Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 28 tháng 10 năm 2020 | 21:24

Các tỉnh miền Trung bị thiệt hại nặng do cơn bão số 9

Do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão số 9 (bão Molave), nhiều tỉnh, thành miền Trung bị thiệt hại về người và tài sản. Các công sở, trường học trên địa bàn đã cho người dân ở nhờ, di cư tránh bão từ nhiều ngày trước.

ptt.jpg

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp đến một số khu vực dân cư để kiểm tra, đánh giá tình hình thiệt hại do bão số 9 gây ra. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra, đánh giá thiệt hại do bão số 9 tại Quảng Nam

Chiều tối 28/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã tới tỉnh Quảng Nam trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo các công tác khắc phục hậu quả do cơn bão số 9 (Molave) gây ra trên địa bàn.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao, biểu dương tinh thần quyết liệt vào cuộc của lãnh đạo, các cấp, ngành và nhân dân tỉnh Quảng Nam trong việc tập trung ứng phó với cơn bão mạnh, nhờ đó đã giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra.

Nhận định tình hình mưa lũ sẽ vẫn phức tạp do hoàn lưu của bão, Phó Thủ tướng đề nghị Quảng Nam hết sức chú ý ứng phó đồng thời khẩn trương khắc phục hậu quả cơn bão.

Phó Thủ tướng nêu rõ, chính quyền các cấp tỉnh Quảng Nam cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: Tìm kiếm bằng được những trường hợp hiện còn mất tích; giúp người dân sửa chữa, xây dựng lại nhà cửa, bảo đảm cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân.

"Tuyệt đối không để người dân 'màn trời chiếu đất', bị đói, bị thiếu thuốc men", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đồng thời, có phương án để kịp thời ứng phó với mưa lũ, trước hết là rà soát, sơ tán dân khỏi những khu vực nguy hiểm (ngập sâu, có nguy cơ sạt lở); bảo đảm vận hành an toàn hồ đập, không để xảy ra tác động tiêu cực; tập trung lực lượng với phương châm 4 tại chỗ để ứng phó với mọi tình huống.

Tập trung sửa chữa các công trình giao thông, truyền tải điện, thông tin liên lạc, trường học, bệnh viện, các công trình phục vụ sản xuất kinh doanh; xử lý môi trường sau bão, mưa lũ để bảo đảm vệ sinh, an toàn dịch bệnh; nhanh chóng phục hồi sản xuất, ổn định đời sống người dân.

*Theo thống kê sơ bộ của UBND huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam), sau 2 giờ phải gánh chịu với cơn bão số 9, khoảng 2.500 ngôi nhà bị tốc mái, rất nhiều trụ điện bị đổ do cây cối đè lên đường dây điện.

anh-nga-tru-dien.jpg
Một cây trụ điện tại xã Bình Sa bị nghiêng Ảnh: M.TÂN – Báo Quảng Nam

Lãnh đạo huyện Thăng Bình đã chỉ đạo yêu cầu các địa phương ngay lập tức huy động các lực lượng cứu hộ, cứu trợ để đảm bảo an toàn về người và tài sản cho người dân. Bên cạnh đó, sử dụng cưa máy để nhanh chóng dọn các cây ngã đổ ra đường làm thông tuyến. Tráng gây tắc nghẽn, mất an toàn giao thông.

Chiều tối cùng ngày, Tiểu đoàn 3 thuộc Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Trung bộ đóng tại xã Bình Phục đã được huy động để dọn dẹp, thu gọn các cây đổ theo tuyến đường của thị trấn.

 

Thừa Thiên - Huế: Hệ thống đê điều bị xói mòn, sạt lở

Do ảnh hưởng của mưa bão liên tiếp trong nhiều ngày qua, hệ thống đê điều của  Thừa Thiên - Huế xảy ra tình trạng bị xói mòn, sạt lở, gây mất an toàn cho người dân sinh sống xung quanh.

