Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 18 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 21 tháng 8 năm 2021 | 19:22

Cà Mau, tỉnh đầu tiên ở ĐBSCL nới lỏng giãn cách xã hội để phát triển kinh tế

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau quyết định thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, từ 0 giờ ngày 21/08/2021, tỉnh Cà Mau quay về thực hiện Chỉ thị 15 sau hơn thời gian dài thực hiện Chỉ thị 16; tiếp tục thực hiện tốt “3 mũi giáp công chống dịch Covid-19” sàng lọc tách F0 và F1 ra khỏi cộng đồng.

anh1.jpg“Ngăn chống dịch Covid - 19 với tinh thần không để con kiến chui lọt”, đó là chỉ đạo của ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau tại buổi kiểm tra các chốt kiểm soát giáp tỉnh bạn tại 2 huyện Thới Bình, U Minh ngày 20/08/2021.

Siết chặt vòng ngoài

Trong chuyến công tác kiểm tra tình hình phòng, chống dịch Covid-19, tại các chốt, trạm đường thuỷ, đường bộ vùng giáp ranh tỉnh Kiên Giang của huyện Thới Bình, U Minh ngày 20/08/2021, ông Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo: “Mỗi chốt, trạm vùng giáp ranh đều có vai trò hết sức quan trọng trong việc ngăn chặn nguồn lây nhiễm từ bên ngoài vào. Phải giữ chặt với tinh thần con kiến cũng không để lọt”.

Với địa hình sông ngòi phức tạp, có 3 mặt giáp biển, bắc giáp Bạc Liêu-Kiên Giang, nên ngay từ khi dịch bùng phát, Cà Mau đã chủ động tổ chức kiểm soát ngăn chặn nguồn lây nhiễm từ bến ngoài vào tỉnh.

Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy Cà Mau, các cấp các ngành đã dồn lực cho các chốt, trạm vùng giáp ranh cả về nhân lực, điều kiện sinh hoạt và trang thiết bị phục vụ hoạt động. Nơi có chốt, trạm kiểm soát đã bố trí hậu cần phục vụ cho lực lượng làm nhiệm vụ. Tăng cường các công cụ như đèn pha, điện thoại, bộ đàm liên lạc thông suốt và trực chiến 24/24h. Kiên quyết không để tình trạng người dân vùng giáp ranh qua lại giao lưu làm ăn, lao động sản xuất. Toàn tỉnh hiện đã tổ chức 92 chốt kiểm soát người từ ngoài tỉnh vào, trong đó có 45 chốt đường bộ, 11 chốt đường thủy và 36 chốt cửa biển. Theo báo cáo của ngành chức năng, tính đến ngày 20/8, toàn tỉnh có 74 ca F0, đã điều trị khỏi 32 ca, tử vong 1 ca. Hầu hết, các F0 được phát hiện tại các khu cách ly tập trung và tại các chốt chặn liên tỉnh.

Huyện Thới Bình, địa phương giáp Kiên Giang, đã lập 6 chốt, trạm đường thuỷ; 21 chốt, trạm đường bộ, với tổng chiều dài vùng giáp ranh tỉnh bạn dài 66,4 km. Tổ chức 10 tổ tuần tra cả trên bộ lẫn đường thuỷ để nắm chặt địa bàn, ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, xử lý các trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch bệnh. Huyện U Minh cũng lập 13 chốt trạm cả đường bộ, đường thuỷ ven khu vực giáp ranh với Kiên Giang với chiều dài hơn 13 km và 1 đội tuần tra lưu động kiểm soát dịch bệnh hoạt động toàn tuyến.

Còn TP. Cà Mau, đầu mối kết nối giao thông với cả nước nên nhiều chốt chặn và đội tuần tra đã được thành lập sớm để kiểm tra giám sát các nguồn lây nhiễm từ ngoài vào tỉnh, kể cả đường bộ lẫn đường sông. Việc thực hiện, đã được duy trì nghiêm ngay từ khi áp dụng Chỉ thị 15, Chỉ thị 16.

anh4.jpg
Một chốt kiểm tra ở xã Trí Phải huyện Thới Bình, giáp ranh với huyện Vĩnh Thuận Cà Mau. Ngay từ tháng 04/2021, Cà Mau đã chủ động tổ chức các chốt kiểm soát giáp ranh với các tỉnh bạn.

