Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 23 tháng 2 năm 2020 | 11:34

Bữa ăn cho công nhân cần phải được kiểm tra nghiêm ngặt

Hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước đều có các khu công nghiệp mà ở đó có hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn công nhân đang làm việc. Việc bảo đảm chất lượng bữa ăn cho công nhân xem ra vẫn còn chưa được quan tâm.

Thức ăn không đảm bảo vệ sinh thực phẩm vẫn diễn ra
 
Mới đây, ngày 7/2, một đoạn clip được chia sẻ trên trang fanpage có tên "Khu công nghiệp Võ Quế 1, Bắc Ninh" ghi lại cảnh giòi bò lúc nhúc trong miếng thịt gà đã qua chế biến, trong suất ăn ca đêm của công nhân.
 
Chị Trần Thị Lực (sinh năm 1992, trú tại Tuyên Quang, hiện đang làm việc tại Phòng Hỗ trợ chất lượng - Công ty Woojeon Vina) cho biết: "Khoảng 24h ngày 6/2, tôi và mọi người trong nhóm sử dụng suất ăn ca đêm như bình thường. Trong suất cơm có thịt gà đông lạnh là món chính và các loại rau củ. Tuy nhiên, sau khi ăn được nửa suất cơm, tôi phát hiện có ấu trùng giòi bò ra từ khe miếng thịt".
 
công-nhân-phát-hiện-ấu-trinfg-giòi-trong-thức-ăn-tại-bác-ninh.jpg
Công nhân phát hiện ấu trùng giòi trong thực phẩm tại Bắc Ninh
 
Ngay sau đó, chị Lực cố gắng đẩy toàn bộ phần thực phẩm đã sử dụng ra bên ngoài cơ thể, đồng thời thông báo đến các đơn vị có trách nhiệm của công ty để phản ánh.
 
Được biết, Công ty TNHH Woojeon Vina đã thuê Công ty TNHH suất ăn công nghiệp Nhật Minh (Công ty Nhật Minh) chế biến thực phẩm cho công nhân. Sau khi sự việc xảy ra, bà Nguyễn Thị Linh (cán bộ Phòng Tổng vụ nhân sự, đại diện của Công ty Woojeon Vina) thông tin, quan điểm của Công ty Woojeon Vina là không tán thành sự việc nêu trên vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người lao động.
 
"Thông tin trong suất ăn của chị Lực có phát sinh ấu trùng giòi trong phần thịt gà cũng được nhà bếp Công ty Nhật Minh xác nhận, đồng thời phía nhà bếp đã thành khẩn nhận lỗi vì để xảy ra tình trạng trên", bà Linh nói.
 
Trước đó ngày 17/9/2019 hàng ngàn công nhân Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng (khu công nghiệp Tam Thăng, xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) đã ngưng việc tập thể vì cho rằng suất ăn trưa không đảm bảo vệ sinh.
 
Theo phản ánh của công nhân khi suất ăn trưa được dọn lên, nhiều công nhân phát hiện thịt bò và trứng trong phần ăn của mình có “sinh vật lạ” nghi là giòi nên họ không thể nào ăn trưa được.
 
Vì quá bức xúc, hơn 6.000 công nhân tại Công ty này đã ngưng việc tập thể và yêu cầu đối thoại với lãnh đạo công ty.
 
Một công nhân cho biết, trưa nay tại xưởng may, trong giờ ăn trưa thì công nhân tiếp tục phát hiện những sinh vật nhỏ li ti trong khẩu phần ăn.
 
Đến chiều ngày 17/9, ông Han Chul Joon - Tổng Giám đốc Công ty Panko đã có thư xin lỗi toàn thể công nhân công ty vì sự cố đáng tiếc này.
 
Theo ông Han, sự việc xảy ra có thể do thiếu sót trong khâu chuẩn bị, chế biến và bảo quản thức ăn chưa cẩn thận. Sau khi nhận được phản ảnh của người lao động, Ban lãnh đạo công ty đã có cuộc họp với bộ phận công đoàn và các cơ quan chức năng để tiến hành điều tra.
 
Ông Han cũng xin nhận toàn bộ trách nhiệm và đưa ra các biện pháp giải quyết sự cố như cải thiện không gian nhà ăn, tăng cường giám sát thực phẩm...
 
Về phía Công đoàn của Công ty Panko, ông Văn Công Bình - Chủ tịch Công đoàn - cho biết, công đoàn cơ sở đề xuất sử dụng phiếu khảo sát chất lượng bữa ăn để đánh giá hằng tuần.
 