Cụ thể, đê đoạn qua xã Giang Hải, Vinh Mỹ, Vinh Hiền, huyện Phú Lộc tiếp tục bị xói lở dài hơn 4,0 km sâu vào 7-10m làm hư hỏng đường tỉnh lộ 21, khả năng mở cửa biển mới rất cao. Đê qua xã Phú Thuận, huyện Phú Vang dài hơn 3,0 km tiếp tục bị xói lở nặng sâu vào 7-10m ảnh hưởng các hộ dân, mất rừng phòng hộ. Đê qua xã Phú Diên tiếp tục bị xói lở hơn 2km; xã Phú Hải, huyện Phú Vang tiếp tục bị xói lở khoảng 1,5km; đê qua xã Hải Dương, TX Hương Trà tiếp tục bị xói lở khoảng 1km; đê qua xã Phong Hải, Phong Điền tiếp tục bị sạt lỡ bờ biển dài 3km chiều sâu xói lở từ  5-10m ảnh hưởng các hộ dân, mất rừng phòng hộ.

dsc_0027-1.jpg
Lực lượng quân sự huyện Phong Điền giúp dân giằng chống nhà cửa tại xã Phong Hải trước khi bão Molave đổ bộ vào đất liền. Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế

Bờ sông Hương đoạn qua xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà tiếp tục bị sạt lở với chiều dài khoảng 100m; bờ sông Bồ đoạn qua thôn Bồ Điền, Phong An, huyện Phong Điền bị sạt lở 150m, sâu 5m.

Hiện nay, các địa phương đã bố trí lực lượng túc trực 24/24h tại các đoạn đường thường bị ngập lụt, các bến đò ngang đảm bảo an toàn về người và phương tiện tham gia giao thông. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra cảnh báo cho người dân biết các khu vực nguy hiểm để phòng tránh các tai nạn có thể xảy ra.

 

Quảng Ngãi bị thiệt hại nặng

Vào lúc 12h30 ngày 28/10, tâm bão đã đổ bộ vào tỉnh Quảng Ngãi. Cơn bão mang theo sức gió lớn đã làm cây cối ngoài đường đổ la liệt. Toàn bộ mái tôn, mái ngói, kính vỡ bay theo từng cơn gió.

 

quang-ngai-1-1603865337656.jpg
Nhà sập, mái tôn bay ở Quảng Ngãi.  Ảnh: Nguyễn Minh Hiền – Báo Quảng Ngãi

Tại xã Nghĩa Hà, thành phố Quảng Ngãi có một gia đình kêu cứu vì bão quá mạnh. Mặc dù đã nhiều lần vận động nhưng gia đình này hôm qua không chịu sơ tán. Bây giờ Chính quyền tỉnh và thành phố đã làm hết sức nhưng không thể để lực lượng cứu nạn ra đường lúc này.

 Mới đây, có 3 hộ gia đình ở thôn Nước Nia, huyện Sơn Hà chạy ra khu nhà trống đã di dời nhưng gió quá mạnh, số hộ này gọi điện cầu cứu lãnh đạo huyện. Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà đã điều động phương tiện ra đưa 3 hộ với 20 nhân khẩu này đến nơi trú ấn.

Tỉnh Quảng Ngãi cũng đã khuyến cáo người dân chưa được ra khỏi nhà lúc này. Chủ tịch UBND tỉnh ban hành công điện và yêu cầu người dân ở yên nơi sơ tán.

Sức ảnh hưởng của cơn bão quá lớn làm cho cây cối đổ ngổn ngang, cản trở giao thông. Các lực lượng chức năng đã tập hợp, chung tay dọn dẹp cây cối sau khi cơn bão đi qua để có thể lưu thông đường bộ.

he_thong_dien_2.jpgCông nhân ngành điện khắc phục sự cố sau bão.

Gây mất điện gần 600 xã, phường  

Do ảnh hưởng của bão số 9, tại các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bịnh Định, Phú Yên có mưa to và gió mạnh, gây mất điện gần 600 xã, phường.
 

