Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 5 tháng 7 năm 2019 | 15:36

Cà phê Việt, nhiều lợi thế vào thị trường EU năm 2020

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU có hiệu lực từ năm 2020, sẽ mở ra cơ hội cho hàng nông sản Việt, đặc biệt là cà phê.

Theo cam kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), cùng với gạo, thủy sản, gỗ, rau củ quả tươi chế biến, hoa tươi, mật ong… thì cà phê có nhiều lợi thế lớn, khi xuất khẩu sang thị trường Liên minh châu Âu (EU).

 

 

eu-99.jpg

 Công nhân Công ty Godere (Đắk Nông) phơi cà phê . Ảnh Lê Phước

 

Hiệp định EVFTA đã được Việt Nam và EU ký ngày 30/6, sẽ có hiệu lực từ năm 2020. Những ưu đãi về thuế quan của EVFTA, sẽ mở ra cơ hội cho nông sản Việt Nam.

Đặc biệt là cà phê, khi tiếp cận, thâm nhập sâu vào thị trường 28 quốc gia thành viên EU. Nhưng đây cũng là thị trường chất lượng cao, nếu cà phê Việt không qua được cánh cửa tiêu chuẩn, thì cơ hội đó sẽ tuột khỏi tầm tay.

Với EVFTA, cà phê, hạt tiêu sẽ có 93% dòng thuế về 0%, ngay khi hiệp định có hiệu lực. Với vị thế là nước sản xuất, xuất khẩu cà phê nhân lớn thứ 2 thế giới, trong khi EU là một trong những thị trường lớn của cà phê Việt, kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt sang EU, dự báo sẽ tăng mạnh khi EVFTA có hiệu lực.  

Theo ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) EU là một trong những thị trường lớn của cà phê Việt. Tính chung, các nước EU chiếm tới 39,5% tổng lượng xuất khẩu, và 37,7% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Ông Vinh dự báo EVFTA sẽ giúp tăng giá trị cà phê lên mức 5 - 6 tỷ USD trong 10-15 năm tới. Song, thách thức cũng không hề nhỏ, đặc biệt, trong việc  nâng cao chất lượng và bảo đảm  an toàn thực phẩm.

Vì thế, các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm chỉnh quy định về rào cản kỹ thuật, cũng như vệ sinh ATTP đã cam kết.

Lãnh đạo Vicofa cho biết, vài năm qua, không có lô hàng nào phải trả về, điều này chứng tỏ chất lượng được nâng cao, kim ngạch cũng đã có phần tăng.

Song, giá trị cà phê xuất khẩu vẫn thấp, vì Việt Nam đang chủ yếu xuất  thô.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp, 90% lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam, hiện đang dưới dạng thô, khiến giá trị xuất khẩu thấp, bấp bênh.

Vì vậy, việc nâng cao chất lượng cà phê đang trở thành vấn đề bức thiết. Mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp đã có Đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia "Cà phê Việt Nam chất lượng cao", giai đoạn 2018-2023, tầm nhìn đến năm 2030.

Đề án đặt ra mục tiêu cụ thể: liên kết sản xuất, tiêu thụ, xây dựng vùng nguyên liệu cà phê hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn, có hệ thống sấy, kho bảo quản và nhà máy chế biến phù hợp quy mô sản xuất.

Đồng thời, nâng cao chuỗi thu nhập cho người trồng cà phê, trên đơn vị diện tích, thông qua gia tăng giá trị sản phẩm cà phê: Đến năm 2020 tăng 5%, và 2023 là 7%, so với bình quân niên vụ 2013-2014.

Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam cho rằng, cần sự kết nối chặt chẽ, không chỉ doanh nghiệp trong nước với nhau, mà cả doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI, làm gia tăng giá trị xuất khẩu.

Mặt khác, Hiệp hội đã có đề án phát triển ngành cà phê bền vững, tăng giá trị gia tang. Đặc biệt, giữ vững vị thế Việt Nam là nước sản xuất, và xuất khẩu cà phê nhân, lớn thứ 2 thế giới.

Bởi vậy, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh chế biến sâu. Nông dân phải chuyển hướng canh tác bền vững, đạt chứng nhận quốc tế; có sự phối hợp, kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp trong nước với nhau, và giữa doanh nghiệp trong nước với các nhà phân phối tại EU, để làm gia tăng giá trị xuất khẩu.