Nới vòng trong, thực hiện 3 mũi giáp công

Từ 0 giờ ngày 21/8/2021, người dân Cà Mau được đi lại trong nội tỉnh nhưng phải đảm bảo 5K và hạn chế ra đường nếu không thật sự cần thiết. Quyết định áp dụng cho tất cả các huyện, thành phố Cà Mau (trừ khu phong tỏa được thực hiện theo quy định về phòng, chống dịch Covid-19).

Các hoạt động kinh tế - xã hội của Cà Mau sẽ được trở lại hoạt động ở mức bình thường mới nhưng phải tuân thủ nghiêm ngặt phòng chống dịch, người dân không được di chuyển ra/vào tỉnh Cà Mau (trừ trường hợp được Chủ tịch UBND tỉnh cho phép). Tất cả phương tiện vận chuyển hàng hóa vào địa bàn tỉnh phải được kiểm soát nghiêm ngặt. Tỉnh cho in mẫu thống nhất chung, nội dung gồm biển số xe, số người trên xe, địa điểm xe lên xuống hàng hóa, có đóng dấu của Sở Giao thông vận tải. Giấy này chia làm 2 tờ, dán ở kính xe và thùng xe. Cùng với đó, tuyên truyền để mọi người cùng giám sát, báo ngay lực lượng chức năng khi phương tiện sai quy định. Tránh trường hợp xe đi không đúng tuyến hoặc đỗ sai quy định. Các hoạt động tập trung đông người như tiệc mừng, sự kiện đông người bị hạn chế; trường hợp tổ chức thì không tập trung quá 10 người tại 1 địa điểm vào 1 thời điểm. Các công ty, doanh nghiệp, cơ sở, hộ gia đình kinh doanh ăn uống: Thực hiện mỗi bàn không quá 4 người, khoảng cách mỗi bàn tối thiểu 2 mét (riêng địa bàn thành phố Cà Mau và huyện Đầm Dơi chỉ được bán mang về). Hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa, giải trí: Không quá 10 người tại 1 địa điểm, vào 1 thời điểm. Các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất: Tổ chức hoạt động trong điều kiện bình thường mới theo kế hoạch phòng, chống dịch được duyệt của cấp có thẩm quyền.

Đối với các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị căn cứ tình hình thực tế quyết định việc bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ, tiến độ công việc. Song song, tỉnh cũng quy định khoảng thời gian hạn chế ra đường từ 21 giờ hôm trước đến 4 giờ ngày hôm sau. Trừ những trường hợp tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh; thực hiện công việc khẩn cấp (đưa người bệnh đi cấp cứu, lực lượng phòng, chống thiên tai, cứu hộ; phòng cháy, chữa cháy); công nhân làm công tác vệ sinh, quét dọn đường; sửa chữa, xây dựng công trình cấp bách; sửa chữa điện, nước, công trình viễn thông; phóng viên báo, đài đi làm nhiệm vụ và các trường hợp khi được cấp có thẩm quyền cho phép.

Song song với việc siết ngoài nới trong, Cà Mau tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tốt “3 mũi giáp công chống dịch Covid-19”, thực hiện nhanh và theo thứ tự ưu tiên để xét nghiệm, sàng lọc tách F0 và F1 ra khỏi cộng đồng. Toàn tỉnh có 5.275 Tổ Covid cộng đồng, với 16.467 thành viên. Đây là lực lượng chủ yếu để thực hiện 3 mũi giáp công. Tính đến 20/08/2021, số người hiện đang cách ly tại nhà trên toàn tỉnh Cà Mau là 2.212 người/1.144 hộ. Đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cho 79.536 người thuộc các nhóm dân số có nguy cơ của 9 huyện, thành phố.

Riêng đối với ca dương tính trong cộng đồng tại khóm 4, phường 6, ngay khi phát hiện, tỉnh đã triển khai các biện pháp quyết liệt, tiến hành truy vết và xét nghiệm diện rộng cho 28.607 người thuộc nhóm nguy cơ của TP. Cà Mau. Xét nghiệm lần 2 cho khu vực phong tỏa, đồng thời tiến hành khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm cho 79.536 người thuộc các nhóm dân số có nguy cơ của 9 huyện, thành phố. Kết quả, phát hiện 10 ca dương tính trong khu vực phong tỏa; các trường hợp lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng, ngoài khu vực phong tỏa đều có kết quả âm tính.

Thông tin từ ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Y tế, trong ngày 20/8, xuất hiện ca bệnh trong cộng đồng tại ấp Hiệp Hoà Tây, xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi. Qua xét nghiệm RT-PCR ghi nhận có 2 ca dương tính là người trong gia đình, chưa xác định được nguồn lây. Hiện địa phương đang thực hiện phong toả tạm thời bán kính 1.000 m, khẩn trương truy vết các F.