Thông qua phiếu này, hằng tuần Ban chấp hành Công đoàn sẽ tổng hợp và làm việc với lãnh đạo công ty về các tiêu chí chưa đạt để kịp thời yêu cầu công ty và bộ phận nhà ăn cải thiện.
 
Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên, phần ăn của công nhân của công ty này bị phát hiện có sinh vật nghi là dòi. Ngày 7/9, các công nhân cũng phát hiện trong tô mì Quảng có sinh vật nghi là dòi.
 
Trên đây chỉ là những sự việc trong rất nhiều sự việc về thực phẩm sử dụng làm thức ăn cho công nhân, tại các khu công nghiệp không đảm bảo về VSATTP mà chúng tôi nêu ra đây để làm ví dụ.
 
Trách nhiệm của các tổ chức
 
Việc chăm lo đến đời sống của công nhân, đặc biệt là các bữa ăn ca tại doanh nghiệp trong những năm qua vẫn được duy trì và chăm sóc thường xuyên, tuy nhiên vẫn còn đâu đó xảy ra tình trạng thực phẩm không đảm bảo an toàn được sử dụng làm thức ăn cho công nhân, đang lao động và sản xuất ở đây. Điều này rất cần làm rõ trách nhiệm của các tổ chức để bảo rằng sức khỏe của công nhân luôn được an toàn.
 
kiểm-tra-bữa-ăn-của-cong-nhân.jpg
Công tác kiểm tra của các cơ quan chức năng cần phải được thường xuyên.
Đầu tiên là trách nhiệm của doanh nghiệp, bữa ăn của công nhân có đảm bảo hay không phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp. Bằng trách nhiệm và cái tâm của người chủ sử dụng lao động, bữa ăn dành cho lao động của họ cũng sẽ khác nhau.
 
Doanh nghiệp nào coi trọng sức khỏe của công nhân thì doanh nghiệp đó cũng sẽ thành công, bởi chính những người công nhân này sẽ làm ra sản phẩm, làm ra giá trị vật chất cho doanh nghiệp mà họ được chăm lo, bảo đảm đời sống, họ sẽ gắn kết lâu dài với doanh nghiệp, như vậy nguồn nhân lực của doanh nghiệp sẽ luôn ổn định, tay nghề công nhân luôn được nâng cao và đồng nghĩa là sản phẩm của doanh nghiệp đó cũng có chỗ đứng trên thị trường.
 
Trách nhiệm thứ hai là của các tổ chức công đoàn, với trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho người lao động,  công đoàn cơ sở và các tổ chức công đoàn cấp trên phải có trách nhiệm phối kết hợp với doanh nghiệp để chăm lo đời sống cho công nhân, kiểm tra thường xuyên công tác chăm lo đời sống của doanh nghiệp đối với công nhân, đặc biệt là bảo đảm an toàn sức khỏe cho công nhân bằng những bữa ăn tại doanh nghiệp.
 
Trách nhiệm của chính quyền và các cơ quan kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm là một trong những trách nhiệm quan trọng nhất, việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối vơi các bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp phải là công việc thường xuyên, liên tục, từ đó có những biện pháp ngăn ngừa kịp thời và xử lý nghiêm khắc đối với những đơn vị chưa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, chế biến thức ăn cho công nhân.
 
Trách nhiệm của cộng đồng cũng đóng một vai trò rất quan trọng, đó là vận động để các cơ sở nấu ăn phục vụ công nhân ở các khu, cụm công nghiệp nâng cao ý thức trách nhiệm, đảm bảo chất lượng bữa ăn; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm là các giải pháp để tránh ngộ độc thực phẩm, gây ảnh hưởng xấu đến sức lao động của công nhân cũng như “sức khỏe” của doanh nghiệp.
 
Có như vậy thì bữa ăn của công nhân không những đảm bảo về định lượng, mà còn đảm bảo về chất lượng trong đó có vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Mối lo về an toàn thực phẩm cho toàn xã hội nói chung và đặc biệt là công nhân tại các khu công nghiệp nói riêng, luôn luôn là một vấn đề không chỉ có một ngành, một cấp hay một tổ chức nào. Đây là trách nhiệm của toàn xã hội để bảo đảm an toàn nguồn nhân lực cho lao động và sản xuất trong xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của Đất nước.
 
 
Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top