Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 22 tháng 8 năm 2016 | 8:39

Cam Đường đổi thay trong từng căn nhà, ngõ xóm

Những năm gần đây, do ảnh hưởng bởi các dự án xây dựng như: Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cụm trung tâm xã… nên diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở TX Cam Đường, TP Lào Cai (Lào Cai) bị thu hẹp đáng kể. Mặc dù vậy, nhờ có hướng đi đúng trong chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi cùng sự hỗ trợ về nguồn vốn chính sách, nên đời sống kinh tế người dân Cam Đường đổi thay rõ nét.

Trang trại được đầu tư từ vốn vay ưu đãi của hộ anh Châu Văn Phúc

Niềm vui thoát nghèo

Trở lại Tả Phời, đi trên con đường trải nhựa thuận lợi, giữa màu xanh của những ruộng lúa đang kỳ trổ bông, chúng tôi không khỏi vui mừng khi những căn nhà tạm được thay thế bằng những ngôi nhà xây khang trang, cuộc sống của đồng bào các dân tộc Giáy, Tày, Dao, Mông, Xa Phó, Kinh nơi đây có nhiều khởi sắc.

Chúng tôi tìm đến nhà anh Châu Văn Phúc, người dân tộc Giáy, ở thôn Đá Đinh 2, là hộ sản SXKD giỏi của xã và vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen. Trong ngôi nhà được làm theo kiểu truyền thống có đầy đủ tiện nghi, anh Phúc bắt đầu câu chuyện: “Trước đây, gia đình thuộc diện khó khăn của thôn do thiếu vốn, thiếu sức kéo trong sản xuất nông nghiệp và thiếu lao động. Năm 2008, thông qua Hội Nông dân xã, gia đình được vay vốn chương trình hộ nghèo. “Được vay 30 triệu đồng, chúng tôi vừa mừng vừa lo, bởi đây là khối tài sản rất lớn. Vợ chồng tôi bàn bạc làm gì để có hiệu quả kinh tế, cuối cùng thống nhất sẽ đầu tư vào nuôi trâu sinh sản, phù hợp với điều kiện gia đình và số vốn vay”.

Trời không phụ người khó, việc chăn nuôi của gia đình anh Phúc thuận lợi. Con Trâu ban đầu sinh ra lứa nào đều nuôi được, bán được. Năm 2013, sau khi đã trả xong nợ gốc cho ngân hàng, anh tiếp tục được vay 30 triệu đồng vốn chương trình hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn. Có thêm nguồn vốn, anh Phúc tiếp tục mở rộng chuồng trại nuôi gà, vịt và cải tạo ao nuôi cá. Hiện nay, trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh Phúc thu về khoảng trên 100 triệu đồng. Đầu năm 2016, gia đình anh đã trả hết nợ cho NHCSXH. Từ hộ khó khăn trở thành hộ khá giả, gia đình anh Phúc có của ăn của để, có sẵn vốn lớn để đầu tư sang các đối tượng khác mà không cần phải vay vốn ngân hàng nữa, con cái cũng được ăn học đầy đủ.

Gia đình chị Đoàn Thị Kết, thôn Phời 3, xã Tả Phời là một trong những hộ điển hình sử dụng hiệu quả nguồn vốn hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn trong sản xuất. Chị cho biết, trước đây, gia đình chị chỉ làm ăn buôn bán nhỏ lẻ, thu nhập bấp bênh, tuy nhiên, khi có chính sách vay vốn, gia đình chị đã mạnh dạn vay 30 triệu đồng vốn ưu đãi đầu tư sản xuất nuôi cá chép, cá trắm, cá rô phi thương phẩm. Đồng thời, gia đình chị cũng tập trung vào sản xuất chăn nuôi lợn.