Không quên đồng bào Cà Mau còn đang ở xa

Mặc dù điều kiện khả năng ngành y tế còn có hạn, nhưng Cà Mau vẫn tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn của tỉnh, nhằm tổ chức đón bà con người Cà Mau còn đang kẹt tại vùng dịch ở các địa phương khác trở về. Mới đây, Cà Mau đã tổ chức 1 chuyến xe đón hàng trăm người dân có hoàn cảnh khó khăn về tỉnh từ TP. HCM.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Tiến Hải cho biết:  “Tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với Ban Liên lạc đồng hương Cà Mau-Bạc Liêu rà soát đối tượng như người có con nhỏ dưới 36 tháng, số học sinh về đi học, người già neo đơn... để hỗ trợ đưa về quê”. 

anh2.jpgĐịa hình sông nước phức tạp, nhưng các huyện U Minh, Thới Bình vẫn tổ chức nhiều đội tuần tra kiểm soát trên các kinh rạch trên địa bàn.

 

Mặt khác, ngay từ đầu dịch, Cà Mau đã tổ chức nhiều hoạt động vận động quyên góp sức người sức của để giúp bà con Cà Mau phải kẹt lại ở các tỉnh, thành khác. Trong tháng 7 và 8/2021, UBMTTQVN tỉnh Cà Mau thông qua cầu nối hội đồng hương Cà Mau-Bạc Liêu tại Cần Thơ-TP. HCM, Cà Mau đã gửi 6 chuyến hàng gồm hàng chục tấn gạo, cá, mắm cho bà con Cà Mau đang còn kẹt tại 2 địa phương này trị giá hàng tỷ đồng. Tình đến ngày 19/08/2021, quỹ quyên góp, ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Cà Mau đã tiếp nhận trên 33 tỷ đồng từ 534 lượt tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và 107 lượt cá nhân ủng hộ. Vật chất quy ra tiền gần 1,5 tỷ đồng. Số tiền, vật chất mà cá nhân, đơn vị, tổ chức đóng góp được dùng để hỗ trợ kịp thời cho người dân tại địa phương và những người dân Cà Mau tại các tỉnh, thành phố đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

anh-6.jpg
Ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau cùng một số lãnh đạo tỉnh đang kiểm tra hàng hóa cứu trợ bà con ở TP. HCM chống dịch. Mặc dù điều kiện tỉnh còn nhiều khó khăn, nhưng Cà Mau đã đón hàng trăm người dân quê hương từ tỉnh khác về

 

Chiều ngày 19/8, UBMTTQVN tỉnh Cà Mau tiếp tục lên chuyến hàng hóa, nhu yếu phẩm gửi đến đồng bào Cà Mau tại các tỉnh, thành phố đang chịu ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19. Chuyến xe lần này vận chuyển hơn 6 tấn nhu yếu phẩm đưa đến  TP.Cần Thơ và TP.Hồ Chí Minh thông qua cầu mối Hội Đồng hương Bạc Liêu- Cà Mau tại các địa phương. 6 tấn nhu yếu phẩm bao gồm 3 tấn gạo và 3 tấn khô các loại. Trong đó, hỗ trợ người dân Cà Mau tại địa bàn TP.Hồ Chí Minh 1 tấn gạo cùng 2,8 tấn cá khô, ruốc khô, chả cá, ba khía,....; tại TP.Cần Thơ 2 tấn gạo và 200 kg cá khô. Tổng trị giá khoảng 350 triệu đồng.

Ông Phan Mộng Thành, Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Cà Mau, cho biết, đây là hàng thiết yếu được UBMTTQVN các cấp trong tỉnh vận động mạnh thường quân, người dân trên địa bàn gửi ủng hộ người dân Cà Mau tại TP.Cần Thơ và TP.Hồ Chí Minh. Đây cũng là tấm lòng của người dân Cà Mau gửi đến bà con quê hương xa xứ với mong muốn chia sẻ khó khăn và cùng vượt qua đại dịch. Chuyến xe mang nặng tấm lòng của người dân Cà Mau gửi đến đồng bào.

 

Biểu Quân
Ý kiến bạn đọc
  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Mới đây, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quyết định xuất hơn 1.266,829 tấn gạo để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Thanh Hóa đã có thành tích tốt trong công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.

Top