Lâm Đồng: Giữ ổn định thu nhập cho người trồng cà phê

Do cà phê liên tục lao dốc, nên bà con Lâm Đồng đang gặp không ít khó khăn. Mô hình xen canh và liên kết sản xuất là giải pháp hiệu quả, giúp nâng cao chất lượng, sản lượng, ổn định thu nhập cho người dân

xen-79.jpg

 Xen canh bơ, cà phê của ông Điểu, Di Linh (Lâm Đồng), hiệu quả cao

 

4 năm trước, khi cà phê xuống giá, anh Nguyễn Văn Dậu, xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm, không chặt bỏ, chỉ tỉa thưa, sau đó trồng xen bơ ghép giống 034.

Vụ vừa qua, thu được 5 tấn cà phê, 12 tấn bơ. Với giá bơ 40.000 đồng/kg, không chỉ giúp anh bù lỗ cho cà phê, mà còn nâng cao thu nhập.

Khu vườn 2 ha trồng hồng xen cà phê của chị Nguyễn Thị Mỹ Nhân, xã Xuân Trường, TP. Đà Lạt cũng đạt hiệu quả khá cao. Cà phê lá xanh, to bản, sai quả, ít bị nấm bệnh. Cây hồng ít chăm sóc, nhưng vì được hưởng nguồn dinh dưỡng từ nguồn dinh dưỡng bón cho cà phê, nên cũng trĩu quả.

Theo chị Nhân, khu vườn này mỗi năm cho khoảng 15 tấn cà phê, 10 tấn hồng tươi. Vì hồng được giá, khoảng 3.000 đồng/kg, nên thu nhập khá. Cà phê chất lượng tốt nên cũng được giá: 10.000 đồng/kg quả tươi, trong khi nhiều hộ chỉ 6.000 đồng/kg.

Xen canh trong sản xuất cà phê là giải pháp hiệu quả, cần khuyến khích. Nhất là khi cà phê Lâm Đồng gặp nhiều khó khăn, và thiếu bền vững.

Nguyên nhân do kỹ thuật canh tác chưa hợp lý, lạm dụng thuốc BVTV, sơ chế chưa bảo đảm, đầu ra không ổn định…

Việc xen canh và liên kết sản xuất là "chìa khóa" hữu hiệu góp phần giảm rủi ro cho người nông dân; đồng thời giúp sản xuất bền vững, nâng cao sản lượng, chất lượng.

Hiện, Lâm Đồng có 20.858 ha cà phê trồng xen, trong đó, xen bơ là 3.822 ha; xen sầu riêng 6.655 ha; mắc ca 2.402 ha; xen hồng 1.924 ha và xen cây khác: 6.054 h

Theo ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp thì việc trồng xen đã đa dạng hóa sản phẩm cho địa phương, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân, hạn chế rủi ro về giá cả, biến động thị trường.

Ngoài ra, còn làm cây che bóng, chắn gió, giữ ẩm cho cà phê rất tốt. Song, cũng còn khó khăn như: chưa có nghiên cứu về quy mô, quy trình trồng xen cho từng loại cây. Việc trồng xen còn thiếu sự gắn kết với doanh nghiệp về đầu ra cho sản phẩm...

Ngoài ra, cần có biện pháp quản lý chất lượng giống cây trồng xen ngay từ đầu; xây dựng vùng trồng cà phê xen cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm. Đồng thời, cấp chứng nhận chất lượng, mã vùng để truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ nội địa, xuất khẩu.

Dang Kang: Trồng cà phê để thoát nghèo

Dang Kang là xã vùng 3 của huyện Krông Bông (Đắk Lắk), trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 56,7%, tỷ lệ hộ nghèo hơn 46%. Chủ yếu trồng màu và chăn nuôi đại gia súc, song chưa mang lại hiệu quả cao, do năng suất thấp, diện tích chăn thả bị thu hẹp.

 

c-fe-39.jpg
Anh Nghĩa thăm vườn cà phê

 

Gần đây, Dang Kang mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng sắn, ngô lai và hoa màu khác sang trồng cà phê, bước đầu cho kết quả khả quan.

