspentin và Phân bón Thanh Hóa giải quyết ổn thỏa với các hộ dân thì UBND huyện Nông Cống sẽ trình tỉnh xin quy hoạch đất ở cho các hộ dân tại xã Tế Lợi một cách dân chủ và đúng quy trình của Luật Đất đai, tạo điều kiện tốt nhất để các hộ dân có nơi ở ổn định và yên tâm sản xuất”.

Trước thực trạng trên, đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan phối hợp kiểm tra để có biện pháp xử lý kịp thời, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.

Tân Thành

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top