Mỗi năm, gia đình chị thu hoạch 2 vụ cá với giá bán 50 - 70 nghìn đồng/kg cùng với xuất từ 1 - 2 tấn thịt lợn, trừ các chi phí, gia đình cũng thu lãi về từ 120 - 130 triệu đồng. Từ nguồn vốn ban đầu, đến nay gia đình chị đã xây dựng được cơ ngơi về ao, chuồng trại, cơ sở buôn bán nhỏ,… tạo nguồn thu nhập ổn định hàng năm cho gia đình. Thời gian tới chị cũng cho biết, gia đình chị sẽ tiếp tục đầu tư nhằm nâng cấp hệ thống chuồng trại và triển khai làm mô hình VAC nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Ngoài gia đình anh Châu Văn Phúc, chị Đoàn Thị Kết còn nhiều hộ đồng bào DTTS, hộ khó khăn khác trên địa bàn xã Tả Phời nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung được tiếp cận vốn vay ưu đãi và đã thoát nghèo, thậm chí trở thành những triệu phú nông dân.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Tả Phời chia sẻ: “Những năm qua, nhờ tiếp cận cận với nguồn vốn vay chính sách, nên người dân trong xã đã có điều kiện để phát triển kinh tế. Nhiều gia đình xóa được nhà tạm, các em HSSV có điều kiện để theo học lên cao hơn, nhiều hộ dân biết tận dụng nguồn vốn vay để đầu tư chăn nuôi và trồng trọt… góp phần vào công tác giảm nghèo và chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã”. Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Tả Phời, cái hay là ở chỗ người dân được vay nguồn vốn này, không phải thế chấp tài sản, lãi suất lại rẻ, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của đồng bào nông thôn, miền núi.

Nguồn vốn còn thiếu

Lãnh đạo NHCSXH TX Cam Đường cho biết, đơn vị hiện đang triển khai thực hiện 12 chương trình tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ tính đến hết tháng 6/2016 đạt gần 138 tỷ đồng với 6.127 hộ đang dư nợ. Trong quá trình hoạt động, công tác bám sát cơ sở, nắm vững tâm tư, nguyện vọng của người dân trên địa bàn luôn được các cán bộ quan tâm, chú ý nhằm tạo điều kiện cho bà con được tiếp xúc với nguồn vốn vay và phát huy hiệu quả nguồn vốn. Đặc biệt, với những địa bàn xã khó khăn, cán bộ ngân hàng xuống thường xuyên xuống cơ sở trao đổi trực tiếp với người dân về những vướng mắc về thủ tục vay vốn, thông tin về các chương trình tín dụng. Bên cạnh đó, đơn vị phối hợp với cán bộ khuyến lâm, nông định hướng, hướng dẫn hộ vay tập trung đầu tư vốn vào một số cây trồng, vật nuôi có lợi thế của địa phương luôn được

Nguồn vốn vay ưu đãi trong sáu tháng đầu năm đã giúp cho 277 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có vốn phát triển SXKD; thu hút và tạo việc làm cho 380 lao động; cải tạo, xây dựng 147 công trình nước sạch và vệ sinh…

Tuy nhiên, theo lãnh đạo NHCSXH TX Cam Đường, toàn thị xã hiện có 3/14 xã, phường đặc biệt khó khăn, đến cuối năm 2015, nhu cầu vay vốn của hộ dân trên địa bàn lớn song nguồn vốn cho vay không đủ, nhất là cho vay vốn giải quyết việc làm, trong khi tỷ lệ hộ nghèo thấp, chỉ chiếm 1,17% tổng số hộ dân nhu cầu vay vốn các chương trình, số hộ cận nghèo 987 hộ chiếm 3,93%.

Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu vay vốn cũng như tạo bước đệm cho bà con vươn lên thoát nghèo bền vững, giờ đây mong muốn của NHCSXH là các cấp các ngành địa phương quan tâm, bố trí nguồn lực hỗ trợ để đáp ứng nhu cầu vay vốn, tạo việc làm cho người dân.

PV.

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top