Đến 17h ngày 28/10, về lưới điện 110kv, các đơn vị đã chủ động cắt điện và bị sự cố 34 đường 110kv và 17 trạm biến áp 110kv. Về lưới điện trung áp, mạng lưới điện do Tổng công ty Điện lực miền Trung quản lý bị mất điện 21.863 trạm biến áp, hiện đã khôi phục được 4.953 trạm, còn 16.910 trạm đang tiếp tục khôi phục. Hơn 1,7 triệu khách hàng bị mất điện.

 

Theo thống kê ban đầu, bão số 9 đã gây thiệt hại nặng nề về tài  sản. Số liệu cập nhật lúc 17h như sau:

-  Nhà sập: 34 nhà (Quảng Ngãi: 09, Bình Định: 23, Phú Yên: 01, Gia Lai: 01)

-  Nhà tốc mái: 56.163 nhà (Quảng Ngãi: 53.390 (đang đề nghị Quảng Ngãi phân loại cụ thể mức độ thiệt hại), Bình Định: 2.588, Phú Yên: 44, Gia Lai: 109, Kon Tum: 32).

-  Trụ sở cơ quan bị tốc mái, hư hỏng: 31 (Quảng Ngãi).

-  35 điểm trường bị tốc mái, hư hỏng (Quảng Ngãi: 28; Gia Lai: 03, Kon Tum: 4).

-  01 cầu treo huyện Kon Rẫy bị cuốn trôi, chia cắt 115 hộ/680 người thôn 11, xã Đắc Ruồng.

-  Sạt lở gây ách tắc giao thông tại 14 điểm trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Bão số 9 cũng làm 26 người hiện đang mất tích trên 2 tàu của Bình Định chìm ngày 27/10. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng điều 02 tàu Hải quân và 02 tàu kiểm ngư từ Cam Ranh ra cứu hộ.

"Bão đã làm sập những nhà yếu, tốc mái hầu hết nhà cấp 4 và những công trình có mái lợp; cây cối đổ rất nhiều, thiệt hại rất nặng nề, đặc biệt ở Quảng Ngãi và một số địa phương”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thông tin tại cuộc họp khẩn trưa 28/10 tại Ban chỉ đạo tiền phương. Bão lưu lại rất lâu, nên ảnh hưởng của cơn bão là rất lớn.

Theo báo cáo nhanh từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, tính đến 13 giờ 30 phút, ngày 28/10, bão số 9 với cường độ mạnh đã làm 934 nhà bị tốc mái, hư hỏng. Trong đó, thị xã Đức Phổ (300 nhà), huyện Sơn Tịnh (493 nhà), Tư Nghĩa (70 nhà), Trà Bồng (22 nhà), Sơn Tây (16 nhà), Ba Tơ (32 nhà), Sơn Hà (1 nhà). Riêng ở huyện Tư Nghĩa đã có 1 nhà bị sập đổ; 01 trụ BTS Vinaphone ở xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ bị đổ.

Bão số 9 cũng làm 31 trụ sở cơ quan và 28 trường học bị tốc mái, hư hỏng. Chợ Sông Vệ, huyện Tư Nghĩa bị hư hỏng. Mưa bão cũng làm một số ca nô, thuyền neo trú tại Cồn An Vĩnh bị bứt neo, sóng lớn đánh chìm.

Trưa 28/10, ông Lê Đình Phương, Chủ tịch UBND xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum cho biết: Do lượng nước đổ về lớn, đột ngột nên cây cầu sắt bắc qua suối Đăk Pne, nối thôn 2 đến UBND xã đã bị cuốn trôi, chia cắt khoảng 500 hộ dân, theo TTXVN.

Còn theo báo cáo của Ban chỉ đạo tiền phương, ngập lụt cũng gây chia cắt 02 thôn/259 hộ/1.225 người tại xã Ngọk Réo, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum.

 

 

 

 

 

Công Ngọc (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top