Nếu như trước năm 2000, chỉ có một số ít hộ trồng trên đất đỏ bazan tại thôn 3 và các buôn Cư Ea Num A, Cư Păm... với khoảng 120 ha, thì nay đã 1.290 ha, năng suất trung bình 3,5 tấn nhân/ha. Cà phê đã thành cây  chủ lực, và là nguồn thu ổn định của nhiều hộ.

Điển hình như anh Nguyễn Hữu Nghĩa (thôn 1), đã chuyển đổi 2 ha đất vùng triền đồi, trồng đậu, sắn, ngô lai, hiệu quả thấp, sang trồng cà phê  năm 2002.

Hiện, mỗi năm thu hoạch 7 tấn cà phê nhân, trừ chi phí còn khoảng 200 triệu đồng. Nguồn thu từ cà phê giúp anh thoát nghèo, xây được nhà khang trang.

Tương tự như vậy, với 3 ha đất rẫy, ông Châu Công Sơn (thôn 3) chủ yếu trồng cây lương thực, hoa màu, năng suất thấp, giá không ổn định, nên  mãi không thoát được nghèo.

Năm 1999, ông quyết định chuyển 2,5 ha đất bazan sang trồng cà phê. Nhờ hợp thổ nhưỡng, cây sinh trưởng tốt, năng suất cao. Trung bình, đạt 10 tấn nhân, thu trên 300 triệu đồng.

Cây cà phê đã đưa gia đình ông, từ hộ nghèo, trở thành hộ có mức thu nhập khá.

Theo anh Y Kelep Byă, cán bộ xã Dang Kang, nhiều hộ dân tộc thiểu số cũng đã chuyển sang trồng cà phê. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, nên năng suất khá cao; cuộc sống được cải thiện đáng kể.

Đắk Nông: Phá “thế độc canh”, thu tiền tỷ

Bằng sự nhạy bén trong sản xuất, năng động, sáng tạo, nhất là có tầm nhìn xa, nhiều hộ đã phá “thế độc canh”, đa dạng cây trồng, vật nuôi, đem lại hiệu quả cao.

Ông Trần Quang Đông, bon Sê Rê Ú, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) nhờ có tầm nhìn xa trông rộng, nên bắt tay vào sản xuất, ông đã đa dạng hóa cây trồng, bằng việc phát triển nhiều loại cây ăn trái có giá trên thị trường.

đn-93.jpg

 Đồng bào dân tộc thiểu số chú trọng trồng cây ăn quả, thay vì độc canh cà phê, hồ tiêu. Ảnh: Thanh Nga

 

Ông Đông chia sẻ, năm 1997, khi đến Đắk Nông, ông đã trồng cà phê. Nhưng 3 năm sau, cà phê sụt giảm, ông suy nghĩ, cần tìm cây gì đó để không bị phụ thuộc vào cà phê, phá “thế độc canh” tại vườn nhà.Thế rồi ông quyết định trồng cây ăn trái có giá trị cao như cam sành, quýt đường, và chọn măng cụt làm cây chủ lực.

Theo đó, măng cụt là trái cây cao cấp, 60-70 năm vẫn như “tuổi thanh xuân”, ra hoa, kết quả tốt. Cây sinh trưởng chậm, nên ông chọn cam, quýt làm cây ngắn ngày, để nuôi măng cụt. Sau 7 năm, 8 ha măng cụt cho trái chất lượng cao, đồng thời, trở thành cây mới trên đất Đắk Nông.

Hiện, ông Đông đang trồng măng cụt theo chuẩn GlobalGAP, và dán tem truy xuất nguồn gốc, xuất khẩu sang Hà Lan, mỗi năm trừ chi phí thu về hàng tỷ đồng.

Tương tự như vậy, ông Nguyễn Văn Quảng, xã Thuận An (Đắk Mil) trồng 20 ha cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái, kết hợp chăn nuôi, mỗi năm cũng thu hàng tỷ đồng.

Ông Phạm Văn Khang, xã Đắk Búk So đã làm giàu từ mô hình đa cây con. Hiện, trong hơn 10 ha đất sản xuất, ngoài trồng khoai lang, ông còn kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm; trồng thử nghiệm cây Sa chi, và bước đầu đã thành công.

 

 

An Như (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top