Tiền Giang và Sóc Trăng chuẩn bị sơ tán người dân đến nơi an toàn trong khi Bến Tre hoãn các cuộc họp không cần thiết để ứng phó với cơn bão số 16.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang cho biết, đến chiều nay huyện Gò Công Đông đã hoàn thành công tác chuẩn bị sơ tán khoảng hơn 20.000 người, chằng néo cho 1.700 căn nhà, huy động hơn 1.300 thanh niên xung kích để hộ đê... khi có bão đổ bộ vào đất liền.
Đến thời điểm này các ngành chức năng tỉnh đã kêu gọi hơn 800 tàu thuyền vào nơi tránh, trú ẩn an toàn; các trạm truyền thanh phát thanh liên tục thông báo về diễn biến cơn bão, đề nghị người dân chuẩn bị vật dụng gia cố nhà ở; nhiều hộ dân ở xã ven biển Tân Thành, Tân Điền đã tiến hành chằng chéo nhà cửa, tỉa bớt cành cây để hạn chế đổ ngả khi bão đổ vào...
Ông Phạm Văn Beo, ấp Đèn Đỏ, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông cho biết, cần phải rút kinh nghiệm để nhà cửa không bị thiệt hại như trận bão vừa qua.
Đến chiều 24/12, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sóc Trăng cũng đã đã di dời hơn 18.000 người dân đến nơi an toàn và toàn bộ phương tiện tàu cá đã vào nơi tránh bão an toàn.
Toàn tỉnh Sóc Trăng có 139.000 người dân trong và ngoài vùng đê bao biển phải di dời. Đến 17 giờ chiều 24/12, tỉnh đã di dời hơn 18.000 người trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn, nhiều gia đình ven biển cũng đã chằng chống lại nhà cửa, cho đá vào bao đặt trên mái tôn nhà để ứng phó với bão.
Bên cạnh đó, toàn bộ 1.198 tàu thuyền, trong đó có 350 tàu đánh bắt xa bờ đã kết nối được liên lạc vào các khu vực trú ẩn an toàn như Côn Đảo- Vũng Tàu trú ẩn, các tàu đánh bắt gần bờ đã và đang về các khu vực Mỏ Ó, Bãi Giá, cảng cá Trần Đề trú ẩn.
Đồng thời, UBND tỉnh Sóc Trăng cũng đã chỉ đạo tất cả các trường học trên địa bàn cho học sinh nghỉ học hai ngày (25 và 26/12) để tránh bão số 16.
Trong khi đó, tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo các ngành, đơn vị tạm hoãn các cuộc họp, công việc không cần thiết để tập trung chỉ đạo công tác ứng phó bão số 16. Cán bộ, công nhân, viên chức (trừ lực lượng trực tại cơ quan) được nghỉ từ chiều tối 25/12 đến hết ngày 26/12.
Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre đã thông báo cho các phương tiện biết hướng di chuyển của bão để tìm nơi tránh trú an toàn. Trong đó, đã thông tin kêu gọi 3.165 phương tiện với 15.873 người, 2.999 phương tiện đang neo đậu ở khu tránh trú bão; 82 phương tiện đang di chuyển vào bờ; 84 phương tiện đang di chuyển tránh trú bão ở nước bạn Indonesia và Malaysia.
Đồng thời, 510 phương tiện đang đánh bắt tại các địa phương khác đã liên lạc trực tiếp với chủ phương tiện để thông báo vị trí, hướng di chuyển của bão.
Ngoài ra, các trường học đã chủ động trong công tác phòng tránh, ứng phó, đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên, giáo viên và các trang thiết bị trường học và cho học sinh các cấp, sinh viên được nghỉ học từ ngày 25 đến hết ngày 26/12. Tổ chức hỗ trợ, sơ tán dân với số lượng hơn 22.000 người.
Đồng thời, tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo tạm hoãn các cuộc họp, công việc chưa cần thiết để tập trung công tác phòng tránh, ứng phó với bão; Chỉ đạo các ngành, địa phương sẵn sàng phương án ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”, “ba sẵn sàng”. Tuyên truyền, vận động khoảng 56.000 người dân có nhà ở tạm bợ, không đảm bảo an toàn tự di chuyển tránh trú nhờ nhà kiên cố, chắc chắn trong khu vực.
Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết: Tuyên truyền đến tận người dân để nắm bắt thông tin về cơn bão, di dân về nơi trú bão an toàn, từ cấp xã, ấp phải tích cực vận động người dân, không để chủ quan trong phòng chống bão./.
Theo Phan Ánh - Tấn Phong - Phạm Hải/VOV
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.