Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 19 tháng 9 năm 2021 | 23:3

Cà Mau triển khai nhiều giải phát kết nối, tiêu thụ thủy sản

Cà Mau có nhiều lợi thế để phát triển ngành thuỷ sản, tuy nhiên dịch Covid-19 khiến ngành này gặp không ít khó khăn. Hiện, tỉnh đang tìm cách két nối, khôi phục lại, trong đó, chú trọng vào thị trường nội địa, xây dựng thương hiệu tôm - lúa hữu cơ.

Tiềm năng thuỷ sản lớn

Cà Mau là tỉnh có nhiều lợi thế để phát triển ngành thuỷ sản, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 300.000 ha, trong đó diện tích nuôi tôm khoảng 280.000 ha. Hằng năm, sản lượng tôm đạt khoảng 250.000 tấn; diện tích đất trồng lúa khoảng 110.000 ha, sản lượng đạt 500.000 tấn… bảo đảm tiêu dùng trong tỉnh và xuất khẩu đạt 1 tỉ USD/năm (chủ yếu tôm).

Từ đầu năm đến nay, tổng sản lượng thủy sản của tỉnh đạt 405.000 tấn, tăng 3,54% so cùng kỳ. Trong đó, sản lượng tôm ước đạt 143.000 tấn, đạt 63,5% so kế hoạch, tăng 8,06% so cùng kỳ. Hiện nay, tình hình thu hoạch và tiêu thụ lúa hè thu ổn định, diện tích xuống giống hơn 35.000 ha, đã thu hoạch hơn 33.000 ha, đạt 94,37% diện tích xuống giống, năng suất 5,2 tấn/ha, sản lượng hơn 173.000 tấn, đã tiêu thụ 161.000 tấn. Sản xuất rau, củ, quả được tiêu thụ trong tỉnh, với sản lượng thu hoạch khoảng 135 tấn/ngày.

 

 Cà Mau là tỉnh có nhiều lợi thể để phát triển ngành thuỷ sản.

 

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, tỉnh Cà Mau thành lập Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19 theo Quyết định số 1097/QĐ-SNN ngày 4/8/2021. Theo đó, Tổ đã hỗ trợ các HTX, DN và người dân tiêu thụ được 20.035 tấn nông sản các loại.

Ngoài ra, Cà Mau đã rà soát diện tích nuôi trồng thuỷ sản trong dân đến thời điểm thu hoạch hoặc sắp thu hoạch, hiện có 1.958 tấn thuỷ sản của 271 hộ dân, trong đó có 1.837 tấn tôm thẻ chân trắng của 247 hộ, gần 96 tấn cá kèo của 16 hộ và 25 tấn sò huyết của 8 hộ.  Tỉnh kịp thời cung cấp danh sách 32 đại lý thu mua tôm cho các hộ dân nuôi tôm công nghiệp liên hệ, trao đổi tổ chức thu mua theo nhu cầu; tiếp tục liên hệ cập nhật danh sách đại lý thu mua tôm đủ điều kiện để hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, vừa qua, chúng tôi đã kết nối 1.400 đầu mối doanh nghiệp, HTX của Cà Mau để cung ứng đến TP HCM thông qua các gói combo được người tiêu dùng đánh giá rất cao. Gói combo nông sản có trọng lượng 10 kg nhưng khi người tiêu dùng cân lại thì từ 12-13 kg. Việc này cho thấy ngoài kinh doanh thì tình đồng bào trong thời điểm khó khăn được nâng lên rất cao, rất ấm lòng.

Gặp khó vì dịch

Thời gian gần đây, do các doanh nghiệp chế biến thủy sản không đáp ứng được điều kiện phòng chống dịch Covid-19 nên phải tạm ngưng hoạt động; doanh nghiệp giảm công nhân, công suất do thực hiện "3 tại chỗ" và "1 cung đường 2 điểm đến" khiến giá tôm nguyên liệu giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất và thu hoạch tôm trong người nuôi.

Ông Đỗ Quốc Huy, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Co.op cho biết, hiện tại giá cả các mặt hàng ở cơ sở rất rẻ, nhưng do TP Hồ Chí Minh bị giãn cách nên giá bán trên thị trường hiện nay rất cao. Đây là một bất lợi cho cả 2 phía, người mua và người bán. Những đơn vị sản xuất phụ trợ như bao bì, đóng gói cũng gặp nhiều khó khăn để cung ứng cho các doanh nghiệp.

Bà Trần Kim Nga, Giám đốc đối ngoại của Mega Market cho biết, Mega Market đã có nhiều hợp đồng với doanh nghiệp của tỉnh Cà Mau và hợp tác rất ổn định trong thời gian dài. Tuy nhiên, do Covid-19, hàng hóa và các sản phẩm của Cà Mau đang gặp khó khăn trong vấn đề cung cấp cho Mega Market, cụ thể sản lượng sản phẩm đông lạnh chỉ đạt 15-20%, gây khó khăn cho cả bán lẻ và xuất khẩu. 

 Việc doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" và "1 cung đường 2 điểm đến" khiến giá tôm nguyên liệu giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất và thu hoạch tôm trong người nuôi.

 

Theo bà Nga, Cà Mau chia sẻ thêm với doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay, có thêm các giải pháp để không làm gián đoạn chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản. Chúng ta phải tránh được tình trạng dư thừa ở vùng nuôi nhưng lại thiếu hụt ở siêu thị. Các sản phẩm tươi sống như tôm sú, tôm thẻ hay cua Cà Mau hoàn toàn không thể đến được với khách hàng của Mega Market thời gian qua.

Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, các sản phẩm đặc sản của tỉnh Cà Mau được người tiêu dùng của cả nước biết đến nhưng vấn đề hiện nay là chi phí trung gian còn cao khi vận chuyển đến TP.HCM hay Hà Nội.

Theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến & Phát triển thị trường nông sản, các tỉnh, thành phố nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng, hiện vẫn giữ thói quen phụ thuộc chặt chẽ vào hệ thống thương lái, nhằm hướng đến xuất khẩu. Tuy nhiên, trong thời gian bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nhiều chuỗi cung ứng, sản xuất liên kết bị đứt gãy, buộc nhiều ngành sản xuất nông nghiệp quay lại thị trường trong nước.

Chú trọng thị trường nội địa, xây dựng thương hiệu tôm - lúa hữu cơ

Tại diễn đàn trực tuyến kết nối tiêu thụ nông, thủy sản tỉnh Cà Mau năm 2021 diễn ra mới đây, các nhà thu mua mong muốn thời gian tới việc giao thương giữa các địa phương sẽ được thông thoáng để tránh nghịch lý người bán với giá thấp nhưng người tiêu dùng mua với giá cao; các sản phẩm chủ lực của Cà Mau cần phải đáp ứng được truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, chất lượng sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như mẫu mã bao bì phải hấp dẫn để dễ dàng đi vào các chuỗi siêu thị…

Theo bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, các sản phẩm đặc sản của tỉnh Cà Mau chủ yếu được tiêu thụ trong kênh nhà hàng nên sau khi tình hình dịch được kiểm soát thì sẽ lưu thông tốt trở lại. Trong giai đoạn hiện nay, Tổ công tác 970 và tỉnh đã kêu gọi được các nhà chế biến để tăng cường các sản phẩm đông lạnh, sấy khô, hấp phục vụ nhu cầu bán lẻ. Sau khi dịch được kiểm soát, các nhà sản xuất, chế biến và bán lẻ nên kết hợp với nhau để tạo ra những chương trình khuyến mại để đẩy mạnh thương hiệu cho sản phẩm.

Theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến & Phát triển thị trường nông sản, Cà Mau cũng như các tỉnh ĐBSCL nên giám sát chất lượng, sản lượng định kỳ, đồng thời chia rõ số lượng xuất khẩu, số lượng dành cho thị trường nội địa, tránh hiện tượng được mùa mất giá, hoặc một số doanh nghiệp thu mua thủy sản từ những hộ nhỏ lẻ nhằm đón đầu khi giá tăng. Doanh nghiệp cần tính kỹ đến vấn đề này, hướng đến chiến lược phát triển dài hơi, bền vững.

 

 Mô hình phát triển tôm - lúa thành sản phẩm hữu cơ, quảng bá, đa dạng hóa thông tin để đưa tôm - lúa đến siêu thị ngày một nhiều là hướng đi bền vưng ở Cà Mau.

 

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, Cà Mau cần có hướng phát triển tôm - lúa thành sản phẩm hữu cơ, quảng bá, đa dạng hóa thông tin để đưa tôm - lúa đến siêu thị ngày một nhiều. Cần sớm gắn truy xuất nguồn gốc theo hình thức điện tử. Đây sẽ là cách giúp các kho lưu trữ, siêu thị yên tâm về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Ngoài tôm - lúa, đặc sản tôm rừng tại Cà Mau cũng cần được chú trọng. Đây là sản phẩm chưa được nhiều người dân Việt Nam biết đến. Do đó, Cà Mau cần kết hợp cả xuất khẩu, lẫn giới thiệu để nhiều người tiêu dùng trong nước hình thành nhu cầu tiêu dùng.

Ông Paul Lê, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail đưa ra lời khuyên, Cà Mau tập trung đẩy mạnh xuất khẩu. Trong lộ trình ấy, Central Retail cam kết đồng hành cùng tỉnh để đưa không chỉ tôm, mà các sản phẩm OCOP truyền thống ra nước ngoài. Bên cạnh xuất khẩu, Cà Mau quan tâm đến thị trường trong nước. Là đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị lớn, từ Bắc vào Nam, Central Retail muốn hàng trăm nghìn khách hàng của tập đoàn đều có cơ hội thưởng thức đặc sản Cà Mau.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, Cà Mau xậy dựng vùng mô hình tôm - lúa (lúa thơm tôm sạch), mô hình tôm rừng, mô hình nuôi tôm hữu cơ, xây dựng chuỗi cung ứng thu mua tôm, hệ thống chế biến phân phối tôm trên cả nước và xuất khẩu. Tỉnh cần xây dựng chuỗi cung ứng để cho các nhà bán lẻ, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gần gũi hơn với vùng nguyên liệu. Đối với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh cần tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh chất lượng phục hồi nông nghiệp sau đại dịch Covid-19.

Sau diễn đàn trực tuyến kết nối tiêu thụ nông, thủy sản tỉnh Cà Mau năm 2021, lãnh đạo tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh sẽ kiện toàn tổ chức hỗ trợ kết nối của tỉnh, song hành với Tổ công tác 970, hướng dẫn bà con nông dân xác định danh mục sản phẩm có thể tham gia kết nối, từ đó chọn các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi, tổ chức thành hệ thống từ sản xuất đến thu mua.

Về tiêu thụ sản, tỉnh sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp chế biến hợp tác với các nhà mua trong nước chứ không chỉ tập trung vào thị trường xuất khẩu. Tới đây, tỉnh sẽ tổ chức hội nghị hợp tác phát triển sản xuất hữu cơ lúa tôm giữa Cà Mau và Lộc Trời, Minh Phú, có thể tổ chức trực tuyến nếu điều kiện trực tiếp không cho phép.

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top